Bài 59 Thái độ khinh người trong trần thế

Trong trần thế này, ai cũng thích người khác kính trọng mình. Có như vậy mình mới cảm thấy được vinh dự, mới cảm thấy người mình có một giá trị nào đó. Đôi khi không được ai kính trọng, có người lại còn dùng binh pháp “ảo” để mình cảm thấy được vinh dự, cảm thấy mình có một giá trị nào đó. Cái binh pháp ảo đó là cho mình cái quyền “khinh người”.

Thái độ khinh người thường không ồn ào, huyên náo. Chỉ cần diễn tả bằng cái nhìn lạnh lẽo kèm theo nụ cười nhếch mép, hoặc ngó lơ đi nơi khác, hay “che mặt chẳng thèm xem” (Ê-sai 53:3), thế là đủ. Nếu cần tỏ thái độ khinh người rõ ràng thì cũng chỉ bĩu môi, khạc nhổ nước miếng xuống đất, trên trình độ này thì nhổ thẳng về phía người mình khinh là đủ nói lên mức độ khinh miêt tột cùng của mình.

Trong trần thế, phần lớn người giầu, người tài giởi, người địa vị cao, người khí liệt, người học thức cao, người nổi danh thường dễ có thái độ khinh người. Kẻ nghèo hèn, tài sơ đức bạc đôi khi cũng dám khinh người. Duy chỉ người có đức là không cho phép mình khinh người.

Trong thời Chiến Quốc, có nhà quyền quý tên là Tử Kích. Một ngày kia Tử Kích đến gặp Điền Tử Phương là một hàn sĩ. Tử Kích niềm nở tới chào hỏi . Tử Phương ngó lơ. Tử Kích giận lắm hỏi :

- Người phú quý khinh người đã đành, kẻ nghèo hèn bần tiện cũng dám khinh người sao ?

Tử Phương đáp:

- Kẻ phú quý đâu dám khinh người. Vua khinh người thì mất nước. Quan khinh người thì mất chức. Còn kẻ nghèo hèn bần tiện có thái độ gì đi nữa mà chẳng được nghèo hèn bần tiện, vậy sợ gì mà không dám khinh người.

Suy đi nghĩ lại, thấy người đời thật lạ lùng. Mình có giá trị nào mình biết. Tại sao cứ phải nhờ người khác thừa nhận giá trị mình, tôn trọng mình, mình mới cảm thấy có giá trị thật. Phải chăng không ai có thể sống như một ốc đảo cô quạnh, mà phải sống với người khác trong xã hội, lắng nghe xem họ nghĩ gì về mình ? Nếu đúng, mỗi người cần có một cuộc sống liên đới, hỗ trợ lẫn nhau, thì tại sao lại đem lòng khinh miệt nhau, vì mình khác đời, vì giầu, vì tài giởi, vì địa vị cao, vì khí liệt, vì học thức cao, hoặc vì nổi danh, còn người thì không, để rồi đôi khi mình tự tạo cho mình một ốc đảo.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Mọi người trong chúng ta đều đáng quý, đáng trọng, vì chúng ta là ảnh tượng của Đức Chúa Trời, và linh hồn quý giá là bản thể của Đức Chúa Trời ở trong chúng ta “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời…….. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng-thế-ký 1:26-27, 2:7).

Chính cái căn bản “quý trọng” đó hình như thiếu sự cảm nhận rõ ràng trong đa số con cái Chúa chúng ta, nên chúng ta chỉ cố thủ cái vinh dự, cái giá trị mang tính cách trần thế mà chúng ta hằng ngày nhận biết được. Tốt hơn một bực là chúng ta cố thủ thêm một cách lờ mờ cái đáng quý trọng vì mình là con cái Chúa.

Đồng thời, tội lỗi đã làm mất đi một phần cái giá trị thật đáng được quý trọng ấy. Rồi từ tâm tình kiêu ngạo, chúng ta dễ chấp nhận tạo giá trị cho mình bằng cách coi thường người khác, hay khinh người. Chỉ có con người mới khinh đồng loại và đôi khi “coi ông Trời cũng chẳng ra gì”.

