Có người cả đời không bao giờ làm gì sai, vì mới sinh ra đã chết. Có người tự hào chằng bao giờ phạm vào điều sai của việc lớn, có lẽ người này chẳng bao giờ có việc lớn mà làm hoặc thấy việc lớn là chạy. Hễ đã biết nói thì đôi khi nói sai, đã làm cũng có lúc làm sai. Người không làm sai là người chẳng bao giờ làm chuyện ngoài khả năng của mình hoặc thấy việc có vẻ khó là chạy, đây không phải là người hữu dụng.

Ở các nước Âu Châu, Bắc Mỹ Châu, Úc Châu và Nhật Bản, ai cũng được tự do ngôn luận, nhưng nói điều gì sai tổn thương người khác là có ngày ra “hầu tòa”, rồi bồi thường cho ngời bị lời nói ta làm tổn thương, phương hại nhiều hay ít đến danh dự, nghề nghiệp, công ăn việc làm hay đời sống tâm thần của họ. Hậu quả của cái sai đôi khi khó lường hết được. Tuy nhiên phía gây ra cái sai đôi lúc cũng không phải bồi thường thiệt hại gì cho phía lãnh hậu quả của cái sai.

Tại Hoa Kỳ, khoảng năm 1997, đã xẩy ra câu chuyện sau đây, báo đăng cô học trò nhí nhảnh đến bên ông thầy nói : “Cái bụng thầy bự quá, trông không được chút nào.”. Ông thầy nhìn cô học trò rồi đùa lại : “Cái ngực cô nhỏ xíu, trông không được chút nào”. Thế là cô học sinh này kiện thầy ra tòa với lý do : lời nói của thầy khiến cô rối loạn tâm thần. Lời nói của ông thầy luôn luôn văng vẳng bên tai cô, làm cô lúc nào cũng phải nghĩ tới bộ ngực quá nhỏ của mình và buồn phiền không ít. Cô đòi ông thầy một triệu đô la đền bù thiệt hại. Tòa chưa xử, thì ông thầy vì lời nói đáp ứng cho vui mà bị thưa về tội quấy nhiễu tình dục đã buồn tình tự tử chết, trong hoàn cảnh mang bệnh tâm thần “trầm cảm”. Tội nghiệp. Hậu quả của cái sai mà ông thầy đã trả là cái chết. Cô học trò sí sọn nọ cũng chẳng được đền đồng nào.

Hãng hóa chất Dow Corning chế chất Silicon để các bác sĩ giải phẫu làm đẹp cho các bà. Tiền vô như nước. Thế mà đâu có ngờ, hơn 400,000 quý bà, quý cô sửa ngực bằng loại này bị làm độc. Hãng nhận trách nhiệm về sự sai lầm bằng lòng bỏ ra hai tỷ đô la để bồi thường một phần cơ thể các bà các cô bị hư hỏng. Nhưng ngay sau đó sản phẩm của hãng Dow Corning không còn bán được nên hãng đành khai phá sản, nên cái hy vọng được bồi thường của các bà, các cô cũng tan theo mây khói. Cái sai của các nhân viên nghiên cứu là không kiểm tra kỹ lưỡng các chỗ nối của bao đựng chất silicon gel, và hậu quả là hãng phá sản họ mất việc làm, nhưng các bà các cô những người lãnh hậu quả của cái sai cũng chẳng nhận được tiền bồi thường. Cái sai “tình cờ” của các bà các cô trong trường hợp này có thể hiểu được, đó là sự tin tưởng vào sản phẩm làm đẹp thân thể của các hãng nổi tiếng ở Hoa Kỳ chắc không có gì quá nguy hiểm. Cái sai “tình cờ” này đã khiến họ mang tật trên người suốt đời với sự đe dọa của ung thư.

Trong trường hợp cựu bộ trưởng quốc phòng, ông McNamara cho xuất bản cuốn sách mang tên “In Retrospect : The Tragedy and Lesson of VietNam (Nhìn Lại : Thảm Kịch và Bài Học Việt Nam)”, đã thú nhận sai lầm về việc gửi quân tham dự cuộc chiến tại Việt Nam. Sự sai lầm của ông bộ trưởng này đã làm cho 58,000 người Mỹ mất mạng, trên 120,000 người bị thương tật, một số người nghiện ma túy, chưa kể trên một triệu quân nhân, cán bộ, công chức của Việt Nam Cộng Hòa dưới sự “cố vấn” của Hoa Kỳ đã “hy sinh cho tổ quốc”. Ông McNamaraviết sách thú nhận sai lầm để hậu thế tránh trường hợp tương tự, nhưng tôi có ấn tượng ông viết để trấn an lương tâm của ông trong những ngày cuối đời.    Theo một tờ báo ở Hoa Kỳ, việc nhận sai lầm của ông McNamara trong cuộc chiến Việt Nam đã làm cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton thích thú. Cái quá khứ trốn quân dịch để khỏi qua Việt Nam chiến đấu của vị tổng thống này, lâu lâu lại bị đem ra chế diễu, thì sau đó trở nên “có chính nghĩa”.

Thú nhận sai lầm của ông McNamara như sau : Chúng tôi dưới thời tổng thống Kennedy và tổng thống Johnson, những người đã đóng góp vào quyết định về Việt Nam, đã hành động dựa trên những gì chúng tôi nghĩ là những nguyên tắc và truyền thống của đất nước này. Chúng tôi làm chính sách dưới ánh sáng của những giá trị ấy. Nhưng chúng tôi đã sai lầm, sai lầm tai hại. Chúng tôi mắc nợ các thế hệ tương lai lời giải thích vì sao.

