Khoe khoang là một hành động phô diễn cho người khác biết cái thích thú, cái hãnh diện của mình. Người hay khoe khoang thường là người muốn tỏ ta đây hơn người. Đây là lối khoe khoang nguy hại cho chính mình hơn cả. Trong trần thế, ai mà chẳng có tính ganh tị, ai mà chẳng thấy có một cái gì đó bồn chồn, bứt rứt khi thấy hạnh phúc người sao hơn hạnh phúc mình, sợ quyền thế người trên quyền thế mình, sợ ảnh hưởng người che khuất ảnh hưởng mình. Thế mà nay có người khoe, tự nhận “trội hơn”, thì chắc người này khó tránh khỏi bị một ai đó “hất cẳng cho ngã chơi”, bị nói xấu, bị hại ngầm, để cho người khoe không còn “trội hơn” nữa.

Xưa kia, Bàng Quyên và Tôn Tẫn cùng học một thầy và kết nghĩa sanh từ có nhau. Nhưng sau Tôn Tẫn tỏ ra trội hơn, khiến Bàng Quyên đem lòng ganh tị lập mưu hãm hại. Cùng làm một nghề, cùng có một việc, mà lại dại dột khoe khoang thì cái hại khó mà lường được.

Khoe khoang thường không được người đời chấp nhận dễ dàng, mà đôi khi còn là cái bẫy để người khoe khoang mắc cạn.

Khoe tài năng ư ? Không nên. Khoảng năm 1988, tôi có gặp một người Pháp trẻ cùng nghề Software Development, tên Roger, bề ngoài hơi khó có cảm tình lúc mới gặp lần đầu tiên, với một thân hình khỏe mạnh. Khi nói chuyện với anh Roger, tôi trực diện ngay với những câu nói đầy tính ngạo mạn, và khoe mình. Vì cùng làm chung trong một hãng, và lớn tuổi hơn, tôi khuyên anh “Roger, be humble, even you are excellent. Otherwise you can not work as a team” (Anh Roger, hãy khiêm tốn mặc dầu anh xuất sắc. Nếu không anh không thể làm viêc trong một toán). Không một giây do dự, anh Roger đáp lại ngay “Tuấn, it is very hard to be humble, when you know you are the best” (Tuấn, rất khó để khiêm nhường, khi anh biết anh là tài giỏi nhất). Với cái tính khoe khoang, tự cao này, Roger không có được mấy người bạn, mà vài người tôi được anh giới thiệu cũng chẳng đậm đà gì với anh, “job network” của anh vì thế rất nhỏ hẹp. Hai ba năm sau đó, khi ngành điện toán Main Frame Base đi xuống không còn ai cứu vãn được, tôi nhận được một công việc khác, còn anh Roger không có việc, vì tính của anh đã làm “mạng lưới bè bạn” hầu như chẳng còn người nào, nên sau đó anh Roger không thể tìm ra một công việc nào với khả năng đang đi vào quá khứ, với số lương anh muốn. Ít năm sau tôi được biết anh có một đời sống hết sức khiêm tốn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật đáng tội nghiệp, không hiểu  Roger có biết được rằng trong quá khứ ngay cả những người tài giỏi xuất chúng như bác học Einstein còn khiêm tốn, không khoe tài mình “Điều ta biết chỉ là một giọt nước, điều ta không biết mênh mông như đại dương“, huống hồ những người như Roger và tôi, không khiêm tốn thì làm sao người chung quanh chịu được, và tính khoe khoang kiêu ngạo đã làm Roger rớt vào cái bẫy quên đi một điều, đó là trong xã hội hiện tại, “mạng lưới bè bạn” rất cần trong việc tìm công ăn việc làm mới.

Khoe thân xác cường tráng, khoe mình là hoa khôi, á hậu chăng ? Có thể ta mãn nguyện đôi chút, hay để cho tha nhân khen ngợi, nhưng khoe thì không nên. Chỉ cần một biến cố trong cuộc đời, như bệnh nặng, gặp hỏa hoạn, hay chỉ cẩn nghĩ 30 năm sau, cái thân xác cường tráng kia, khuôn mặt diễm lệ kia có còn chăng ? Nhất là khi linh hồn lìa khỏi thì mọi thân xác đều đi giống nhau “ Vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi” (Sáng-thế-ký 3:19).

Chúng ta khoe khoang sự khôn ngoan của mình trong đời ư ? Đừng. Ngay cả nhà thông thái J. Michel vẫn không dám khoe mình khôn ngoan.  Ông nói : “khôn ngoan chính là biết nghi ngờ sự khôn ngoan của mình”.

