Kiêu ngạo là thái độ của người tự đại, tự cao thái quá, là sự biểu lộ của kẻ có lòng cuồng vọng tự tôn một cách thiếu khiêm tốn, và đôi khi xấc xược. Đó không phải là thái độ đứng đắn của một người hiểu biết, có suy nghĩ, và đôi khi là thái độ của người thiếu tự trọng.

Người kiêu ngạo có khuynh hướng ngó xuống. Tôi tin rằng vì  “ngó lên mình chẳng bằng ai”, nên người này thích “ngó xuống thì thật khó ai bằng mình”, để được vênh váo. Tội nghiệp.

Con người có thể kiêu ngạo trong nhiều lãnh vực. Nhưng thiết nghĩ tất cả có thể thu lại trong 4 lãnh vực chính, vật chất, chủng tộc, trí năng và tâm linh.

Biết bao người mới mua được ngôi nhà khang trang, mới sắm được chiếc xe đắt tiền, mới có được việc làm lương cao, là đã “kiêu” rồi. “Chúng nó nhờ cậy nơi tài sản mình, Phô trương của cải dư dật mình” (Thi-thiên 49:6). Có những trường hợp họ hiu hiu tự đắc, bất cần ai, và một số không cần ngay cả Đấng Tạo Hóa. Rồi hài lòng “ nói với linh hồn ta rằng: Linh hồn ơi, mầy đã được nhiều của để dành dùng lâu năm; thôi, hãy nghỉ, ăn uống, và vui vẻ. Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của cải ngươi đã sắm sẵn sẽ thuộc về ai?” (Lu-ca 12: 19-20). Người giàu sang kiêu ngạo , quên Chúa, hoặc không cần biết đến Chúa nữa thì “ vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào” (Mác 10:24). Đã vậy, lúc còn sống nơi trần thế, chỉ cần một cơn bạo bệnh, do đồ ăn, do sức ép của công việc làm, hoặc chỉ cần một cuộc khủng hoảng kinh tế (điều này rất dễ xẩy ra vì hiện nay không có sự cân bằng mậu dịch giữa các quốc gia, hệ thống ngân hàng thế giới lung lay vì sự dối trá, gian sảo của một số người đứng đầu các quỹ tiền tệ thế giới), chỉ cần một biến cố như 30/4/1975 tại Việt Nam, là sự giầu sang sẽ không cánh mà bay. Hối tiếc về sự việc xẩy ra, về sự kiêu ngạo của mình, thì đã muộn. Hồi còn ở Việt Nam, tôi thấy số người kiêu ngạo phách lối về tài sản mình hơi nhiều, nhưng tại đất khách, quê người sau tháng tư năm 1975, tôi thấy con số này ít hẳn đi, có thể vì tôi không sống gần các khu vực của người Việt Nam cư ngụ nên không biết rõ thật hư, hoặc khi sống ở hải ngoại, dân mình mới thấm thía, đồng tiền mình có chỉ là hạt cát trong sa mạc, và cũng biến mất lúc nào chẳng hay.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Người đời muốn kiêu ngạo về tài sản giầu sang theo kiểu nào đi nữa, mặc cho họ kiêu ngạo, nếu chúng ta không còn cách nào khuyên lơn họ. Nhưng con cái Chúa chúng ta phải nhớ rằng  Nếu tôi có để lòng tin cậy nơi vàng, Và nói với vàng ròng rằng: Ngươi là sự nương nhờ của ta. Nếu tôi vui mừng về tài vật tôi nhiều, Và vì tay tôi đã được lắm của… Nếu lòng tôi có thầm mê hoặc, Và miệng tôi hôn gởi tay tôi, Điều đó cũng là một tội ác đáng bị quan xét phạt; Vì nếu làm vậy, tôi đã từ chối Đức Chúa Trời trên cao kia.” (Gióp 31:24-25, 27-28).  Hãy nhớ lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vì ấy là Ngài ban cho ngươi sức lực đoạt được những sản nghiệp (Phục-truyền luật-lệ ký 8:18).

Trên bước đường theo Chúa, yêu thương tha nhân hầu như nằm trong trái tim chúng ta, nhất là yêu thương những người bệnh tật, nghèo khó. Thay vì hài lòng, ngạo mạn với tài sàn mình có, cho phép tôi tin rằng chúng ta đã chia sẻ một phần tài vật của mình và Lời Chúa với họ, để họ Vững Niềm Tin, nếu những người này cũng là con cái Chúa như chúng ta, hoặc để họ biết đến Chúa qua tình yêu thương của con cái Ngài, và Danh Ngài được tỏa sáng, nếu họ chưa có Niềm Tin như chúng ta.

