Tin cậy và vâng phục như đôi cánh chim để chim bay lượn trong bầu trời rộng lớn bao la. Con người sẽ sống an bình với tâm hồn thanh thản khi biết đặt lòng tin cậy đúng chỗ, biết vâng phục các điều luật chính đáng.

Nhiều người vô thần, suy nghĩ theo thuyết tiến hóa Darwin, cho rằng vâng phục những điều luật chính đáng của Đấng Tạo Hóa là tinh thần khiếp nhược, là hành vi đi nghịch lại với óc tiến hóa, với óc phấn đấu.

Vâng phục chắc chắn không phải là hành vi khiếp nhược, phục tòng để trục lợi, hay vì những lý do bất chính nào đó để được an thân hay thỏa mãn lòng vị kỷ. Nhưng, ngược lại, vâng phục Đấng Tạo Hóa là hành vi kiên cường của ý chí, là sự phấn đấu của nội tâm để đạt tới mục đích cao đẹp, là đức nhân ái đem trật tự, an lạc, hạnh phúc cho mọi người. Vâng phục không hề có chung thứ nguyên với thuyết tiến hóa của Darwin, một “giả thuyết” chỉ gây ra hàng ngàn hàng vạn câu hỏi mà không ai trả lời nổi, nên làm gì có chuyện nghịch lại với óc tiến hóa.

Mạnh Tử nói : “Thuận Thiên giã tồn, nghịch Thiên giã vong”, có nghĩa là : Thuận theo Trời thì còn, nghịch với Trời thì mất. Cũng như đa số người Á Châu, người Việt mình có tính vâng phục Trời. Tinh thần đó không biến con người thành nô lệ, tiêu cực, nhưng làm cho con người tích cực hơn, tin tưởng hơn, cao thượng hơn trong cuộc sống. Xưa nay hiền nhân quân tử vẫn lấy ý Trời làm trọng. Người cầm quyền muốn dân thuận phục phải tuyên xưng : Vâng mệnh Trời cứu nước trị dân. Người dân đơn thuần chấp nhận “ý Trời là vậy” để tự thuyết phục mình trong vâng phục. Đến khi tắt hơi còn vâng phục trong ý niệm “Trời kêu ai nấy dạ”.

Chẳng một người tài đức nào trong đời lại chẳng biết vâng phục cha mẹ trong gia đình, vâng phục thầy cô nơi học đường, vâng phục luật lệ chính đáng trong xã hội.

Là con cái Chúa, chúng ta cảm nhận được rằng chẳng có một người nào được cứu rỗi, hưởng được sự sống đời đời, được trở nên con cái trong đại gia đình của Đức Chúa Trời mà không vâng phục ý Trời mà Chúa Jêsus đã dạy : “Đây là ý muốn của Cha (Đức Chúa Trời) ta, phàm ai nhìn Con (Chúa Jêsus) và tin Con, thì được sự sống đời đời” (Giăng 6:40).

Cũng chẳng một con cái Chúa nào được Chúa đại dụng trong công việc nhà Ngài lại thiếu tinh thần vâng phục Đức Chúa Trời. Trinh nữ Ma-ri với tinh thần vâng phục trọn vẹn đã quyết định : “Tôi đây là tôi tớ Chúa;  xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền” (Lu-ca 1:38). Bởi tinh thần vâng phục, Ma-ri đã được Đức Chúa Trời xử dụng làm cửa ngõ đưa Cứu Chúa Jesus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời vào trần thế. Thánh Phao-lô đã có tinh thần vâng phục ngay khi gặp Cứu Chúa Jêsus với lời chứng sau đây của ông “Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, làm sao ngươi bắt bớ ta? Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ đây…. Tôi bèn thưa: Lạy Chúa, tôi phải làm chi?(Công-vụ các sứ-đồ 22:7-10) và lời chúng của ông về sự vâng phục trong chức vụ “Nhưng khi Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi,…., hầu cho tôi rao truyền Con đó (Chúa Jêsus) ra trong người ngoại đạo, thì lập tức tôi chẳng bàn với thịt và máu.” (Ga-la-ti 1:15-16), ông chỉ biết vâng phục chớ không bàn hơn tính thiệt với chính mình.

Ngày nay, Danh Chúa được biết đến khắp năm châu bốn bể, hàng triệu người khắp nơi trên thế giới nhận được Tin Lành cứu rỗi. Ấy là vào rất nhiều con dân Cơ-đốc có tinh thần vâng phục đã mạnh dạn nói về Tin Lành cứu rỗi đến hang cùng ngõ hẻm, mọi nơi trên trái đất.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đã có đêm nào đó, chúng ta nhìn thẳng vào tâm tư mình và tự hỏi mình nghĩ gì về lòng vâng phục Chúa của mình chưa ? Mới chỉ là ý tưởng thôi, vâng phục đôi lúc đã làm chúng ta bối rối, khó chịu, lẫn lộn. Làm sao vâng phục mạng lệnh này được đây ?

