Tôi là người có tội, không phải với người nào, với xã hội nào hay với chính thể nào mà là với Đấng Tối Cao, là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời.

Đức Khổng Tử hỏi thầy Tử Lộ: Thế nào là người trí? Thầy Tử Lộ thưa: Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình. Thầy Tử Lộ là người vụ ngoại, chỉ cần cho người ta biết mình, hiểu mình. Đức Khổng Tử khen: Nhà ngươi nói vậy cũng khá gọi là người có học vấn.

Đức Khổng Tử đem câu đó hỏi thầy Tử Cống. Thầy Tử Cống thưa : Người trí là người biết người. Thầy Tử Cống là người quên mình mà chỉ nghĩ tới người. Đức Khổng Tử khen: Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn.

Đức Khổng Tử đem câu đó hỏi thầy Nhan Hồi. Thầy Nhan Hồi thưa: Người trí là người biết mình. Thầy Nhan Hồi không phải là người tự kỷ, hẹp hòi, mà là người biết nhận định sâu xa. Có biết mình mới tu tỉnh, mới cải hóa để trở nên người hay, người giỏi. Đức Khổng Tử phải khen : Nhà ngươi nói như vậy đáng được gọi là bậc sĩ quân tử, là bậc thượng lưu trong xã hội, có đức hạnh, có học vấn.

Biết mình là gạt bỏ những tư tưởng, những hành động tự dối mình, để lừa mình. Đứng về một phương diện nào đó, chúng ta có thể nói không ai hiểu mình bằng mình. Nhưng thực ra trên nhiều bình diện chúng ta không thể tự biết mình, hoặc có biết chăng nữa cũng biết trong lầm lạc hoặc thiếu chính xác.

Ta có một xe hơi tốt, không có nghĩa là ta tốt. Ta diện một bộ đồ đẹp, trông lịch sự, chưa hẳn ta là người đẹp và lịch sự. Ta có một địa vị cao trong xã hội mà lại cứ đinh ninh ta là người cao trọng thì thật là chưa biết mình. Tiếc thay, chúng ta thường nhìn mình dưới con mắt tự ái, qua lăng kính học thức, đạo đức, nghề nghiệp, tiền bạc, thuận nghịch cảnh, sở trưởng cùng sở đoản, để tự đánh giá mình, biết mình, nên cái biết về ta làm sao tránh khỏi lệch lạc.

Chúng ta cũng biết mình theo luật tiệm tiến như Thánh Phao-lô nói : “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhơn bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.” (I Cô-rinh-tô 13:11). Nên có những điều tôi biết về cái tôi khiến tôi tự hào, tự phục cái tôi trong quá khứ, ngày nay nó không còn nguyên giá trị như tôi đã nhận định. Có những vị viết hồi ký về những biến cố chính trị mà mình đã tham dự thường “góc tốt (có thể thật, có thể tự dựng ra) phô ra, xấu xa đậy lại”, thì cái biết mình này càng méo mó.

Ngày nay nhờ khoa tâm lý học và phân tâm học, người ta có thể biết mình hơn, người ta có thể biết mình hơn. Người không còn biết mình nữa ở một mức độ nào đó sẽ bị người đời cho là mát, là khùng.

