Khinh có nghĩa là nhẹ, nghĩa bóng là coi nhẹ, coi thường, coi không có giá trị gì, theo quan điểm đạo đức hoặc tinh thần. Tiếng Việt mình ngẫm nghĩ thế mà hay. Có những tiếng ghép vào với “khinh” để giải nghĩa thế nào mới khinh. Khinh rẻ : Cái gì rẻ, không đáng  giá thì khinh. Khinh bỉ : Cái gì thấp kém thì khinh. Khinh miệt : Cái gì nhỏ nhoi, đáng bỏ thì khinh. Trọng khinh đều phát hiện qua ánh mắt. Trọng vọng : lấy mắt ngó vào mà chiêm ngưỡng. Khinh thị : lấy mắt ngó vào mà xem thường.

Quan niệm trọng khinh còn tùy thuộc vào

-Thời thế: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, Nhất nông nhì sĩ (Ca dao)

-Hoàn cảnh: Tay trắng bạn bè đều lánh mặt, Sa cơ thân thích cũng khinh thường  (Thơ Nguyễn Bính)

-Tri thức:   Đọc ba vạn sáu mươi quyển kinh, Chẳng thần, thánh, Phật, Tiên nhưng khác tục  (Thơ của một Sư Cụ)  

-                  Tám vạn nghìn tư mặc kệ, Không quân thần phụ tử đếch ra người  (Thơ Nguyễn Công Trứ)

-Lý tưởng: Tử hoạch khinh ư hồng mao, Tử hoạch trọng ư Thái Sơn (Thơ Đuờng), có nghĩa là cùng một cái chết mà có cái nhẹ như lông hồng, có cái nặng như núi Thái.

Kẻ thiếu, không cần biết, hoặc cố ý quên khái niệm đạo đức căn bản, thường coi trọng vật chất, miếng ăn, tiền tài mà khinh thường lẽ phải, nghĩa lý. Rất buồn,  trong trần thế hiện tại loại người này hơi nhiều. Nhìn hành động của họ, chúng ta thấy vì tiền mà :

                   Mi xô nhân nghĩa vào một xó

                   Mi dẹp can thường lại hai bên

Người đạo đức trọng lẽ phải, nghĩa lý, khinh vật chất, tiền tài phi nhân, phi nghĩa. Trong trần thế ngày nay lớp người này hơi ít.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Còn chúng ta những con cái Chúa trọng gì khinh gì đây ? Lời Chúa Jêsus dạy : “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn (Thần tiền) nữa.” thưứ c (Ma-thi-ơ 6:24). Tôi tin rằng chúng ta phải có cùng một tâm tình : “Chúng tôi quyết hẳn không lìa bỏ Đức Giê-hô-va mà hầu việc các thần khác! Vì Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chúng tôi;….. Chúng tôi cũng sẽ phục sự Đức Giê-hô-va, bởi Ngài là Đức Chúa Trời của chúng tôi” (Giô-suê 24:16-18). Và chúng ta đang mang tâm tình gì đây ?

Ngoài Chúa, ngoài những điều thuộc về Chúa và công việc nhà Chúa, chúng ta có dám coi thường, coi nhẹ tất cả không ? Đó là tâm tư khắc khoải của con cái Chúa sống trong trần thế, mà vật chất chủ nghĩa đang đè nặng trên từng cá thể một. Một số nhỏ trong chúng ta có tài năng để kiếm bạc triệu, bạc trăm ngàn, để có nhà cao cửa rộng, có xe hơi loại sang, có kẻ hầu người hạ, và các anh chị này đã lao mình đi kiếm tiền chẳng có thì giờ suy nghĩ. Khi có dịp suy gẫm lại, một số anh chị tin rằng dầu vậy vẫn không có gì sai trái, còn một số cứ lẳng lặng tiếp tục lao mình vào kiếm tiền quên ngay cả việc thờ phượng Chúa đều đặn. Rồi ngay cả những người bình thường trong chúng ta, phải chật vật kiếm cho đủ sống, đôi khi cũng không đi thờ phượng Chúa đều đặn được, vì luật lệ của hãng, tới ca nhằm đúng ngày Chúa Nhật. Khó thật, làm sao biết mình đúng hay sai đây.

