Đã hơn một lần, khi nói về Chúa với bè bạn, họ hàng, tôi đã nhận được sự im lặng, đôi khi kèm theo những nụ cười mỉa mai. Có lúc tôi còn được nghe một số bè bạn cho là “thiếu suy nghĩ” hoặc “mù quáng”, và từ đó không bao giờ được gặp lại những người đó nữa, mặc dầu tôi đã  tìm cách liên lạc rất nhiều lần. Số còn lại, cũng hờ hững không đậm đà thân mật như xưa. Thỉnh thoảng sau những giây phút nguyện cầu, tôi tự hỏi phải chăng tôi phải kiên trì tiếp tục nói  về “Niềm Tin Cơ Đốc” với tha nhân, phải đọc Kinh Thánh và học cách chứng đạo thật chu đáo?  Những giờ phút đó, tôi mới thấm thía sự khó khăn đem người trần thế về với Chúa.

Khi đi phát truyền đạo đơn và nói về niềm tin Cơ-đốc với người trần thế, con cái Chúa chúng ta đã từng thấy nhiều cảnh,  một vài người không nhận, một vài người nhận rồi lặng lẽ đi tới chỗ có thùng rác vứt vào, một vài người cám ơn rồi đi, thậm chí đôi khi có người nói như sau : “Cảm ơn ông (bà, anh hoặc chị) cho cái gì đây ? Ai có đạo của người nấy. Xin đừng uổng công vô ích đưa cho tôi mấy tờ giấy vô nghĩa này, hay nói những điều mà chỉ có quý vị tin và chẳng ai biết cần biết tới”. Con cái Chúa chúng ta thường vẫn phải kiên nhẫn nhịn nhục, đôi khi trong nỗi buồn, vì sự cố gắng của mình chưa có kết quả, vì tội nghiệp những người trần thế nói mà không biết mình nói bừa không cần biết hậu quả. Mục Sư Phan Thanh Bình có lần đi làm chứng đạo ngoài đường, thì bị người ta rủa ông là người đi theo “đạo đầu đường xó chợ” và tờ truyền đạo đơn bị vứt trả lại. Ông MS vẫn kiên nhẫn chịu đựng, nhịn nhục nhặt tờ truyền đạo đơn và tiếp tục công việc chứng đạo.

Sự nhịn nhục là một phần của trái Thánh Linh đến với con cái Chúa, là sự nhịn nhục của Đức Chúa Trời. Sự nhịn nhục của con cái Chúa rập theo khuôn mẫu của Đức Chúa Trời do năng lực Thánh Linh mà có, như Kinh Thánh chép : “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.” . Sự nhịn nhục này thường phát xuất từ lòng yêu thương, cũng như Chúa đã yêu thương chúng ta. Kinh Thánh có ghi lại như sau :” Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo” (I Cô-rinh-tô 13:4). Như vậy “nhịn nhục” là kết quả thứ nhất của “tình yêu thương”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Qua sự nhịn nhục, tôi cảm nhận được rằng trước tiên chúng ta sẽ có một đời sống thánh khiết làm đẹp lòng Cha Thiên Thượng. Chúng ta hiện đang sống trong một xã hội mà đạo đức đang đi xuống một cách quá nhanh, vì quá nhiều cám dỗ chung quanh chúng ta. Hai chữ “thánh khiết” hầu như không còn được người trần thế chú ý tới. Trong cuộc sống hàng ngày, con người, nhất là giới trẻ, vì tác động của những gì mà người ta gọi là “hưởng thụ tối đa”, “tự do lựa chọn cách sống”, họ đang lưa chọn từ nghiện “cần xa”, “bạch phiến”, “whisky” và “thuốc lá” cho đến “tự do tình dục bậy bạ bừa bãi”. Thử hỏi nếu con người không có sự nhịn nhục, thì làm sao biết được hai chữ “thánh khiết”.

