MỘ ÚC

long tan

 

 

Họ quyết định xuất hành từ Sài Gòn vào một buổi sáng thứ sáu của tháng sáu, năm 2019.

Còn đang đi trong phạm vi của Sài Gòn, chưa ra đến ngoại ô thì trời đã đổ mưa. Trận mưa hôm nay của miền Nam nước Việt cũng giống như những trận mưa năm nào, khiến lòng thương nhớ quê hương bỗng trào dâng, như nước lũ trên nguồn đổ về, lênh láng, chan chứa, tràn trề mặc dù chân đang đứng ngay trên mảnh đất quê hương. Họ gồm có bốn người, ba người Việt và một người Úc. Họ hoàn toàn khác nhau trên rất nhiều phương diện, màu da, tiếng nói, chiều cao, nơi sinh trưởng, nơi sinh sống, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, trình độ văn hóa... Buổi sáng hôm ấy, nhóm người này chỉ giống nhau hai điểm: cả bốn người đều trên tuổi 60 và cả bốn người đồng đi tìm một địa điểm đặc biệt.

Sài Gòn cách Long Tân 170 cây số, một khoảng đường không xa với đường cao tốc hiện nay tại Việt Nam. Nhưng buổi sáng hôm ấy, vì trời mưa, đường ướt, xe phải chạy chậm và lại có một tai nạn gì đó tại chiếc cầu dẫn ra ngoại ô nên chuyến đi mất rất nhiều thì giờ. Trời mưa thường khiến người cảm thấy buồn và hôm nay, hơn thế nữa, địa điểm họ đi tìm mang cho họ một nỗi buồn đặc biệt.

Đến Long Tân rồi, nhưng họ lại không biết địa điểm ấy nằm nơi nào, vì trên bản đồ Long Tân không được đề cập đến. Vì thế, người tài xế quyết định rằng không gì bằng hỏi người địa phương. Anh đã dừng xe hỏi vài người, một người đang đi trên đường, một người chủ tại một tiệm tạp hóa nhỏ... nhưng cả hai người đều không biết. Cho đến khi anh dừng xe trước một người đàn bà lớn tuổi, quê mùa, mộc mạc và bà lập tức hiểu ngay.

-       Anh đi tìm mộ Úc phải không? Mấy người lính Úc chết ở đó mà, bây giờ người ta xây mộ tưởng niệm. Bây giờ anh cứ chạy đường này, chạy thẳng hoài, cho đến khi anh thấy ngoài đường có một cây thập tự ngay bên cạnh một con đường nhỏ, anh quẹo ngay vào. Cứ chạy con đường nhỏ đó, anh sẽ tới mộ Úc.

Tài xế tìm mãi vẫn không thấy cây thập tự nằm bên ven đường như lời chỉ dẫn. Lại phải dừng lại để hỏi nhiều người khác, và sau cùng, xe chạy vào đúng con đường nhỏ đưa đến mộ Úc. Con đường nhỏ, hẹp và đầy bụi ấy dài hơn hai cây số, và phải quẹo phải vào một con đường bụi đất nhỏ khác, nhưng lần này thì không lầm được.

Từ góc đường, nhóm người thấy được cây thập tự bằng đá màu trắng nổi lên sừng sững giữa vùng cây xanh và thấp, giống như nằm giữa một đám ruộng. Ngày xưa, nơi đây là một đồn điền cao su. Dừng xe lại bên đường, nhóm người này đi chầm chậm theo con đường mòn đầy bụi đỏ, trên trời vẫn đổ mưa nên con đường bụi này trở nên lầy, trơn, dơ và khó đi. Nhưng bốn người này không còn bận tâm đến con đường dơ nữa vì ngôi mộ bằng đá trắng và lớn đã chiếm trọn sự chú ý của họ. Ngôi mộ trắng rất đẹp, chung quanh có hàng rào cũng bằng đá trắng, trông rất sang trọng, êm đềm, hòa bình, chẳng mang lại cho người chứng kiến một nỗi sợ hãi nào. Điều gây sự chú ý nhiều nhất cho nhóm người này là cây thập tự bằng đá trắng và lớn, đứng sừng sửng trước ngôi mộ. Tại Việt Nam cũng như tại hải ngoại, người ta chỉ thấy cây thập tự tại những ngôi mộ của những người nhận mình thuộc Cơ Đốc Giáo. Trên ngôi mộ cũng như trên cây thập tự và ngay cả bên ngoài hàng rào trắng, người ta không tìm ra được một chữ nào để giải thích ngôi mộ này của ai và được dựng tại đây vì mục đích gì.

