Người tự trọng là người ý thức được mình là người. Thiên sinh vạn vật duy nhân tối linh, nên người phải sống theo thiên luân, tránh hành động theo thú tính. Người tự trọng là người biết quý nhân phẩm, nhân cách, lo giữ gìn, lo phát triển đề xứng danh con người.

Người tự trọng là người nhận thức được về một mẫu người mà chân thiện mỹ đang lờ mờ ẩn hiện trong lương tâm sinh động, nên tự quý sự thanh khiết đang ngự trị, tự trọng, quyết bảo vệ như một gia bảo, lắm khi phải cắn răng chịu thiệt thòi, hầu đứng vững gót để làm người tự trọng. Cũng vậy, lắm khi phải từ chối lợi lộc để lẽ phải khỏi bị hoen ố.

Trong thời đại xa xưa, có câu chuyện sau. Quan huyện Vương Mật được quan thái thú Dương Chấn tiến cử. Một đêm nọ, Vương Mật đem vàng đến làm lễ ra mắt Dương Chấn. Dương Chấn bảo:

-Tôi biết ông là ngưòi khá nên tiến cử ông. Ông không hiểu tôi, lại đem vàng đến biếu tôi!

Vương Mật xít xoa thưa :

-Xin Ngài nhận cho, bây giờ khuya, không ai biết.

Dương Chấn nói :

-Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết. Sao lại bảo không ai biết?

Người tự trọng Dương Chấn không sợ dư luận bên ngoài mà chỉ sợ dư luận bên trong, nghĩ đến điều phải trái mà lương tâm xác định.

Khoảng năm 1957, một buổi sáng hè nóng nực, má tôi được một vị người Việt gốc Hoa không quen biết đưa biếu một hộp bánh quế trên có tấm danh thiếp, và nói đó là quà cảm tạ lòng tốt của bố tôi. Trưa hôm đó, lúc bố tôi từ sở về ăn cơm trưa, nhìn quà và tấm danh thiếp với vẻ mặt hơi bực bội. Sau khi ăn cơm, bố tôi mang hộp bánh quế đi và nói với má tôi là để trả lại cho người tặng quà. Lý do, người này định dùng một số tiền khá lớn để xin quyền cung cấp vật liệu xây cất nhà cho người nghèo trong chương trính viện trợ của Hoa Kỳ. Nhưng buồn thay, sau đó ít tuần bố tôi đã bị “cách chức” giám đốc Bộ Xã Hội, cũng như gặp rất nhiều khó khăn, từ những quan chức có địa vị cao hơn, trong công việc sau đó. Tại thời điểm trước khi lên phi cơ đi Nhật Bản, tôi mới biết được rằng, bố tôi đã cắn răng chịu thiệt thòi, hầu đứng vững gót để làm người tự trọng và phải từ chối lợi lộc để lẽ phải khỏi bị hoen ố, mặc dầu bị cấp trên tham nhũng làm hại.

Ngày nay người trần thế có còn nghĩ tới tự trọng trong việc hành xử trong đời không? Xin thưa, người đời chỉ nghĩ tới tự ái, còn tự trọng bị quên lãng, thay vào đó ý nghĩ “không bị luật pháp kết tội” là tốt rồi. Người trần thế thường yêu mình, hơn quý trọng mình, nhân cách mình, phẩm giá mình. Con người mình đáng yêu là dường nào! Ngay cả những điều mình chê bai, chỉ trích, ghét bỏ nơi người khác cũng trở nên “chẳng sao cả” hay “cũng được” nếu là của mình, ở trong mình. Vì vậy, tự ái càng cao bao nhiêu thì hành động càng thiếu sáng suốt bấy nhiêu. Chẳng những thiếu sáng suốt mà có khi còn mù quáng nữa.

Tự ái thuộc về tình cảm, tự trọng thuộc về lý trí. Nếu ta sống vị tình cảm, hay tình cảm ta càng dồi dào, tự ái ta càng cao. Lý trí ta không luôn luôn sinh động, lòng tự trọng ta nghèo nàn. Tự ái hiện đến qua trực giác, nhưng tự trọng thì không dễ dàng như vậy. Nó luôn luôn đòi hỏi một sự phấn đấu gay go với chính mình, nó đòi hỏi mình phải thắng con người mình. Người tự trọng phải là người có khí tiết có cường dũng. Lão Tử nói : “Thắng nhân giã lực, tự thắng dã cường” có nghĩa là thắng người cần sức, thắng mình cần cường dũng.

