Dầu là thời bình, không một quốc gia nào lại có thể thiếu bóng dáng người lính, những con người giữ nước dựng nước. Khi quốc gia hữu sự, bị xâm lăng, hình ảnh người lính chiến trở nên hào hùng, vẻ vang trong tâm tư mọi người dân trong mong. Bước chân xâm lăng của kẻ thù bị chậm lại hay chận đứng trước sức mạnh kiên cường của những con người vì dân vì nước xã thân. Khi đất nước lọt vào tay kẻ ngoại xâm, dân tộc sống dưới ách thống trị thì người lính đành trá hình, ẩn dật, âm thầm chiến đấu tới hơi thở cuối cùng. Cái khổ tâm và nỗi buồn của những người lính chiến Việt Nam trước tháng 4 năm 1975 là phải đem sức lực mình chống chọi lại anh em cùng nước, huynh đệ tương tàn.

Ở quốc gia nào cũng vậy, chúng ta có thể thấy những chàng lính kiểng đẹp đẽ với sắc phục lộng lẫy thẳng nếp quanh quẩn trong ngoài dinh thự chính quyền. Chúng ta thường cũng chẳng để ý tới những chàng lính văn phòng thảnh thơi, sống an toàn, suốt đời chẳng mơ ước được gắn huy chương “anh dũng bội tinh”. Người Việt ta ở miền Nam thường tán dương ca ngợi người lính chiến không quân mang tên “Quốc”, người lính chiến mũ đỏ hào hùng mang tên “Đương”. Và biết bao tên tuổi khác được nhắc nhở ở mọi binh chủng, kể sao cho siết. Và nhân dân đã kính cẩn đặt vòng hoa tri ân trước đài chiến sĩ vô danh. Những người lính chiến đã hiến dâng cuộc đời mình cho tổ quốc mà nhân thế không còn nhớ tên tuổi. Người lính chiến đích thực nào cũng tâm niệm “Trung thành với Tổ Quốc mãi mãi”, người lính chiến đích thực nào cũng đặt “Tổ Quốc, danh dự, trách nhiệm” lên trên phúc lợi riêng tư và sự an thân của mình.

Hội Thánh Đức Chúa Trời trên đất không thiết lập quân đội để bảo vệ Hội Thánh hay dự vào những cuộc “thánh chiến”. Đối với kẻ thù bắt bớ con cái Chúa trong Hội Thánh, Lời Chúa dạy Cơ Đốc nhân, là hãy “tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi” (Ma-thi-ơ 6:12), “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44), “Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.” (Lu-ca 6:27-28), và “nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống” (Rô-ma 12:20). Cơ Đốc nhân chân chính không có mưu định kế hoạch chống cự hủy diệt kẻ thù đồng loại. Thế mà Đức Chúa Trời đã đặt mọi Cơ Đốc nhân vào vị thế người lính chiến. Phao Lô thúc dục Ti-mô-thê với tình huynh đệ chi binh : “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ” (II Ti-mô-thê 2:3). Người lính chiến Cơ Đốc nhân không được phép coi đồng loại là kẻ thù ở bất cứ dạng nào. Người lính chiến Cơ Đốc nhân không bao giờ “đánh trận cùng thịt và huyết”, nhưng sẽ đánh trận quyết liệt “cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.” (Ê-phê-sô 6:12), tức là các thế lực tối tăm, tội lỗi, ma quỷ.

Trên bình diện cứu rỗi, đời sống Cơ Đốc nhân quả nhàn hạ nhu chiên “an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi” (Thi-thiên 23:2). Nhưng trên bình diện Nước Đức Chúa Trời và sự tăng trưởng thuộc linh, đời sống Cơ Đốc nhân không nhàn hạ, nhưng rất “khổ như người lính giỏi”. “Hội Thánh, Danh Chúa, trách nhiệm” được đặt thành vấn đề trong đời sống Cơ Đốc nhân, và là nhân sinh quan của Cơ Đốc nhân :

- Hội Thánh Chúa phải được mở mang : “Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội thánh” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:47), nên Cơ Đốc nhân phải đi ra giới thiệu Chúa Cứu Thế Jêsus với đồng bào, đồng loại. Con cái Chúa có ân tứ lời khôn ngoan, ân tứ lời tri tức hoặc những tài liệu do quý Mục Sư soạn cùng ân tứ dạy dỗ là những người có trách nhiệm làm công việc này. Những con cái Chúa này phải đi ra giãi bầy cách rõ ràng về chương trình cứu rỗi mà Đức Chúa Trời đã hoạch định và thực thi bởi sự giáng trần, chịu chết, sống lại và thăng thiên của Đức Chúa Jêsus, giãi bày rõ ràng rằng người ta chỉ được cứu bởi sự thừa nhận tội mình, xưng tội cùng Đức Chúa Trời và tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình.

- Danh Chúa là danh rất cao phải được kính cẩn tôn vinh. Danh Ngài phải là “Danh trên hết mọi danh”. Vì vậy Cơ Đốc nhân phải sống với một quy ước : “Phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi-líp 4:8), nghĩa là “phải ăn ở một cách xứng đáng với đạo Tin Lành của Đấng Christ” (Phi-líp 1:27), để “Danh Chúa” được tôn kính và vinh hiển, khỏi bị chê bai.

- Trách nhiệm hoàn thành công việc Hội Thánh được thấy trên mọi Cơ Đốc nhân để “Ý Cha được nên, ở đất như trời  (Ma-thi-ơ 6:10). Nên Cơ Đốc nhân phải cố gắng chu toàn trách nhiệm, công tác Chúa đã giao phó. Hãy noi gương Chúa Jêsus, nỗ lực “Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến” (Giăng 9:4).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ngày nay, trong con cái Chúa chúng ta, có đủ loại lính, lính giỏi, lính dở, lính hùng, lính nhát, lính chăm, lính lười. Nghĩ mà thấy tội. Tôi tin rằng Chúa Jêsus mong muốn tinh binh của Ngài không phải là lính nhát, lính dở, mà phải là lính hùng, lính giỏi, lính bách chiến bách thắng vì Chúa Jêsus chúng ta đã tuyên bố “Ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33). Cầu xin Chúa thêm sức cho chúng ta để chúng ta là những lính giỏi, lính hùng hầu chu toàn trách nhiệm Ngài giao phó, để Danh Ngài được tỏa sáng trong trần thế, Hội Thánh Chúa được phát triển ngày một vững mạnh, mặc dầu điều này rất khó khăn.

Vài lời tâm tình

Sống ở các quốc gia tây phương, tôi cảm nhận được chỉ một số ít ỏi con cái Chúa chúng ta có thể là lính giỏi, lính hùng. Còn vì hoàn cảnh, vì môi trường sống, hầu hết con cái Chúa như lính không có chiến trận, lính kiểng, lính văn phòng. Làm sao giải quyết được vấn nạn này đây, xin quý anh chị con góp ý. Cảm ơn quý anh chị.

Ý kiến xin gửi về           tqdinh2112@yahoo.com