Sử đã ghi lại đầy đủ dữ kiện của một ngày đặc biệt. Ngày 18 tháng 8 năm 1966 một cuộc đụng độ đã xảy ra giữa 108 chiến sĩ Úc và New Zealand với hơn 2000 quân đội Cộng Sản Bắc Việt tại một đồn điền cao su thuộc Long Tân, gần Núi Đất. Trong lúc thật bất ngờ, các chiến sĩ này bị bao vây và họ đã chiến đấu trong can đảm, anh hùng và đã sống sót nhờ khôn ngoan, phản ứng đúng cách, dùng vũ khí đúng cách và đã được tiếp cứu kịp thời. Trận chiến chỉ diễn ra trong ba tiếng rưởi đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã của miền Nam trong mùa hạ. Kết quả của trận chiến có 18 quân nhân Úc tử thương, 24 quân nhân Úc bị thương. Đến nửa đêm, sau khi cuộc chiến đã tàn, các quân nhân sống sót phải trở lại chiến trường để nhặt tử thi của bạn và mang những người bị thương về căn cứ. Dù quân đội đã huấn luyện họ cách chiến đấu, cách tự vệ, cách xử dụng vũ khí, cách đối diện với gian nguy... nhưng không ai chuẩn bị họ cho giây phút trở lại chiến trường để tìm tử thi của bạn.

Dưới cơn mưa tầm tã, bốn người đứng im lặng trước ngôi mộ Úc. Ba người Việt Nam cúi đầu, im lặng. Còn người đàn ông Úc cao tuổi, đứng trước ngôi mộ Úc, mang đầy nét trầm ngâm, suy nghĩ trong câm nín, trong im lặng. Ông đã nghĩ gì trước ngôi mộ Úc, ba người Việt Nam kia không biết, vì ông không nói gì, không chia xẻ điều ông đang suy nghĩ. Sau khi chụp ảnh để kỷ niệm, cả bốn người ra về. Khi họ ra về thì trời cũng ngưng mưa. Con đường từ Long Tân trở về Sài Gòn cũng như trước, chỉ có khác là tâm trạng của bốn người trở về sau khi viếng mộ Úc.

Người ta ghi nhận rằng trong số những quân nhân Úc tử trận tại Long Tân, người lớn tuổi nhất được 30, trẻ nhất là 18 và tuổi trung bình của nhóm người này là 22 tuổi.

Từ năm 1966 đến năm 2019, biết bao người đã dừng chân để nhớ đến nước mắt của 18 người mẹ Úc đã khóc con, 18 gia đình đã mất người thân yêu vĩnh viễn, khoảng trống của gia đình, của cuộc đời họ không bao giờ được thay thế, được lấp đầy. Hy sinh mạng sống để bảo vệ tự do, bảo vệ hòa bình cho chính quốc gia, dân tộc mình là một sự hy sinh vô cùng cao quý, nhưng hy sinh mạng sống cho một quốc gia bạn, cho người mình không biết mặt biết tên lại càng cao quý hơn nữa. Đây là những người đã vâng lệnh chính phủ Úc, đến Việt Nam để giúp miền Nam giữ được độc lập, tự do, chống lại làn sóng xâm lược. Người cầm súng bảo vệ tự do, hòa bình là người hiểu giá trị của tự do, hòa bình hơn ai hết, vì họ đã trả giá để bảo vệ điều quý nhất của một quốc gia, dân tộc bằng điều quý nhất của họ.

Khi trời mưa thì người Việt mình hay nói là trời khóc. Trong hơn ba tiếng đồng hồ của cuộc chiến Long Tân, trời mưa tầm tã, và khi nhóm bốn người này viếng mộ Úc, trời cũng đổ mưa. Đức Chúa Trời của chúng con ơi, có phải Ngài khóc cho thân phận chúng con? Có phải Ngài khóc cho những người đã ra đi, có phải Ngài khóc cho những người mẹ phải khóc con và cho gia đình của họ ? Làm sao ngôn ngữ con người có thể diễn tả được lòng đau thương, ngậm ngùi của những người trên 60 tuổi khi đứng trước nơi tưởng niệm những người đã hy sinh cho chính nghĩa vì mình khi họ còn trong tuổi đôi mươi ? Vì sao có người sống được đến 70, 80 và vì sao có người phải nằm xuống khi còn trong tuổi đôi mươi ? Đức Chúa Trời của chúng con ơi, đâu là ý nghĩa của cuộc đời ?

Dù biết mặt trời là một định tinh, nhưng mỗi ngày chúng con vẫn nói mặt trời mọc và mặt trời lặn. Chúng con vẫn tiếp tục nói theo điều mình thấy nhưng không theo điều mình hiểu. Và trên đời này, có hàng triệu điều chúng con không hiểu. Chúng con không hiểu mình có mặt trên đời để làm gì và sẽ sống được bao lâu, câu trả lời dường như hoàn toàn nằm trong tay Đấng Tạo Hóa của chúng con và trừ phi Ngài bày tỏ cho chúng con câu trả lời, chúng con cứ phải quờ quạng tìm câu trả lời trong bóng tối.