Chúng ta cũng thấy người tự trọng chắc chắn không bao giờ tự đại. Người tự đại coi mình là “rốn vũ trụ” và thường bị người đời ghét hơn là trọng.

Nhìn lối sống, cách hành sử của một số người, chúng ta có thể tưởng tượng trong họ đầy dẫy tính thú vật : hung dữ như cọp, như beo ; độc hại như nọc của con rắn hổ cong queo, dâm dục dơ bẩn như con heo, háu ăn mưu mẹo như con khỉ. Làm sao có sự tự trọng trong những con người này.

 Người tự trọng biết mình, hiểu mình, không chịu lừa mình và sợ lương tâm mình hơn sợ người. Lối sống của người tự trọng thoải mái lắm. Tự mình quý nhân phẩm mình. Ai yêu mến thì mừng, ai ghét không giận, thấy giầu sang chẳng háo hức, gặp nghèo khó không phàn nàn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy học sự tự trọng của Thánh Phao-lô. Thánh Phao-lô nói “ tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.” (Phi-líp 4:11-12)  “dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt; ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết; ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!” (II Cô-rinh-tô 6:8-10). Người tự trọng đôi khi vì khinh xuất rớt vào trường hợp có những hành vi đáng khinh, mà thiên hạ lại khen ngợi vì một mục đích không chính đáng, hay coi nhẹ chuyện khen chê và nói cho vui cả làng, thì người tự trọng chẳng lấy thế làm vinh hoặc vui mà lại xấu hổ. Người tự trọng cảm thấy mình đã hành động, theo lòng tự trọng, đáng quý mà thiên hạ cố tình hay cố ý hiểu sai, khinh miệt, thì chẳng lấy làm bực mình, khổ sở, không trao tâm hồn mình cho người ngoài đường. Mỉm cười chấp nhận.

Chúng ta phải là người tự trọng, vì chẳng những chúng ta ý thức rõ ràng mình là ngườim mà còn là “dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh là dân thuộc về Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:9).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong tinh thần tự trọng, chúng ta không cần xét sự toàn bích trong con người chúng ta. Chúng ta đã có Đấng toàn bích ngự trong chúng ta, chỉ dẫn chúng ta, Đấng đó chính là Đức Chúa Jêsus, Ngài phán rằng “Ta sẽ ngự trong các ngươi” (Giăng 15:4). Nên mọi hành động của chúng ta đã có một quy luật hướng dẫn “Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10), đề “Đấng Christ sẽ được cả sáng trong mình tôi” (Phi-líp 1:20).

Có tinh thần tự trọng, quý trọng mình, chúng ta mới đứng vững trong đời theo Chúa, một cuộc đời đầy tranh chiến với các ý nghĩ tối tăm, với ý định làm chuyện thiếu tự trọng khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn về vật chất, khi có những đòi hỏi không trong sạch của thân xác. Chúng ta phải quyết tâm thắng trong các cuộc tranh chiến này. Chúng ta chẳng những phải tự thắng bản ngã thôi đâu. Lời Kinh Thánh dạy rằng  chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12). Theo lời Kinh Thánh dạy “chúng ta nhờ Đấng  yêu thương mình (Chúa Jêsus) mà thắng hơn bội phần” (Rô-ma 1:25).

Trong tinh thần tự trọng, chúng ta sẽ cảm nhận được rằng ngay cả thân thể hay hư nát của chúng ta đây cũng đáng quý trọng là dường nào. Vì nó “đã được mua chuộc bằng một giá cao rồi” (I Cô-rinh-tô 6:20), là được trả bằng chính sinh mạng của Chúa Jêsus Christ. Thân thể này đã trở nên “ chi thể của Đấng Christ … là đền thờ của Đức Thánh Linh …  Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 6:15, 19-20).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Chúng ta có những điều rất quý trọng, cho phép tôi tin rằng chúng ta con cái Chúa đă và đang mang tinh thần tự trọng trong tâm để hành xử sao cho Danh Chúa Được Tỏa Sáng trong trần thế.