Sự cảm nhận với trí tưởng tượng trong lãnh vực tâm linh giúp chúng ta đạt đến đỉnh cao của đức tin, hai chân đặt trên đất mà đầu ngước lên trời. Trí tưởng tượng trong niềm tin đích thực cho ta một hi vọng và một lý tưởng trong sự sống.

Ông Bộ Trưởng Bộ An Sinh Xã Hội tới thăm một bệnh viện tâm thần. Ông hỏi thăm một bênh nhân đã hồi phục khả quan :

-Anh ở đây thế nào ? Tâm trí đã khá chưa ?

-Ở đây chữa bệnh tốt lắm. Ông mới vào hả ? Ráng ở đây, thế nào cũng được chữa lành.

-Không, tôi là Bộ Trưởng An Sinh Xã Hội.

-Ồ, ông còn bệnh nhẹ lắm. Khi tôi vào đây, tôi xưng là Tổng Thống.

Giáo sư George Dumas, một vị Bác Sĩ và cũng là một nhà tâm lý học người Pháp (1866-1946), chuyên nghiên cứu về bệnh lý học cân não đã nói : “Không có người nào bình thường cả, không một người nào quân bình về cân não”. Điều này có nghĩa là mọi người đều có chất “không ở thế thường” trong tâm trí mình, không nhiều thì ít. Chất không ở thế thường đó trong con người khiến ta có sự tưởng tượng, suy tưởng khác thường. Biết bao nhà bác học, biết bao kẻ quyền thế đã thú vị nuôi dưỡng chất không ở thế thường ấy một cách tự nguyện, khiến cho thế giới phải điên đảo, với một Tần Thủy Hoàng khùng, một Hitler điên, một Các-mác khật khờ và với ngàn ngàn vị không ở thế bình thường khác.

Những nhà tâm lý học cho rằng tưởng tượng là một chức năng của trí óc giúp chúng ta gom góp những ý kiến một cách đặc sắc và bất ngờ. Người xưa nhìn con ngựa đẹp đẽ, hùng dũng chạy nhanh như gió, nhìn con chim với đôi cánh bay thật nhanh, trí tưởng tượng của họ ghép hai ý tưởng lại với nhau tạo thành một hình ảnh khác hẳn : Con ngựa có cánh, ngựa chạy như bay. Trí tưởng tượng cho người ta hình ảnh : đầu trâu mặt ngựa, hình người mặt thú hay mình thú đầu người. Những hình ảnh này không thiếu gì trong chuyện tích thần thoại.

Những người duy vật cho rằng duy vật là sản phẩm của bộ óc, như mật là chất bài tiết của gan.

Giới văn nghệ sĩ lại cho tưởng tượng là trực giác, là gợi cảm. Victor Hugo đã nhìn bầu trời là cánh đồng mênh mông mà các vì sao là những hạt giống do Đức Chúa Trời rải ra.

Có người lại cho rằng tưởng tượng là phương tiện để thoát ra khỏi sự thật, vì sự thật thường thiếu những tính chất chân, thiện, mỹ, thường bi thương, chán ngán. Con người đôi lúc phải dùng tưởng tượng để đi vào thế giới của những điều mình mơ ước.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đối với con cái Chúa chúng ta, cảm nhận dùng trí tưởng tượng là cảm quan để khám phá ra sự tương quan bí ẩn giữa thế giới con người và Thượng Đế.

Khi Đức Chúa Jêsus đến thế gian làm Cứu Chúa, Ngài chịu chết trên thập tự giá, Ngài bị chôn, Ngài sống lại, Ngài thăng thiên về trời để hoàn tất sự cứu rỗi cho loài người, nghĩa là đem loài người đến với Đức Chúa Trời. Ngài đã phán một cách cụ thể rằng : “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Lời Ngài phán bắt ta phải cảm nhận qua trí tưởng tượng rằng Ngài là đường đi mà đức tin của ta là đôi chân tâm linh đặt trên con đường đó, để đi đến sự giao hòa với Đức Chúa Trời.

Khi đọc câu chuyện nói về đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32), ta tưởng tượng ra rồi cảm nhận được rằng Đức Chúa Trời là Cha nhân từ bằng lòng đón nhận chúng ta, những đứa con hoang đàng tội lỗi khi biết quay đầu trở về với Ngài.

Chúng ta qua quen thuộc với bức tranh vẽ Chúa Jêsus tay cầm trượng, tay ẵm chiên con, dẫn dắt một bầy chiên đi sau Ngài. Người họa sĩ đã tưởng tượng và mô tả lời phán của Chúa “Ta là người chăn chiên hiền lành” (Giăng 10:11), và chúng ta an tâm trong nguy khốn vì ta cảm nhận được Chúa là người chăn chiên hiền lành. Ngài ở bên ta suốt đời, nên “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi” (Thi-thiên 23:4).

Con cái Chúa nào tưởng tượng và cảm nhận được lời Chúa phán : “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:2,3), thì chắc chắn có đồng tâm trạng với các Thánh ngày xưa : “thế gian không xứng đáng cho họ ở” (Hê-bơ-rơ 11:38).

Thánh Phao-lô đã tưởng tượng và cảm nhận được sự vinh hiển hầu đến nên tuyên bố : “Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta” (Rô-ma 8:18), nên đã “bắt chước Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 11:1) “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2) trên bước đường theo Chúa và hầu việc Chúa.

Biết bao đầy tớ Chúa và con cái Chúa đã tưởng tượng và cảm nhận được : “Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống;….Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải-huyền 20:12,15), nên vui lòng dâng trọn đời mình làm kẻ giảng Tin Lành để đem người trần thề đến sự cứu rỗi trong Danh Chúa Jêsus. Lắm lúc họ bị khinh chê, bạc đãi, tù đày hoặc bị giết chết. Tất cả mọi sự đó không ngăn chặn được họ trên bước đường truyền giáo. Họ đã cảm nhận được qua trí tưởng tượng, và họ đã “thấy”. Họ đồng thanh với Thánh Phao-lô : “Vì Tin Lành đó mà ta chịu khổ …. ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2:9,10).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sự cảm nhận với trí tưởng tượng trong lãnh vực tâm linh giúp chúng ta đạt đến đỉnh cao của đức tin, hai chân đặt trên đất mà đầu ngước lên trời. Trí tưởng tượng trong niềm tin đích thực cho ta một hi vọng và một lý tưởng trong sự sống : “Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy” (II Cô-rinh-tô 4:18).