Lu-ca (Luke) 8:43-48

Bấy giờ, có một người đờn bà đau bịnh mất huyết mười hai năm rồi, cũng đã tốn hết tiền của về thầy thuốc, không ai chữa lành được, đến đằng sau Ngài rờ trôn áo; tức thì huyết cầm lại. Ðức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Ai sờ đến ta? Ai nấy đều chối; Phi -e-rơ và những người đồng bạn thưa rằng: Thưa thầy, đoàn dân vây lấy và ép thầy. Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Có người đã rờ đến ta, vì ta nhận biết có quyền phép từ ta mà ra. Người đờn bà thấy mình không thể giấu được nữa, thì run sợ, đến sấp mình xuống nơi chơn Ngài, tỏ thật trước mặt dân chúng vì cớ nào mình đã rờ đến, và liền được lành làm sao. Nhưng Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.
 
Dưỡng linh:
 
Các sách Phúc Âm ghi lại chi tiết của câu chuyện người đàn bà này chạy chữa biết bao nhiêu thầy thuốc nhưng không được lành, rất đáng cho chúng ta chú ý (Ma-thi-ơ 9:20-22; Mác 5:25-27). Trong thời Tân Ước, việc chữa trị bởi nhiều thầy thuốc khác nhau khá rất phổ thông. Đôi khi bịnh nhân trở thành nạn nhân của sự lạm dụng nghề nghiệp của các bác sĩ, khiến cho căn bịnh ngày càng trở nên trầm trọng hơn thay vì được chữa lành. Lu-ca là một bác sĩ. Ông ghi chép lại chi tiết này để xác nhận rằng sự chữa trị của y khoa con người không giúp được gì cho người đàn bà này. Phương tiện y khoa chỉ là phương cách Đức Chúa Trời dùng để chữa trị (treatment) những căn bịnh của con người, nhưng chính Đức Chúa Trời mới là Đấng chữa lành (healing). Sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho con người trong Chúa Jesus Christ bao hàm trong đó sự chữa lành về thể xác. Đó là Phúc âm toàn vẹn (the wholistic gospel). Chính Chúa Jesus đã chịu thương khó và chết thay cho con người để mang lấy tội lỗi và bịnh tật con người trên thân thể của Ngài hầu bởi đó con người nhận được sự chữa lành trong danh của Ngài (Ê-sai 53:5; Ma-thi-ơ 8:17).
 
Đang trên đường đi đến nhà Giai-ru để kêu con gái ông ta từ kẻ chết sống lại, hành trình của Chúa Jesus bị gián đoạn vì có một người đàn bà mà đức tin của nàng bắt buộc Ngài phải làm điều nàng mong ước. Người đàn bà này sống trong sự đau khổ của bịnh tật huyết lậu và sự ruồng bỏ của xã hội Do-thái 12 năm qua! Nàng ôm trong mình căn bịnh và qua biết bao nhiêu tay thầy thuốc. Nhưng rồi “tiền mất tật mang.” Thật là một cuộc đời đáng thương. Không hy vọng. Không tương lai. Không nơi chấp nhận. Đời nàng chẳng có ước mơ nào lớn hơn việc một ngày nào đó được chữa lành căn bịnh quái ác này. Nghe đồn nhiều về Chúa Jesus và biết Ngài sẽ đi ngang qua thành phố của mình. Nàng tìm đủ mọi cách để chạm được đến áo Ngài là đủ. Người đàn bà này biết rằng mình ô uế và không được phép đụng chạm đến bất cứ ai. Nếu biết được đụng đến ai, bà sẽ bị ném đá chết! Lòng khao khát được lành bịnh quyện lẫn tin quả quyết vào tình thương và lòng trắc ẩn của Chúa Jesus nảy sinh trong bà một suy nghĩ vụng trộm của niềm tin non nớt, đơn sơ: nếu chạm được áo của Ngài thế là đủ. Tư tưởng thầm kín đã đẩy bà vào con đường táo bạo, liều lĩnh và cuộc phiêu lưu kỳ thú của đức tin. Giữa đám đông người theo Chúa Jesus trong ngày hôm đó đi về hướng nhà người cai nhà hội Giai-ru, người đàn bà vô danh này tìm cách trà trộn, chen lấn để đến gần Chúa Jesus. Giơ tay ra nắm chạm được trôn áo Ngài. Tức thì sức mạnh từ nơi Chúa Jesus ra truyền vào người nàng. Sự lành mạnh của Chúa được truyền vào trong bà và sự đau yếu của bà được Ngài gánh lấy. Đó là sự hoán đổi của Tin Lành chỉ tìm thấy trong Chúa Jesus Christ. Kết quả là chỉ trong phút chốc chứng huyết lậu chấm dứt và nàng trở nên sạch sẽ, nhẹ nhàng.
 