Tôi thành thật tin rằng chúng tôi phạm một sai lầm không phải về những giá trị và chủ đích nhưng về sự phán đoán và khả năng.

Lời thú tội của ông McNamara đã làm cho bao “chiến công hiển hách” của quân đội Mỹ phút chốc chẳng còn giá trị. Niềm hãnh diện với bao huy chương, thăng cấp nhờ cuộc chiến mà có, nay nhìn lại nó vói nỗi ê chề, tức tưởi. Uất quá, ở El Paso, Texas đã có bốn anh em cùng phục vụ trong quân đội Mỹ công tác ở Việt Nam đã đưa đơn kiện ông McNamara đòi bồi thường 100 triệu đô la về các vai trò của họ trong chiến tranh Việt Nam. Chẳng biết họ có được bồi thường gì hay không. Nhưng ít ra họ đã cho McNamara biết cái trách nhiệm khi thú tội sai lầm, làm hại đến người khác là phải đền bồi, chớ không thể thú nhận một cách khơi khơi, khôn khéo phân tán trách nhiệm bằng những ngôn từ lằng nhằng, với hy vọng khỏi bị hậu thế phán xét.

Nguyên nhân của sự sai lầm ? Ông McNamara viết, tuy ở mức độ khác nhau, từ tổng thống Kennedy, đến ngoại trưởng Dean Rusk, cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy, cố vấn quân sự Maxwell Taylor, chúng tôi hoạch định chính sách cho một “vùng đất xa lạ” mà chúng tôi “không hiểu biết chi hết”, từ lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa hay giá trị truyền thống của vùng đất này, và chúng tôi vẫn hành sự với “phán đoán và khả năng”.

Có một vùng đất xa lạ đối với cả loài người chúng ta, đó là thế giới tâm linh. Chúng ta đều “không hiểu chi hết” mà vẫn “hành động dựa trên những gì chúng tôi nghĩ là những nguyên tắc và truyền thống” của thế nhân. Thử hỏi làm sao chúng ta không “sai lầm tai hại”. Ngay phần tâm linh con người, chúng ta cũng chẳng biết là bao. Chúng ta mơ tưởng về một thiên đàng và diễn tả thiên đàng theo tưởng tượng, một nơi cực lạc theo cách thế tục. Theo linh cảm, chúng ta tin có hỏa ngục, và chỉ cần phóng đại những cảnh ngục tù nơi trần gian cũng mường tượng được về hỏa ngục ở đời sau. Dầu chưa ai tới cả hai nơi, nhưng không thiếu người dùng “phán đoán và khả năng” đưa ra đường lối lên thiên đàng hay tránh hỏa ngục. Cái thiên đàng, cái niết bàn, cái miền cực lạc người qua đời vẫn phải mơ ước “sớm về”, dầu trọn đời hành đạo cách nhiệt tâm. Không đạt được thành quả như hành sự “dưới ánh sáng của những giá trị ấy” thì chắc chắn là “sai lầm tai hại”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta con cái Chúa, chúng ta có Kinh Thánh, và chúng ta hành sự “dưới ánh sáng của chân lý trong Kinh Thánh”, chúng ta sẽ không còn vấp phải những “sai lầm tai hại” trong tâm linh như người trần thế. Phần tâm linh con người chúng ta đưa chúng ta vào sự thờ phượng. Thờ phượng là một hình thức sinh hoạt tâm linh. Chúa Jêsus đã nói về sự thờ phượng của con người trần thế chúng ta : “Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết” (Giăng 4:22). Chúng ta đã nhận ra cái “không biết” đưa đến “sai lầm tai hại” của người trần thế.

Phao-lô đã dùng hơn nửa đời người hành đạo “dựa trên những gì chúng tôi nghĩ là những nguyên tắc và truyền thống” của dân tộc Do Thái. Do đó Phao-lô đã “dùng đủ mọi cách thế mà chống lại danh Jêsus” (Công-vụ các Sứ-đồ 26:9). Nhưng sau đó Phao-lô gặp Chúa và thú nhận sự “sai lầm tai hại” của mình trong lãnh vực tâm linh và tuyên bố : “ Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15).

Lời xác quyết của Phao-lô chắc chắn không sai lầm vì Chúa Jêsus đã từ linh giới “đến thế gian” mọi điều Ngài biết cho chúng ta. Chính Ngài tạo dựng thiên đàng cho chúng ta, “ Lòng các ngươi chớ hề bối rối; hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa. Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó. Các ngươi biết ta đi đâu, và biết đường đi nữa. Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa, chúng tôi chẳng biết Chúa đi đâu; làm sao biết đường được? Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:1-6). Chúng ta sẽ đến được thiên đàng bởi sự tin nhận Chúa Jêsua làm Cứu Chúa của mình. Hãy nhớ lại lúc tin nhận Chúa Jesus, đầu tiên chúng ta đã thú nhận mình là người có tội, tức là biết “sai lầm” của mình, và giờ này chúng ta cùng nhau đi theo “đường đi” sống theo “lẽ thật” thì làm sao chúng ta vấp vào “sai lầm tai hại” của tâm linh được. Và tôi tin rằng điều này làm đẹp lòng Chúa.