Người đông phương thường dè dặt khen nhau. Đôi khi sợ lời khen của mình bị giải thích là nịnh bợ, sợ khen bị hiểu là mình thua kém, hoặc sợ mình không đủ tư cách khen ai, khen hay không cũng chẳng tăng thêm giá trị gì cho người được khen. Người Âu Mỹ lại khen nhau ào ào trước là chứng tỏ hiểu biết điểm tốt của người khác một cách nhanh chóng, sau là chứng tỏ mình rộng lượng. Tuy nhiên trong trần thế ai cũng muốn khen cả.

Có người chỉ biết hoặc thích khen bề ngoài theo kiểu “Phò mã tốt áo”. Có người lại chú trọng hoặc thích khen bề trong theo kiểu “Ngọc ẩn trong đá”. Có người vui khi được khen ồn ào, bộc lộ. Có người thích được khen ngấm ngầm, tế nhị. Khen ngầm và hiểu được khen ngầm không phải dễ.

Tề Vương uống rượu quá nhiều, có khi bỏ cả việc triều đình. Huyền Chương quyết định can vua bỏ rượu, bằng không ông tự tử. Tề Vương tới than thở cùng Án Tử :

-Huyền Chương khuyên ta bỏ rượu, nếu ta nghe lời y thì ta quá yếu. Nhưng nếu ta không nghe lời y,ta chắc mất một hiền thần. Ta rất tiếc.

Án Tử đáp :

-Thật là may cho Huyền Chương. Nếu y gặp vua Kiệt, vua trụ ngoan cố thì y chắc chết.

Tề Vương về quyết định bỏ rượu. Lời nói của Án Tử là một lời khen thầm. Tề Vương là một minh quân. Một minh quân thì không thể ngoan cố khiến một hiền thuần trong nước phải tự tử.

Lời khen thường đem lại danh dự cho con người. Nhưng sống trong xã hội ở thế kỷ 20, 21 này, những lời khen tặng tà gian, xảo quyệt đã đẩy biết bao người vào đường cùng, vào cõi chết.

Hàng trăm ngàn thanh niên Đức được xã hội dưới thời Đức Quốc Xã khen tặng là “những đứa con can đảm của một chủng tộc siêu việt”, đã gục ngã trong thời đệ nhị thế chiến, chết cho một ý tưởng ngông cuồng của Hitler.

Cũng trong thời đệ nhị thế chiến, biết bao thanh niên Nhật Bản được thủ tướng quân phiệt Tojo dưới thời Nhật Hoàng Showa ra huấn lệnh tấn công Hoa Kỳ, toàn vùng Đông Á và Đông Nam Á để chứng tỏ “lòng trung thành tuyệt đối với tổ quốc với Nhật Hoàng của thế hệ thanh niên Nhật Bản can trường”. Gần một triệu thanh niên đã chết cho ý tưởng điên khùng của quân phiệt Nhật Bản.

Ở thế kỷ trước, tại Liên Bang Sô Viết, Trung Hoa và hầu hết các quốc gia Cộng Sản, rất nhiều anh hùng lao động với dạ dày lép xẹp cố gắng làm vượt chỉ tiêu để gục ngã nơi nông trường, công trường.

Còn ở thế gian ngày nay, biết bao thanh thiếu niên lăn mình vào tội ác chỉ vì những tiếng hoan hô của bạn bè không tốt. Biết bao người trên thế gian vẫn u mê, nhẹ dạ tưởng mình đúng như lời khen xạo của người đời, mặc dầu nếu suy xét kỹ mình không phải vậy, rồi hành động theo chiều hướng lời khen, để rồi bị phỉnh gạt như con quạ trong thơ ngụ ngôn của La Fontaine. Con quạ đậu trên cây, mỏ ngậm miếng bánh sữa. Chồn đứng dưới gốc cây, nhìn mẩu bánh sữa mà thèm. Chồn cất tiếng khen bộ lông đen của quạ không thua gì lông của chim phượng hoàng, và bấy lâu nay nghe danh quạ hót rất hay và vẫn chưa có dịp thưởng thức. Quạ phởn chí, hả miệng hót, bánh rớt xuống, chồn đớp đi thẳng, chẳng thèm nghe tiếng quạ kêu. Hai người bạn có thể xa lánh, ghét bỏ nhau, nếu không có sự sáng suốt nhận định xem lời khen một người, chê một người có phải đúng hay là một âm mưu chia rẽ họ, từ một nhân vật thứ ba không tốt.

