Kinh Thánh: Công-vụ các Sứ đồ (Acts) 7:17-19
 
Nhưng, gần đến kỳ phải ứng nghiệm lời hứa Ðức Chúa Trời đã thề với Áp-ra-ham, dân cứ sanh sản và thêm nhiều lên trong xứ Ê-díp-tô, cho đến khi trong xứ đó có một vua khác dấy lên, chẳng nhìn biết Giô-sép. Vua nầy dùng mưu hại dòng giống và hà hiếp tổ phụ chúng ta, ép phải bỏ con mới sanh, hầu cho sống chẳng được.
 
“But as the time of the promise was approaching which God had assured to Abraham, the people increased and multiplied in Egypt, until THERE AROSE ANOTHER KING OVER EGYPT WHO KNEW NOTHING ABOUT JOSEPH.” It was he who took shrewd advantage of our race and mistreated our fathers so that they would expose their infants and they would not survive.
 
Dưỡng linh:
 
Y-sơ-ra-ên và gia đình xuống cư ngụ tại xứ Ai-cập thời gian 400 năm. Dân Y-sơ-ra-ên sống tách biệt với dân Ai-cập, cư ngụ tại vùng Gô-sen ở phía bắc, nơi tập trung của các trung tâm văn hóa Ai-cập. Từ một gia đình chỉ khoảng 70 người. Nay đã sanh sôi nẩy nở thành một dân tộc với dân số khoảng hai triệu người (Dân số ký 1:46). Đức Chúa Trời đã dùng đất Ai-cập để làm hoàn thành lời hứa về dòng dõi của Áp-ra-ham sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển (Sáng 35:11, 12). Cuộc sống của dân Y-sơ-ra-ên khác hẳn với người Ê-díp-tô. Dân Y-sơ-ra-ên thờ phượng Đức Chúa Trời; dân Ê-díp-tô thờ đa thần.  Dân Y-sơ-ra-ên làm nghề chăn chiên; dân Ê-díp-tô làm nghề xây dựng. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã góp phần xây dựng nhiều kim tự tháp cho xứ Ai-cập.
 
Sau khi Giô-sép, vị tể tướng được Đức Chúa Trời dấy lên từ ngục tù, mang lại biết bao phước hạnh và sự sống cho dân Ai-cập và thế giới lúc bấy giờ qua đời. Nhiều triều đại vua Ai-cập kế tiếp vẫn dành nhiều ưu ái cho dân tộc của Đức Chúa Trời. Nhưng đến triều đại thứ XVIII của vua Ai-cập, khi thấy cần phải đem dân sự của Ngài ra ngục tù này, Đức Chúa Trời đã dấy lên một vị vua mới, chẳng quen biết gì Giô-sép. Vị vua mới này có thể là một trong các vị vua của người Hyksos từ phía Bắc tràn xuống, xâm chiếm xứ Ai-cập và cướp ngôi vua. Vị vua mới này đã thay đổi thái độ đối với dân sự của Ngài. Vì lòng ganh ghét và sợ hãi, thay vì dành mọi điều kiện dễ dàng cho dân Y-sơ-ra-ên, vua ra lịnh tìm cách đàn áp, chồng chất thêm bao gánh nặng và nỗi khổ đau trên dân tộc thánh, chỉ với mục đích hạn chế sự phát triển của họ, vì e rằng khi mạnh đủ giống dân này sẽ chống lại dân Ê-díp-tô.
 
Sống quá lâu tại xứ Ai-cập với sự chúc phước của Chúa, có lẽ dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thỏa mãn về cuộc sống và chẳng còn nghĩ gì đến lời hứa mà Đức Chúa Trời đã ban cho tổ phụ họ là Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời muốn dành ban cho họ một vùng đất tốt đẹp hơn những gì họ hiện đang thụ hưởng mà họ chưa bao giờ từng biết, nằm ngoài trí tưởng tượng của họ. Sự thay đổi chế độ cai trị tại Ai-cập đã gây cho dân sự của Đức Chúa Trời biết bao đau khổ, đẩy họ vào trong con đường cùng khốn, chồng chất trên họ biết bao nỗi cay đắng, tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng của họ. Kinh Thánh mô tả như sau: “Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn. Nhưng người Ê-díp-tô càng bắt làm khó nhọc chừng nào, dân Y-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên, và tràn ra chừng nấy. Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhằn lắm” (Xuất Ai-cập ký 1:11-14). Trong hoàn cảnh đen tối đó, Đức Chúa Trời vẫn hành động, theo dõi nỗi thống khổ của dân sự của Ngài và lắng nghe lời kêu cầu rên siết của họ. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đặt để dân sự của Chúa trong hoàn cảnh như vậy để làm cho họ trở nên chán ngán xứ Ai-cập, mong muốn được giải thoát, để đưa họ ra khỏi ngục tù Ai-cập, vào đất hứa tự do Ca-na-an là vùng màu mỡ, đượm sữa và mật.
 
