Chúng ta phải quyết định như vua Đa-vít : “Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi” (Thi-thiên 63: 8), và dùng câu này làm phương châm cho tâm hồn hướng thượng của chúng ta.

Con người với một tâm hồn có khả năng hướng thượng. Các triết gia và các nhà đạo đức định giá trị về sự hướng thượng hay hướng thiện của con người. Nếu không hướng thượng con người từ từ xuống hàng thú vật. Chúng ta chưa hề được biết có một tài liệu nào nói về có một loại đười ươi, khỉ đột, tinh tinh nào biết hướng thượng tâm hồn và từ từ tiến lên hàng người. Và chỉ có thuyết tiến hóa của nhà duy vật Darwin cho rằng tinh tinh, đười ươi đã tiến hóa lên hàng người, và thuyết này vẫn còn là một giả thuyết mơ hồ không có đủ chứng xác.

Hình như có sự thay đổi đối nghịch thường xuyên trong con người chúng ta. Sự thay đổi này, tâm trạng này đã được diễn tả trong truyện Tây Du Ký của Trung Hoa. Chuyện thuật về pháp sư Huyền Trang Đường Tam Tạng từ Trung Hoa sang Tây Trúc thỉnh kinh. Đó là hành trình hướng thượng của con người. Trong hành trình đó có pháp sư Huyền Trang tượng trưng cho linh tánh, có Sa Hòa Thượng tượng trưng cho lẽ phải thông thường hay lương tâm, có con khỉ Tôn Ngộ Không tượng trưng cho sự thông minh, và có con heo Trư Bát Giới tượng trưng cho bản tính thấp hèn của con người. Pháp sư Huyền Quang trên đường đi Tây Trúc thỉnh kinh đã nhiều lần khốn đốn với con khỉ Tôn Ngộ Không và con heo Trư Bát Giới.

Con khỉ Tôn Ngộ Không thông minh, tinh quái, có đủ phép thần thông lọt vào được Thiên Đình. Nó bèn phá phách, làm náo loạn cả Thiên Đình rồi vội trốn khỏi Thiên Đình về Tề Thiên Phủ ( thủ phủ của loài khỉ ) với lá cờ Tề Thiên Đại Thánh. Cái trí thông minh của con người thường đưa họ đến chỗ không cần biết tới hoặc đôi khi còn khai tử Thượng Đế, cùng chối bỏ mọi quyền năng siêu việt của Ngài. Trí thông minh cũng thuờng đem con người đến chỗ tự đại, tự tôn. Còn con heo Trư Bát Giới thì khỏi chê, lúc nào cũng tìm cơ hội để đắm mình trong đam mê khoái lạc. Thử hỏi trong chúng ta được bao người thiếu hoặc không có lòng đam mê khoái lạc. Biết bao lần pháp sư Huyền Trang ra tay trừng trị con khỉ Tôn Ngộ Không và con heo Trư Bát Giới, nhưng rồi đâu vẫn hoàn đó. Với trí thông minh và những tật xấu khó thay đổi, hầu hết con người đã tạo cho mình một nỗi tuyệt vọng trong linh trình hướng thượng.

Tâm hồn của chúng ta quả là như vậy. Với một tấm điểm linh thật bé nhỏ chỉ vừa đủ khuấy động lương tâm, vừa đủ chút sức mà hướng thượng thì làm sao có đủ sức kéo tâm hồn ra khỏi năng lực quá dồi dào của thể xác, là bản tánh thấp kém tội lỗi có trong con người. Phải chăng chúng ta đành thông cảm, chấp nhận ?

