Trong trần thế, tình cảm yêu, ta dành cho ta thì nhiều, còn dành cho tha nhân thì ít. Tình cảm ghét, ta dành cho ta thì ít, còn dành cho người thì nhiều. Hậu quả là cả người lẫn ta đều chịu đau khổ, ray rứt. Chỉ cần yêu người nhiều hơn, ghét người ít hơn, thì chắc hàng xóm láng giềng vui với nhau hơn, bè bạn gần gũi nhau, thân nhau hơn, thế giới sẽ thái an hơn, sáng sủa hơn. Phải chăng trên thực tế, chúng ta đang trực diện với ao ước đó như ảo ảnh cuộc đời ? Nếu ta không quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân và nghĩ cách hóa giải tình cảm ghét người, thì ta sẽ cảm thấy khổ sở đầu tiên, tạo sự lạnh lùng cho cả ta lẫn người.

Hẳn ai trong chúng ta, cũng đã có lần nghe một bản nhạc hòa tấu với nhiều nhạc cụ khác nhau. Tiếng dương cầm tha thiết, tiếng kèn, tiềng vĩ cầm réo rắt, tiếng đại hồ cầm bập bùng, tiếng trống rộn rã. Những thanh sắc khác biệt thêm mầu cho chùm hoa âm hưởng đẹp kiêu sang trong lòng chúng ta.

Trong xã hội, loài người sống chung với nhau, mỗi người một vẻ với một số ưu điễm. Lời nói và hành động của người này thường trực tiếp hay gián tiếp tác động lên người khác. Tuy nhiên khác với âm thanh của nhiều nhạc cụ hòa vào nhau tạo nên những âm huởng tuyệt diệu, thì lời nói và hành động của chùng ta thường bị vẩn đục bởi tình cảm ghét người nên làm sáo trộn mối tương giao, tương trợ trong xã hội loài người.

Cái xấu xa của con người là muốn người khác giống mình. Hễ không có lời nói và hành động giống mình, không hòa hơp hình sắc, tư tưởng, thế lợi là ghét. Từ lòng ghét đó, người đời thường nói những gì phóng đại, độc ác, như để hủy hoại thanh danh hay cuộc sống của đối phương cho bõ ghét.

Trong văn học sử Pháp có câu chuyện đại thi sĩ Voltaire bị một ông văn sĩ không nổi tiếng J. Fréron ghét, viết bài chửi rủa Voltaire với giọng văn bẩn thỉu, độc ác. Thi sĩ Voltaire làm bốn câu thơ sau đây để trả lời :

Un jour,au fond d’un vallon,       Một hôm, dưới một thung lũng

Un serpent piqua Jean Fréron,   Một con rắn cắn Jean Fréron

 Que voulez-vous qu’il arriva?    Đố bạn biết rồi ra sao

- Ce fut le serpent qui creval.       Chính con rắn bị chết queo.

Dùng mấy câu thơ kể trên, thi sĩ Voltaire đã cho chúng ta thấy Jean Fréron đã để cho tình cảm ghét biến thành một loại độc hơn cả rắn độc nửa, khiến rắn độc phải chết khi cắn nhằm con người độc hại Fréron.

Ở Việt Nam, có một vị đã du học ở Nhật Bản, về Việt Nam sau năm 1975, và được đàn em kính trọng, nể vì. Sau bao nhiêu năm cư ngụ và làm ăn ở quê nhà, vị này trở nên giàu sang, con cái đều có cơ sở kinh doanh cả, và được nhiều người biết đến như một gia đình thành công. Bỗng trong một Facebook, ông đã bênh vực cho những gì không đạo đức, rằng “phải bỏ đi sự hận thù, ghét bỏ những công chức đang phục vụ quê hương ở trong nước. Họ không có ăn hối lộ, nhưng những người làm ăn đã thông cảm với họ và bằng lòng phân bối lại một phần lợi tức cho họ, để họ đủ sống.”.  Một số đàn em đã thẳng thắn đáp lễ trả lời trên Facebook rằng lới nói của ông không mang tính chất ngay thẳng chín chắn, vì “hối lộ là hối lộ” “tham nhũng là tham nhũng” “bẩn thỉu là bẩn thỉu”, làm gì có chuyện thông cảm và phân bối lại một phần lợi tức qua các thủ tục hành chánh trong thương trường, mà có lẽ ông là một trong những “người làm ăn”. Theo nhận xét của những cậu đàn em thì hiện nay, ở hải ngoại hay ở trong nước, những người nêu vấn đề tham nhũng chẳng hề mang hận thù, ghét bỏ, chẳng ai có lời nói hay hành động nào tàn độc để hại người công chức, cán bộ, quan chức nhà nước, nhưng chỉ có những lời ngay thẳng yêu cẩu bất cứ người phục vụ chuyện công nào đi nữa,  hãy nghĩ tới dân, làm điều chính trực, không tham nhũng, không hối lộ dưới bất cứ hình thức nào, xảo thuật nào, và những vị nào làm chuyện này hãy thức tỉnh, không làm chuyện sai trái nữa. Thế là phe đồng ý với lối suy nghĩ của vị nọ bắt đầu trả đũa phe không đồng ý, gán cho phe không đồng ý là một phần của các thế lực thù nghịch với nhân dân Việt Nam cố tình bôi nhọ quan chức nhà nước Việt Nam, và kết luận bằng một câu : “Coi chừng bọn chúng đó”. Lòng bực tức, ghét, hận như bốc cháy trong phe bênh vực làm điều sai mà muốn được hiểu và giải thích tốt. Rồi người viết qua, kẻ viết lại, dùng lời lẽ kiểu xỏ xiên có, lời bậy bạ có. Tội nghiệp cho con cháu Lạc Hồng kiểu này, hễ ai không chịu cúi đầu như trừu non trước quyền lực, hoặc làm ngơ trước những sai trái cũa họ, thì tức khắc bị họ vu khống, bôi nhọ cho bõ “ghét”. Thấy tình thế không gỡ nổi, tôi đành yêu cầu ông owner của facebook “xóa tên” tôi khỏi danh sách những người nhận message từ facebook đó. Đa số người thế tục thường như vậy, học thức cao hay thấp, chắc cũng chẳng khác nhau mấy.

