Kinh Thánh là chân lý. Đối với con cái Chúa Kinh Thánh là lời của Đức Chúa Trời phán với nhân thế, là nền tảng của niềm tin.

Trong quá khứ, đã có nhiều danh nhân đọc, suy gẫm rồi ca tụng Kinh Thánh, coi Kinh Thánh như khuôn vàng, thước ngọc. Đó là George Washington, Abraham Lincoln, Napoléon, Queen Victoria, Daniel Webster, Sir Issac Newton, Goeothe, Ông Mahatma Gandhi v.v. đã đươc Henry H. Halley trưng dẫn trong cuốn Bible Handbook trang 22 và 23.

Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, Georges Washington đã tuyên bố : Không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh thì không thể nào điều khiển thế giới cách đứng đắn được. John R. Green, tác giả cuốn Short History of The English People (Lịch sử dân tộc Anh) đã ghi trong trang 460 : Không có cuộc thay đổi quốc gia nào vĩ đại hơn cuộc thay đổi ở Anh Quốc khoảng giữa triều đại Nữ Hoàng Elizabeth, và lúc Nghị Viện nhóm họp. Anh Quốc đã trở thành nước của một quyển sách và quyển ấy là Kinh Thánh.

William Ẹ Gladstone, một chính khách lỗi lạc của người Anh đã nói : Kinh Thánh có mang dấu tich khởi nguyên đặc biệt, và Kinh Thánh cách xa các sách đối đầu một trời một vực.

Kinh Thánh đã đề cập đến những vấn đề của triết học, văn chương, pháp lý, luân lý, thần học v.v. Tiểu thuyết gia Charles Dickens của nước Anh đã phải công nhận về câu chuyện người cha nhân ái với cậu con trai hoang đàng mà Chúa Jêsus đã nói, được ghi lại trong Luca 15 là câu chuyện cảm động hơn hết. Luật sư nổi tiếng và cũng là chủ tịch thượng viện của Hoa Kỳ năm 1831, ông Daniel Webster thì cho đoạn Kinh Thánh nói về pháp lý hay hơn hết là bài giảng trên núi của Chúa Jêsus và đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu thương được trong sách Ma-thi-ơ 5:1-16). Nhà cách mạng Mahatma Gandhi của xứ Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng về bài giảng trên núi của Chúa Jêsus và đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu thương ghi trong thư I Cô-rinh-tô 13. Ông Gandhi đã tâm sự rằng mỗi lần tinh thần căng thẳng trong cuộc đấu tranh, ông thường đọc I Cô-rinh-tô 13. Ông cũng khuyên các môn đệ làm như vậy.

Tình nghĩa vợ chồng, bổn phận con cái trách nhiệm cha mẹ, cách đối xử giữa người và người trong xã hội đều được dạy một cách rõ ràng trong Kinh Thánh. Diễn biến về tình trạng nhân loại, thế giới thay đổi tồi tệ đi cũng được đề cập tới. Dầu nội dung phong phú như vậy, nhưng những điều đó chưa phải là yếu tố chính của Kinh Thánh. Trung tâm điểm của Kinh Thánh là Đức Chúa Jêsus, Cứu Chúa của nhân loại.

Sau khi đọc và nghĩ nhiều tôi vẫn không thể tìm ra một thí dụ cụ tượng để soi sáng ý niệm Chúa Jêsus là trọng tâm của Kinh Thánh. Không thể ví Ngài như kính hội tụ để đem tất cả các tia sánh trước kính về một điểm, hoặc là kính phân kỳ để ánh sáng từ một điểm tỏa rộng ra sau kính.

Dầu muốn cắt nghĩa cách nào, thì đại lược Kinh Thánh đã bầy tỏ địa vị và sự cần yếu của nhân loại. Kinh Thánh đã miêu tả sự sa ngã và địa vị hư mất của loài người, cùng sự bất năng của loài người trong việc tự cứu. Chính ngay lúc đó, Đức Chúa Trời đã khải thị cho loài người biết về một Đấng Cứu Chuộc qua hình bóng của con sinh tế trong thời Cựu Ước và sẽ hiển hiện là Jêsus Christ trong thời Tân Ước. Sự cứu chuộc, sự cứu rỗi của thời Cựu Ước và thời Tân Ước đều đứng trên một nền tảng chung là đức tin.

