Dân Việt ta thường có những hình dung từ như trí óc u mê, trí óc đen tối, hoặc trí óc ngu dốt, để bày tỏ trí óc con người như bãi đất hoang cần được khai phá, cầy xới và gieo giống. Nó cũng hình dung một căn nhà tối om có những cửa ra vào, cửa sổ đóng chặt cần phải mở toang để ánh sáng lọt vào, cần được trang hoàng với những vật dụng từ bên ngoài để căn nhà trở nên đẹp mắt, có khí sống. Làm tốt đất hoang trong trí óc, khai quang cho trí óc là khai tâm, khai trí.

Đức Chúa Trời ban cho một số thú vật sự hiểu biết giới hạn lưu truyền từ đời này qua đời kia. Con người được Đức Chúa Trời ban cho trí óc biết suy đoán, có kế hoạch cùng một năng lực phát huy khả năng tiềm tàng một cách không giới hạn.

Theo tinh thần Á Đông, người có công khai trí được tôn trọng sau vua, trước cha – Quân, Sư, Phụ.

Học là khai trí. Khai trí để biết, để khôn, nên ai nấy đều đua nhau học. Học thầy, học bạn. Học tại trường tiểu học, trung học, rồi đại học. Học tại trường đời.

Tham vọng hiểu biết của trí óc con người không chỉ hẹp hòi trong năm châu, bốn bể mà là vũ trụ mênh mông, cũng không thể giới hạn trong vũ trụ vật chất này mà phải vượt qua khỏi không gian và thời gian.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã học để hiểu biết, vượt qua khỏi không gian và thời gian, bước vào thế giới thần linh để đạt được sự hiểu biết, như Đức Chúa Trời.

Trong Sáng-thế-ký 3:1-6 có ghi lại thể nào tham vọng của con người trong lãnh vực trí não. Kinh Thánh chép : “Vả, trong các loài thú đồng mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng: Mà chi! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng: Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.”.

Sau khi tổ phụ loài người trái mạng lệnh của Đức Chúa Trời ăn trái cây cấm không nên ăn, trí óc họ đã mở ra theo một chiều nghịch với ý chỉ của Ngài, đồng thời sự vinh hiển mà Chúa đã ban cho họ biến mất. Điều họ hiểu đầu tiên là thân xác “lõa lồ”, điều họ cảm xúc đầu tiên là hổ thẹn. Kể từ sau đó, loài người đã xây lưng lại với Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng ra họ. Cũng kể từ đó, loài người khai trí trong chiều hướng tự chủ, tự tôn, tự đại, tự mình thắp đuốc mà đi, tự mình đặt ra triết lý, chân lý cho cuộc đời.

Ngày nay, đa số người trần thế, đặc biệt một số các nhà lãnh đạo của một số quốc gia, với đầu óc nhiễm độc tội lỗi đang được khai trí, đang được phát huy một cách say mê hướng về vật chất chủ nghĩa, hưởng thụ chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa, đạt cho được mục đích không từ một thủ đoạn nào, háo danh, thì thử hỏi làm sao thế giới loài người có thể lượng được những hậu quả thê thảm, tàn khốc mà không run sợ, kinh hoàng trong sự phát huy của trí não. Loài người đã trải qua nhiều đau khổ trong cảnh chiến tranh, nước mạnh dùng vũ lực, dùng kinh tế để uy hiếp, khống chế, ăn cướp giữa ban ngày tài lực và nhân lực của các nước yếu. Giữa đa số những con người cùng nước với nhau, thì đấu trí, đấu đòn cân não để cố sức làm giàu, rồi hưởng thụ. Nếu nói thế giới ngày nay đang bị các đầu óc điên khuynh đảo, tạo ra một thứ quái vật vô hình trong trần thế cũng không phải là quá.

Muốn khỏi điên với thế giới điên, muốn khỏi loạn với thế giới loạn, muốn được bình yên trọn vẹn giữa thế giới xáo động, hãy trở lại với Đức Chúa Trời bằng sự khai trí, sự học hỏi bắt đầu : “Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan; Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng” (Châm-ngôn 9:10), đối với Đấng Tạo Hóa, chúng ta nên biết : “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc; Chẳng có ai làm điều lành” (Thi-thiên 14:1). Ai là người khôn ngoan, hiểu biết về trần thế này chắc hẳn sẽ có lúc quyết trở lại cùng Đức Chúa Trời, vì Ngài đã hứa cùng nhân thế : “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài” (Ê-sai 26:3).

Con người có một số điều ít oi “tự biết” lúc nào không hay, nguyên tri. Còn muốn hiểu biết nhiều, rộng hơn số điều ít oi đó, phải học. Ngày nay,  ngoài học để khai trí, hầu hết người trần thế học hầu có một nghề chuyên môn kiếm sống, kế đến danh tiếng. Người để tâm học khoa học, nha y dược v.v.(xin tạm gọi là học chữ) thì nhiều, nhưng rất ít người nghĩ đến  học đạo.

 Học chữ có hai cách : Tục học và thực học.