Một sự tình cờ, tôi được chứng kiến hai ông hàng xóm to tiếng với nhau, một vị giơ tay xỉa xói chỉ trích vị kia. Nhưng kìa quan sát thử bàn tay đang xỉa xói. Ngón tay chỏ chỉ vào đối phương, ngón cái cúi xuống chỉ đất, còn ba ngón kia quay lại chỉ vào người đang xỉa xói. Chỉ người có một mà chỉ mình đến ba. Phải chăng điều đó nhắc chúng ta, và nhất là những vị kể trên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để đừng hằn học, đừng ghét người vội, khi bị phê bình chỉ trích. Hãy xét mình xem mình có làm điều sai trái hay không và có đáng ghét hay không.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta đừng để chỉ trích và phê bình lạc hướng. Vì phê bình và chỉ trích phát xuất từ tấm lòng yêu thương với tinh thần xây dựng sẽ : “Chẳng làm hại cho bạn hữu mình, Không gieo sỉ nhục cho kẻ lân cận mình” (Thi-thiên 15:3).

Kinh Thánh đã nghiêm khắc lên án tình cảm ghét của chúng ta dành cho người, nhất là dành cho anh chị em trong Chúa. Kinh Thánh phán rõ ràng rằng : “Ai ghét anh em mình, là kẻ giết người” (I Giăng 3:15).

Đức Chúa Trời không thể chấp nhận tương giao với người có lòng ghen ghét. Đức Chúa Jêsus dạy rằng : “nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24). Ngài cũng chẳng muốn tương giao với người nói dối : “Vì có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20).

Kinh Thánh cũng dạy rằng : “ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm”. Vì cớ đó, nên “ làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người” (I Giăng 2:11).

Con cái Chúa chúng ta chẳng ai muốn mang tiếng là tên sát nhân, là người nói dối, là con người quờ quạng, quay cuồng trong tối tăm. Lòng ghen ghét cần được hóa giải. Lời Kinh Thánh dạy rằng : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau” (Ê-phê-sô 4:32). Lời Đức Chúa Jesus đã nhắc nhở chúng ta như sau : “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:43-44). Thánh Phao-lô dạy rằng : “Chớ lấy ác trả ác cho ai; phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người. Nếu có thể được, thì hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người” (Rô-ma 12:17-18) “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng hãy lấy điều thiện thắng điều ác” (Rô-ma 12:21-22).

Làm sao chúng ta có thể quên được : “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội” (Rô-ma 5:8), Chúa đã thương yêu chúng ta ngay khi chúng ta có tội, chúng ta đáng bị khinh bỉ, đáng ghét. Vậy chúng ta phải có thái độ như thế nào, xin chúng ta cùng nhớ lại một đoạn trong bài “Cầu Nguyện Chung” : “Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12), Chúng ta tha thứ cho người, và không mang lòng “khinh khi” “ghét bỏ” người.

Oglethorpe là một vị tướng tài của quân đội Hoàng Gia Anh, ở cuối thế kỷ thứ 17 đầu thế kỷ thứ 18. Ông là vị tướng đã đánh chiếm được vùng đất Georgia ở Mỹ Châu, thành lập nước thuộc địa Georgia (hiện nay trở thành tiểu bang Georgia của Hoa Kỳ) cho Đế Quốc Anh thời bấy giờ. Vì quá tài giỏi và thành công, ông mang tính xem thường người khác, không mấy bao dung. Ông John Wesley là vị mục sư Anh Giáo, nhà Thần học  nổi tiếng cùng thời với tướng Oglethorpe. Trong một nghi lễ của Hoàng Gia, hai ông đã trò chuyện cùng nhau.Và trong câu chuyện tướng Oghethorpe có lúc hằn học nói với mục sư John Wesley rằng :

-Tôi chẳng bao giờ tha thứ cho ai cả.

Mục sư John Wesley điềm đạm trả lời :

-Được, trong trường hợp này, tôi mong rằng ông chẳng bao giờ phạm tội.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Kinh Thánh dạy chúng ta phương pháp hóa giải lòng ghen ghét như sau : “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:31-32).

Mark Twain, một văn sĩ nổi danh của Anh Quốc, nói “Lòng tha thứ là hương thơm của một bông hoa bị dày xéo dưới chân”.

Và mỗi lần bản thân tôi vấp phạm, được bố mẹ, anh em, hoặc bè bạn tha thứ, tôi chỉ biết cúi đầu, cảm ơn tình yêu thương qua sự rộng lượng, lòng nhân ái của những người đó dành cho tôi. Nhưng hơn một lần, khi phạm tội mà chẳng một ai hay, tôi đã cầu xin Chúa tha tội, và tôi biết rằng “Đức Chúa Trời đã tha thứ” cho tôi.

 

Và mỗi khi tôi nhịn nhục bỏ qua những hành động cũng như lời nói ác độc của người đến với mình, tôi cảm thấy lòng nhẹ nhõm, như đang đứng trong một khung trời bình an, đầy gió mát, hoa thơm cỏ lạ. Và tôi chỉ biết cảm tạ Chúa, Ngài đã ban cho tôi sự thông sáng để hành động theo lời dạy của Ngài.