Ký ức là trí nhớ của việc đã qua, là khả năng hồi tưởng. Giáo sư Charcot định nghĩa : Ký ức là khả năng của trí tuệ mà tác dụng là bảo tồn những ý thức rõ rệt hay mơ hồ của cảm giác đã qua.

Biết bao người đã có một thời và một thời đã qua. Bỗng ngày nay, người thì bị giam ở nhà với cô đơn, bệnh tật của tuổi già, với sự trống rỗng, quạnh hiu, người thì tự nhốt mình trong công việc hằng ngày để rồi cuối tháng hay cuối tuần lãnh lương. Giờ phút nào rảnh rỗi, tỉnh táo, tâm trí lại lui về với dĩ vãng để “sống” với thời xa xưa.

Nhiều vị cao niên bị con cháu than phiền là thích kể chuyện đời xưa, thích giảng luân lý của đầu thế kỷ 20. Khi còn ở Việt Nam thì là…. thì là…Đặt lưng xuống để dỗ giấc ngủ, “cái ngủ” đi chơi, nhưng mái nhà xưa, lối đi cũ, hàng phượng vĩ, cánh đồng lúa chín thơm ngào ngạt mon men tới. Rồi hình ảnh những người thân yêu, quen biết ngàn trùng xa cách hiện về lướt nhẹ trong tiềm thức. Nhớ quá, “Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày biếng ăn”.

Nhớ! Thôi nhớ làm gì cho mệt.. Mệt thật, nhưng không nhớ không được. Nhớ hay là ký ức. Không có ký ức, chúng ta không nhớ mặt chữ để viết, để đọc. Không có ký ức, chúng ta không nhận ra cái “tôi” của mình nữa.

Các triết gia Aristote, Platon, St. Augustin, các nhà tâm lý học Bergson, Gusdort là những nhà tiền đạo trong lãnh vực nghiên cứu ký ức.

Ngày nay các khoa học gia đã tận lực khảo cứu kỹ thuật ký ức, để tạo nên những máy điện toán có lượng ký ức hàng ngàn hàng vạn gigabytes, hệ thống điều khiển vệ tinh nhân tạo, phi thuyền thám hiểm không gian, máy móc với sự thông minh như người máy robot và dụng cụ cá nhân, máy móc dùng trong nhà v.v.

Ký ức là trí nhớ của việc đã qua, là khả năng hồi tưởng. Giáo sư Charcot định nghĩa : Ký ức là khả năng của trí tuệ mà tác dụng là bảo tồn những ý thức rõ rệt hay mơ hồ của cảm giác đã qua. Thuyết duy vật cho rằng ký ức chỉ là một chức năng hoàn toàn máy móc của não bộ. Các nhà tâm lý học hiện đại cho rằng ký ức là hoạt động phức tạp ở trung khu não cân, là điều kiện thiết yếu của các sinh hoạt tâm lý. Các nhà xã hội học  cho rằng ký ức giúp ta thích nghi phản ứng của mình với những sự kiện mới do sự đối chiếu với những kinh nghiệm đã qua, do đó nhờ ký ức con người càng ngày càng văn minh hơn. Các bác sĩ y khoa, chuyên gia trong lãnh vực não bộ đã định được vị trí của phần não bộ có chức năng ký ức. Khi phần não bộ này vì lý do nào đó bị suy nhược hay thoái hóa, chúng ta hay quên.

Con người có ký ức lại có chuyện quên, nên con người phải nghĩ ra nhiều cách để nhớ. Nào là ghi lại một sự việc trên giấy, thâu một hình ảnh và lời nói vào video, vẽ một dấu hiệu, dựng một đài kỷ niệm v.v…để lỡ quên, đọc lại là nhớ, nghe và xem lại là nhớ, thấy đó nhớ liền.

Thường lúc còn trẻ, nhiều người có trí nhớ tốt. Học đâu nhớ đó, làm gì nhớ đấy, liếc một cái là nhớ nằm lòng. Trên đường đời, có một trí năng vững chắc tức là đã chiếm hữu được yếu tố quyết định của thành công.

