Linh hồn chúng ta gồm hai phần : linh và hồn. Linh là hơi thở của Đức Chúa Trời truyền vào thân xác vật lý chúng ta. Linh tiếp xúc với thân xác thì làm nẩy sinh ra hồn, phát xuất ra ảnh tượng của Đức Chúa Trời, vàtrở nên một loài sanh linh”.

 

Hầu hết chúng ta chú tâm đến thân xác. Những nhu cầu thân xác đòi hỏi quá rõ ràng để tồn tại trong điều kiện tốt nhất, thoải mái nhất cho cái thân xác đó. Chẳng những vậy thôi, nhờ thân xác mà cảm giác mới bộc lộ, tư tưởng mới thành hình, nghĩa là con người mới thực sự hiện hữu.

Hầu hết chúng ta quan tâm đến tâm trí. Vì đó là sự khác biệt giữa người với muôn vật. Đó là mức thang giá trị giữa mình và đồng loại. Đó là lãnh vực cao cả mà Đức Chúa Trời phải xác nhận : “Loài người đã thành một bực như chúng ta” (Sáng-thế-ký 3:22).

Trong đời sống hằng ngày, hầu hết chúng ta chẳng bao giờ nghĩ tới linh hồn, là cái phần dường như không ăn nhập gì vào cuộc sống vật chất hiện tại, là cái phần tâm trí không thể luận lý, phân tích. Cho đến một ngày nào đó, tâm trí đột nhiên hiểu rằng linh hồn mình đang chuẩn bị lìa khỏi thân xác như mặt trời lặn mất ở góc biển trời tây. Thân xác lạnh dần để trở mùi xú uế, và người thân yêu khước từ cái thân xác không linh hồn, không trong sạch, đành chôn cất một nơi nào đó. Phần tinh anh được người thân yêu lưu lại trong ký ức, nhắc nhở như một hoài niệm, tiếc thương. Và phần linh hồn được người thân yêu bùi ngùi ước vọng làm sao cho được siêu thoát, được lên chỗ cực lạc, tiên cảnh hay thiên đàng nào đó.

Biết bao người, chỉ đến hồi kết thúc cuộc đời mới ý thức được vào tay trắng, ra đời trắng tay. Danh, lợi, quyền lúc đó mới “như gió thổi, như mây bay”. Vua Henri thứ VIII của Anh Quốc bàng hoàng thốt lên trong giờ phút lâm chung : Thế là hết cả rồi. Ngôi Vua ta, mão miện ta, và cả linh hồn ta nữa. Thật hết cả rồi.

Cái nhà đồ sộ nguy nga đến đâu đi nữa nhưng vô chủ vẫn là ngôi nhà hoang. Thân xác ta chỉ là ngôi nhà, giá trị của thân xác ta vốn tại sự lưu trú của linh hồn ta. Nhà thơ Huy Cận ví thân xác là “Bình thịt xương để chứa linh hồn”. Quả thật vậy, linh hồn mới là con người thật của chúng ta.

Chúng ta có thể hiểu ít nhiều về tính tình, ý nghĩ, về sức khỏe thân xác của người thân, bè bạn gần. Nhưng rất khó tin khi nghe một người quả quyết  hiểu rõ một một người nào khác. Tháng 8 năm 1991, cuộc đảo chính tại Nga đã cho thấy Tổng Thống đương thời Gorbachev đã gần như bị lật đổ bởi những tổng bộ trưởng trong nội các mà ông tin rằng mình hiểu rõ, đó là những người bạn thân, trung thành với ông.

Chính triết gia Jean Paul Sartre đã phải công nhận “con người thật khó hiểu”. Có biết gì chăng, cũng chỉ “tri nhân, tri diện, bất tri tâm”. Thánh Phao-lô cũng đã thúc thủ trước con người mình. “ngày nay tôi biết chưa hết (về tôi) : đến bấy giờ (lúc mặt đối mặt với Chúa) tôi sẽ biết (tôi) như Chúa đã biết tôi vậy.” (I Cô-rinh-tô 13:12).

Con người thật, hay linh hồn mình, phải được hiểu như thế nào ? Linh hồn chính là chất liệu phát xuất từ Đức Chúa Trời. Kinh Thánh chép rằng : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế-ký 2:7). Cho nên chúng ta không hiểu về Đấng Tạo Hóa thể nào, thì cũng không hiểu rõ về linh hồn mình thể ấy.

Căn cứ vào câu Kinh Thánh trên, chúng ta có thể hiểu về linh hồn mình như sau : Thân thể chúng ta được tạo dựng bằng bụi đất. Linh hồn chúng ta gồm hai phần : linh và hồn. Linh là hơi thở của Đức Chúa Trời truyền vào thân xác vật lý chúng ta. Linh tiếp xúc với thân xác thì làm nẩy sinh ra hồn, phát xuất ra ảnh tượng của Đức Chúa Trời, và “trở nên một loài sanh linh”. Chúng ta có thể hiểu đại khái qua thí dụ sau : Chúng ta nhìn cái bóng đèn điện, sợi giây kim loại có hóa chất tungsten trong bóng đèn giống như thân xác chúng ta. Điện ví như linh. Khi điện tiếp xúc với sợi dây, truyền tới bóng đèn nẩy sinh ra ánh sáng. Ánh sáng ví như hồn. Chúng ta có thể tách riêng thân xác với linh hồn, nhưng không thể tách riêng linh với hồn.

Không lạ gì chúng ta cảm nhận được ánh sáng dễ dàng hơn là điện. Chúng ta dễ dàng cảm nhận hồn hơn là linh. Hầu như hằng ngày chúng ta chỉ thấy bóng đèn và ánh sáng, chỉ cảm nhận được thân xác và hồn. Có được một tâm hồn trong sáng trong một thể xác cường tráng thì thật là lý tưởng. Chúng ta lưu tâm tới ánh sáng thiên thượng, nên chẳng lạ gì cứ lo lau bụi bóng đèn cho đèn sáng hơn, và quên đi rằng dòng điện có thể bị cắt bị cắt đứt với nguồn điện lực.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta bảo nhau sống đạo đều đặn, có lẽ dễ hơn là bảo nhau tìm hiểu Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh đều đặn, vì sống đạo (thuộc lãnh vực tâm thần) rất cụ thể còn tìm hiểu Đức Chúa Trời để niềm tin (thuộc lãnh vực tâm linh) được vững mạnh thì hình như hơi khó khăn vì đó đi vào lãnh vực siêu hình, trừu tượng. Nhưng ước mong chúng ta sẽ bảo nhau học Kinh Thánh đều đặn để cho phần tâm linh được sinh động và dầu phần tâm linh chúng ta không dễ cảm nhận hoặc dễ cảm nhận chung với hồn đi nữa thì phần linh đó vẫn hành động trong chúng ta. Phần linh giục chúng ta tầm đạo, đưa chúng ta vào sự thờ phượng, mà nhiều nhà tâm lý học cứ cho rằng đó là tình trạng tâm lý bị tác động bởi sự huyền bí của thiên nhiên. Người chia sẻ niềm tin với quý anh chị đọc để hiểu người chưa có Chúa nghĩ gì, với ước mong có dịp đem họ đến với Chúa. Cùng nhau chúng ta hãy khích lệ nhau vững niềm tin nơi Ba Ngôi Đức Chúa Trời, gìn giữ linh hồn mình thanh sạch cho đến ngày gặp Chúa.