Trong xã hội loài người, sự kiêu ngạo, hay lòng ngạo mạn thường xuất hiện dưới những hình thức chủng tộc, giai cấp, giòng giống. Tính kiêu ngạo về chủng tộc đã khiến Hittler cố tạo cho đất nước mình một dân tộc siêu việt, tính kiêu ngạo về giòng giống đã khiến Tojo và các tướng lãnh Nhật Bản do ông chỉ huy cố mở rộng bờ cõi cho nước mình thành một Đại Đông Á đã làm cho thế giới đầy đau thương, tang tóc, Hittler và Tojo đã làm cho hai nước Đức và Nhật Bản tan nát, hoang tàn một thời gian.

Tuy nhiên lịch sử thế giới cũng đã cho thấy có những vị tổng thống, nguyên thủ quốc gia, da trắng, như Tổng Thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ, không có thái độ trên. Ông đã gạt bỏ lòng tự tôn ngạo mạn của các chủng tộc da trắng “siêu việt”  thời bấy giờ. Trong lúc đa số dân Hoa Kỳ gốc da trắng đều nghĩ một cách ngạo mạn rằng họ có quyền mua người da đen Châu Phi, từ các tên buôn người, thì Tổng Thống Abraham Lincoln, một tín đồ Cơ Đốc Giáo đã với lòng yêu thương, công chính, nhân từ và không kiêu ngạo, đúng như Thánh Kinh nhắn nhủ con cái Chúa “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,” (I Cô-rinh-tô 13:4),  ông tuyên bố giải thể việc mua bán người da đen làm tôi tớ nô lệ, vì ông thấy những người da đen đã bị bóc lột quá tàn nhẫn bởi những người Mỹ da trắng với lòng tham lam vô đáy, với sự tàn ác không còn lương tâm, và ông ra sắc luật trả lại quyền con người cho những người tôi tớ nô lệ này. Trong trận nội chiến với phe bảo thủ miền Nam do Tướng Lee cầm đầu, quân đội của Tổng Thống Abraham Lincoln đã đánh bại Tướng Lee, người chủ trương bảo vệ chế độ mua người da đen làm tôi tớ nô lệ. Sau đó Tổng Thống Lincoln đã có nhận định sau trong bài diễn văn rằng kết quả của cuộc nội chiến  “Không phải từ ý tưởng hoặc công sức của con người mà có được những thành quả to lớn này. Nhưng đây là những món quà chan chứa tình yêu thương đến từ Thiên Chúa Tối Cao là đấng đầy lòng thương xót dù Ngài đang thịnh nộ vì cớ tội lỗi của chúng ta. Đối với tôi sẽ là đúng và hợp lẽ cho toàn thể nhân dân Mỹ đồng một lòng, đồng một tiếng nói trang trọng, tôn nghiêm, và với lòng biết ơn mà nhìn nhận sự ban cho này. Vì vậy, tôi mời gọi đồng bào từ mọi vùng của Hoa Kỳ, những người đang lênh đênh trên biển, đang ngụ cư ở hải ngoại, hãy biệt riêng thứ Năm cuối cùng của tháng 11 này để cử hành Lễ Tạ ơn và Ngợi ca Cha nhân từ của chúng ta là đấng đang ngự trên thiên đàng”. Cảm ơn Chúa. Con cái Ngài, Tổng Thống Hoa Kỳ Lincoln, không cao ngạo, không để cho người Mỹ da trắng cao ngạo, sống đạp lên nhân phẩm của người Mỹ da đen, ông đã cho chúng ta biết thế nào là yêu thương những kẻ khốn cùng trong xã hội.

Pascal nói “Con người là cây sậy có tư tưởng”. Trong niềm tin của chúng ta, Đức Chúa Trời ban cho con người có bộ óc biết học hỏi, biết suy đoán, có kế hoạch và năng lực phát huy để con người có thể hiểu biết được thế giới vật chất lẫn thế giới thuộc linh. Chính sự phát huy trí năng không giới hạn khiến con người trở nên kiêu căng “sự hay biết sanh kiêu căng” (I Cô-rinh-tô 8:1).

Những người kiêu ngạo trong trí năng, về kiến thức sâu rộng của mình thường ngạo mạn cho rằng không ai có tầm hiểu biết bằng mình trong những lãnh vực họ đã học hỏi được, nghiên cứu được. Hồi ở đại học tôi đã gặp hai vị đàn anh, khi thảo luận về những lãnh vực mà hai vị này biết, họ hay có những nụ cười ngạo mạn, khinh khỉnh. Họ trưng bầy sách vở, treo bằng cấp vô tri trong phòng để khoe khoang, phô trương những cuốn luận án, những technical papers mà họ đã được các hôi kỹ thuật  công nhận để như lòe người đến chơi nhà trọ. Họ đâu cần để ý “tri thức” của họ chỉ là hạt cát trong xa mạc, và thường phải dựa vào tri thức và nghiên cứu của những vị tiền bối, đã lao tâm lao lực trong biết bao trăm năm trước đó. Và giờ này, tôi biết những nghiên cứu của thế hệ tôi ở đại học, nếu có được thành patents (sản phẩm trí tuệ) đi nữa, hiện nay đã không còn giá trị gì trong kỹ nghệ, trong địa hạt nghiên cứu nữa.