Việc xảy ra trong cá nhân người đàn bà này là một kinh nghiệm riêng tư không thể san sẻ cho bất cứ ai khác, dẫu cho những người đó đi gần bên và đụng chạm Chúa Jesus giống như bà. Chính vì thế khi Chúa Jesus hỏi các môn đồ: “Ai sờ đến ta?” Ai nấy đều chối. Phi -e-rơ và những người đồng bạn thưa rằng: “Thưa thầy, đoàn dân vây lấy và ép thầy.” Chúa Jesus phải lên tiếng giải thích cách rõ ràng sự việc xảy ra để cho người đàn bà này có cơ hội công khai tuyên xưng đức tin của mình cho mọi người. Chúa Jesus làm điều này với mục đích gì? Có phải Ngài muốn đặt người đàn bà này trong tình trạng lúng túng trước mặt mọi người hay muốn chứng tỏ Ngài có quyền phép chữa bịnh không? Câu trả lời hàm chứa trong câu nói của Chúa Jesus, sau khi nàng gieo mình xuống dưới chơn Ngài trước mặt mọi người: “Hỡi con gái ta, đức tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình an.” Trong nguyên văn Tân Ước, từ “chữa lành” ở đây có nghĩa là “làm cho trở nên toàn vẹn” và liên quan đến sự cứu rỗi cả phần xác lẫn phần hồn. Chúa Jesus chẳng những muốn đem đến sự chữa lành thể xác cho bà nhưng cả sự cứu rỗi toàn vẹn về phần xác lẫn phần hồn. Sự chữa lành thể xác không dừng lại trong chính nó. Nó chỉ là phương tiện Đức Chúa Trời dùng để đưa con người đến mục đích cao cả hơn là sự cứu rỗi phần tâm linh. Khi con người nhận được cứu rỗi tâm linh, lúc bấy giờ họ sẽ chiếm hữu được sự bình an của Đức Chúa Trời. Sự bình an này là sự hòa thuận với Đức Chúa Trời và với con người. Vì thế Chúa Jesus phán với người đàn bà được chữa lành: “Hãy đi cho bình an.”
 
Nơi nào đó đức tin, nơi đó có phép lạ xảy ra. Đức tin tùy thuộc vào sự hiểu biết về Chúa của từng người. Đức tin nẩy sinh ra những hành động táo bạo và phiêu lưu với Đức Chúa Trời cách kỳ thú. Đây là kinh nghiệm mang tính cá nhân thay vì tập thể và không thể san sẻ cho ai khác được. Đức Chúa  Trời bắt buộc phải đáp ứng lại với đức tin đó. Kinh nghiệm đụng chạm với chính Chúa và được chữa lành thuộc phạm trù cá nhân và đó sự đáp ứng của Đức Chúa Trời đối với đức tin của cá nhân đó. Kết quả của sự đụng chạm đó sẽ được người khác cảm nhận và phát hiện ra được điều gì đã xảy ra trong chính con người đã đụng chạm được với chính Ngài. Ngôn từ ngày nay dùng để chỉ về sự đụng chạm của cá nhân với Chúa Cứu Thế Jesus là “sự gặp gỡ Chúa.” Sau-lơ, một con người ngạo mạn và phạm thượng đã gặp gỡ Chúa Jesus trên đường đi Đa-mách. Từ đó Ngài đã thay hướng đổi chiều cuộc đời này, trở thành một Phao-lô khiêm nhường nhưng can đảm dám sống chết cho Chúa kể từ giây phút phước hạnh đó! Kinh nghiệm của Sau-lơ mang tính chất cá nhân và riêng tư. Ngay cả những người cùng đi với ông cũng không nhận ra được sự đụng chạm trong linh hồn của ông (Công vụ 9:7).
 
Ngày nay có rất nhiều người theo Chúa và thuộc trong đám đông theo Ngài trong các ngôi thánh đường và ngoài các nẻo đường của xã hội. Nhưng chỉ có những con người nhận biết nhu cầu của mình và khao khát sự chữa lành của Chúa cho chính đời sống mình thì mới dám hành động cách “táo bạo” và “liều lĩnh” với đức tin mình có. Lúc bấy giờ người đó mới có thể kinh nghiệm quyền phép biến đổi và chữa lành của Ngài. Sự chữa lành cho những căn bịnh thể xác chỉ là phương tiện Đức Chúa Trời sử dụng để đưa chúng ta đến sự chữa lành tâm linh. Đó là mục đích chính của việc chúng ta gặp gỡ Ngài. Có người đã từng được Chúa cứu chữa bịnh tật hiểm nghèo, nhưng chưa bao giờ để cho Ngài đụng chạm đến chiều sâu của tấm lòng tội lỗi và gian ác để biến đổi, con người đó vẫn còn sống trong xác thịt và xa cách sự sống đời đời. Mục đích của Đức Chúa Trời cho cuộc đời của chúng ta không phải cứ được chữa lành bịnh tật để sống mãi trên trần gian này với thân xác này. Ngài muốn chữa lành thể xác chúng ta một lần nào đó để đưa chúng ta vào trong thế giới của Đức Chúa Trời qua sự cứu rỗi trong Chúa Jesus và chuẩn bị chúng ta cho cõi phước hạnh đời đời trên trời.
 
Cầu nguyện:
 
Chúa ôi, lòng con khao khát được tiếp tục đụng chạm đến Ngài mỗi ngày để được biến đổi sâu xa hơn. Xin đem con vào trong mối thông công thân mật và thắm thiết với Ngài mỗi ngày để con ngày càng nếm biết Chúa là ngọt ngào, phước hạnh, bình an cho linh hồn con. Rồi từ đó, con có thể nói cho người khác biết về Ngài là Cứu Chúa tuyệt vời mà thế gian hư mất và tuyệt vọng đang cần đến Ngài. Amen!
 
Posted by Trn Trng Nha