Thưa quý vị chưa là người Cơ-đốc,

Cái đích mà chúng ta mong đạt được là sự cứu rỗi, sự sống đời đời. Đề đạt được mong ước đó, tôi tin rằng chúng ta không cần đến trí nhớ tốt, nhưng cần nhớ một vài điều quan trọng :

1. Chúng ta phải nhớ rằng : “Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vậy gì tay mình đem theo được” (Truyền-đạo 5:15). Và  chúng ta chỉ mang theo mình một bản án mà Đức Chúa Trời đã định rằng : “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4), là “chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36) vì chúng ta đều là người có tội.

2.    Chúng ta phải nhớ rằng : “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.” (Rô-ma 5:8). Hình ảnh thập tự giá nhan nhản khắp nơi nhắc ta nhớ đến Chúa Jêsus là Đấng đã vì tội lỗi chúng ta mà chịu chết một cách đau thương và nhục nhã trên thập tự giá đền tội của chúng ta trong án phạt của Đức Chúa Trời. “nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Ê-phê-sô 2:5). Tôi tin rằng Chúa biết chúng ta hay quên ơn cứu rỗi mà Ngài dành cho chúng ta từ khi Chúa Jêsus lìa thiên đàng giáng hạ làm người nơi trần thế. Người trần thế qua niên lịch được nhắc nhở về sự giáng thế của Chúa Jêsus. Năm nay 2015. Ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta 2015 năm nay và còn ban cho chúng ta đến ngày Chúa Jêsus từ trời trở lại. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta đang ở trong ngày Cứu-Rỗi bởi Ân-Sủng của Chúa.

3.    Chúng ta phải nhớ rằng : “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:12). “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Và “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó.” (Giăng 3:36). Vậy chúng ta phải nhớ tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình.

4.    Chúng ta phải nhớ rằng “Kìa, hiện nay là thì thuận tiện; kìa, hiện nay là ngày cứu rỗi!” (II Cô-tinh-tô 6:2). Nên “Ngày nay nếu các ngươi nghe tiếng Ngài, Thì chớ cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 4:7) mà “trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy” (Hê-bơ-rơ 2:3).

Ước mong quý vị nhớ những điều trên, và đạt được sự cứu rỗi hôm nay.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta cần nhớ hai điều trong cuộc sống theo Chúa :

1.    Lời Chúa nhắc chúng ta rằng : “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:8). Chúng ta cần nhớ đọc Kinh Thánh, rồi Chúa Thánh Linh “sẽ dạy dỗ các ngươi (chúng ta) mọi sự, nhắc lại cho các ngươi (chúng ta) nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng 14:26) để chúng ta “vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài” (Phi-líp 2:13).

2.    Lời Chúa nhắc chúng ta rằng : “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26), và mỗi lần chúng ta dự tiệc thánh là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở đến trách nhiệm, “rao sự chết của Chúa” để loài người được cứu rỗi, mà Chúa giao phó.

Mong rằng con cái Chúa chúng ta nhớ hai điều trên.

 

Vài lời tâm sự

Nghe tin tức hằng ngày qua các đài truyền thanh (radio), truyền hình (TV), tôi cảm nhận được người trần thế ngày một lánh xa hoặc nhạo báng Lời Chúa. Còn tiếng nói của con cái Chúa hầu như không được phát thanh hay phát hình. Lòng con cái Chúa chúng ta nghĩ gì đây ? Xin chia sẻ cùng quý anh chị con cái Chúa những câu Kinh Thánh sau đây :

Thi-thiên 139:20-22

Chúng nó nói nghịch Chúa cách phớm phỉnh, Kẻ thù nghịch Chúa lấy danh Chúa mà làm chơi. Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi há chẳng ghét những kẻ ghét Chúa ư? Há chẳng gớm ghiếc những kẻ dấy nghịch Chúa sao? Tôi ghét chúng nó, thật là ghét, Cầm chúng nó bằng kẻ thù nghịch tôi.