Mấy năm trước trong một chương trình TV, có một vị, kiêu ngạo trong trí năng, tìm cách phủ nhận Đức Chúa Trời. Cái gì cũng phải “chứng minh” được, cái gì cũng phải đúng “luận lý” . Vị này ngạo mạn nói con người có thể tìm ra được khởi nguyên của sự vật. Cuối cùng, một số điều ít oi mà vị này tìm ra, khám phá ra đã đặt mình vào thế thụ động trong đó quá nhiều câu hỏi mà vị này phải trả lời, nhưng không trả lời được, và tôi tin rằng cuối cùng chỉ có Đấng Trên Cao biết câu giải đáp.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta con cái Chúa, sự kiêu ngạo về tri thức cũng không thể tồn tại trong con người chúng ta, và thường chúng ta phải luôn luôn nhận thức như Thánh Phao-lô “Ngày nay tôi biết chưa hết” (Cô-rinh-tô 13:12).

Người trần thế có thể kiêu ngạo về vật chất, về tri thức, và ngay cả về tâm linh nữa. Người kiêu ngạo trong tâm linh thường nghĩ mình có trình độ hiểu biết thuộc linh ở trình độ cao, đã làm tròn những điều mà giáo lý dạy, khó ai sánh kịp. Đôi khi người kiêu ngạo về tâm linh có thể bước vào thế giới ngụy thiện, đạo đức giả, luôn luôn cảm thấy mình thánh thiện hơn người khác. Họ tự mãn lớn tiếng “Lạy Đức Chúa Trời, tôi tạ ơn Ngài, vì tôi không phải như người khác, tham lam, bất nghĩa, gian dâm, cũng không phải như người thâu thuế nầy.” (Lu-ca 18:11). Họ thường là những con người lớn tiếng hô hào thanh lọc, kiện toàn, phải nhổ cỏ lùng tức khắc “ Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng?” (Ma-thi-ơ 13:28). Họ lúc nào cũng chỉ thấy rác trong mắt người khác, và Chúa Jêsus đã răn dạy họ “Sao ngươi dòm thấy cái rác trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?” (Ma-thi-ơ 7:3). Họ là người chỉ muốn tin cậy vào công đức riêng của mình hơn là tin cậy vào ân sủng của Đức Chúa Trời. Họ lo tu, lo bồi. Họ muốn tự dựng một cái tháp cao đến tận trời. Họ đâu còn biết rằng trước nhãn quan Đức Chúa Trời cả nhân loại “ Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.” (Rô-ma 3:10). Nếu làm được chút ít công việc nhà Chúa, một số điều lành, sống theo điều răn dạy của Đức Thánh Linh đi nữa, chúng ta có thể có niềm vui nho nhỏ vì đã thực lòng Sống Đạo, nhưng luôn luôn nhớ rằng tất cả những gì chúng ta đã làm cũng chỉ như cái áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời “ mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp;” (Ê-sai 4:6), vậy chẳng có gì khiến ta kiêu ngạo cả.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trên bước đường theo Chúa, con cái Chúa chúng ta hãy tâm niệm như Thánh Phao-lô “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13),  và “ chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.” (Rô-ma 8:37),  nếu chúng ta đạt được, làm được những điều theo ý Chúa cũng là “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 15:10).

Chúng ta kiêu ngạo để được gì nhỉ ? Có chăng là được thiên hạ ghét, người hiểu biết cười, người đạo đức tiếc, và chẳng nhận được chi từ Đức Chúa Trời vì “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo” (Gia-cơ 4:16).

Chúng ta kiêu ngạo về tâm linh rất có thể chúng ta đang đi con đường của Lucifer, là kẻ “bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao.” (Ê-sai 14:13-14), để rồi gặt lấy hậu quả “ hỡi chê-ru-bin che phủ kia, ta diệt ngươi giữa các hòn ngọc sáng như lửa! Lòng ngươi đã kiêu ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn ngoan mình. Ta đã xô ngươi xuống đất” (Ê-xê-chi-ên 28:16-17), trở thành Sa-tan.

Chúng ta kiêu ngạo là chúng ta tự đưa mình đến một tình huống bất di bất dịch “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau, Và tánh tự cao đi trước sự sa ngã.(Châm-ngôn 16:18).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Con cái Chúa chúng ta làm sao hóa giải đuợc sự kiêu ngạo ? Chỉ cần thắp sáng ngọn đèn yêu thương trong lòng, vì “ Tình yêu thương …. chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo,” (I Cô-rinh-tô 13:4).