Chúng ta khoe của cải ư ? Không nên. Khoảng năm 2006, tôi có dịp gặp một người quen mới mua được ngôi nhà khang trang, và mới tậu được chiếc xe đắt tiền. Người quen này chỉ ngôi nhà cho tôi xem, “kiên nhẫn” dẫn tôi đi hết buồng này sang buồng khác. rồi chỉ cái xe, giảng giải những những cơ năng mới (new functions), diễn tả sự mãn nguyện sau khi mua được chiếc xe Âu Châu mới, tân tiến và an toàn bậc nhất. Tôi  nhìn chủ nhân trong lúc vị này hăng say giảng giải. Gương mặt chủ nhân cho tôi thấy có nhiều nét lý thú hơn là nhìn cái nhà, cái xe vô tri. Và khi khủng hoảng tài chánh năm 2008 xẩy đến, tôi được biết, người quen này mất việc, và đã phải để ngân hàng “auction” (đấu giá) căn nhà mộng ước. Tôi buồn cho ông này. Có thể ông này không tính toán kỹ lưỡng, có thể không đoán được trước tình hình kinh tế, nên gặp cảnh không mong muốn. Nhưng tôi nghĩ cái khổ nhất của vị này có lẽ là “mặc cảm” lạc lõng trong cái nghèo túng. Tôi cảm nhận được ngay tại vị này đã khoe cái nhà của mình với người quen, nên giờ này càng cảm thấy lạc lõng hơn, và tôi nhớ lời của Vua Sô-lô-môn trong sách Châm Ngôn và sách Truyền Đạo, tôi cảm thấy thật thấm thía : “Con há liếc mắt vào sự giàu có sao? Nó đã chẳng còn nữa rồi; Vì nó quả hẳn có mọc cánh, Và bay lên trên trời như chim ưng vậy” (Châm-ngôn 23:5), “Mình lọt ra khỏi lòng mẹ trần truồng thể nào, ắt sẽ trở về thể ấy, và về các huê lợi của sự lao khổ mình, chẳng có vậy gì tay mình đem theo được” (Truyền-đạo 5:15).

Cũng trong năm 2008 này, tôi và hai người bạn đã mất quá 60% số tiền để trong quỹ hưu bổng, một người trong hai người bạn mất trên 90%. Đúng là “Con há liếc mắt vào sự giàu có sao? Nó đã chẳng còn nữa rồi; Vì nó quả hẳn có mọc cánh, Và bay lên trên trời như chim ưng vậy” (Châm-ngôn 23:5). Tôi đã cảm thấy thật thấm thía. Chỉ có điều buồn là nếu tôi không mất số tiền trên thì lúc này tôi có thể chia sẻ một phần cho những người nghèo khó, bệnh tật tại quê nhà một cách đều đặn hơn.

Chúng ta khoe về tâm hồn cao thượng và đạo đức ư ? Trong đời tôi chưa thấy có một người nào tự hào, khoe mình là đạo đức, có một tâm hồn cao thượng cả. Nếu có một ai đó dám nói mình là người đạo đức hết mực, hay có một tâm hồn cao thượng, tôi tin rằng vị này đang có vấn đề tâm lý trong cuộc đời.      

Qua một khía cạnh khác của sự khoe khoang, con người thường khoe sở trường chớ chẳng dại gì khoe sở đoản. “Tốt khoe, xấu che” là thói thường trong trần thế. Khoe sở đoản hầu hết là sảo thuật để khoe sở trường.

Một thanh niên nhà giảu nói “Tôi đi bộ dở lắm” thường có ý khoe tôi đây “một bước lên xe”.

Người hay khoe có thể là người thích “được nổi” và có cơ hội tốt để “được nổi” bằng cách trưng ra những thứ mình sở hữu, mà thiên hạ có thể ngưỡng mộ. Người khoe khoang có thể là người mới biết, mới học được cái gì mới với mình (nhưng cũ đối với tha nhân), muốn phô trương cho bàn dân thiên hạ biết, đó là trường hợp của một số thanh thiếu niên mới học võ, học đàn, học ngoại ngữ được một thời gian ngắn. Người khoe khoang có thể là người không hiểu biết nhiều, khoe được là khoe, với ý nghĩ ấu trĩ, giống như một cậu bé khoe với bè bạn rẳng bố cậu đã có lần giết được một con hổ như chuyện phim Tarzan vậy.

