Trong cộng đồng con cái Chúa chúng ta, hãy bởi lòng yêu thương mà khuyên bảo, phê phán nhau, hầu người bị phê phán nhận được “một vài lời lành giúp ơn .. và có ích lợi” (Ê-phê-sô 4:29) để người này có thể sửa chữa lỗi lầm của mình.

Muốn phê phán một sự việc, chúng ta phải suy xét kỹ càng, rồi nhận định xem thực chất thế nào, tốt xấu, sai đúng ra sao, chính xác là gì, để đi đến kết luận đứng đắn trung thực.

Khi bác sĩ Roux còn là một sinh viên nghiên cứu với vị thày là bác sĩ Duclaux tại CapeTown, Cộng Hòa Nam Phi (South Africa), đã có một câu chuyện như sau. Một hôm bác sĩ Duclaux đưa cho cậu sinh viên Roux một ít bột trắng đem đi phân chất tại phòng thí nghiệm. Chỉ một lát sau, anh chàng sinh viên tươi cười nói với bác sĩ Duclaux :

-Thưa bác sĩ, tôi cho đây là chất sulfate de cuivre.

-Anh cần thí nghiệm lại.

Lại một lát sau, cậu sinh viên Roux nói với bác sĩ bằng giọng chậm rãi :

-Thưa bác sĩ, tôi nghĩ đây là chất sulfate de cuivre.

-Anh nên cẩn thận làm thí nghiệm lại.

Sau vài giờ, cậu sinh viên Roux trở ra với vẻ mặt hậm hực :

-Thưa bác sĩ, đây đúng là chất sulfate de cuivre.

-Anh nói đúng. Bác sĩ Duclaux tiếp. Đây là chất sulfate de cuivre. Anh phải nhớ rằng, với hóa học, không thể có vấn đề “cho rằng”, “nghĩ rằng” mà phải “biết rõ” chắc chắn.

Trên bình diện khoa học, chúng ta có thể suy luận dựa vào những nguyên lý, những định luật, những đo lường, những thí nghiệm, những phản ứng để đoan chắc sự nhận định của mình là đúng. Nhưng trên bình diện con người, phần lớn chúng ta suy xét dựa trên bề ngoài, phiến diện đôi khi mơ hồ, và đi đến nhận định “tưởng rằng”, “nghĩ rằng”, “có thể là”… Chúng ta có thể rơi vào trường hợp nhận định theo bề ngoài “Con lợn có béo thì lòng mới ngon” hoặc “Giầu thì nhà cửa khang trang, Đức thời thân thế khang an rạng ngời, Lòng mà khinh khoát thảnh thơi, Rồi ra sẽ thấy hình hài tốt tươi ”, nên suy luận rồi nhận định “chọn mặt gửi vàng”. Nhưng đến khi vàng mất, mới hỡi ôi cái mặt “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Thôi thử nghe nhận định theo lý, theo luật. Hai nhóm người đánh lộn nhau thì đúng là gây rối trị an. Hai nước đánh nhau, nước nào cũng nói là để bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ, và mưu tìm hòa bình thật sự. Lấy của ai vật gì, bị gọi là đứa ăn cắp, lấy cả nước người khác thì được tôn làm anh hùng. Giết một người là kẻ sát nhân, giết hàng ngàn người là kẻ chiến thắng. Được làm vua – hoan hô cách mạng thành công. Thua làm giặc - Đả đảo bọn phản loạn. Luật phải được cải tổ; chính sách phải được xét lại. Lời phê phán hữu hiệu là lời phê phán của luật sư, của quan tòa, của những nhà làm luật và thi hành luật, nhưng khôi hài thay, người này cho người kia nhận định nhầm, sự đoán xét hay kết án có thể đúng, có thể sai. Đố biết ai phải ai trái. Thôi thì đủ trò lố lăng tại các quốc gia nhược tiểu, các quốc gia độc tài hay các quốc gia dân chủ giả dạng : Hạ bệ, phục hồi danh dự, suy tôn, xét lại, v.v..

