Trong trần thế, nhiều người quyền thế thường rất thích ra oai, trừng phạt kẻ dưới họ nếu lệnh họ không được tuân theo ngay. Những vị này thường thiếu tài lãnh đạo, thiếu khả năng thuyết phục người làm dưới mình, trong đó sự kiên nhẫn và nhịn nhục rất quan trọng. Lại có những người rất khí khái, thà ”chết vinh hơn sống nhục”, như trong lịch sử Việt Nam, Ông Trần Bình Trọng đã nói với tướng Tàu : “Ta thà làm quỷ đất Nam, còn hơn làm Vương đất Bắc”, nên không thể “nhường” hay “nhịn” được. Nhiều người thức thời, đành “biết cách” nhường nhịn, hay nhịn nhục, kiên nhẫn chờ thời tiến lên rửa nhục. Nhiều người “cô thế” đành nuốt nhục, kiên nhẫn nên nhịn dễ dàng.

Nhưng một Đấng đầy quyền uy, cao cả như Đức Chúa Trời mà cũng “nhịn nhục”, và lại nhịn nhục với loài người do Ngài tạo nên, thì chúng ta khó hiểu được ý nghĩa của sự nhịn nhục này. Trước ngày đến với Hội Thánh Chúa Kingsgrove, tôi hay thắc mắc ở việc này. Tại sao Ngài phải kiên nhẫn nhịn nhục mà kết quả hầu như con người càng ngày càng đi theo vật chất của cuộc đời tạm bợ, ngụp lặn trong tội lỗi. Cớ sao Ngài có thể sửa đổi tính nết con người bằng quyền phép của Ngài, mà Ngài không làm cho nhanh ? Hoặc tại sao Ngài không cho một trận “Hồng Thủy” nữa xẩy ra như thời Nô-ê, hoặc một trận động đất xẩy ra trên toàn cầu, tiêu diệt hết những người tội lỗi ?

Nhưng sau những năm theo Chúa, đọc lời Ngài trong Kinh Thánh tôi cảm nhận được câu trả lời cho những thắc mắc của tôi. Giả sử Ngài có đổi tính nết cho con người cho trở lại tính nguyên thủy của A-đam và Ê-va trước khi phạm tội đi nữa thì kết quả sau đó cũng sẽ chỉ là một thế gian gồm những con người phạm tội kiểu của A-đam và Ê-va, tổ phụ loài người, vì Ngài cho loài người sự tự do lựa chọn. Còn tiêu diệt hết loài người ư, làm sao một người Cha muốn như vậy được. Tiêu diệt hầu hết loài người, để lại một số người trung tín với Chúa và một số xúc vật kiểu Nô-ê ? Kết quả cũng chỉ giống như thời đó thôi.

Bởi vậy Đức Chúa Trời đã hoạch định một chương trình cứu rỗi nhân loại. Ngài đã nhịn nhục loài người tội lỗi để hoạch định chương trình đó.

Kinh Thánh ghi : “Xin Đức Chúa Trời hay nhịn nhục và yên ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 15:5). Nhịn nhục quả là bản tính của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, Ngài dựng nên vũ trụ, muôn loài vạn vật và cả loài người. Theo sách Sáng thế ký, Đức Chúa Trời tạo dựng con người như sau : “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ. ….. Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh.” (Sáng thế ký 1:27 2:7). Trong tất cả các loài do Đức Chúa Trời tạo dựng, chỉ con người có khả năng tương giao với Đức Chúa Trời, và cũng vì thế tôi, con cái Chúa, đôi khi chợt nghĩ rằng tính tình chúng ta giống “Cha Thiên Thượng” mới phải, thế mà tại sao loài người trong đó có chúng ta lại không như vậy.

