Thưa quý vị đang tầm đạo, mời quý vị nghe lời giảng thuyết của Chúa Jêsus hướng về dân Giu-đa, mà đó cũng là lời Ngài muốn nói cùng quý vị “Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống (sao ?)” (Giăng 5:40). Ước mong và nài xin quý vị hãy quyết định tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình ngay hôm nay để được sống đời với Cứu Chúa Jêsus trong phước hạnh.

Có vị Hoàng Đế bên Trung Quốc, trong một đêm dạo chơi trên tường thành với đoàn mỹ nữ và các quan đại thần để nhìn xem sự hưng thịnh của đất nước. Đột nhiên Hoàng Đế bật khóc khiến các quan đại thần bối rối vấn an. Hoàng Đế than rằng : Đất nước hưng thịnh trù phú thế kia mà tuổi trẫm nay đã cao, trẫm tiếc rằng trẫm không còn sống bao lâu để ngồi trên ngai vàng này. Ôi ước gì trẫm được sống mãi để cai trị thần dân mãi mãi. Một vị đại thần bật tiếng cười khi nghe Hoàng Đế vừa dứt lời than. Tiếng cười khiến Hoàng Đế nổi giận, cật vấn : Cớ sao ngươi cười ? Vị đại thần cung kính tâu : Nếu các vị tiên đế đều mong sống mãi để trị vì thì ngôi báu đâu đến phiên Bệ Hạ.

Được ngồi trên ngai vàng, bệ ngọc, hưởng phú quý, giầu sang, có quyền thế, có danh vọng thì ham muốn sống đã đành. Nhưng đến lắm kẻ nghèo khổ cùng cực vẫn cố bám lấy sự sống, muốn tiếp tục sống, dầu đôi lúc trong thâm tâm chỉ mong chết quách cho rồi. Thi hào La Fontaine đã diễn tả tâm trạng này trong bài thơ ngụ ngôn Lão Tiều Phu và Thần Chết như sau : Một lão tiều phu luống tuổi ngồi bên rừng thở than về kiếp sống quá cơ cực đọa đầy. Lão chỉ muốn chết cho yên thân. Lão réo Thần Chết đến cất mạng lão đi. Thần chết đến thật. Lão bối rối, sợ hãi. Thần Chết hỏi : Ngươi muốn chi ? Lão run rẩy khẩn nài Thần Chết đỡ hộ bó củi lên vai rồi lọm khọm bước đi.

Thuốc trường sanh bất tử vẫn là giấc mơ cuả nhân loại. Thực ra con người vốn bất tử. và dân Việt ta có chữ “qua đời” quả là diễn tả được ý đó. Sinh ký, tử quy – chết là đổi hình thức sống. Sự chết là cánh cửa khép lại với đời này và mở ra cho đời sau. Sự chết như một con đò chở con người từ bến đời này qua bến đời kia. Con người tha thiết với đời này vì nó đang có, nó thực tế, nó hiển nhiên. Con người sợ đời sau vì nó mơ hồ, mù mịt. Thầy Trang Tử cho rằng con người ham sống sợ chết vì con người lo sợ cho những điều mình chưa biết sẽ là gì là thế nào. Ngày xưa có người con gái đẹp đất Lệ sang lấy vua nước Tần. Lúc ở nhà ra đi thì kêu khóc, đến khi về ở với vua được mọi điều sung sướng, lúc ấy mới hối tiếc rằng trước kia mình đã khóc nhiều. Thế thì biết đâu người chết rồi lại không hối tiếc lúc trước mình đã cầu mong được tiếp tưc sống. Thầy Trang Tử chỉ với một hy vọng mơ hồ “biết đâu”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thánh Phao-lô đã quả quyết : “Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em” (Phi-líp 1:23-24), vì sự chết giúp ông được sống với Chúa trong nước vinh hiển đời đời mà Ngài đã sắm sẵn cho mọi con cái Chúa. Nhưng ông bằng lòng sống trong thân xác vì là ích lợi cho người khác. Ý nghĩa đích thực của sự sống là được liên kết, tương giao với Đức Chúa Trời, Đấng Hằng Sống. Còn chết là mối tương giao giữa Đức Chúa Trời và con người bị đổ vỡ, sự liên kết không còn nữa. Vậy nên, con người dầu ở trong một thể xác sinh động, hay ra ngoài một thể xác không còn sinh khí.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta, những người sinh động trong sự hiện diện, liên kết với Đức Chúa Trời Hằng Sống trong đời này là sống thực và trong đời sau là sống đời đời.

Như vậy, người sinh động trong sự khiếm diện của Đức Chúa Trời Hằng Sống trong đời này là chết thứ  nhất. Kinh Thánh gọi người sống trong hỏa ngục đời đời là “sự chết thứ hai” (Khải-huyền 20:14).

