Với tấm lòng tin cậy Chúa, chúng ta hãy cầu xin Chúa “ban thêm sức” cho vừa công việc Chúa giao, cầu xin Chúa “ban thêm sức” để ta có thể chịu đựng với tâm tình quyết làm thành ý định của Ngài trên đất.

 

Pascal nói : Con người là cây sậy có tư tưởng. Tư tưởng, ý chí đã làm cho con người vốn có một thân xác yếu đuối đã trở nên mạnh mẽ, có sức chịu đựng phi thường.

 

Con người cũng không thể sống hồn nhiên, thanh thản như cây cỏ, chim muông. Không có sinh vật nào được trau rồi trong sự tranh đấu, ngoại trừ con người. Chẳng có sinh vật nào ý thức được sự thành công hay thất bại của cuộc đời mình, ngoại trừ con người. Cũng chẳng có con vật nào cho đồng loại là khôn hoặc ngu hơn mình, ngoại trừ con người. Tư tưởng khiến con người đã đôi lúc tự đầy ải mình. Con người có tư tưởng, nên chỉ cảm thấy giá trị khi tìm thấy được cái gì nơi mình “hơn người”. Con người có tư tưởng, nên chỉ cảm thấy thoải mái khi tìm thấy nơi mình có cái gì hơn mình ngày hôm qua.

 

Trong trần thế, một trong những bí quyết thành công là phải biết mình biết người, ngước mặt lên, không tự ti, không ỷ lại, nhưng tự tin dấn bước trước mọi trở ngại khó khăn.

 

Ông Nguyễn Bá Học, người cầm đầu Việt Nam Quốc Dân Đảng trong thời kỳ chống thực dân Pháp đầu thế kỷ thứ 20 đã nói : Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông.

 

Đức Phật Thích Ca cũng đã dạy các đệ tử phải biết tự tin trên đường giải thoát : Các con hãy cố tìm ánh sáng ở dưới thế này và nương tựa ở chính con, và không ở chỗ nào khác nữa. Bất cứ tì khưu ((là người xuất gia theo đạo Phật, thọ giới Cụ túc, và phải thành Khất sĩ, trên thì khất pháp (xin pháp) từ Đức Phật để luyện thân, dưới thì tới chỗ người thế tục để khất thực (xin ăn) để nuôi thân)) nào, hiện tại hay ngày mai, khi ta không còn nữa, nếu biết tìm ở mình chớ không tìm ở chỗ khác ánh sáng và nương tựa, những tì khưu say mê về tiến bộ đó, sẽ được gọi là Đấng Tối Cao. Thực thi hầu như bất khả. Tì khưu nào làm được đây.

 

Biết bao người đã mù quáng trong tự tin, làm bừa đi một cách liều lĩnh, không biết về khả năng của mình, bất kể thiên lực cùng tha lực. Kinh nghiệm người xưa về yếu tố thành công phải hội đủ: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa.

 

Con cái Chúa chúng ta phải có đời sống thành công. Ý nghĩa của thành công tất nhiên không theo quan niệm của người đời, mà theo quan niệm của Đức Chúa Trời. Con cái Chúa nào sống đẹp lòng Chúa, làm danh Chúa được tôn vinh, và ý Chúa được nên trên đất, thì con cái Chúa ấy được kể là thành công, có kết quả. Bí quyết thành công của của người Cơ-đốc không phải là tự tin mà là lòng tin cậy Chúa. Người Cơ-đốc chẳng những có niềm tin đích thực đến từ nơi Chúa, mà còn phải hết lòng nhờ cậy Chúa. Nói gọn là lòng tin cậy Chúa.

 

Chúng ta tin cậy Chúa không phải là chúng ta không có ý chí, thiếu lòng tự tin, mà là người biết rõ năng lực mình, có sự khôn ngoan nhận thức rõ những khó khăn cần phải đương đầu, ước lượng được những nặng nề cần phải gánh vác, có sự lo lắng chính xác, có sự kính trọng lẽ phải. Vì ý định của Đức Chúa Trời là : “ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3).