Ngày nay Kinh Thánh giữ một vai trò quan trọng trong các môn học về lịch sử, khảo cổ, văn chương hoặc thần học v.v. ở các đại học nổi tiếng trên thế giới. Nhiều giáo sư và sinh viên miệt mài tra cứu Kinh Thánh để dò tìm một sự kiện hiển nhiên trong quá khứ. Qua Kinh Thánh, họ đã có thêm một mớ tri thức. Chỉ vậy thôi sao ? Thật vậy, vì họ đã bỏ qua trọng tâm của Kinh Thánh là Cứu Chúa Jêsus Christ.

Chẳng cứ ngày nay con người mới quan tâm đến Kinh Thánh, người xưa đã vậy. Họ tra cứu không phải để tìm kiếm tri thức mà là tìm kiếm sự sống đời đời. Nhưng họ đã thất bại. Kinh Thánh không ban cho họ sự sống đời đời, song chỉ bày tỏ Đấng ban sự sống đời đời mà họ cần phải tin cậy. Chính Chúa Jêsus đã khẳng định với họ : “Các ngươi dò xem Kinh Thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh Thánh làm chứng về ta vậy. Các ngươi không muốn đến cùng ta để được sự sống!” (Giăng 5:39-40).

Đôi khi vì một nguyên nhân nào đó, chúng ta đưa ra nghi vấn : Chắc gì Chúa Jêsus là con Đức Chúa Trời, chắc gì Ngài là Cứu Chúa của nhân loại. Ma quỉ cũng đã gieo sự nghi ngờ này vào chính Chúa Jêsus, “Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:6). Na-tha-na-ên xét theo “địa lý” cũng nghi ngở về Chúa Jêsus : “Há có vật gì tốt ra từ Na-xa-rét được sao?” (Giăng 1:46). Các nhà lãnh đạo tôn giáo nghi ngờ “người này thì chúng ta chẳng biết bởi đâu đến” (Giăng 9:29). Đoàn dân đông đảo đứng đối diện với Chúa Jêsus trong giờ Ngài lâm chung nghi ngờ : “” (Lu-ca 23:35). Và thậm chí tên cướp gian ác cũng nghi ngờ : “” (23:34).

Phải lấy gì làm bằng cớ xác thật Ngài là Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của nhân loại ?

Bên cạnh đời sống thánh khiết và quyền năng của Ngài, còn có cả Kinh Thánh làm chứng hùng hồn Ngài quả là Con Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Thế. Chính Đức Chúa Jêsus đã dùng Kinh Thánh tự chứng Ngài vốn là Con Đức Chúa Trời.

Lu-ca 24:13-32 ghi lại sự việc Đức Chúa Jêsus sau khi Ngài từ kẻ chết sống lại đã hiện ra với hai môn đồ trên đường từ thành Jê-ru-sa-lem về làng Em-ma-út. Hai môn đồ đã không nhận biết Ngài tranh luận về sự sống lại của Chúa Jêsus theo sự xôn xao và lời đồn trong dân chúng. Kinh Thánh ghi rằng : “Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh hiển mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu-ca 24:25-27).

