Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã tạo nên bao nhà cách mạng từ chối an nhàn, lìa bỏ phú quý, chịu cảnh cơ hàn để nung đúc mầm sống dân tộc, chờ ngày quật khởi. Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã khiến cho Thánh Phao-lô “chẳng kể sự sống mình là quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24).

Chúng ta đang sống trong một thời đại có nhiều bảo đảm về tiện nghi cuộc sống. Nhưng về sự sống thì không có gì bảo đảm cả. Người mua bảo hiểm nhân mạng, chính mình chẳng bao giờ được hưởng sự đền bồi. Chiến tranh, khủng bố, tội ác, bệnh tật, đói kém, động đất, và những thứ lẩm cẩm khác, như liên hệ chồng vợ, giáo dục con cái làm cuộc sống của con người trở nên bấp bênh, bất an. Con người thực sự đã kinh hoàng trước cái sức mạnh sát nhân có khoa học, trước cái thời bệnh nói chuyện bằng vũ lực và giao tế bằng tiền. Ai còn chút lương tri, liêm sỉ đều có thể làm trò cười cho những con người hãnh diện sống trắng trợn tới độ tồi tệ, đàng điếm đến trơ trẽn và gian lận một cách khôn khéo, sảo quyệt. Đôi khi chúng ta có thể chứng kiến một số con người mà lý tưởng của họ là “kim tiền vạn năng”. Sự thành công của con người được công nhận căn cứ vào các con số trong các chương mục ở ngân hàng, trong thị trường chứng khoán, trong trị giá của các căn nhà đầu tư. Với lý tưởng “quơ vào”, với nguyên tắc “để đạt đến cứu cánh, không từ một thủ đoạn nào”, biết bao người đã mất hẳn nhân cách. Thật ngỡ ngàng khi nhận ra họ không còn ý thức được trách nhiệm lời họ nói, trách nhiệm việc họ làm, đừng nói chi đến ý thức trách nhiệm của một kẻ thừa hưởng gia tài của tiền nhân hoặc ý thức trách nhiệm của kẻ đi trước với đoàn hậu thế.

Chằng những vậy thôi, con người thời nay còn cảm thấy nhàm chán lối sống ngày qua ngày với một thời dụng biểu đều đặn, máy móc. Phải có cái gì là lạ, cái gì khác biệt để cảm xúc được thay đổi, mới mẻ hơn. Thế là một số không nhỏ bị thôi thúc đi tìm cảm giác mạnh trong kinh hoàng hoặc trong mê ly, say đắm. Biết được thị hiếu quần chúng, phim ảnh, sách báo truyền thống cũng như trên internet cố tạo những pha cụp lạc, sách báo cố tạo ra những màn đánh nhau, những pha bắn giết hung giữ, những màn làm tình giật gân, những xúc động mê ly, những tình tiết éo le tuyệt vời để dẫn dụ con người buông thả tâm trí vào những khát vọng thềm kín nhất chưa có cơ hội thực hiện. Ý chí biến mất và không còn cần thiết cho hành động buông thả, một thứ hành động vô trách nhiệm với nhân quần xã hội, vô trách nhiệm với cả chính mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Gặp những con người thiếu tự trọng vô trách nhiệm, chúng ta đừng thảo luận về ý chí, về trách nhiệm với họ. Bàn đến, chúng ta sẽ cảm thấy lẻ loi ngay, hoặc sẽ bị cái lý hợp thời của đa số dẫn dụ mà quên đi “làm cho mình đáng trượng trong mọi sự” (II Cô-rinh-tô 6:4).