 

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Tôi tin rằng chúng ta, những con cái Chúa, có lòng tin cậy Chúa, quyết làm tròn ý chỉ Chúa đã được tỏ ra. Trước khi bắt đầu làm, nếu chúng ta lo lắng, thì hãy “hãy trao mọi điều lo lắng mình cho Ngài” (I Phi-e-rơ 5:7). Và sau đó hãy tự tin vì Thánh Phao-lô đã dạy chúng ta  : “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi-líp 4:13). Thế là :  chính Đức Chúa Trời ….. vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.” (Phi-líp 2:13), và “sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9), là kẻ có lòng tin cậy Ngài. Và chúng ta cũng phải nhớ “làm hết sức mình” (II Phi-e-rơ 3:14) rồi mới được “ban thêm sức”. Trong những ngày theo Chúa, tôi cảm nhận được rằng hình như một số con cái Chúa chúng ta không được “ban thêm sức”, có lẽ vì chúng ta chỉ mong làm những việc vừa sức mình, quên đi lòng tin cậy Chúa, và mất đi sự phước hạnh được thần quyền của Chúa ban cho để làm “những việc lớn và khó, là những việc ngươi (chúng ta) chưa từng biết” (Giê-rê-mi 33:3).

 

Tôi cảm nhận được rằng một số mục sư, và con cái Chúa đã được ban thêm sức, trong đó có một vị mục sư, tuổi gần 80, đã viết hơn 100 cuốn sách bồi linh, và hiện nay vị mục sư này vẫn giảng ở Hội Thánh Chúa El Cajon mà mục sư đang làm quản nhiệm, và được mời đi giảng tại rất nhiều Hội Thánh Chúa mà người Việt và Mỹ đến thở phượng Chúa ở Hoa Kỳ (vì vị mục sư này có thể giảng bằng Anh-ngữ hay Việt-ngữ).

 

Trong số con cái Chúa chúng ta tại hai Hội Thánh Kingsgrove và Hội Thánh Tình Thương, hẳn không ai không biết và không cảm phục một chị trẻ tuổi đã và đang hăng say đến các viện dưỡng lão không biết mỏi mệt, để đem Tin Lành đến cho những vị cao niên, nhờ đó rất nhiều vị biết đến Chúa, tin nhận Ngài và có những vị đã nhận lễ Báp Têm.

 

Những vị mục sư và con cái Chúa này đã được “ban thêm sức” mỗi ngày và họ là những tấm gương sáng cho chúng ta. Mỗi ngày những vị mục sư và con cái Chúa này “cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi” (Ê-sai 40:31) và tôi tin rằng họ sẽ “đến gần Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 73:28). Họ là những người đang “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14) mà không mệt nhọc. Họ đúng là những người “vác thập tự giá mình mà theo Ta (Chúa)” (Lu-ca 14:27) “mà không mệt nhọc” (Ê-sai 40:31). Cám ơn Chúa đã cho con cái Ngài nhìn thấy những tấm gương tin cậy Ngài.

 

Thánh Phao-lô đã tin cậy Chúa hết lòng. Ông được “ban thêm sức” nên ông đã “đánh trận tốt lành” (II Ti-mô-thê 4:7), “vì đó mà tôi (Thánh Phao-lô) làm việc, nhờ Ngài giúp đỡ mà chiến đấu, là sức hành động cách có quyền trong tôi (Thánh Phao-lô)” (Cô-lô-se 1:29). Và cũng bởi sức đó mà “chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.” (Cô-lô-se 4:12). Chúa đã “ban thêm sức” cho Thánh Phao-lô một cách kỳ diệu, và phước hạnh thay là nhận được năng lực, thần quyền của Chúa, còn lực trở ngại nào mà ông không thể vượt qua, còn việc nào mà ông không thể hoàn tất, còn khốn khổ nào mà ông không thể vui chịu, còn sỉ nhục nào mà ông không thể cưu mang.

 

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

 

Ước mong chúng ta hãy noi gương Thánh Phao-lô, không cầu xin Chúa giao công việc Ngài vừa sức mình, không khẩn nguyện Chúa có chương trình trên đời sống mình thích hợp với ý muốn dễ dãi của mình, nhưng với tấm lòng tin cậy Ngài, cầu xin Chúa “ban thêm sức” cho vừa công việc Chúa giao, cầu xin Chúa “ban thêm sức” để ta có thể chịu đựng và làm thành ý dịnh của Ngài trên đất.