Theo Kinh Thánh, tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va đã nghe theo lời ma-quỷ, trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời, phạm tội, quyết định xa lánh Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nhịn nhục, đem con người trở về cùng Ngài qua phương thức thờ phượng Ngài bằng sự dâng sinh tế. Ca-in con của A-đam và Ê-va đã không vâng theo phương cách đó, “Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va” (Sáng-thế ký 4:3). Càng về sau, con người ngu dại, tội lỗi càng tỏ ra đi ngược lại đường lối của Đức Chúa Trời, thậm chí từ chối sự hiện diện của Ngài, “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành.” (Thi-thiên 14:1).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi không thể tưởng tượng ra có một người cha nào có thể kiên nhẫn, nhịn nhục với con cái khi chúng nó từ chối mình là đấng sinh thành, và thành kính xưng hô với hình tượng bằng gỗ, đá, kim loại vô tri, vô giác là cha, là đấng đáng thờ lạy, kính trọng như thần. Thế mà trong loài người đã có nhiều dân tộc đã làm chuyện đó, không cần biết đến Cha Thiên Thượng, như Kinh Thánh có chép  “Vì thói quen của các dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo; rồi lấy bạc vàng mà trang sức; dùng búa mà đóng đinh vào, đặng khỏi lung lay. Các thần ấy tiện như hình cây chà là, không biết nói; không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước. Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức mạnh lớn lắm. Hỡi vua các nước! ai chẳng nên sợ Ngài? Ấy là điều Ngài đáng được. Vì trong những người khôn ngoan của các nước, tỏ ra sự vinh hiển mình, chẳng có ai giống như Ngài. Chúng nó hết thảy đều là u mê khờ dại. Sự dạy dỗ của hình tượng chỉ là gỗ mà thôi. Ấy là bạc giát mỏng vận đến từ Ta-rê-si, và vàng của U-pha, nhờ tay thợ chạm làm ra cùng thợ vàng chế thành; có vải màu xanh màu tím làm áo; ấy cũng là việc của người thợ khéo.” (Giê-rê-mi 10:3-9). Hay đôi khi còn thờ lạy cả “hình tượng của loài người hay hư nát, hoặc của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:23) quên đi sự tôn kính Đấng Tạo Hóa. Thế mà Đức Chúa Trời quyền uy, cao cả đã nhịn nhục với loài người.

Điều răn thứ nhất đòi con người chỉ được phép thờ lạy một mình Đức Chúa Trời mà thôi : “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3). Thế mà loài người thờ đủ các thần, ngoài Đức Chúa Trời.

Tôi đã từng chứng kiến những thân hữu của chúng ta thản nhiên phát biểu đại khái  “Ai mời tôi đến nhà thờ Công Giáo, tôi đi, mời tôi đến nhà thờ Chính Thống Giáo, tôi cũng đi, mời đến Chùa cũng đi, đến Mosque của đạo Hồi, cũng đi, và vì thế lẽ tất nhiên tôi có mặt tại nhà thờ các anh hôm nay. Còn cá nhân tôi thờ ông bà tổ tiên “. Có người còn nói “Trong vấn đề tôn giáo, tôi rất liberal (??)”. những lúc đó, tôi chỉ biết kiên nhẫn nhịn nhục và đàm đạo tiếp với họ, mong có một vài phút sau đó nói về Chúa Jêsus. Vì chính Đức Chúa Trời vẫn đang nhịn nhục tìm hết cách để đưa loài người vào sự thờ phượng phải lẽ, thì làm sao con cái Chúa có thể bực tức mà quên đi mục đích chính, nói về sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời đã nhịn nhục ngay sau khi loài người phạm tội, xa lánh Ngài. Ngài đã hoạch định một chương trình cứu rỗi loài người với với ý muốn đem phước hạnh đến cho loài người do Ngài tạo dựng nên.

Đức Chúa Jêsus, Ngôi-Hai Đức Chúa Trời “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn” (I Ti-mô-thê 1:15) với một mục đích duy nhất khiến con người tội lỗi “trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12) hầu Đức Chúa Trời có thể tiếp tục lại “xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3) và cuối cùng được ở với Ngài đời đời trong vinh hiển và phước hạnh “Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng” (Khải-huyền 21:3). Với những phước hạnh Chúa ban cho, chúng ta chỉ còn biết cảm tạ Chúa, cố gắng sống sao cho danh Chúa được tỏa sáng.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta được biết rõ ràng chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời, lòng yêu thương vô bờ của Đấng Tạo Hóa đối với chúng ta. Chúng ta được nghe, được biết về Chúa Jêsus và mọi ơn phước mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, những người đã tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa, sau khi ăn năn tội lỗi. Cảm ơn Chúa.

Nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy còn biết bao người chung quanh chúng ta mặc dầu biết những điều chúng ta biết, tin nhận Chúa, nhưng vẫn sống theo ý trần thế, từ chối ý của Đấng Tạo Hóa. Và chúng ta cũng thấy bao kẻ phủ nhận Đức Chúa Trời cùng Kinh Thánh. Với những vị đó, Đức Chúa Trời vẫn nhịn nhục và kiên nhẫn, chờ một ngày nào đó, những đứa con hoang đàng này sẽ trở về cùng Cha “Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Đoạn, họ khởi sự vui mừng.” (Lu-ca 15:17-24).

Chúng ta, con cái Chúa, lúc nào cũng phải thành tâm đem lòng thương yêu trong sự nhịn nhục của Chúa đến với những người kể trên, và lúc nào cũng phải với tinh thần nhịn nhục kiên nhẫn, theo gương Chúa.