Chúng ta hãy xem Thánh Phao-lô. Về gia tộc : “về dòng Y-sơ-ra-ên, chi phái Bên-gia-min”, về đạo đức : “thuộc phe Pha-ri-si” giữ “sự công bình của luật pháp, thì không chỗ trách được” (Phi-líp 3:5-6), về tri thức : “học nơi chân Ga-ma-li-ên”, một danh sư thời bấy giờ (Công-vụ các Sứ-đồ 22:3), về uy quyền : là “quốc dân La-mã” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:37), công dân một đế quốc, lại “có trọn quyền của các thầy tế lễ cả phó cho” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:14). Ấy thế mà Thánh Phao-lô tuyên bố “tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy. Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác” (Phi-líp 3:7-8). Nếu Thánh Phao-lô không có Cứu Chúa Jêsus Christ thì ông đã không coi thường, bỏ đi “mọi điều lợi” mà cả đời miệt mài theo đuổi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta có Cứu Chúa Jêsus, chúng ta cũng không nên coi trọng vật chất tới mức độ không giới hạn, tới mức độ tham lam, như đang trong cơn khát tiền. Lời Kinh Thánh dạy chúng ta “Chớ yêu (trọng vật chất ở) thế gian, cũng đừng yêu các vật (vật chất) ở thế gian nữa” (I Giăng 2:15), cùng cả sự vinh hiển ở trần thế này nữa vì “ thế gian không xứng đáng cho họ (chúng ta) ở …… Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 11:38,40).  Đừng “ ham hố (trọng vọng) đời nầy” (II Ti-mô-thê 4:10) mà lùi đi trên bước đường theo Chúa và phục vụ Ngài.

Trong niềm tin của một con cái Chúa già, không phải lo cho con, không cần nhà cao cửa rộng, không ao ước nay du lịch nơi này, mai du lịch nơi kia, không nghĩ tới cao lương mỹ vị, phải chăng tôi dễ có ý tưởng mang tinh thần “xuất thế” ? Xin thưa, không phải vậy.

Trong niềm tin, tôi ước mong chúng ta, những con cái Chúa, “vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 15:12), không quá coi trọng đồng tiền, nhưng xử dụng đồng tiền kiếm được theo ý Đấng Tạo Hóa, đem lợi ích cho mình (vì công khó mình đã đổ ra), cho người cần sự giúp đỡ và nhất là dự phần vào công việc nhà Chúa nơi trần thế, “Vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng. Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành” (II Cô-rinh-tô 9:7-8). Việc kiếm tiền chân thật không phải là điều đi sai đường lối Chúa. Nhưng việc thờ phượng Chúa bằng tất cả tấm lòng kính yêu Ngài, bằng cả tâm thần và lẽ thật hẳn là điều mà chúng ta phải ghi nhớ trong tâm. Vì vậy, nếu công việc hãng cản trở việc thờ phượng Chúa, hãy cầu nguyện xin Chúa sắp đặt để chúng ta đủ sức cố gắng kiếm một việc khác.

Thế gian này có phải là nơi chúng ta sẽ sống đời đời được nếu chúng ta giầu có không ? Chắc chắn chúng ta ai cũng có câu trả lời, cái già sẽ đến, bệnh tật sẽ đến và sau cùng sự chết cũng sẽ đến. Chúng ta chắc hẳn đã cảm nhận được rằng cuộc sống trên trần thế này chỉ là tạm bợ, và con cái Chúa chúng ta phải coi nhẹ, coi thường tất cả những gì thuộc thế gian này (trước việc thờ phượng Chúa và dự phần vào công việc nhà Chúa) . Đó là chữ khinh (coi nhẹ, coi thường) của con cái Chúa chúng ta đối với tất cả những gì thuộc về trần thế.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Chúng ta chỉ ỡ tạm nơi thế gian này và chờ ngày vào cõi đời đời. Con cái Chúa chúng ta hết sức sống sao, sinh hoạt sao “để đường lối Chúa được biết trên đất, và sự cứu rỗi của Chúa được biết giữa các nước” (Thi-thiên 67:2), hầu mọi người có dịp được biết và nhận sự cứu rỗi nơi Chúa. Và có như vậy thì chúng ta mới làm đẹp lòng Chúa.