Ngài bắt đầu từ Mô-se” – các sách đầu của Kinh Thánh, “Kế đến mọi đấng tiên tri” – các sách cuối trong phần Cựu Ước để chỉ cho hai môn đồ “những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh”. Ngày nay chúng ta không còn khó khăn tìm thấy “những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh”. Xin trưng dẫn một vài câu chỉ về Ngài trong Kinh Thánh, “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng dõi mầy cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng-thế-ký 3:15). Cả nhân loại đều thuộc dòng dõi người nam,duy Chúa Jêsus thuộc về “Vậy, Môi-se làm một con rắn bằng đồng, rồi treo lên một cây sào; nếu người nào đã bị rắn cắn mà nhìn con rắn bằng đồng, thì được sống” (Dân-số-ký 21:9). Chính Chúa Jêsus đã lấy sự kiện này dạy cho Ni-cô-đem, “Xưa Môi-se treo con rắn lên nơi đồng vắng thể nào, thì Con người cũng phải bị treo lên dường ấy, hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.” (Giăng 3:14-15). Sự kiện này đã xẩy đến cho Chúa Jêsus, “Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp” (Lu-ca 23:33); Ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.” (Giăng 1:29). Ngài là hình ảnh thật của chiên con trong Lễ Vượt Qua, đã được ứng nghiệm từng chi tiết nhỏ, “Lễ đó chỉ ăn nội trong nhà; ngươi đừng đem thịt ra ngoài, và cũng đừng làm gãy một cái xương nào” (Xuất Ê-díp-tô ký 12:46), điều này đã được ứng nghiệm nơi Ngài như thánh Giăng chép : “Vì bấy giờ là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát, mà Sa-bát nầy là rất trọng thể, nên dân Giu-đa ngại rằng những thây còn treo lại trên thập tự giá trong ngày Sa-bát chăng, bèn xin Phi-lát cho đánh gãy ống chân những người đó và cất xuống. Vậy, quân lính lại, đánh gãy ống chân người thứ nhất, rồi đến người kia, tức là kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài. Khi quân lính đến nơi Đức Chúa Jêsus, thấy Ngài đã chết rồi, thì không đánh gãy ống chân Ngài;” (Giăng 19:31-33). Còn lời Kinh Thánh trong Thi-thiên 22:18 dự ngôn “Chúng nó chia nhau áo xống tôi, Bắt thăm về áo dài tôi”, Thánh Giăng đã ghi sự việc này xẩy ra cho Chúa Jêsus : “Quân lính đã đóng đinh Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá rồi, bèn lấy áo xống của Ngài chia làm bốn phần, mỗi tên lính chiếm một phần. Họ cũng lấy áo dài của Ngài, nhưng áo dài đó không có đường may, nguyên một tấm vải dệt ra, từ trên chí dưới. Vậy, họ nói với nhau rằng: Đừng xé áo nầy ra, song chúng ta hãy bắt thăm, ai trúng nấy được. Ấy để cho được ứng nghiệm lời Kinh Thánh nầy: Chúng đã chia nhau áo xống của ta, Lại bắt thăm lấy áo dài ta. Đó là việc quân lính làm.” (Giăng 19:23-24).

Rồi đến sách tiên tri như Ê-sai, rõ nhất là phân đoạn 53 “Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta, và cánh tay Đức Giê-hô-va đã được tỏ ra cho ai? Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được. Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người. Người bị hiếp đáp, nhưng khi chịu sự khốn khổ chẳng hề mở miệng. Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng. Bởi sự ức hiếp, và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt? Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng hề làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng. Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Đức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ. Vậy nên ta sẽ chia phần cho người đồng với người lớn. Người sẽ chia của bắt với những kẻ mạnh, vì người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội” (Ê-sai 53:1-12), sách tiên tri Giô-na, Đa-ni-ên, Xa-cha-ri v.v., biết bao lời đã nói về Ngài đều được ứng  nghiệm nơi Ngài, đủ chứng minh mạnh mẽ Ngài quả thật là “Con Đức Chúa Trời” - Cứu Chúa của cả nhân loại. Để kết luận về cuộc đời Cứu Chúa Jêsus tại thế, Thánh Giăng viết “Nhưng các việc nầy đã chép, để cho các ngươi tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời, và để khi các ngươi tin, thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31).

Thưa quý vị chưa phải là con cái Chúa,

Như đã trình bày ở trên, Kinh Thánh là chân lý, và Chúa Jêsus là trọng tâm của Kinh Thánh, Ngài quả là Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của nhân loại. Sứ đồ Phi-e-rơ quả quyết rằng : “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công-vụ các Sứ-đồ (4:12).

Ước mong Kinh Thánh, những bài giảng luận của quý mục sư trên các Websites, và loạt bài chia sẻ niềm tin trong Website này giúp quý vị tìm được sự tin tưởng vững chắc rằng Chúa Jêsus là Cứu Chúa và quý vị bằng lòng đến với Ngài để được sự sống đời đời.