Trách nhiệm là tâm trí ý thức được những công việc ấy là phần của mình chính mình phải gánh vác lấy, chính mình phải chu toàn. Nhưng người có trách nhiệm không phải lúc nào cũng có thể hoàn tất cái phần việc của mình. Dù là bậc anh hùng cái thế, trên đường đời muôn vàn chông gai, trở  lực, đôi khi cũng phải gặt lấy những thất bại nặng nề vì bất lực với hoàn cảnh, vì khiếm khuyết tài trí, vì ác ý, vô tình của người đời, vì tiên liệu trong tương lai không chính xác. Nhưng người có tinh thần trách nhiệm dám làm, dám nhận sự thất bại như thành công. Mỗi khi thất bại, không đổ thừa : tại xã hội, tại hoàn cảnh, tại số mệnh, tại thời vận hoặc có thể viện dẫn tại những nguyên nhân ngoại giới khác, nhưng nhận đó là tại chính mình. Đi trên đường có bị vấp ngã, ta không bào chữa tại cái hòn đá vô tri trên đường không chịu né tránh bước chân của ta. Mỗi khi thành công, người đã hoàn thành trách nhiệm cũng không giả dối mầu mè khiêm nhượng từ chối thành quả, nhưng nhận mình đã làm xong trách nhiệm, trong lòng có niềm vui và tự nhủ “Mọi việc đã được trọn” (Giăng 19:30) như Lời của Chúa Jesus trước khi Ngài trút hơi thở trên thập tự giá. Thánh Phao-lô đã hãnh diện tuyên bố : “Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta” (II Ti-mô-thê 4:7-8).

Tinh thần trách nhiệm không cho phép ta làm việc tùy hứng nhưng tìm hứng khởi trong công việc. Tinh thần trách nhiệm cao hơn tinh thần làm việc theo bổn phận, vượt quá tinh thần làm theo lượng giá công lao.

Thi hào Nguyễn CôngTrứ đã dùng chữ “Nợ” để nói lên ý chí phấn đấu quyết tâm làm tròn trách nhiệm : “Nợ tang bồng quyết trả cho xong”, đề một ngày nào đó khi về hưu, mỉm cười “Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo, Thảnh thơi thơ túi rượu bầu ”. Nhà thơ Nguyễn Quý Tân cũng dùng chữ “nợ” để chỉ trách nhiệm. “Nợ phong trần chót đã ăn vay, Phải trang trải mới là tay chí khí”.

Thánh Phao-lô kể trách nhiệm giảng Tin Lành cho mọi người là món nợ. Ông nói : “Tôi mắc nợ cả người Gờ-réc lẫn người giã man, cả người thông thái lẫn người ngu dốt” (Rô-ma 1:14).

Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã tạo nên bao nhà cách mạng từ chối an nhàn, lìa bỏ phú quý, chịu cảnh cơ hàn để nung đúc mầm sống dân tộc, chờ ngày quật khởi. Tinh thần trách nhiệm, tinh thần “nợ” đã khiến cho Thánh Phao-lô “chẳng kể sự sống mình là quí, miễn chạy cho xong việc đua tôi và chức vụ tôi đã lãnh nơi Đức Chúa Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:24).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đức Chúa Jêsus trước khi về trời đã dặn các sứ đồ : “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15), và ngày nay trách nhiệm này là trách nhiệm của quý mục sư và con cái Chúa chúng ta. Mỗi lần chúng ta dự Tiệc Thánh là mỗi lần chúng ta được nhắc nhở đến trách nhiệm trọng đại này, “Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:26).

Một số con cái Chúa chúng ta đã nhận lãnh chức vụ trong công việc nhà Chúa. Quý vị có thể hãnh diện trong trách nhiệm của chức vụ như Thánh Phao-lô : “Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin Lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:4), và cho phép tôi tin rằng quý vị đã cố gắng và sẽ mang tinh thần trách nhiệm như Thánh Phao-lô : “Ví bằng tôi rao truyền Tin Lành, tôi chẳng có cớ khoe mình, vì có lẽ cần buộc tôi; còn không rao truyền Tin Lành, thì khốn khó cho tôi thay. Nếu tôi vui lòng làm việc đó, thì được thưởng; lại nếu tôi không vui lòng mà làm, thì cái chức vụ cũng vẫn phó thác cho tôi” (I Cô-rinh-tô 9:16-17).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng trách nhiêm của chúng ta trong Hội Thánh Chúa là giúp đỡ nhau, khuyên bảo nhau trong tình yêu thương hầu hoàn thành những công việc trong Hội Thánh tùy theo ân tứ Chúa ban cho chúng ta, để từ nơi đây những vị nhận trách nhiệm truyền giảng có thể “đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người” (Mác 16:15) một cách tốt đẹp nhất.