Chúng ta thường nghĩ rằng mình khôn ngoan đủ, sáng suốt đủ, biết mình đủ để sống trong đời. Chúng ta có nhiều thứ trong ví để cho mọi người biết về mình như mình biết vậy. Và chúng ta có thể trình làng : Tôi là một người, một người Việt mũi tẹt da vàng, đã sáng suốt nhận định “không gì quý bằng tự do” nên đã vượt mọi gian nguy để có một đời sống tự do hiện hữu. Tôi biết tôi cũng đủ tài ba như ai, để len lỏi vào giữa xã hội văn minh, để đứng vững và tiến lên với mọi người. Tôi cũng biết tôi dùng kẽ hở này của luật pháp, kẽ hở nọ của tha nhân, để làm những chuyện không được “thánh thiện mấy”. Có người đã khen tôi là người khá, đứng đắn hoặc hơn thế nữa, đã xếp tôi vào hạng đáng kính. Nhưng có những đêm trằn trọc suy tư, tôi biết, có những lúc lương tri nổi loạn bị che khuất bởi những ý nghĩ đen tối, rồi cũng bị kéo vào những dục vọng bất chính như bao nhiêu người khác cùng hoàn cảnh. Tôi đã phải lấy danh giá gia tộc, tiếng tăm tôi, sĩ diện tôi để khắc phục, đàn áp sự nổi loạn. Tôi cũng phải đem luật đời luật đạo tăng cường lực lượng để ngăn chặn tôi có những hành động phi luân lý. Tôi biết trong tôi có những hạt giống xấu xa chỉ chờ gặp môi trường là nẩy nở đâm chồi nẩy lộc. Nhưng lạ thay, trước mặt người khác tôi vẫn thích khoác cái áo “nhân vô thập toàn” để lương tâm khỏi mắc cở. Tôi vẫn gật gù ưng ý con người tôi, không tốt lắm nhưng không đến nỗi tệ lắm để xoa dịu thiên lương cắn rứt. Tôi đã cố gắng soay sửa trong triết lý này, trong ý thức nọ, tôi vẫn biết tôi là người không trọn vẹn của một định luật vô hình nào đó đòi hỏi. Tóm lại đôi khi tôi đã hỏi tôi là người thế nào, tôi vẫn lí nhí xác nhận với mình : Mình cũng chỉ là một tù nhân không mang thẻ bài, đang lẩn trốn trong cái áo “đạo đức trong trần thế”, giữa những vật cồng kềnh tô điểm cho cuộc đời mong che khuất con người tội lỗi trước ánh sáng công lý của Thượng Đế, Đấng Tối Cao. Dẫu có lẩn trốn tài tình, dầu có bào chữa khôn khéo, nhưng trong thâm tâm tôi, tôi biết. Tôi là người có tội, không phải với người nào, với xã hội nào hay với chính thể nào mà là với Đấng Tối Cao, là Thượng Đế, là Đức Chúa Trời.

Trong những đêm dài thao thức, tôi biết tôi có tội với chính Ngài, vì tôi đã được dựng nên theo hình ảnh Ngài, mang sinh khí của Ngài, mà không thờ phượng Ngài như Ngài muốn, không làm đúng theo luật định như Ngài dạy, không sống đúng mẫu mực thánh thiện như Ngài đòi. Tôi đương nhiên là kẻ phạm luật pháp Ngài, là tội nhân trước mặt Ngài. Lương tâm tôi đã có lúc nhắc nhở tôi điều đó. Lời Kinh Thánh đã có lần lên án tôi : “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời,” (Rô-ma 3:23), và : “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ê-xê-chi-ên 18:4).

Tôi biết tôi có tội. Lời Kinh Thánh cho tôi biết : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian (có tôi), đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai (tôi) tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Tôi biết tôi có tội. Tôi biết Đức Chúa Trời yêu thương tôi. Tôi biết Đức Chúa Jesus, Con Đức Chúa Trời đã đến thế gian, đã chịu chết trên thập tự giá, đổ huyết ra chuộc tội tôi trước mặt Đức Chúa Trời, đã sống lại để xưng công nghĩa cho tôi trước mặt Đức Chúa Trời. Tôi biết lời hứa này : “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36). Lời hứa này dành cho tôi phước hạnh đời đời, đồng thời cũng là lời buộc tội chung cuộc tùy theo thái độ tôi đối với Chúa : tin hay không tin Ngài.

Tôi biết tôi có tội. Tôi biết Đức Chúa Trời chỉ tha tội tôi bởi sự tin nhận Cứu Chúa Jesus. Tôi biết khi tôi quyết định tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của tôi, tôi được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Trời nhận làm con của Ngài, được Đức Chúa Trời ban cho sự sống đời đời.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ-đốc nhân,

Tôi biết tôi. Vì thế tôi biết tôi có tội trước Đấng Tạo Hóa, nên tôi cần Chúa, nên tôi tin nhận Chúa. Ước mong quý vị biết quý vị, để chúng ta gặp nhau trong Cứu Chúa Jêsus và trong cõi đời đời.

Vài lời tâm tình.

Hằng ngày, khi đi qua những ngôi nhà thờ cũ kỹ, gần như không còn xử dụng để thờ phượng, yên lặng vắng bóng người, lòng một con cái Chúa già không tránh khỏi nỗi buồn. Cách đây hơn một năm, khi tôi thấy tại Eastwood nơi có một ngôi nhà thờ cũ đã trở thành một “office building”, tôi bỗng cảm thấy một sự mất mát khó tả trong lòng. Tôi cầu xin Chúa an ủi những con cái Chúa đã đến đó mỗi Chúa Nhật để thờ phượng Ngài, và mong rằng nhà thờ Kingsgrove sẽ đứng vững mãi mãi.