Là con cái Chúa, chúng ta không thể sống theo tư dục xấu xa của mình, và phải biết nhịn nhục như Chúa đã nhắc nhở chúng ta qua lời của Thánh Phi-e-rơ :”Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy sự đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi”(I Phi-e-rơ 4:1), phải noi gương Giô-sép về sự nhịn nhục để tâm luôn được thanh khiết, như có ghi trong Kinh Thánh : “Vả, Giô-sép bị đem qua xứ Ê-díp-tô, thì Phô-ti-pha, người bản xứ, làm quan thị vệ của Pha-ra-ôn, mua chàng nơi tay dân Ích-ma-ên đã dẫn đến. Giô-sép ở trong nhà chủ mình, là người Ê-díp-tô, được Đức Giê-hô-va phù hộ, nên thạnh lợi luôn. Chủ thấy Đức Giê-hô-va phù hộ chàng và xui cho mọi việc chi chàng lãnh làm nơi tay đều được thạnh vượng. Vậy, Giô-sép được ơn trước mặt chủ mình; chủ cắt chàng hầu việc, đặt cai quản cửa nhà, và phó của cải mình cho chàng hết. Từ khi người đặt Giô-sép cai quản cửa nhà cùng hết thảy của cải mình rồi, thì Đức Giê-hô-va vì Giô-sép ban phước cho nhà người; sự ban phước của Đức Giê-hô-va bủa khắp mọi vật của người làm chủ, hoặc trong nhà, hoặc ngoài đồng. Người giao hết của cải mình cho Giô-sép coi sóc, chẳng lo đến việc nào nữa, trừ ra các phần vật thực của mình ăn mà thôi. Vả, Giô-sép hình dung đẹp đẽ, mặt mày tốt tươi. Sau các việc nầy, vợ chủ đưa mắt cùng Giô-sép, mà nói rằng: Hãy lại nằm cùng ta. Chàng từ chối và đáp rằng: Chủ đã giao nơi tay tôi mọi vật của người, và nầy, chủ chẳng lo biết đến việc chi trong nhà nữa; trong nhà nầy chẳng ai lớn hơn tôi, và chủ cùng không cấm chi tôi, trừ ra một mình ngươi, vì là vợ của chủ tôi. Thế nào tôi dám làm điều đại ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao? Thường ngày người dỗ dành mặc dầu, thì Giô-sép chẳng khứng nghe lời dụ dỗ nằm cùng hay là ở cùng người chút nào. Một ngày kia, Giô-sép vào nhà đặng làm công việc; vả, chẳng có người nhà nào ở đó, thì người bèn nắm áo chàng mà rằng: Hãy nằm cùng ta! Nhưng chàng liền tuột áo để lại trong tay người mà chạy trốn ra ngoài. Khi người thấy áo còn lại nơi tay mình, và chàng đã chạy trốn ra ngoài như vậy, bèn gọi người nhà mà nói rằng: Bay coi! Họ khéo đem vào nhà một thằng Hê-bơ-rơ để chọc ghẹo ta. Nó lại gần toan nằm cùng ta, nhưng ta la lớn lên. Vừa khi nó nghe ta cất tiếng la, thì tuột áo lại bên ta, chạy trốn ra ngoài. Người bèn để áo của Giô-sép bên mình đợi khi chủ về nhà, học lại cùng chủ y như lời trước, rằng: Thằng nô lệ Hê-bơ-rơ mà ông khéo đem về nhà đã đến gần đặng chọc ghẹo tôi; nhưng khi tôi cất tiếng la lên, nó tuột áo lại bên tôi, rồi chạy trốn ra ngoài. Vừa khi chủ của Giô-sép nghe lời vợ nói rằng: Đó, kẻ nô lệ ông làm điều như vậy, thì nổi giận phừng phừng, bèn bắt chàng đem bỏ vào tù, là nơi cầm các kẻ phạm tội của vua. Vậy, chàng ở tù tại đó.” (Sáng-thế ký 39:1-20).