Theo sự soi dẫn của Kinh Thánh thì không phải vậy. Sau khi loài người không tuân Lời Đức Chúa Trời, phạm tội thì tâm hồn hướng về xác thịt, tội lỗi và làm trọn những sự “mê tham của xác thịt, mê tham của mắt, và sự kiêu ngạo của đời”  (I Giăng 2:16). Kinh nghiệm của Thánh Phao-lô và chắc chắn cũng là kinh nghiệm của chúng ta : “bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.” (Rô-ma 7:18-19).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ai trong chúng ta quyết tâm tu tỉnh có thể cảm thấy thỏa lòng, nhưng nên thành tâm nhận biết : Một ngày làm lành, điều lành chưa đủ. Một ngày làm ác điều ác có dư. Nếu chúng ta còn chút nghi ngờ, thì xin thưa cứ thử nghĩ xem phải chăng chúng ta thường dấu nhẹm, hóa trang hay không muốn biết tới những tư tưởng xấu có trong chúng ta, vì tâm của chúng ta không thể ra khỏi quỹ đạo của thân xác. Nên Đức Chúa Trời không khuyên răn con người, kêu gọi con người hướng thượng, song là cứu con người.

Đức Chúa Trời không hề có chương trình cải tiến con người, nhưng Ngài có chương trình tái sinh con người. Tái sinh phần linh làm chỗ cho Chúa Thánh Linh ngự trị như Kinh Thánh chép “thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 6:19). Và chính Đức Thánh Linh Ngài dùng quyền năng kéo tâm hồn chúng ta ra khỏi năng lực của xác thịt để hướng thượng.

Lắm lúc người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị tự hỏi, tại sao Ngài đã kéo tâm hồn chúng ta khỏi năng lực của xác thịt, vậy mà sao trong chúng ta vẫn có những người vẫn ăn ở như bao nhiêu người khác trong trần thế ? Là một con cái Chúa, tôi tin rằng Ngài đã cho tâm hồn chúng ta có ý thức và có tinh thần tự mình quyết định. Một số không nhỏ trong chúng ta đã để cho tâm hồn tự quyết theo xác thịt, vẫn làm trọn những đòi hỏi, những ham muốn của thân xác. Kinh Thánh gọi những con cái Chúa này là “người xác thịt,……hãy còn thuộc về xác thịt…..ăn ở như người thế gian.. ” (I Cô-rinh-tô 3:1-3), và những con cái Chúa này “sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” (I Cô-rinh-tô 3:15). Những vị này là : “những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:8). Thường những vị này không làm vinh hiển Đức Chúa Trời mà còn làm cho đạo Chúa bị chê bai, họ cũng chẳng góp phần xây dựng Hội Thánh mà còn là sự cản trở Hội Thánh, họ không đem phước hạnh thật sự gì cho người khác mà còn là cớ vấp phạm cho các con cái Chúa khác. Trực diện với thành phần này, chúng làm được gì đây, ngoài việc yên lặng cầu nguyện cho họ, cũng như không quên cầu nguyện cho chính bản thân mình, quên hẳn đi những đòi hỏi, những ham muốn tội lỗi của thân xác.

Nhưng cũng có nhiều quý mục sư và con cái Chúa đã để tâm hồn tự quyết theo Thánh Linh. Kinh Thánh gọi những người con yêu của Chúa này là “người thiêng liêng” (I Cô-rinh-tô 7:17). Những người Cơ Đốc này “ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi” (I Cô-rinh-tô 7:17), họ là những người Cơ Đốc “được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn” (Rô-ma 8:14). Những người Cơ Đốc này “rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn” (II Cô-rinh-tô 2:14), “được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành” (Phi-líp 1:5). Những người Cơ Đốc này “là muối của đất,…. sự sáng của thế gian” (Ma-thi-ơ 5:13-14), “có một tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã được tái sinh, chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trong tâm. Tôi tin rằng chúng ta đã quyết định “bước đi theo Thánh Linh”, và tôi cũng tin rằng chúng ta phải luôn luôn kiểm điểm lại xem mình đã bước đi theo Thánh Linh thật sự chưa. Chúng ta phải quyết định như vua Đa-vít : “Linh hồn tôi đeo theo Chúa; Tay hữu Chúa nâng đỡ tôi” (Thi-thiên 63: 8), và dùng câu này làm phương châm cho tâm hồn hướng thượng của chúng ta.