Thôi chúng ta thử xem sự nhận định theo lương tâm của người trần thế trong hai câu chuyện sau.

Hai đứa bé vừa bẻ trộm ổi bên hàng xóm ngồi ăn ngon lành.

-Ăn ổi ngon thật, nhưng lương tâm tao cắn rứt quá.

-Ôi bầy đặt, ăn nhằm nhò gì mấy trái ổi. Họ có cả vườn.

-Tao cũng nghĩ vậy, nên lương tâm trách móc tại sao hái ít vậy.

Vào một đêm đông giá buốt, trên con đường vắng, một tên cướp cạn chận một người bộ hành đoạt hết cả tiền bạc và lột luôn cả bộ áo ấm nữa. Người bộ hành run rẩy trách móc :

-Anh thật vô lương tâm. Anh đã lấy hết tiền bạc của tôi, còn lột cả quần áo tôi, để tôi phải bị lạnh như thế này.

-Anh đừng nhận xét, phê phán khắt khe như vậy. Gặp đứa khác vô lương tâm, nó lấy hết, lại còn cho anh một dao để khỏi phải nói lôi thôi. Tôi để anh về với vợ con là tốt lắm đó, là có lương tâm lắm đấy.

Đã là người có trí óc tất phải biết nhận xét để có thể đưa đến phê phán, đoán xét. Ta phê phán người, người phê phán ta. Như đã trình bầy ở phía trên, chúng ta không bàn đến vấn đề phải trái, đúng đắn hay sai lầm. Người chia sẻ niềm tin với quý vị và quý anh chị con cái Chúa muốn nói lên động cơ thúc đẩy ta phê phán hoặc đoán xét. Hai động cơ chính là ghen ghét và yêu thương.

Bởi lòng ghen ghét mà phê phán thì chắc chắn chẳng mang lại được điều gì lợi ích cho người phê phán hay người bị đoán xét. Chúa Jêsus dạy rằng : “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét. Vì các ngươi đoán xét người ta thể nào, thì họ cũng đoán xét lại thể ấy; các ngươi lường cho người ta mực nào, thì họ cũng lường lại cho mực ấy.” (Ma-thi-ơ 7:1-2). Đoán xét qua, đoán xét lại, phê phán nhau trong ghanh ghét, thì Thánh Gia-cơ khẳng định hậu quả rằng “Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình…. thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác.” (Gia-cơ 3:14-16).

Bởi lòng yêu thương mà phê phán, trí óc ta, đôi mắt ta được bao trùm bằng khoảng không gian mầu hồng, chúng ta sẽ nhìn vật càng sáng hơn và rõ hơn, vật xám bớt xám đi. Những lời phê phán của ta sẽ như phương pháp chữa bệnh của một lương y với bệnh nhân, nhận định những phần hoạt động tốt trong thân thể, tìm thật đúng những phần hư hỏng rồi tìm phương pháp trị liệu để khang kiện toàn thân thể. Bởi lòng yêu thương, lời phê phán của ta là lời xây dựng, là lời đáng nói “hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

Trong câu chuyện “Người con trai hoang đàng” mà Chúa Jêsus kể (Lu-ca 15:11-32), người anh bởi lòng ghen ghét, tức giận phê phán “Nhưng nay con của cha kia, là đứa đã ăn hết gia tài cha với phường điếm đĩ rồi trở về, thì cha vì nó làm thịt bò con mập!” (Lu-ca 15:30). Nhưng người cha bởi lòng yêu thương mà phê phán “con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được” (Lu-ca 15:24).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong cộng đồng con cái Chúa chúng ta, hãy bởi lòng yêu thương mà khuyên bảo, phê phán nhau, hầu người bị phê phán nhận được “một vài lời lành giúp ơn .. và có ích lợi” (Ê-phê-sô 4:29) để người này có thể sửa chữa lỗi lầm của mình.