Ý chí rất cần cho người có lý tưởng cao quí. Cuộc đời đầy thử thách, đầy ngang trái và càng đầy ngang trái với những ai quyết tâm “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14).

Trong trần thế, biết bao người có dư thừa thiện chí, nhưng thiếu ý chí. Những vị này có mục đích, ngó đó mà chờ thời, có dự định, để đó mà đợi số. Họ hay lẩm bẩm một mình rồi thở dài, con người có số có phần, có thời có danh. Hình như họ khoanh tay ngóng chờ quý nhân phù trợ để thiện chí đạt được mà không cần đổ tâm, đổ trí, đổ thì giờ hoặc đổ ít giọt mồ hôi. Lúc nào cũng thư thái, ung dung phô diễn tâm “nhàn”, bỏ “mặc” xuôi dòng, rồi lại cho người khác thấy cái tư thế “quân tử thảng đãng đãng” của mình. Khi được hỏi về kết quả của những kế hoạch những chương trình, thì họ không quên cho biết nội dung cùng những đường đi nước bước tuyệt hảo của chúng kèm theo lời trách móc hoàn cảnh, cằn nhằn nhân thế để nói lên cái thiện chí dư thừa đang được ấp ủ, mọc rêu theo ngày tháng.

Tác phẩm “Ngư Ông và Biển Cả” của Hemmingway đã được nghệ thuật điện ảnh thực hiện. Tôi đã được xem phim này khi còn là sinh viên du học tại Nhật Bản. Cốt chuyện diễn tả một ngư ông luống tuổi một mình trên chiếc thuyền ra khơi câu cá. 84 ngày qua lênh đênh trên biển cả mà không câu được con cá nào. Ngư ông bắt đầu mệt mỏi. Thân xác đau đớn dưới ánh nắng như thiêu, như đốt. Tinh thần chán nản, ngư ông dường như ngờ vực ngay cả hành động của mình. Nhưng rồi ý chí quyết thắng bùng lên. Lão không chịu bỏ cuộc, lão quyết tâm kiên trì trong thử thách, trong khó khăn. Lạo chiến đấu với hoàn cảnh và chiến đấu với cả lòng mình. Qua ngày 85, lão thành công bắt được một con cá lớn. Con cá lớn lại làm cho lão vất vả thêm. Mồ hôi lão đổ ra như tắm, bàn tay lão rướm máu lôi, ghì, nắm giữ chiến lợi phẩm. Con cá quá lớn, lão không sao bỏ nó vào thuyền được. Lão buộc nó vào mạng thuyền và lôi vào bờ trong suốt 3 ngày. Trong suốt 3 ngày đó, lão không có thì giờ an nhàn nào ngồi ngắm thành tích của mình. Lão phải ra sức chống trả với bọn cá xà, cá mập nhào vào chia phần với lão một cách trơ trẽn. Đến lúc cập bến, lão chỉ con được cái đầu và bộ xương cá. Dầu vậy lão vẫn thỏa thích, tươi vui, hãnh diện vì lão đã sống những giờ phút oanh liệt, đã biểu lộ được ý chí kiên cường, đã thắng được hoàn cảnh và chính mình. Lão đã cảm thấy được cái giá trị, cái ý nghĩa của cuộc sống.

Ý chí rất cần cho người có lý tưởng cao quí. Cuộc đời đầy thử thách, đầy ngang trái và càng đầy ngang trái với những ai quyết tâm “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14).

Xã hội ngày nay là xã hội mà con người cần thời khóa biểu một cách máy móc, trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm khi có công ăn việc làm. Những ám thị của nó đóng khung chúng ta vào một công thức, hành động theo một quy trình như một cái máy. Muốn hành động theo đuổi một mục đích cao đẹp nào nữa, ta phải có ý chí chiến thắng quy trình máy móc đó, để có một thời khóa biểu mới hợp lý hơn, hầu có thể hoàn tất mục đích cao đẹp đó.

Xã hội ngày nay có ít cái tốt và có thật nhiều cái có vẻ tốt, có lắm cái ác và cũng có lắm cái tựa như điều ác. Muốn giữ cái tốt thật và tránh cái ác và cái tựa như điều ác thì chỉ có sức mạnh ý chí mới giúp ta quyết định được mà thôi.