Khi chúng con nhìn xem vũ trụ mênh mông tuyệt vời đã được sắp đặt trong bầu trời với thứ tự và kỷ luật tuyệt đối, bất di bất dịch, nhiều người trong chúng con ngưỡng mộ Đấng Tạo Hóa diệu kỳ, quyền năng vô song, vô đối, một Chân Thần có một không hai, còn một số lại tuyên bố rằng đây là sự kết hợp tình cờ của các tế bào, các tinh thể. Chúng con được ngắm xem những hoa dại ngoài đồng, dù chỉ là một chiếc hoa dại, nay sống, mai chết, vậy mà Đức Chúa Trời của chúng con cho nó mặc chiếc áo đẹp lộng lẫy, rực rỡ, bày tỏ được sự vinh hiển và quyền năng sáng tạo của Đấng đã tạo nên nó và cho nó sự sống, dù là một sự sống ngắn hạn, nhưng là một sự sống thật, đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Và trong chúng con luôn luôn có người, khi nhìn thấy một chiếc hoa, dù là hoa dại, cũng dâng lời ngợi khen Ngài, Đấng Tạo Hóa, nhưng cũng có những người chỉ nhìn thấy cái hoa và không thấy gì cả đàng sau cái hoa đó. Đức Chúa Trời của chúng con ơi, vì sao có sự khác biệt này ?

A-đam, người đầu tiên Chúa đặt trên quả địa cầu sống được đến 930 tuổi, còn chúng con hôm nay thì sao? Những người sống được đến 90 tuổi không những là con số ít, mà khi nhìn đến tình trạng sức khỏe của họ, ai trong chúng con muốn sống đến 90 ? Đức Chúa Trời của chúng con ơi, vì sao có sự khác biệt này? Vì sao đời chúng con trên đất ngắn dần đi và những 70 năm, 80 năm, 90 năm ngắn ngủi ấy chỉ là những ngày phù du, hư không ? Đúng như Kinh Thánh đã dạy: “Hư không của sự hư không, hư không của sự hư không ! Tất cả đều hư không.” 

Đức Chúa Trời của chúng con ơi, vũ trụ này có mục đích gì không ? Đời người của chúng con có mục đích gì không ? Những chuỗi ngày lao khổ, những giọt nước mắt của chúng con có ý nghĩa gì không ? Ngài có nhìn thấy kiếp người trong khổ đau ? Ngài có nhìn thấy những giọt nước mắt của chúng con không ? Hay tất cả đều chỉ là hư không, theo luồng gió thổi ?

Trên đường trở về Sài Gòn, bốn người này đã dừng lại tại một tiệm ăn lớn bên đường, tiệm trông có vẻ bình dân nhưng chắc thức ăn phải ngon vì đông khách lắm. Từ sáng đến hơn giữa trưa đã đói lắm rồi, nên tô bánh canh giò heo trở nên ngon lạ, cả ông khách người Úc cũng húp cạn tô. Những gì đáp ứng đúng nhu cầu thì đều được tận hưởng.

Những gì chúng con đã mất khiến chúng con biết quý và nhớ lại những gì mình đã có. Mất tự do mới biết quý tự do. Mất hạnh phúc mới biết quý hạnh phúc. Bức tranh đau đớn trước mộ Úc dạy chúng con rằng chắc chắn lúc ban đầu, Đức Chúa Trời của chúng con không tạo dựng nên con người của chúng con để phải sống trong đau khổ. Chúng con đã đánh mất điều gì để ngày nay phải chịu cảnh này ? Những ngày hạnh phúc êm đềm, tuyệt mỹ đã đi đâu ? Bức tranh tình yêu tuyệt vời của gia đình Đức Chúa Trời, nơi Ngài là Cha nhân ái cùng chung sống với đàn con thân yêu trong vườn địa đàng đã biến mất nơi đâu ? Vì sao chúng con phải lìa khỏi vườn địa đàng và trở thành những người khách lang thang trên đất ? Ngày đầu tiên con người biết khóc là khi nào ? Dòng nước mắt của chúng con nói lên gì và đáp ứng được điều gì ? Trong đau khổ, chúng con được mở mắt và hiểu rằng đời mình rất ngắn hạn, những ngày trên đất thật mong manh và đến cuối cùng, cát bụi sẽ trở về cùng cát bụi. Trong đau khổ, chúng con mới biết dừng chân trong cuộc đời đầy gió bụi  để lắng nghe tiếng của Đấng Tạo Hóa chúng con. Trong đau khổ, tiếng phán của Ngài càng rõ ràng, mạnh mẽ và đầy ý nghĩa hơn là trong lúc chúng con vui sướng. Khi biết mình bất lực trước cuộc đời, chúng con mới biết chạy đến bên Ngài, núp trong bóng che chở bảo vệ của Ngài trong cơn phong ba. Và chúng con luôn tìm được “Nơi núp gió và chỗ che bảo táp, Vầng đá muôn đời” nơi nương náo cho người biết tìm đến Ngài. Chúa đã đặt sự vĩnh cửu trong hồn chúng con nên chúng con biết tìm đến Ngài khi đối diện với sự cuối cùng, vì bên kia thế giới, nơi Ngài ngự trị, chúng con mới tìm được cuộc đời vĩnh cửu.