Trong cuộc đời của người theo Chúa chẳng khác gì dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa. Có những lúc Đức Chúa Trời để chúng ta trong cảnh hoạn nạn, gánh chịu bịnh tật, nỗi khốn cùng và đau khổ. Ngài cho phép biết bao nhiêu điều cay đắng xảy đến với cuộc đời của chúng ta, để rồi từ đó Ngài muốn thay đổi lối sống và tương lai mà đôi khi chúng ta chẳng bao giờ hiểu được. Dường như chúng ta tưởng rằng Đức Chúa Trời đã lìa bỏ và không còn nghe lời cầu nguyện của chúng ta nữa. Lời kêu la và rên siết của chúng ta dường như bay theo luồng gió và đi vào trong khoảng không vô tận! Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn theo dõi từng chi tiết trong cuộc đời chúng ta, lắng nghe lời rên siết và biết rất rõ những gì chúng ta đang đối diện và đi qua mỗi ngày trong cuộc sống này. Có thể Đức Chúa Trời thấy rằng trước đây, khi còn sống trong cảnh cơ hàn, khó khăn, nghèo khổ, lòng chúng ta gắn bó và keo sơn với Chúa, siêng năng học hỏi Lời Ngài, sốt sắng cầu nguyện và thờ phượng Chúa, hết lòng phục vụ anh em và tha nhân. Nhưng khi chúng ta đã được Chúa xuống phước ban ơn cho đầy đủ và no ấm, chúng ta quay sang tìm kiếm sự an toàn và hạnh phúc của cuộc đời ở trong những  gì Chúa ban cho thay vì trong chính mình Ngài. Khi đó, Đức Chúa Trời sẽ cho phép hoạn nạn, khó khăn, bịnh tật, đau khổ, cay đắng trăm chiều giáng trên chúng ta, để mang chúng ta quay trở lại với Ngài là cội nguồn của mọi ơn phước, hầu cho đời sống tâm linh chúng ta trở nên sung mãn và phỉ phu trong Ngài.
 
Nếu đời sống của Cơ-đốc nhân trên trần gian này quá đầy đủ và sung sướng như dân Y-sơ-ra-ên sống trong xứ Ai-cập thì rất có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ ngửa trông một quê hương tốt hơn ở trên trời. Trạm dừng chân cuối cùng của chúng ta không phải là trần gian này mà là thiên quốc. Giống như dân Y-sơ-ra-ên, trạm dừng chân và nơi đến cuối cùng của họ không phải xứ Ai-cập mà là đất hứa Ca-na-an. Để làm cho linh hồn họ chán ngán và đem lòng họ ra khỏi Ai-cập và hướng về xứ Ca-na-an, Đức Chúa Trời cho phép một vị vua chẳng từng biết Giô-sép lên làm vua, thay đổi toàn bộ cục diện cuộc sống của dân sự Ngài. Cũng một lẽ như vậy, Đức Chúa Trời có thể dùng sự thay đổi của hoàn cảnh xã hội, thể chế chính trị, hay bất cứ điều nào Ngài muốn để làm cho chúng ta trở nên chán ngán thế gian và thêm lòng mong muốn bước vào thiên quốc là quê hương tốt hơn để ở với Ngài đời đời. Trần gian này không phải là quê hương của Cơ-đốc nhân. Nó chỉ là chỗ mà Đức Chúa Trời muốn dùng để làm cho chúng ta tăng trưởng, lớn lên trong đời sống tâm linh, trong mối liên hệ của chúng ta với Chúa và anh em, trong tinh thần phục vụ và tận hiến cho Chúa và cho anh em, tha nhân. Và cuối cùng Ngài đem chúng ta ra khỏi nơi này để đến chốn vinh hiển, sáng láng, hạnh phúc đời đời. Thế thì chúng ta càng phải cảm tạ Chúa là Đấng cho phép mọi sự xảy đến để làm ích lợi cho kẻ yêu mến Ngài! Chúa là Đấng nắm giữ vận mệnh của cả thế giới, từng dân tộc, nhưng cũng là Đấng nắm giữ từng cuộc đời bé nhỏ của chúng ta và dùng mọi sự để mang lại điều tốt lành nhất cho kẻ thuộc về Ngài. Ngày xưa Đức Chúa Trời dùng mưu độc hại của Pha-ra-ôn để mang lại sự chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên. Ngày nay, Chúa cũng có thể dùng mưu độc hại của con người để mang lại sự tốt lành cho đời sống của chúng ta là con dân của Ngài. Hãy tin cậy và phó thác chính mình chúng ta cho Ngài và chờ đợi sự thương xót và lòng nhân từ của Ngài mỗi ngày. Hãy sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời là Đấng yêu chúng ta và phó chính mình Ngài vì chúng ta, ngửa trông sự hiện đến phước hạnh của Ngài.
 
Cầu nguyện:
 

Lạy Chúa toàn năng, Đấng nắm giữ cả thế giới và từng cuộc đời của con trong tay của Ngài, con cảm tạ Chúa vì Ngài chẳng bao giờ bỏ con mãi mãi trong cô đơn, cùng khốn, đau khổ và ngay cả cay đắng. Con tin rằng Ngài có một chương trình tốt lành cho đời sống con khi Ngài đặt để con trong những hoàn cảnh và tình huống mà con chẳng bao giờ mong đợi. Xin ban cho con đức tin, niềm hy vọng ngày càng vững vàng và mạnh mẽ trong Ngài để con có thể vượt qua được những lượn sóng đang vồ dập cuộc đời con, những nỗi đau khổ của tinh thần lẫn thể xác đang tàn phá cuộc đời con, và đưa con đến nơi bến bờ bình an và hạnh phúc trong Ngài. Xin cho con khám phá ra những điều tốt lành mà Ngài muốn ban cho con qua những ngày đen tối, đầy hoạn nạn nhiễu nhương này. Amen!
 
Posted by Trn Trng Nha