Thử nghĩ, ai trong chúng ta dành cảm tình nồng hậu cho người có vẻ mặt kiêu ngạo, có thái độ khinh người dầu không biết người đó khinh ai. Thông thường chỉ thấy cách hợm hĩnh là chúng ta đã ghét rồi. Vậy thì lý do nào chúng ta cho mình quyền khinh người ?

Nghĩ kỹ, chúng ta có thể cảm nhận được rằng không ai đáng khinh cả. Tất cả mọi người đều đáng thương xót. Kẻ nghèo hèn khinh người chỉ là tự kỷ phản ứng cái khinh khi của người đời, bất mãn chấp nhận hoàn cảnh của mình. Phải chăng việc người có tài, có công nghiệp, có khí liệt, có học thức khinh người, vì họ có tâm hồn ấu trĩ, hay thiếu rộng lượng.

Lão Tử viết : “Tự trí giả bất minh. Tự kiến giả bất chương. Tự phạt giả vô công. Tự căn giả bất trường”, có nghĩa là “Tưởng mình khôn ấy là ngu. Tưởng mình thấy ấy là mù. Uổng công những kẻ cậy tài. Khoe mình mà chẳng hơn ai.”

Tuân Tử nói : “Tuy năng tất nhượng, nhiên hậu vi đức”, có nghĩa là : “Càng hay càng phải nhún nhường, Ấy là đức lớn làm nên việc đời”.

Người tài đức thật sự không thể khinh người.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 Chúng ta là con cái Chúa. Trong niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta không được phép khinh người. Đúc Chúa Jêsus dạy rằng : “ ai mắng anh em mình rằng: Ra-ca (đồ ngu), thì đáng bị tòa công luận xử đoán; ai mắng anh em mình là đồ điên, thì đáng bị lửa địa ngục hành phạt.” (Ma-thi-ơ 5:22). Đức Chúa Jêsus đến trong thế gian để cứu vớt người có tội, dầu Ngài bị kẻ có tội khinh khi, “Họ nhổ trên Ngài” (Ma-thi-ơ 27:20), “Những kẻ đi ngang qua đó chế báng Ngài” (Mác 15:29), nhưng Ngài chẳng khinh một ai. Ngay cả khi tên cướp bị đóng đinh chung với Ngài muốn liên kết với Ngài. Ngài chấp nhận và phán “Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi” (Lu-ca 23:43).

Khinh người chắc chắn chẳng làm chúng ta vui thỏa, cũng chẳng làm chúng ta sáng giá hơn ai, cao trọng hơn ai. Hơn thế nữa, “hơn ai” trong trần thế không phải là điều mà chúng ta mong đợi. Vì “ hễ ai đã nhận Ngài (tin nhận Chúa Jêsus làm cứu Chúa của mình), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,” (Giăng 1:12), tức là chúng ta đã đạt được một sự cao trọng thật sự trong đời.

Còn nếu đối với Lời Chúa và Đấng Cứu Rỗi, tôi tin rằng chúng ta không có thái độ “bịt tai không nghe  (và thực hành) chân lý” (II Ti-mô-thê 4:4), “giầy đạp con Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 10:29), là “Đấng Chist vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Tôi tin rằng sau khi nghe chân lý xong, chúng ta hãy cố gắng làm theo một cách nghiêm chỉnh, nói đến Chúa chúng ta tin cậy, vâng lời và cũng cố gắng làm theo điều Chúa dạy. Đó là một hình thức trọng Chúa và Lời Ngài và “Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm” (Ma-thi-ơ 16:27) . Hậu quả của sự coi thường Lời Chúa, nghe xong rồi quên đi không làm theo những chân lý đó, rất nghiêm trọng trong ngày chúng ta bị Chúa phán xét.