Kinh Thánh: 1 Phi-e-rơ (Peter) 4:7-11
 
Sự cuối cùng của muôn vật đã gần; vậy hãy khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện. Nhứt là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng; vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi. Người nầy người khác phải tiếp đãi nhau, chớ có cằn rằn. Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Ðức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Ðức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Ðức Chúa Trời ban, hầu cho Ðức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Ðức Chúa Jêsus Christ; là Ðấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.
 
Dưỡng linh:
 
Có một điều không thể chối cãi được đó là các sứ đồ ngày xưa bị thiêu đốt mãnh liệt về lòng trông đợi Chúa Jesus trở lại, đến nỗi họ tưởng chừng như Ngài trở lại ngay trong thời của họ! Vì thế, sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng: “Sự cuối cùng của muôn vật đã gần.” Ông nhận lấy những lời này từ nơi sự giảng dạy của Thầy mình là Chúa Jesus. Muôn vật do Đức Chúa Trời dựng nên có khởi đầu thì cũng sẽ có kết thúc. Đó là điều chắc chắn.Tuy nhiên, để chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại, là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải làm gì? Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra những lời khuyên rất thực tiễn sau đây:
 
Trước hết, Cơ-đốc nhân cần phải sống trong sự “khôn ngoan tỉnh thức mà cầu nguyện.” Trong nguyên văn điều này có nghĩa là Cơ-đốc nhân cần có một tâm trí minh mẫn, sáng suốt và tự chủ, ra từ đời sống cầu nguyện. Chỉ khi nào Cơ-đốc nhân sống trong tinh thần cầu nguyện thì tâm trí mới sáng suốt và tỉnh táo để phân biệt điều thiện và điều ác, nhận chân ra được những dấu hiệu cho thấy ngày Chúa gần đến. Chính sự gần gủi Chúa làm cho lý trí, ý chí, tình cảm của Cơ-đốc nhân được mạnh mẽ và trong sáng.
 
Kế đến, Cơ-đốc nhân cần sống bày tỏ tình yêu thương chân thật và sống động trong cộng đồng đức tin. Cụm từ “nhứt là” có nghĩa là “trên hết mọi sự” (above all things). Trước đây, sứ đồ Phi-e-rơ nghe những lời căn dặn cuối cùng này của Chúa Jesus cho các môn đồ: “Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34-35). Bây giờ, ông đưa những lời vàng ngọc này vào trong đời sống cộng đồng đức tin để thực hành. Đây phải là điều tiên quyết và quan trọng nhất của hội thánh. Hội thánh có thể làm nhiều điều cho thế gian nhưng không có tình yêu thương với nhau thì cũng vô ích. Sự bày tỏ cụ thể của tình yêu thương trong cộng đồng đức tin nằm ở những phương diện sau đây:
 
