Trong đời, nếu gặp được một người có lòng nhân từ quả thật may mắn như gặp được dòng nước mát trong xa mạc. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, gia đình tôi đã có cái may mắn đó. Trên đường tản cư từ Hà-nội vào Thanh-hóa , tất cả gia đình tôi mệt mỏi vì con cái đau ốm và lương thực cạn kiệt, chúng tôi đã gặp được một ông phú hộ ở làng Viến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Khi ông nhìn thấy cảnh khốn cùng, hình như đã đem lòng thương xót, và cho bố mẹ tôi biết là chúng tôi có thể tá túc một thời gian tại gia trang của ông. Nhưng ngay lúc đến nhà ông phú hộ này, bố mẹ chúng tôi vừa bối rối, vừa hoang mang,  không biết sẽ phải ứng xử ra sao, ăn nói với ông phú hộ này thế nào để để có thể được phép tá túc đến khi con cái khỏi bệnh, và trong thời gian này gạo, đồ ăn kiếm đâu ra, thì ông phú hộ đã bảo gia nhân đưa cả gia đình vào một phòng rộng thênh thang, và một lát sau gia đình chúng tôi có đủ chiếu nằm, và cơm cùng cà muối và rau muống. Trong thời gian khoảng hơn một tuần, ông phú hộ này đã cho gia đình nhà tôi, 12 người, ăn uống no đủ và đôi khi còn ngon nữa. Sau khi vấn đề sức khỏe của chúng tôi đã khả quan, bố mẹ tôi quyết định lên đường. Và ngày từ biệt để tiếp tục đi tản cư, cả gia đình chúng tôi đã không khỏi chẩy nước mắt vì tấm lòng nhân từ độ lượng của ông khi thấy gia nhân của ông đưa cho cho bố mẹ tôi một số bao lương thực khô, gạo và quần áo ấm.

Thời gian trôi đi, những ký ức như vậy vẫn còn trong đầu tôi, rồi đến khi theo Chúa, tôi mới cảm nhận được những sự việc kỳ diệu xẩy ra trong chuỗi ngày thơ ấu như những chứng tích Chúa đã dạy dỗ gia đình tôi thế nào là lòng yêu thương, nhân từ hay tử tế, mở đầu cho lời  gọi tôi theo Ngài.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sau khi đi theo Chúa, tôi đã được dạy rằng Đức Thánh Linh đã biến đổi mình thành con người mới, với : ”lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”. Cảm tạ Chúa, tôi đã nhận biết được một cách thấm thía hai chữ nhân từ qua lòng thương xót của người đời, mà mãi đến lúc tôi đi theo Chúa, tôi mới được biết ông phú hộ năm xưa cũng là một người “theo Chúa”.

Lời Kinh Thánh cũng dạy con cái Chúa cùng tôi tớ Chúa: “Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32), “Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục” (II Ti-mô-thê 2:24), như vậy chúng ta phải nhân từ. tử tế với nhau, thì mới hợp với lời dạy của Chúa.

Nhân từ hay tử tế là những bông hoa đẹp, những trái ngọt trong đời sống, khiến cho chúng ta coi tha nhân như bản thân chúng ta.

Loài người ngày nay, trong cộng đồng thì đối xử với nhau theo lợi, theo luật, trong gia đình theo tình nghĩa, hơn là theo nhân từ. Sự thật rằng con người thiếu nhân từ đã được Kinh Thánh cho biết lý do, vì trong chúng ta : “ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.”  (Rô-ma 1:29-31).

Giữa người và người, lời nói biểu lộ ý nghĩ, tình cảm của chúng ta khi giao tiếp với nhau. Nhưng chỉ một tình cảm như “ghen ghét”, khiến giữa ngay cả anh em với nhau cũng có thể có lời nói không nhân từ, tử tế với nhau như Kinh Thánh có chép :“Các anh thấy cha thương Giô-sép hơn bọn mình, bèn sanh lòng ganh ghét, chẳng có thế lấy lời tử tế nói cùng chàng được.” (Sáng-thế-ký 37:4).

Con cái Chúa chúng ta, có Chúa Thánh Linh ngự trong lòng, nên phải “ở với nhau cách nhân từ” “ở tử tế với mọi người” thì mới xứng đáng làm con cái Đức Chúa Trời.