Người hay khoe có thể là người có một mặc cảm nào đó. Vào năm 1985,  tôi có dịp sang Hoa Kỳ để dự hội thảo của công ty tôi đang phục vụ tại Atlanta. Trong một ngày cuối tuần, về thăm họ hàng tại Santa Ana, California, tại một quán cà phê, bánh ngọt, tôi thấy ba vị đang oang oang kể chuyện ngày xưa hào hùng của mình, bỗng có một vị thứ tư từ một bàn khác, đi lại hỏi : “Dạ, ông anh là anh Năm Vũng Tàu phải không ạ?”, người đàn ông đứng tuổi nhất trong bàn đáp “Ừa, tui đây, hình như chú là Tư Đìa phải không ?”. Trong câu chuyện sau đó, “nói không cần để ý tới người khác”, tôi mới thấy ba vị trên mặc dầu đang nói về ngày xưa huy hoàng, nhưng thỉnh thoảng cũng để lộ ra thất bại trong hiện tại. Khoe quá khứ để khoả lấp mặc cảm hiện tại.

Những loại khoe khoang mang tính chất “khoe những cái thuộc về mình”, con cái Chúa chúng ta nên tránh.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta được tha tội, được cứu, được xưng nghĩa, được thánh hóa. “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời.  Ấy chẳng phải bởi việc làm (của chúng ta) đâu, hầu cho không ai (trong chúng ta) khoe mình;” (Ê-phê-sô 2:8-9). Trên bước đường theo Chúa, nếu chúng ta làm được việc gì, hãy nhớ rằng : “vì mọi điều chúng tôi làm, ấy là Ngài làm cho” (Ê-sai 26:12).Thế thì chẳng lẽ “Cái rìu há lại khoe mình cùng người cầm rìu ư?” (Ê-sai 10:15).

Thánh Phao-lô không khoe những điểm trội hẳn của ông trong xã hội Do Thái thời bấy giờ “Ấy chẳng phải tôi không có thể cậy mình trong xác thịt đâu. Ví bằng kẻ khác tưởng rằng có thể cậy mình trong xác thịt, thì tôi lại có thể bội phần nữa,  tôi chịu phép cắt bì ngày thứ tám, về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min, người Hê-bơ-rơ, con của người Hê-bơ-rơ; về luật pháp, thì thuộc phe Pha-ri-si;  về lòng sốt sắng, thì là kẻ bắt bớ hội thánh; còn như về sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được.” (Phi-líp 3:4-6), chỉ vì “Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác” (Phi-líp 3:8).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta cảm nhận được một điều “Trước mặt Chúa có trọn sự  khoái  lạc (bản tiếng Anh : In your presence there is fullness of joy, xin được tạm dịch là : Trước mặt Chúa tràn đầy sự thỏa lỏng, trộm nghĩ chữ khoái lạc trong ngôn ngữ Việt Nam mang một ý không thanh tao, phàm tục), Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.” (Thi-thiên 16:11), hay : “Trước mặt Chúa tràn đầy sự thỏa lòng, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.” (Thi-thiên 16:11), vậy nên “Hằng ngày chúng tôi đã khoe mình về Đức Chúa Trời, Lại sẽ cảm tạ danh Chúa đến đời đời” (Thi-thiên 44:8).

Chúng ta nhận biết “ là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài ….. Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:7,3). Trong những buổi họp mặt với họ hàng, bè bạn, cộng đồng chúng ta cố gắng tạo cơ hội, sẵn sàng để làm chứng về một đề tài nào đó đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự hướng dẫn của quý MS, hầu nói về Đức Chúa Trời, đúng như Kinh Thánh ghi  “chúng tôi… khoe mình về Đức Chúa Trời, Lại sẽ cảm tạ danh Chúa đến đời đời” (Thi-thiên 44:8). Con cái Chúa chúng ta khoe mình về Ngài, hầu cho nhiều người được biết về Chúa, hầu nhận được sự cứu rỗi trong Chúa Jêsus.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

“..Tình yêu thương…. chẳng khoe mình” (I Cô-rinh-tô 13:4), “Những ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa” (II Cô-rinh-tô 10:17).

Khoe khoang mang tính chất thế thường về mình thì chúng ta nên tránh, nhưng sự “khoe Đấng Tạo Hóa, Ba Ngôi Đức Chúa Trời (Đấng mà con cái Chúa thờ phượng)” chúng ta nên có. 

Vài lời tâm sự, 

Sau khi chia sẻ niềm tin Đạo Chúa với quý anh chị trong bài trước, những ngày đầu năm Dương Lịch 2014 đến trong lúc tôi đang trực diện với một số nan đề do sức khỏe gây ra. Ngồi một mình trong phòng với cái LabTob, tôi cầu xin Chúa cho tôi quên đi những lo âu, và được bình an để có cơ hội chia sẻ tiếp niềm tin với quý anh chị.

Xin quý anh chị con cái Chúa cầu thau cho tôi. Chân thành cảm tạ quý anh chị.