Theo các nhà tâm lý học, người trưởng thành chúng ta trung bình nghĩ khoảng từ vài trăm đến khoảng trên dưới một ngàn vấn đề trong mỗi ngày. Có những vấn đề chỉ được nghĩ vài giây, có những vấn đề được nghĩ lâu hơn, có những vấn đề được nghĩ cả đêm trong sự trằn trọc khắc khoải.

Đôi khi “thấy người mà nghĩ đến ta”, rồi lắm lúc nghe lời người nói cũng bắt ta suy nghĩ : Lời này có nghĩa gì, có ý ám chỉ gì ? “Tình đời thay trắng đổi đen” cũng làm ta nghĩ không ít. Được tin một hài nhi sắp ra đời, chúng ta nghĩ về nó; được tin một người thân qua đời, chúng ta chợt nghĩ về mình. Trong lúc đang mang một tâm sự buồn buồn, thấy mây cũng nghĩ “mây bay về đâu”; thấy chú nhện đang giăng tơ cũng nghĩ : “Buồn trông con nhện giăng tơ, Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai”. Thấy chuối chín cây sắp rụng, đủ khiến người con hiếu thảo nghĩ đến “mẹ già như chuối chín cây”.

Anh cán bộ tuần phòng duyên hải bất chợt thấy người đàn ông đứng ngó biển ra chiều tư lự. Anh đến vỗ vai hỏi :

- Anh đang nghĩ gì đấy ? Người đàn ông chợt tỉnh cười đáp :

- Tôi đang nghĩ điều anh nghĩ vậy thôi.Anh cán bộ nghiêm mặt nói ngay:

- Tôi bắt anh về tội toan tính vượt biên. Thế ai bắt anh đây. Đồng ý nghĩ chắc gì đã giúp nhau, mà còn hại nhau.

Vợ chồng mà hỏi nhau : Mình nghĩ sao về vấn đề này, thì chỉ mong “ý hiệp tâm đầu” - Anh nghĩ đúng như mình hay em nghĩ đúng như mình.

Trong các buổi hội thảo, người hướng dẫn thường hay đặt vấn đề cùng cử tọa bằng câu : Quý vị nghĩ sao về những phát biểu vừa qua ? Có một số trường hợp người phát biểu ý nghĩ mình với thiện ý, nhưng người nghe ý nghĩ mình lại nhận ra là ác ý. Có người nói với ý nghĩ xây dựng, có người nói với ý phá phách, gây gỗ, rồi vì thành kiến, vì quyền lợi, vì danh dự, vì tự ái khiến ý nghĩ bị chi phối hay ảnh hưởng mà ngả theo, hay xoay chiều.

Có những vấn đề được người tin cậy hỏi ta nghĩ sao. Trước khi trả lời người hỏi, chúng ta cũng nghĩ có nên nói cho người hỏi biết cái “nghĩ sao” hay nên né tránh cái “nghĩ sao” của mình.

Có người nghi ngờ cái “nghĩ sao” của mình nên dọ hỏi cái “nghĩ sao” của người để kiểm chứng cái “nghĩ sao” của mình.

Có người nêu vấn đề thỉnh ý các vị có kiến thức rộng với hy vọng nhận được câu trả lời xứng đáng to lớn, “ý voi”,  sau một thời gian chờ đợi chớ không chịu một câu trả lời nhỏ bé, “ý kiến” - một loại ý bé nhỏ như kiến.

Trong những năm tháng từ 1990 đến nay, có một vài vấn đề căn bản liên quan đến tâm linh, đến sự dậy dỗ trong Kinh Thánh mà con cái Chúa chúng ta chúng ta phải trực diện hằng ngày. Xin chia sẻ cùng quý anh chị ý kiến của tôi liên quan tới niềm tin và Kinh Thánh vè những vấn đề trên.

- Năm 2003, Giáo Hội Anh Giáo Episcopal tại Hoa Kỳ đã phong chức Giám Mục (Bishop) cho vị Mục Sư đồng tính luyến ái, và cùng năm đó vị Mục Sư này cũng chính thức ly dị cùng ông chồng và cũng là bạn đồng hành lâu năm của ông. Vụ này đã gây ra lủng củng trầm trọng trong nội bộ Anh Giáo tại Hoa Kỳ. Ông Patrick J Buchanan, một tín đồ, đã lên tiếng ngay trên báo National Liberty Journal, Volume 32 No 9, tháng 9 năm 2003, mạnh mẽ khẳng định : “For if Robinson is morally qualified to be bishop, then the Scripture is wrong. If the Scripture is right, Robinson is reprobate. And there is no way a bishop can think the Scripture is wrong!” - (Nếu đạo đức Robinson xứng đáng làm Giám Mục, thì Kinh Thánh sai lầm. Nếu Kinh Thánh đúng thì Robinson là đồ vô loại. Và không một cách nào, một vị Giám Mục lại có thể nghĩ Kinh Thánh sai!). Xin thưa tôi cũng nghĩ như vậy, vì Kinh Thánh khẳng định đồng tính luyến ái là tội. Thành Sô-đôm bị Chúa hủy diệt vì cớ tội này : “Đức Giê-hô-va phán rằng: Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta muốn ngự xuống, để xem xét chúng nó ăn ở (đồng tính) có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết. Đoạn, Đức Giê-hô-va giáng mưa diêm sanh và lửa từ nơi Ngài trên trời sa xuống Sô-đôm và Gô-mô-rơ, hủy diệt hai thành nầy, cả đồng bằng, hết thảy dân sự cùng các cây cỏ ở nơi đất đó” (Sáng-thế-ký 18:20-21; 19:24-25), Và Thư Rô-ma nói rất rõ hành động dâm dục đáng ghê tởm này : “Ấy vì cớ đó mà Đức Chúa Trời đã phó họ cho sự tình dục xấu hổ; vì trong vòng họ, những người đàn bà đã đổi cách dùng tự nhiên ra cách khác nghịch với tánh tự nhiên. Những người đàn ông cũng vậy, bỏ cách dùng tự nhiên của người đàn bà mà un đốt tình dục người nầy với kẻ kia, đàn ông cùng đàn ông phạm sự xấu hổ, và chính mình họ phải chịu báo ứng xứng với điều lầm lỗi của mình.” (Rô-ma 1:26-27). Chúng ta con cái Chúa chắc chắn không còn gì nghi ngờ rằng đồng tính luyến ái là tội.

