Trong cuộc đời chúng ta, chắn hẳn không ai mà không có đôi lần nhịn nhục để mong tránh khỏi cảnh đổ vỡ trong tình chồng vợ, tình cha con, tình họ hàng, tình bè bạn. Trong lịch sử của Việt Nam, đã bao lần vua  các triều đại Lý, Lê, Trần sau khi đánh thắng quân Tàu xâm lăng, vẫn kiên nhẫn nhịn nhục mang lễ vật triều cống Tàu, vì thế các vua Tàu không bị mất tự ái, và nhờ vậy tránh được chinh chiến, hầu cho quốc thái dân an.

Gặp kẻ ngang ngược lấn áp, người khôn ngoan phải biết nhường. Nhưng muốn “nhường” chúng ta bắt buộc phải “nhịn”. Người biết “nhịn” thường bị người đời dè bửu cho là hèn yếu, nhưng thật ra người “dũng cảm” mới biết cách “nhịn” và “nhịn” đúng chỗ.

Nhìn sơ qua “nhịn nhục” thì chẳng vinh gì. Chấp nhận “nhục” thì mới “nhịn” nổi. Nên người biết “nhịn” vì đại sự quả đáng phục.

Trong sử học Trung Hoa có ghi lại Hàn Tín “nhường nhịn” và “nhịn nhục” thằng côn đồ bán thịt ra sao. Câu chuyện được kể như sau : Hàn Tín, người đất Hoài-âm nước Sở đời Tây Hán. Thủa hàn vi thường câu ở sông Hoài, được cá đem ra chợ bán. Hàn tín có thanh kiếm đeo bên mình. Một hôm, Hàn Tín đem cá ra chợ bán, gặp tên bán thịt Ác Thiểu đón đường, bảo : “Bán cá mà còn đeo gươm cho oai, vậy có dám đâm ta không ?”. Hàn Tín chưa biết tính sao thì Ác Thiểu nói tiếp : “Nếu không dám thì hãy chui dưới trôn của ta đây mà qua.”. Hàn Tín không do dự, cúi mình chui dưới trôn Ác Thiểu. Người ở chợ cười ồ, cho Hàn Tín là đứa hèn nhát. Từ đó Hàn Tín có thêm cái tên “đứa luồn trôn”.

Về sau Hàn Tín giúp Lưu Bang lập nên cơ nghiệp Hán Triều. Hàn Tín được phong làm Sở Vương. Hàn Tín gọi Ác Thiểu tới phong cho chức Trung húy. Ác Thiểu vội thưa : “Lúc trước tôi ngu lậu thô bỉ, chẳng biết đại nhân mà xúc phạm uy nghiêm, nay tội ấy được tha chết là may, còn dám mong đâu được ban chức tước.”. Hàn Tín ôn hòa bảo : “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng cừu hận. Hành động đối xử của ngươi ngày xưa xem qua tuy có vẻ quá đáng nhưng cũng là một bài học luyện chí cho ta. Vậy nhà ngươi đừng tị hiềm, mà hãy nhận chức ta ban.”.  Ác Thiểu lui ra, Hàn Tín nói với những người thân cận rằng : “Tráng sĩ đó trước kia làm nhục ta. Lúc ta còn hàn vi, không thế lực gì, nếu ta chống cự, giết nó đi thì ta chưa chắc ta đã được như ngày hôm na. Nhờ ta biết nhịn nhục nên mới yên thân mà lập công danh. Nó giúp ta đấy, nên mới phong thưởng, chớ không phải là việc vô cớ.”.

Người biết nhịn nhục để đạt được mục đích cao cả thường là người có đức độ và ý chí cao cường. Mục đích mà Hàn Tín muốn đạt tới qua sự nhịn nhục trong câu chuyện trên phải chăng mang nặng tính chất thuần vị kỷ. Còn con cái Chúa chúng ta, tôi tin rằng mục đích của sự nhịn nhục hay kiên nhẫn còn mang tính tự nhiên của người muốn làm theo điều Chúa mong muốn.