Chúng ta không phải ai cũng giàu có, nhưng khi mình là một người giàu có và trực diện với hai chữ “vâng phục” mà Chúa phán cùng một người nhà giàu “Đức Chúa Jêsus… bèn phán rằng: Còn thiếu cho ngươi một điều; hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta. Nhưng người ấy nghe mấy lời thì trở nên buồn rầu, vì giàu có lắm” (Lu-ca 18:22-23), hoặc chúng ta đang bi một người nào đó cố tâm muốn hại mình, đôi khi muốn lấy đi mạng sống của mình, sự yên vui của gia dình mình và trước lời Đức Chúa Jêsus dạy :  Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng yêu kẻ yêu mình.  Nếu các ngươi làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì có ơn chi? Người có tội cũng làm như vậy. Nếu các ngươi cho ai mượn mà mong họ trả, thì có ơn chi? Người có tội cũng cho người có tội mượn, để được thâu lại y số. Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhân từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ. Hãy thương xót như Cha các ngươi hay thương xót.” (Lu-ca 6:32-36), liệu chúng ta có vâng phục một cách tự nhiên được hay không ? Khó thật.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị không phải thuộc thành phần giàu có, nên chỉ cảm nhận được chúng ta cần dâng những lời cầu nguyện xin Chúa “ban thêm sự thông sáng” để tình yêu thuơng của trái Thánh Linh sinh động trong lòng hầu với ý tối thiện, chúng ta có thể làm thành ý muốn của Ngài trên đất.

Điều kế tiếp là yêu thương kẻ thù chỉ có ý định hại mình, kẻ có ý tưởng bất đồng, có lời nói bất xứng, có hành vi ngược ngạo, có tâm địa xảo trá. Thật khó. Khi đọc câu Kinh Thánh trên thời gian mới trở về nhà Chúa được vài tháng, tôi buột miệng “Lạy Chúa, xin Chúa làm cho lòng con yêu được những người này để “Ý Chúa được nên”. Họ có bao giờ thèm để tâm đến loại tình yêu này đâu ?”. Trong lòng con cái Chúa chúng ta, đây là một nan đề. Xin Ơn Trên dẫn dắt, giúp đỡ chúng ta, để chúng ta có thể hành xử theo Ý Ngài.

Sau khi A-đam và Ê-va bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời tại vườn Ê-đen, hái trái cây Chúa cấm mà ăn (Sáng-thế-ký 3), từ đó con người có tâm tánh phản loạn, bất tuân từ trong thâm tâm. Tinh thần bất phục tòng Chúa và bất phục tòng nhau ngày càng rõ ràng hơn. Chẳng cần ai dạy bảo, trẻ thơ biết lắc đầu kèm theo tiếng “không”, lớn lên một chút thì có thể khó dạy, cứng đầu, bướng bỉnh, bước vào đời sống xã hội thì luân lý, luật pháp là sức ép để kiềm chế sự nổi loạn do tật xấu của con người gây ra.

A-đam thứ nhất, tổ phụ của nhân loại, đã vì không vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời mà cả dòng dõi loài người phải chết trong tội lỗi. Kinh Thánh cho biết “A-đam sau hết là thần ban sự sống” (I Côrinh-tô 15:45), A-đam sau hết chính là Chúa Jêsus, Cứu Chúa của cả nhân loại, Ngài đã “vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:8) để cả dòng dõi loài người nhờ Ngài mà được sống như lời Kinh Thánh chép “Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại…A-đam sau hết là thần ban sự sống” (I Cô-rinh-tô 15:22, 45).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cứu Chúa Jêsus của chúng ta, “Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu” (Hê-bơ-rơ 5:8), thế thì chúng ta những người Cơ-đốc thuộc về Chúa Jêsus há lại không chịu “học tập vâng phục” sao ? Cùng nhau chúng ta học tập và thi hành Lời Kinh Thánh dạy :

*Vâng phục Chúa, làm theo Lời Ngài “vâng theo lời phán của Ngài” (I Sa-mu-ên 15:22), “Hãy nghe tiếng ta, thì ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi, các ngươi sẽ làm dân ta; hãy đi theo cả đường lối ta dạy cho, để các ngươi được phước.” (Giê-rê-mi 7:23), “Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Cô-l ô-se 3:24).

*Vâng phục cha mẹ trong Chúa “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa” (Ê-phê-sô 6:1), “Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô-lô-se 3:20).

*Vâng phục người làm chủ “Hỡi kẻ làm tôi tớ, trong mọi sự phải vâng phục kẻ làm chủ mình về phần xác, không những hầu việc trước mắt họ, như mình tìm cách cho đẹp lòng người ta, nhưng vì kính sợ Chúa, hãy lấy lòng thật thà mà hầu việc. Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Cô-lô-se 3:22-24). Trong trần thế hiện nay, nhất là tại các nước phát triển, tương quan giữa chủ và tôi tớ như ngày xưa không còn nữa, thay vào đó là tương quan giữa phe chủ nhân (người quản lý cùng ông tổng bộ trưởng hay ban giám đốc) và phe nhân viên ( công nhân viên, công chức, tư chức). Trong tương quan đó, nhân viên phải “hết lòng mà làm (việc) như làm cho Chúa” và “hãy hết lòng mà làm  (việc)”.

*Vâng phục người dắt dẫn tâm linh “Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình” (Hê-bơ-rơ 13:17).

* Vâng phục nhau, ở trong gia đình và ở trong cộng đồng con cái Chúa “Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau” (Ê-phê-sô 5:22).