Người có học theo lối tục học là người cố thu thập sự hiểu biết của người khác qua sách vở, qua lời giảng dạy của thầy làm kiến thức cho mình. Sau khi học xong, họ tìm kiếm nghề nghiệp, chức vụ, tiền tài cùng danh vọng, rất ít trường hợp để thì giờ học đạo hay nghĩ đến tha nhân. Trong trí não một số những vị theo lối tục học cấp cao là một kệ sách với những pho sách của bậc cử nhân, bậc phó tiến sĩ, bậc tiến sĩ, xếp ngay hàng thẳng lối, trưng ngay phòng khách cho mọi người lác mắt về cái trình độ học vấn cao. Họ thường có thái độ khiêm tốn giả tạo, bình phong cho sự ngạo mạn ta đây, có những lời nói “lòe đời”, có lối sống hiu hiu tự đắc, tự mãn, mà họ nhầm lẫn với tự tin. Hình như họ chỉ muốn lấy bằng cấp đóng khung cho mình, cốt sao cho mọi người nhận ra giá trị của đại học, của bằng cấp mình có. Họ có biết đâu cái vốn hiểu biết của con người chỉ là đốm lửa trong đêm tối mênh mông, như nhà bác học Einstein đã phát biểu : “Điều ta biết chỉ là một giọt nước, điều ta không biết mênh mông như đại dương”.

Thực học là người cố thâu thập sự hiểu biết của người qua sách vở, qua lời giảng dạy của thầy, rồi luận cổ suy kim khai triển trí thức, như tằm ăn dâu xanh mà nhả ra tơ vàng, chứ không ra dâu xanh như các vị tục học. Người thực học mong đem cái ký ức trong sách vở cộng với kho tàng kinh nghiệm để giúp đời. Suy luận đem cái học, cái biết để làm ra sự thật, không buông lời vọng ngôn, cố cư xử với mọi người sao cho phải, dùng trí thức để đem ích lợi đến cho tha nhân. Họ không chuông cái học vụ danh, vụ lợi, cầu hư văn nhảm nhí mà rút ra được thực chất để phục vụ. Nên người thực học học ít thì hữu ích cho xã hội, học nhiều thì hữu dụng cho quốc gia, cho thiên hạ. Tiếc thay người học thì nhiều, mà người hữu dụng thì ít, kể cả một số không ít con cái Chúa chúng ta, chỉ vì người trần thế ngày nay đang sống trong một thế giới bị vật chất chủ nghĩa, hưởng thụ chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa thống trị.

Học để biết. Có những cái biết chỉ để biết. Có những cái biết mang họa vào thân. Cũng có những cái cần biết để được sống và sống an bình.

Thánh Phao-lô đã thụ giáo nơi Ga-ma-li-ên, một giáo sư danh tiếng thời bấy giờ. Phao-lô đã trở nên học giả đối với đời và đạo. Cái biết của Phao-lô trước khi gặp Chúa là cái biết gieo kinh hoàng cho mọi kẻ đối nghịch với tư tưởng và sự hiểu biết của ông : “Bấy giờ, Sau-lơ chỉ hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:1), cái biết của Phao-lồ trước khi gặp Chúa là cái biết tự hoại : “Chúng tôi thảy đều té xuống đất, và tôi nghe tiếng phán cùng tôi bằng tiếng Hê-bơ-rơ rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, sao ngươi bắt-bớ ta? ngươi đá đến ghim nhọn thì là khó chịu cho ngươi vậy.” (Công-vụ các Sứ-đồ 26:14). Sau khi gặp Chúa, Thánh Phao-lô đã đánh giá tri thức trước kia của ông chỉ là rơm rác, còn tri thức về Chúa mới đáng quý. Chúng ta hãy nghe ông tâm sự : “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết.” (Phi-líp 3:8-11).

Một nhà uyên bác thuê một chiếc đò dạo chơi trên hồ lớn để thưởng trăng. Vị này nói về văn chương, thi phú với chú lái đò. Chú nghe như vịt nghe sấm. Nhà bác học than : Người như vầy kể nhu mất 1/3 cuộc đời. Nhà uyên bác lại quay qua thiên văn, chỉ sao này sao nọ. Chú lái ậm ừ cho qua chuyện. Nhà uyên bác lại than : Người như vầy kể như mất thêm 1/3 cuộc đời. Thình lình gió thổi lên mỗi lúc một mạnh, một cơn bão kéo tới, sóng hồ nổi dậy, chiếc đò lao chao, chòng chành rồi lật úp. Chú lái đò hét to trong gió : Ông có biết bơi không ? Bơi nhanh lên. Nhà uyên bác trả lời : Không. Chú lái chép miệng than : Thế là mất cả cuộc đời.

Kính thưa quý vị chưa phải là người Cơ-đốc,

Quý vị có thể khôn ngoan, học biết nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống hiện tại và trong cõi đời này. Nhưng sự cứu rỗi và sự sống đời đời trong đời sau mà quý vị không biết Chúa Jêsus là Cứu Chúa của mình thì chắc chắn quý vị sẽ mất sự sống đời đời trong đời sau, vô phương cứu vãn. Học giỏi như Phao-lô, biết nhiều như Phao-lô vẫn chưa đủ, phải biết Chúa Jêsus. Mong quý vị tìm đến Ngài, tin nhận Ngài, để có sự  bình an trong đời sống hiện tại, sự sống đời đời trong đời sau.