Lời khen đúng của người đời là sự xác chứng cái tài, cái đức, cái công nghiệp hay cái khí liệt của mình. Nó lảm mình vui, nó làm mình hãnh diện.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chính Chúa Jêsus đã được Đức Chúa Trời xác nhận bằng một lời khen : “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Cũng vì vậy, Hội Thánh Chúa trên thế giới đã và đang dốc lòng theo ý chỉ của Ngài, hầu việc Chúa để được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Chúng ta đang sống ở một thế giới lộng giả thành chân, nhìn gà hóa cuốc. Lắm lúc chúng ta cũng nhận thấy một số con cái Chúa trong Hội Thánh dốc lòng hầu việc Chúa. Mặc dầu vậy chúng ta không một lời khen tặng, hoặc không có dịp khen tặng. Do đó quý anh chị này có thể cảm nhận ra rằng tấm lòng của ta, cái tài, cái đức, cái công nghiệp của ta không hề được nhận biết, chứ đừng nói đến khen. Nhưng tôi thấy họ vẫn yên lặng hầu việc Chúa. Tôi tin rằng quý anh chị đó tự thỏa lòng, vui mừng để tấm lòng tận hiến âm thầm tồn tại trong tâm, và “đợi Chúa đến; …. bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh” (I Cô-rinh-tô 4:5), và cho phép tôi bầy tỏ sự ngưỡng mộ đối với quý anh chị đó.

Trong trần thế, nhiều người cố làm đủ mọi cách để được tiếng khen, hầu chứng tỏ cái tài, cái đức, cái công nghiệp, cái khí liệt của mình. Nhưng nếu bị lộ tẩy “bằng cấp do sự chạy chọt”, “huy chương do sự xin xỏ” thì những vị đó chắc chắn không nhận lời khen là “người tài”, là “người hùng” mà có thể đành phải đối chất với sự mỉa mai “người tài xạo”, “người hùng xạo”. Còn không, nếu lương tâm những người này chưa đến nỗi trai lì, thì cũng có lúc họ hổ thẹn với cái danh hão và lời khen hão mà họ đã nhận được.

Con cái Chúa chúng ta hẳn không quên lời Chúa Jêsus phán “nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:36). Và do đó chúng ta phải tránh cái kết quả “…. chẳng hầu việc Đấng Christ, Chúa chúng ta, song hầu việc cái bụng họ (có thể hiểu thêm là lòng háo danh của họ)….. ” (Rô-ma 16:18). Khi hầu việc Chúa, chúng ta hãy tâm niệm rằng chúng ta đang theo đuổi một mục đích, đó là để “Danh Cha được tôn Thánh, Ý Cha được nên ở đất như Trời”, và chúng ta không chủ tâm làm để được khen, được tiếng. Có như vậy lòng chúng ta mới thanh thản với một niềm vui trong tình yêu của Chúa.

Trong mọi lãnh vực, tùy theo tri thức và tài nghệ mà các chuyên gia, người sành điệu trở nên khó khăn, thận trọng trong sự chấp nhận, không thể sao cũng được.

Có một nhạc sĩ dương cầm trình diễn buổi ra mắt công chúng sau nhiều năm dày công luyện tập. Nhạc sĩ đàn dứt bản thứ nhất, cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Nhạc sĩ đàn tiếp bản thứ hai, cả hội trường vỗ tay tán thưởng khi tiếng đàn vừa dứt. Nhạc sĩ vẫn tiếp tục đàn bản thứ ba, và một lần nữa hội trường vang tiếng pháo tay. Nhạc sĩ mỉm cười hân hoan cúi đầu cảm tạ thính giả. Nhạc sĩ lui vào hậu trường. Một ký giả bước tới phỏng vấn.

-Xin nhạc sĩ cho biết lý do : Hai bản đầu nhạc sĩ chơi rất hay và được thính giả vỗ tay nhiệt liệt, thế mà nét mặt nhạc sĩ không mấy hài lòng về tài nghệ của mình. Nhưng khi dứt bản thứ ba, cả hội trường vẫn tán thưởng như hai lần trước. Nhưng đến lần này nhạc sĩ mới lộ vẻ hân hoan. Xin nhạc sĩ cho biết lý do tại sao ?

-Thưa chuyện này rất đơn giản, vì mải đến khi dứt bản thứ ba, tôi mới thấy vị thày của tôi ngồi ở góc trái hội trường gật gật cái đầu. Đối với một học trò, chỉ có lời khen của thày mới làm mình thật sự an tâm và vui mừng.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy đợi cho được lời khen “được lắm” (Ma-thi-ơ 35:11) từ Chúa Jêsus phán với mình. Nếu chưa nghe được lời phán đó từ nơi Chúa Jêsus, thì mọi lời khen tặng khác chỉ là niềm vui nhỏ bé, có cũng được mà không có cũng được.

Là anh chị em trong Chúa với nhau, chúng ta cũng đừng dè dặt vài lời khen, lời cảm tạ chân thành đối với nhửng người đang hầu việc Chúa với cả tấm lòng, và đó là món quà nên có đối với những anh chị con cái Chúa này.