Con cái Chúa chúng ta muốn gì nhất ? Trên bước đường theo Chúa, điều chúng ta đều biết đó là “phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi… (và) phải yêu kẻ lân cận như mình” vì “Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.” (Mác 12:30-31). Cho phép tôi tin rằng chúng ta đều ao ước nhiệt thành nhất là làm sao giữ được lòng trung tín với hai điều răn trên của Chúa Jêsus.

Người Việt ta thường hay có ấn tượng xấu về hai chữ dục vọng, vì hiểu nghĩa của hai chữ này là ham muốn thú xác thịt. Nhưng thực ra dục vọng chỉ có nghĩa là muốn, ham muốn, ước vọng nhiệt lòng.

Một triết gia người Pháp, ông Jacques Derrida, đã viết : Chỉ khi nào thời gian, với một bàn tay không biết chán, xé hết quá phân nửa số trang sách của đời người để đốt lò dục vọng, thì lúc ấy con người mới bắt đầu nhận thấy những trang còn lại của đời người không còn được bao nhiêu nữa.

Có người cho rằng con người đến tuổi nào đó dục vọng sẽ nguội dần, và nắp quan tài là cánh cửa khép kín dục vọng để con người ra đi trong hối tiếc của một giấc mơ không tròn.

Dục vọng được tượng hình là một lò lửa hực, là cái túi không đáy. Lửa cho con người nhiệt huyết để lao tâm, lao lực, lừa lọc, bon chen, nghị lực phấn đấu, xả thân đấu tranh hầu đạt được điều lòng mình ao ước. Nhưng lòng tham vô đáy của người trần thế có bao giờ thỏa mãn được.

Nhiều triết gia, nhiều nhà mô phạm đạo đức thấy con người quá lao khổ để thỏa mãn dục vọng rồi suy nhược cho rằng dục vọng là nguồn cội của đau khổ, rồi đề ra phương pháp tiết dục, diệt dục để thoát đau khổ. Nhưng thử hỏi làm sao diệt dục được khi thân xác còn sống động với đầy đủ mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý muốn. Nội tham vọng diệt dục cũng là dục, là muốn rồi. Ông Emile Henriot, một văn sĩ Pháp đã có tham vọng sau : Tham vọng duy nhất của tôi là chẳng có tham vọng nào cả - Ma seul ambition ? N’avoir jamais d’ambition.

Thật ra dục vọng trong con người không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ. Lửa rất cần cho cuộc sống, để nấu nướng, để sưởi ấm. Nhưng dùng lửa để thỏa giận, làm hại người khác như đốt nhà, phá hại mùa màng của họ, thì tội lỗi là cái chắc. Muối không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng nếu uống nước muối một hai ngày thì làm sao tránh khỏi cái chết.

Dục vọng chính là thứ tình cảm ắt có của con người, là điều khác biệt con người với muôn loài vật. Dục vọng của con người chỉ gây tác hại trên cuộc sống nhân loại khi dục vọng xoay ngược chiều với Đức Chúa Trời, Đấng ban nó cho loài người, khi Ngài phán : “hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Sáng-thế ký 1:28), đó là chiều mà con người chỉ chú trọng thế gian cùng mọi sự vinh hiển của thế gian làm cứu cánh cho dục vọng : “… các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy” (Ma-thi-ơ 4:8).

Cái muốn hay điều ước mơ thì nhiều, nhưng tại một thời điểm nào đó, cái muốn có thể không ăn khớp với những gì ấp ủ trong tâm. Một chàng thanh niên bước vào quán sách bên đường. Cô hàng xinh xắn đon đả chào mời : Thưa anh, anh muốn mua gì ? Chàng thanh niên si tình chậm rãi trả lời : Thưa cô, tôi muốn cưới cô làm vợ, tôi muốn tạo một gia đình êm ấm, và những đứa con ngoan với cô và muốn nhiều nữa. Nhưng ngay bây giờ, tôi muốn mua một hộp bút chì và một cục tẩy.

Điều ước mơ của con người thì nhiều : - Phải có danh gì với núi sông, xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài tan - Phải có tiền để sống thoải mái như bao người khác - Phải có vợ đẹp con khôn – “Muốn nhiều lắm, nói sao cho hết – Cả cuộc đời, đến chết mới thôi”.

Nhưng bây giờ muốn :

Người đói khát - Danh vọng không màng, gấm vóc không ham, tiền bạc châu báu không màng, người đói chỉ muốn một miếng ăn tầm thường, người khát nơi sa mạc mong có một ngụm nước mát, ngụm nước này đáng giá hơn mơi thứ quý giá nơi cọi trần.

Người bệnh tật - Sức khỏe thật quý hơn vàng. Khi Chúa Jêsus hỏi người ăn mày mù Ba-ti-mê rằng : “Ngươi muốn ta làm chi cho ngươi? Người mù thưa rằng: Lạy thầy, xin cho tôi được sáng mắt” (Mác 10:51).

Những người vượt biển chỉ ao ước được một con tầu cứu vớt hoặc cập được một bến an toàn tự do bên bờ đại dương.

Một tử tội - niềm mong ước duy nhất là tờ giấy ân xá.

Một người sau bao ngày tầm đạo, sau bao ngày suy nghĩ bỗng nhận thức được rằng mình là một kẻ có tội trước mặt Đức Chúa Trời như Lời Kinh Thánh : “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23),  đang ở dưới cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vì mình : ..không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó (mình)” (Giăng 3:36), thì chắc chắn ước mong đầu tiên là “tôi phải làm chi cho được cứu rỗi” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:30).

Còn có những thứ mơ ước ngây thơ buồn cười, những thứ mơ ước thật tầm thường nghịch lý, những thứ mơ ước viển vông.

Một em bé hai ba tuổi muốn được viên kẹo, chứ không muốn tờ giấy năm đồng, vì em ngây thơ chưa biết với năm đồng em có thể mua được nhiều bao kẹo.

Một thiếu niên muốn rong chơi hơn là cặm cụi với đèn sách, vì cậu này muốn một thứ trước mắt thật tầm thường, không cần để ý tới tương lai về lâu về dài.

Một người muốn giầu sang nhưng không muốn lao tâm lao lực trong  việc làm, thích đi du lịch đây đó, đây là loại mơ ước viển vông.

Chó sói đội lốt chiên, thấy cỏ thì chán, thấy thịt thì thèm, đây là loại muốn bị đè nén, chó sói có thể bất tử hiện nguyên hình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Còn con cái Chúa chúng ta muốn gì nhất ? Trên bước đường theo Chúa, điều chúng ta đều biết đó là “phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi… (và) phải yêu kẻ lân cận như mình” vì “Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó.” (Mác 12:30-31). Cho phép tôi tin rằng chúng ta đều ao ước nhiệt thành nhất là làm sao giữ được lòng trung tín với hai điều răn trên của Chúa Jêsus.