Trong gia đình, mọi người thường dễ có lòng yêu thương dành cho nhau, mà Kinh Thánh ghi  “tình yêu thương hay nhịn nhục” (I Cô-rinh-tô 13:4), nên  sự nhịn nhục, kiên nhẫn sẽ dễ hiện hữu và làm  cho không khí gia đình thêm êm ấm, hạnh phúc. Biết vậy mà trong trần thế, tình trạng gia đình đổ vỡ ngày càng gia tăng chỉ vì vợ chồng không ghi lòng tạc dạ câu “tình yêu thương hay nhịn nhục” (I Cô-rinh-tô 13:4).

Trong một vài gia đình của con cái Chúa, mặc dầu lời Chúa trong trí, trong tâm, nhưng những vị này “thất bại” lúc “thực hành".

Lời Kinh Thánh dạy người chồng như sau :“Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh” (Ê-phê-sô 5:25). Cái nghĩa đích thực “yêu vợ mình “ khởi đầu là  “nhịn nhục” những lúc vợ trái ý, ngang ngược, lấn áp. Một hai trường hợp bà vợ không thấm nhuần ý nghĩa câu “tình yêu thương hay nhịn nhục” lại có cảm nghĩ chồng mình sợ, “có tật giật mình” không dám lên tiếng phản bác, cãi lại, và thường làm tới, đến trình độ người chồng đành bó tay vì hết thuốc chữa.

Lời Kinh Thánh cho biết “phải dạy đàn bà trẻ tuổi biết yêu chồng con mình" (Tít 2:4), như vậy các bà vợ được dạy “yêu chồng con mình". Hầu hết các chị con cái Chúa đã thấm nhuần ý nghĩa của câu “tình yêu thương hay nhịn nhục” đã “nhịn nhục” chồng con đủ điều, ấy thế mà trong một vài trường hợp, chồng con lại nghĩ như thế là đương nhiên, hay dùng lời Chúa một cách sai để bắt vợ mình phải “nhịn nhục” tiếp, khiến những bà vợ đó lâm vào tình trạng “tức nước vỡ bờ”.

Vợ chồng biết “nhịn nhục” nhau thường yêu thương nhau đằm thắm trong một gia đình êm ấm. Và đó cũng là điều mà chúng ta mong ước.

Con cái Chúa chúng ta trong lúc làm công việc của Hội Thánh Chúa cũng cần có sự nhịn nhục chịu khổ, để hoàn tất công việc mình được giao phó. Và cái khó nhất đối với tôi là “đem người về với Đức Chúa Trời”, đó là công tác đòi hỏi nhiều mồ hôi và nước mắt, và tấm lòng yêu thương tha nhân vô bờ. Những con cái Chúa đã đi làm chứng đạo đều hiểu rõ điều này.

Trong tình yêu thương qua sự nhịn nhục, chúng ta kiên nhẫn với ước mong cho những linh hồn đang lạc lõng, được dịp biết tới Chúa, và biết rằng Ngài vẫn đang nhịn nhục đợi chờ ngày những linh hồn đó trở về cùng Ngài, như những người con hoang đàng trở về cùng Cha Trời “Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng.” (Lu-ca 15:17-24).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Từ những gì viết ở trên, tôi cảm nhận được rằng vì chúng ta yêu thương ông bà, bố mẹ, anh chị em, con cái, họ hàng, anh chị em trong Chúa và tha nhân, nên chúng ta phải biết “nhịn nhục”, phải có thái độ “khinh điều sỉ nhục” như trong Kinh Thánh có viết “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời  “ (Hê-bơ-rơ 12:2), kiên nhẫn chấp nhận “điều sỉ nhục”, coi thường “điều sỉ nhục”, không bận lòng đến “điều sỉ nhục”. Có như thế, anh chị em trong Chúa mới thông cảm nhau, hiểu nhau, thương yêu nhau đúng nghĩa theo Kinh Thánh, và nhất là vững niềm tin theo Chúa. Có như thế chúng ta mới có hy vọng đem được những linh hồn đang lạc lõng chưa biết Chúa đến với Ngài, điều Đức Chúa Trời mong đợi ở con cái Ngài.