1.      Khi có tình yêu thương của Chúa thì Cơ-đốc nhân sẽ “che đậy vô số tội lỗi” của nhau. Sứ đồ Phi-e-rơ trích dẫn Châm ngôn 10:12. Việc Cơ-đốc nhân “Che đậy vô số tội lỗi” không có nghĩa là bao che hay bưng bít tội lỗi của nhau nhưng sống với nhau trong tinh thần khoan dung, tha thứ, và kiên nhẫn với sự yếu đuối của người khác mà không cảm thấy khó chịu hay bực dọc vì mình bị người khác làm tổn thương (Ma-thi-ơ 18:21-22; 1 Cô 13:4-7). Chỉ khi nào có tình yêu thương chân thật của Chúa ban cho, Cơ-đốc nhân mới có thể sống với tâm tình này.
2.      Tiếp đãi nhau cách vui lòng. Ngày xưa, việc tiếp đãi những người có nhu cầu trong hội thánh hay tiếp các sứ giả của Đức Chúa Trời là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi tiếp đãi một người hay một nhóm người trong nhà, đòi hỏi vị chủ nhà phải hy sinh sự tự do và riêng tư của mình cho người khác. Nếu không thì rất dễ cho người tiếp đón “cằn rằn” nhau hay trách móc “sự không biết điều” của người khác. Ở đây sứ đồ Phi-e-rơ muốn nói đến việc tiếp đón là một đặc ân Chúa ban, vì biết đâu chừng chúng ta được tiếp đón thiên sứ của Đức Chúa Trời! Sự tiếp đón trong tinh thần “cằn rằn” hay “trách móc” thì sẽ làm cho việc tiếp đón không còn là một ơn phước nhưng là một gánh nặng.
3.      Lấy ân tứ của Chúa cho mình để phục vụ nhau. Mỗi người đều được Đức Chúa Trời phú cho ân tứ để phục vụ nhau. Sứ đồ Phi-e-rơ gọi đó là “các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” Ân tứ là của Chúa, không phải của Cơ-đốc nhân. Đức Chúa Trời là Đấng sở hữu mọi ân tứ, còn Cơ-đốc nhân là “người quản gia” các ân tứ của Ngài. Đức Chúa Trời ban cho Cơ-đốc nhân ân tứ để phục vụ nhau và làm sáng danh Đức Chúa Trời. Chỉ có một mình Đức Chúa Trời đáng để được tôn cao qua sự phục vụ của Cơ-đốc nhân. Khi nào Cơ-đốc nhân muốn dành cho mình sự tôn trọng vì cớ ân tứ Chúa ban, khi đó Cơ-đốc nhân đã tự đặt mình vào trong vị trí chống nghịch với Đức Chúa Trời và Ngài sẽ lấy lại những ân tứ này của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra hai loại ân tứ: ân tứ liên quan đến Lời (speaking gifts) và ân tứ liên quan đến sự phục vụ (serving gifts). Các ân tứ này được sứ đồ Phao-lô trình bày chi tiết trong Rô-ma 12:6-8 và 1 Cô-rinh-tô 12:27-30. Có người được Đức Thánh Linh ban cho ân tứ rao giảng, dạy dỗ thì phải hết lòng mà thi hành chức vụ mình với thẩm quyền Chúa ban chứ không phải cậy vào tri thức mình có. Còn người được ban cho ân tứ phục vụ thì phải nhờ sức Chúa ban mà làm cách vui lòng. Điều quan trọng không phải là Cơ-đốc nhân nhận được loại ân tứ nào nhưng là sử dụng ân tứ đó như thế nào? Về phần Đức Thánh Linh, Ngài ban cho mỗi người ân tứ tùy theo ý muốn tốt lành của Ngài. Còn về phần Cơ-đốc nhân, chúng ta phải sử dụng ân tứ mình nhận để làm sáng danh Đức Chúa Trời.
 
Có lẽ hội thánh của Đức Chúa Trời ngày nay có nhiều khả năng hơn những thế hệ trước. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng hội thánh của Chúa ngày nay kém thiếu về tình yêu thương và lòng nhiệt thành cho Đức Chúa Trời trong việc sử dụng những ân ban của Ngài để phục vụ hội thánh và dân tộc mình hơn những thế hệ đi trước. Ngày Chúa đã gần đến. Thế giới mà chúng ta thấy sẽ đến hồi chung kết một ngày không xa. Cuộc đời của mỗi chúng ta rồi cũng sẽ qua mau. Thế thì, điều chúng ta có thể làm được để chẳng bao giờ hối tiếc về cuộc đời do Chúa ban cho, đó là sống yêu thương đối với mọi người và dùng ân tứ Chúa ban để phục vụ Ngài qua việc phục vụ nhau. Trong khi thế gian đầy dẫy những con người ghen ghét, Hội thánh của Đức Chúa Trời phải đầy dẫy những con người có tình yêu thương chân thật và cung ứng cho thế gian những con người yêu thương. Bởi điều đó thế gian nhận biết chúng ta là môn đồ của Chúa Jesus. Trong khi thế gian tìm đủ mọi cách để thủ lợi cho mình và sống ích kỷ, Hội thánh của Đức Chúa Trời phải biết sống cho nhau và đem hết khả năng mình có để phục vụ Ngài và phục vụ nhau. Trong khi thế gian sẽ chấm dứt, Hội thánh của Đức Chúa Trời sẽ tồn tại đời đời. Vì vậy, là Cơ-đốc nhân, chúng ta không nên mệt nhọc trong việc sống bày tỏ tình yêu thương và phục vụ nhau bằng ân tứ Chúa ban vì những điều này sẽ còn lại đời đời. Cuộc đời của chúng ta trở nên cao quý không phải vì thâu tóm nhiều nhưng là ban cho nhiều, không phải vì chiếm hữu nhiều bèn là tận hiến nhiều.
 
Cầu nguyện:
 
Lạy Chúa, xin cho con luôn sống trong ý thức rằng ngày Chúa Jesus trở lại không còn bao lâu nữa và tỉnh thức linh hồn và tâm trí con luôn luôn sống trong mối liên hệ mật thiết với Ngài. Xin Chúa Thánh Linh đổ đầy tình yêu của chính Ngài vào trong đời sống của con để con có thể sống yêu thương, khoan dung, tha thứ đối với mọi người, và dùng ân tứ Ngài ban để phục vụ Chúa và mọi người, nhất là anh em trong đức tin. Amen!
 
Posted by Trn Trng Nha