Cách đây khá lâu, trong một buổi hội ngộ của cựu sinh viên Việt Nam du học tại Nhật, một người bạn cũ của tôi đã tâm tình trong sự hằn học với Thượng Đế và cả với đồng bào, đồng loại. Với tinh thần tự tin, bất chấp, anh đã kết luận : “Giờ đây tôi chẳng còn tin gì hết. Nếu đó là tội, xin trả tôi về địa ngục. Tôi đã thoát khỏi địa ngục trần gian, trại học tập cải tạo ở Việt Nam. Bây giờ vào địa ngục cũng như hồi hương”. Tôi đã trả lời anh với tâm tình của một con cái Chúa : “ Ông ơi, ông đã chấp nhận mọi gian khổ, liều chết vượt biển để ra khỏi Việt Nam vì ông cho đó là địa ngục mà ông không thể sống được, và ông muốn sống vui thỏa tự do trong những ngày của đời mình mà rất có thể còn năm sáu chục năm nữa, thì làm sao ông có thể thơi thới với tinh thần hồi hương khi bước vào hỏa ngục thực sự để sống đời đời tại đó.”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chỉ có con cái Chúa chúng ta, người Cơ-đốc mới có tinh thần hồi hương khi bước qua ngưỡng cửa của sự chết. Cơ-đốc nhân Ê-tiên đã hồi hương giữa cơn mưa đá của dân tộc mình, trầm tĩnh cầu nguyện : “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:59). Cơ-đốc nhân Phao-lô sau nhiều năm tận tụy với chức vụ Chúa giao phó đã hồi hương với bài ca đắc thắng : “Kỳ qua đời của ta gần rồi.Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài” (II Ti-mô-thê 4:7-8).

Thưa quý vị chưa phải là Cơ-đốc nhân,

Tôi tin rằng ai cũng muốn sống lâu, sống đời. Thực sự ai cũng sống đời cả. Chỉ khác là sống đời trong hỏa ngục đau đớn hay sống đời trong thiên đàng vĩnh phước. Hỏa ngục chắc chắn không phải là nơi quý vị chọn lựa để sống đời. Như vậy thiên đàng phải là nơi quý vị muốn sống, nhưng với một điều kiện duy nhất : Quý vị phải tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình, để mọi tội lỗi của quý vị được Đức Chúa Trời tha thứ, quý vị được Đức Chúa Trời tái sinh để trở nên con cái Ngài, đương nhiên quý vị được dự phần trong lời hứa quý giá của Cứu Chúa Jêsus Christ : “Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó” (Giăng 14:2-3).

Ông Mirabeau (1798-1859), Tổng Thống Thứ Nhì của Cộng Hòa Texas, trong giờ hấp hối đã nói : Hãy cho ta một ít thuốc mê để ta không nghĩ đến cõi đời đời và đến điều gì sẽ xẩy đến. Ta không còn đủ can đảm nữa!

Vua Henry Đệ Bát của Anh Quốc trong giờ lâm chung thều thào : Hỡi các bạn, thế là hết tất cả, ngôi vua ta, mão miện ta và linh hồn của ta nữa.

Đức Hồng Y hồi hưu Mazarin lâm râm trước khi vĩnh biệt cõi trần : Hỡi linh hồn nghèo nàn của ta, ngươi sẽ ra như thế nào ?

Triết học gia Hobbès âu sầu : Ta sắp nhẩy vào cõi tối tăm.

Đó là những lời của một số vị chí khí, khôn ngoan đầy quyền bính, cao trọng, nhưng đã thiếu Chúa Jêsus làm Cứu Chúa mình trong cuộc sống trước giờ phút lâm chung.

Và đây là lời của những Cơ-đốc nhân trước giây phút qua đời :

Nhà thần học người Đức, và cũng là cộng sự viên của giáo sư thần học nổi tiếng người cùng nước Martin Luther, ông Melanchthon đã trả lời thân quyến khi được hỏi : Có muốn gì nữa không ? – Chỉ cần thiên đàng.

Nhà triết học người Đức ông Fichte đã phải trải qua nhiều ngày đau đớn trên giường bệnh. Nhưng ông, một con cái Chúa, đã nói một cách vui mừng trong giờ hấp hối : Tôi không còn cần thuốc thang nữa. Tôi sắp được chữa lành bây giờ.

Ông D.L. Moody, nhà truyền giáo Hoa Kỳ đã nói trong giờ phút lâm chung : Kìa, cửa trời mở ra, đẹp đẽ dường nào. Ở đó không còn trũng bóng tối. Nếu đây là sự chết thì êm ái biết bao. Chúa gọi tôi, tôi xin đến.

Thánh Augustin, người Tây Ban Nha đã cầu xin : Hãy cho con chết, Chúa ơi, hầu cho con được sống.

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Mời quý vị nghe lời giảng thuyết của Chúa Jêsus hướng về dân Giu-đa, mà đó cũng là lời Ngài muốn nói cùng quý vị “Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống (sao ?)” (Giăng 5:40). Ước mong và nài xin quý vị hãy quyết định tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình ngay hôm nay để được sống đời với Cứu Chúa Jêsus trong phước hạnh.