Con cái Chúa chúng ta sống nhân từ, tử tế là hiệp ý với Đức Chúa Trời,   Cha chúng ta,  như  Thánh  Kinh có ghi lại như sau “Đức Giê-hô-va ngự xuống trong đám mây, đứng gần bên Môi-se và hô danh Giê-hô-va. Ngài đi ngang qua mặt người, hô rằng: Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, đầy dẫy ân huệ và thành thực” (Xuất Ê-díp-tô ký 34:6). Ngài truyền cho người thuộc về Ngài: “Đức Giê-hô-va vạn quân phán như vầy: Hãy làm điều gì thật công bình, và ai nấy khá lấy sự nhơn từ, thương xót đối với anh em minh” (Xa-cha-ri 7:9).

Đức Chúa Jêsus của chúng ta cũng rất nhân từ, Trong những năm tại thế, Ngài đã nhiều lần “thương xót” đoàn dân đến với Ngài, theo Ngài,  như trường hợp sau: “ Ngài ở thuyền bước lên, thấy đoàn dân đông đúc, động lòng thương xót, mà chữa cho kẻ bịnh được lành.” (Ma-thi-ơ 14:14). Ngay đối với kẻ làm nhục Ngài, giết Ngài, Ngài đã lấy lòng nhân-từ đối với chúng. Lòng nhân từ của Ngài bày tỏ ra trong lời cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời: “Song Đức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì.” (Lu-ca 23:34).

Đức Thánh Linh cũng vậy, rất nhân từ với con cái Chúa chúng ta. Nhìn kỹ trong cộng đồng con cái Chúa, “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy, trước kia sống theo tư dục xác thịt mình, làm trọn các sự ham mê của xác thịt và ý tưởng chúng ta” (Ê-phê-sô 2:3) và vì thế chúng ta đã làm buồn Chúa Thánh Linh, phạm tội với lời khuyên  “Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời”( Ê-phê-sô 4:30). Nhưng Chúa Thánh Linh vẫn cứ ở với chúng ta như  “ấn chứng đến ngày cứu chuộc”.

Muốn sống nhân từ, tôi tin rằng không phải dễ, vì phải thực thi lời Kinh Thánh như sau “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:31-32).

Đã có lần tôi gặp một con cái Chúa đang ở trong tình trạng cay đắng, buồn giận với một con cái Chúa khác, và nói những lời tôi biết không làm đẹp lòng Chúa. Tôi lặng lẽ xin vị này bình tĩnh, tha thứ cho nhau, thì bấy giờ lòng sẽ thanh thản, bình an trở lại, những đắng cay, buồn giận sẽ không còn trong tâm nữa. Qua câu trả lời “Nói thì dễ, nhưng có lọt vào hoàn cảnh của tôi, thì ông mới biết có tha thứ với lòng nhân từ được hay không”, tôi biết lòng vị này chưa lắng xuống, cay đắng buồn giận vẫn ngự trị trong trí óc. Lúc đó tôi chỉ còn biết cầu nguyện, xin Chúa ban cho cả hai con cái Ngài (đang trút nỗi buồn giận lên nhau, qua cử chỉ, qua lời nói với người thứ ba) có tình yêu thương trong Chúa để hòa thuận lại với nhau, làm đẹp lòng Chúa.

Tôi tin như vậy vì trong Kinh Thánh có chép : “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ;….” (Cô-rinh-tô 13:4). Cảm tạ Chúa, giờ này hai người con cái Ngài đã hòa thuận lại với nhau.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Giờ này tôi đã cảm nhận được rằng trong trần thế, lòng nhân từ, sự tử tế chỉ có giữa hai con người không thù ghét nhau, không làm hại nhau, không phải là kẻ thù của nhau. Con cái Chúa đôi khi cũng để cho con người cũ của mình chi phối, Nhưng tôi biết chắc rằng ngay sau những giờ phút đó, con cái Chúa thường được Chúa Thánh Linh nhắn nhủ, khuyên bảo, nên chúng ta dễ cư xử tử tế lại với nhau, hòa thuận với nhau trong bất cứ trạng huống nào. Con cái Chúa học lòng nhân từ của Chúa với tha nhân, và ngay cả đối với kẻ thù nghịch.