- Năm 1994, cựu mục sư Paul J Hill đã bị kết án tử hình vì đã giết bác sĩ John Britton để trừng phạt nghề phá thai của vị bác sĩ này. Mục sư này tuyên bố trước khi thọ án rằng : “Chết sớm chừng nào, tôi lên thiên đường sớm chừng ấy, tôi sẽ được tưởng thưởng trên thiên đàng”. Điều cựu mục sư Hill làm và tin tưởng có phù hợp với Kinh Thánh dạy không?

Chống phá thai thì phù hợp với Kinh Thánh, vì Kinh Thánh dạy “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:13). Bào thai là người. Vua Đa-vít đã ca ngợi Chúa khi nghĩ đến con người mình lúc còn là bào thai : “Tôi cảm tạ Chúa, vì tôi (bào thai-con người) được dựng nên cách đáng sợ lạ lùng(Thi-thiên 139:14). Cựu mục sư Paul Hill đã bầy tỏ hành động chống “giết người” - phá thai, bằng cách “giết người”, bắn bác sĩ John Britton. Tai hại nhất là lời bầy tỏ đức tin trước khi lãnh án tử hình có thể làm mê hoặc một số người cuồng tín. Làm sao cựu mục sư Paul Hill có thể nói : Chết sớm chừng nào, tôi lên thiên đường sớm chừng ấy, tôi sẽ được tưởng thưởng trên thiên đàng? Người đang chia sẻ niềm tin với quý vị tin rằng cựu mục sư Paul Hill sai lầm. Cùng một tâm tư tôi cảm nhận được rằng, trong lúc nghe thuyết giảng đừng tin những điều không có lời Kinh Thánh xác chứng, và những điều chúng ta đang tin tưởng và hy vọng phải được ghi chép trong Kinh Thánh.

- Đối với sự “tha thứ” chân thật thì Kinh Thánh dạy rằng : “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32), “tha thứ” phải ra từ “nhân từ” (kindness) và “thương xót” (mercy). “Nhân từ” có nghĩa là không “lấy ác báo ác cho kẻ khác” song còn tìm điều thiện luôn luôn” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:15). “Thương xót” được hiểu như sau, người có lòng “thương xót” thường là người hiểu biết. “Thương xót” ai là do sự hiểu biết về hoàn cảnh gây nên, hiểu biết về sức người có hạn, hiểu biết về môi trường sinh sống, hiểu biết về khía cạnh tâm lý, hiểu biết về chiều hướng nhân sinh quan và nhất là sự hiểu biết về lòng thương xót của Chúa đối với mình. Tất cả sẽ dẫn ta đến việc đặt mình trong hoàn cảnh của đối tượng ta biết đến, rồi lòng thương xót sẽ nẩy sinh.

Từ lòng “nhân từ” và “thương xót” mới có thể nẩy nẩy sinh “tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32).

Sự “tha thứ như Đức Chúa Trời” hàm ý Đức Chúa Trời không còn nhớ đến tội lỗi người Ngài tha. Lời Kinh Thánh khẳng định : “Ta sẽ tha sự gian ác chúng nó, và chẳng nhớ tội chúng nó nữa” (Giê-rê-mi 31:34). Tha là quên (forgive and forget). Còn tha thứ như người đời thì nhiều cách lắm. Trong thời kháng chiến chống Pháp, lãnh tụ của phe nhóm này làm như tha tội cho người của nhóm kia bị kết án tử hình. Vị lãnh tụ này “tha hết” tội. Nhưng chỉ tiếc một điều, lúc nào giấy ân xá của vị lãnh tụ này tới pháp trường luôn luôn trễ một hai phút, và giấy đó được trân trọng gắn lên trên xác tử thi để mọi người thấy lòng nhân từ sự tha thứ của vị lãnh tụ này. Còn vợ chồng tha thứ những lỗi lầm nhau, thế mà lâu lâu vui miệng hăm he – “Có tích mới dịch ra tuồng” để bắt nọn nhau, để kiểm chứng lòng nhau.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta nghĩ sao về câu Kinh Thánh này “Xin tha tội lỗi cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con” (Ma-thi-ơ 6:12) ?

Trong trần thế, con người nghĩ sao thì cứ nghĩ, chẳng luật pháp nào hạn chế hay quy định sự suy nghĩ người đó. Nhưng là con cái Chúa, chúng ta đã chấp nhận một sự hạn chế và quy định cho sự suy nghĩ của mình nếu biết tâm nguyện : “Nguyện sự suy gẫm tôi đẹp lòng Ngài” (Thi-thiên 104:34).

Vài lời tâm tình

Một ông bạn già người Úc gốc Tô-kếch-lan (Scotland) đã hỏi tôi : “Tha thứ cho những tên khủng bố phải chăng là tha thứ cho Sa-tăng, để chúng nó giết hại thêm những người vô tội khác ?”. Quý anh chị nghĩ thế nào ? Tôi nợ ông bạn già này câu trả lời.