Giữa xã hội đầy gian dối tội lỗi, đâu đâu cũng có kẻ đi ngược lại công chính, đâu đâu cũng cũng thiếu vắng tình nghĩa con người tự nhiên, thì chỉ có ý chí mạnh mẽ mới giúp ta giữ được cái công chính, làm được cái hợp lẽ con người. Dầu việc gìn giữ, việc làm ấy gây cho ta khó khăn hơn, hoặc làm cho ta khó chịu hơn, nhưng ta hãy nhất quyết :

         Cắn chặt răng để chịu thiệt

         Đứng vững gót để làm người        Cổ ngữ

Trên bước đường theo Chúa, một số không ít con cái Chúa đã lầm tưởng tin Chúa là cuộc đời sẽ hạnh thông, công việc sẽ thuận buồm xuôi gió, và phước hạnh theo quan niệm thế tục sẽ dư thừa. Họ đã hiểu hai chữ “yên nghỉ” trong lời Chúa phán với tinh thần phó mặc cho Chúa, khoanh tay tự tại, quên hẳn ý chí. Lời Chúa phán như sau : “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng (Ma-thi-ơ 11:28-30). Tại đây chúng ta thấy Chúa ban cho 2 sự yên nghỉ, sự yên nghỉ thứ nhất (câu 28) là sự yên nghỉ trong ơn cứu rỗi, còn sự yên nghỉ thứ hai (câu 29) là sự yên nghỉ trong sự đồng công với Chúa. Mang ách chung với Chúa và học theo Chúa cần phải có ý chí vững mạnh như Chúa, là “Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hẳn đều đồng ý rằng, phải có ý chí mạnh mẽ và niềm tin đích thực thì con cái Chúa mới có thể “hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus…. cứ dạy dỗ rao truyền mãi về Tin Lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:41-42). Chúng ta hãy suy gẫm và học hỏi gương Thánh Phao-lô, người đã hầu việc Đức Chúa Trời với ý chí mạnh mẽ “làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc…” (II Cô-rinh-tô 6:4-5), và gương Cơ-đốc nhân Ê-pháp-ra, “người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời…. người làm việc rất là khó nhọc vì anh em” (Cô-lô-se 6:12-13).

Thưa quý vị sửa soạn tìm đến niềm tin Tin Lành,

Khi quý vị muốn tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa cũng không phải là dễ dàng đâu. Quý vị thường nghĩ hễ đã nhận thức được Chúa Jêsus quả thật là Đấng Cứu Thế và chỉ cần làm một động tác theo sự hướng dẫn của một mục sư cúi đầu thưa với Chúa vài lời bầy tỏ đức tin xưng nhận là xong. Xin thưa quý vị cũng phải vận dụng ý chí mạnh mẽ mới mong thực hiện được. Để minh chứng điều trên, tôi xin phép được chia sẻ cùng quý vị phân đoạn Kinh Thánh sau đây : “Nầy, có hai người mù ngồi bên đường, nghe nói Đức Chúa Jêsus qua đó, thì kêu lên rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! Chúng rầy hai người ấy, biểu nín đi; nhưng họ kêu lớn hơn nữa, rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” (Ma-thi-ơ 20:29-31).

Tôi tin rằng quý vị đã nghe một số bài giảng luận của những vị Mục Sư nổi tiếng hoặc quen biết, đọc một số tài liệu về Tin Lành, và nghe lời làm chứng của một con cái Chúa. Quý vị đã nhận thức được Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, là Đấng có quyền tha tội, là Đấng ban cho quý vị “quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Quý vị muốn thưa cùng Ngài : “Lạy Chúa Jêsus, xin thương xót tôi, xin tha tội cho tôi, xin nhận tôi làm con Chúa, tôi xin nhận Ngài làm Cứu Chúa của đời tôi”. Nhưng quý vị chưa thực hiện được, vì trong tâm quý vị nói lên tiếng “biểu nín đi”, bè bạn họ hàng không còn gần gũi như lên tiếng “biểu nín đi”, bản tính xác thịt “biểu nín đi”, thói quen cũ “biểu nín đi”, tôn giáo gia tộc mình đang theo “biểu nín đi”. Nếu ý chí không mạnh làm sao có thể gạt bỏ những lời “biểu nín đi” ấy, để “kêu lớn hơn nữa” và được sự thăm viếng của Chúa.

Ước mong quý vị hôm nay có thể xử dụng ý chí mạnh mẽ nhất của mình để thực hiện việc trở thành con cái Chúa.