Năm 1969 là năm tôi nhất định theo Chúa. Cuộc sống đơn giản và chịu đựng của vị MS Nhật Bản Oota là yếu tố khích lệ tôi trong những ngày mới theo Ngài. Đã có một lần đến thăm ông MS tại một ngôi nhà tồi tàn, cũ kỹ, do thân phụ và thân mẫu ông để lại. Trong nhà chẳng có gì đáng giá. Tôi cảm thấy một nỗi buồn mênh mang chạy trong đầu. Nhà thì nhỏ, tối tăm và chắc cũng chẳng được săn sóc thường xuyên. Tôi biết ông đoán qua được “ý nghĩ người trần thế” của tôi, nên ông MS ôn tồn nói “Cậu sinh viên ạ, tất cả mình có trên thế gian này chỉ là tạm bợ. Những thứ cuối cùng mình có là những thứ mà Chúa ban cho mình trong cõi đời đời. Không đủ giờ làm những việc Chúa muốn là điều ưu tư của tôi, còn cái nhà, cái quần, cái áo, miếng ăn chỉ cần sạch, không hôi hám và no bụng là đủ, cám ơn Chúa tôi có đủ. Hành trang trên bước đường theo Chúa của tôi là cuốn Kinh Thánh, tấm lòng tôi và ít quần áo. Vợ con tôi không dám nghĩ tới vì biết rằng khi có vợ con, vấn đề tài chánh, thời gian cho gia đình sẽ chi phối tôi khiến cho ưu tư của tôi trở nên tuyệt vọng”. Tôi bùi ngùi xúc động. Cảm ơn Chúa tôi đã gặp môt người Anh trong Chúa, qua sự nhịn nhục, kiên nhẫn có tấm lòng như bông hoa đẹp nở trong trốn hoang dã nơi mà đa số con người chỉ nghĩ tới vật chất, danh vọng bắt chấp những thủ đoạn, hành vi và lời nói sảo trá.

Ông MS đi làm nghề dịch sách từ Anh ngữ sang Nhật ngữ và từ Nhật ngữ sang Anh Ngữ nửa ngày, còn nửa ngày đến những trung tâm dưỡng lão, bệnh viện gần nơi ông sinh sống, với tấm lòng tìm người về với Chúa. Hai tôn giáo chính của Nhật Bản là Thần Đạo và Phật Giáo, nên một nhà thờ nhỏ như nhà thờ của MS Oota, có chừng ba chục con cái Chúa, quả đã là khó kiếm ra ở thành phố Đông Kinh. Sự kiên trì, nhịn nhục trong công việc nhà Chúa với những điều kiện khắt khe, lòng yêu mến Chúa thật chân thành, sự tin cậy và vâng lời Chúa của MS Oota đã làm hết thẩy con cái Chúa của HT Yukigaya vững niềm tin trên đường theo Ngài. Và đây là sự kiên trì sự nhịn nhục mà Chúa mong muốn ở con cái Ngài.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Tôi tin rằng đường theo Chúa rất hẹp và nhiều thử thách. Con cái Chúa chúng ta cần phải biết kiên nhẫn, nhịn nhục. Nhịn nhục của con cái Chúa không phải vì mình, không phải là phương cách “nín thở qua sông để thoát hiểm cho mình, xong chuyện hiểm nguy”, cũng không phải là chấp nhận hình thức “phượng hoàng đến lúc xa cơ cũng có thể hèn”. Nhịn nhục, kiên nhẫn của con cái Chúa chúng ta là thứ nhịn nhục, kiên nhẫn năng động bởi Chúa Thánh Linh. Mục đích khi chúng ta nhịn nhục, kiên nhẫn là “hoàn tất chương trình của Chúa” qua đời sống và việc làm của con cái Chúa chúng ta. Tôi đã đôi lần thiếu nhịn nhục và kiên nhẫn trong lúc nói về Chúa với bè bạn. Mỗi lần nhìn thấy các anh chị cùng Hội Thánh đem được bè bạn, người quen về với Chúa, tôi chỉ biết lặng lẽ cúi đầu ăn năn, xin Chúa thêm sức cho tôi để tôi có thể nhịn nhục và kiên trì trong những giờ phút đến với bè bạn và người quen chưa biết Chúa, để giới thiệu lời Ngài một cách “có ơn và khôn ngoan”,  hầu đem được dẫu “một người” về với Chúa, trước khi nhắm mắt.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cũng một tâm tình trong lúc viết bài này, tôi tự hỏi, sau bao nhiêu năm hầu việc Chúa của quý Mục Sư, phải chăng cái khó nhất trong chức vụ là sự “nhịn nhục”.

Cầu xin Chúa Thánh Linh tiếp tục thêm sức cho tôi tớ Ngài, con cái Ngài, để qua sự “nhịn nhục và kiên nhẫn” của họ Ý Chúa được nên ở đất như Trời.