Nước mắt và đau khổ dạy chúng con biết quý những ngày vui, biết tận hưởng những ngày được sống trong hòa bình và hạnh phúc. Trong bóng đêm dầy đặc, chúng con tha thiết cầu mong được ánh sáng của mặt trời. Trong giông bão phủ phàng, chúng con cầu mong được trời quang mây tạnh. Cũng hiếm hoi như những cành hoa nở trong sa mạc, sự đau khổ và ngắn ngủi của cuộc đời mang lại những vẻ đẹp tuyệt vời. Trong nghèo đói, đau thương, trong chiến tranh, trong hoạn nạn, hàng triệu người vẫn giữ được tư cách và tình người, phẩm chất lương thiện của người có lương tâm, mang hình ảnh “chân – thiện – mỹ” của Đức Chúa Trời. Ngài đã đặt trong lòng họ một ý thức, một nét đẹp mà thế giới đau khổ này không cướp đi được.

Thế giới đại chiến thứ nhất đã tàn từ lâu, thế giới đại chiến thứ nhì cũng đã tàn từ lâu, cuộc chiến của Việt Nam cũng đã chấm dứt từ lâu và những trang sử chiến tranh thảm khốc này dạy chúng con điều gì ? Lịch sử dạy và chứng minh cho chúng con rằng ngày nào còn tội lỗi trong tâm người, ngày đó thế giới vẫn phải tiếp tục đối đầu với những cuộc chiến tranh thê lương, đẫm máu cho đến ngày loài người tự hủy diệt lẫn nhau. Chúa đã bày tỏ chính mình Ngài qua thiên nhiên, qua vũ trụ, qua tiếng nói của lương tâm và bao nhiêu người nhận thức được ? Trải qua các đời, các sứ giả của Ngài trong Kinh Thánh vẫn tiếp tục vâng lời Ngài để kêu gọi, khuyên lơn con người trở về cùng Ngài để chấm dứt khổ đau. Tiếng kêu gọi của Ngài chỉ được một số người lắng nghe và chấp nhận. Nên Đức Chúa Trời đã dùng đến giải pháp cuối cùng trong việc giải quyết nan đề trầm trọng nhất của con người.

Ai đó đã xây một cây thập tự bằng đá trắng trên ngôi mộ Úc. Cây thập tự tượng trưng cho tình yêu tuyệt đối trong đau khổ tuyệt đối, là biểu hiệu cho tình yêu của Chúa đối với con người. Đức Chúa Trời của chúng con đã bước vào đời, trong thân xác con người, sống với chúng con hơn ba mươi năm và chết trên cây thập tự để đền tội cho chúng con. Cây thập tự tình yêu của Chúa là tiếng kêu gọi lớn nhất và cuối cùng Chúa dành cho chúng con để bước ra khỏi đau khổ.

Sau những ngày mưa lớn thì lại có móng trời. Mầu của móng trời thật đặc sắc, thật quyến rũ, thật bắt mắt, nằm vắt ngang bầu trời, nhắc chúng con lời hứa rằng Đức Chúa Trời của chúng con sẽ không hủy diệt loài người bằng nước lụt. Nên hôm nay, trên đường trở lại Sài Gòn, chúng con nhìn lên trời để xem móng trời có xuất hiện không. Rồi chúng con chợt nhớ rằng lời hứa quý nhất trên đời cho thế giới đau khổ của chúng con đã có rồi, hơn cả móng trời. Thập tự giá màu trắng của Chúa nằm sừng sửng trên ngôi mộ Úc biểu tượng cho giải pháp của Đức Chúa Trời cho chúng con vẫn còn nằm trong tư tưởng, trong tâm trí của chúng con. Ngày nào chúng con còn nhớ đến mộ Úc, chúng con còn nhớ đến sự hy sinh của người Úc vì chúng con và nhớ đến cây thập tự màu trắng bên trên mộ Úc, sự hy sinh lớn nhất, cao quý nhất trên đời mà Đức Chúa Trời đã dành cho chúng con, những người đang sống trong đau khổ  của tội lỗi. Đời loài người sẽ tiếp tục là 70 năm hay 80 năm hay 90 năm hay 930 năm như A-đam ? Không ! Đức Chúa Trời, Đấng đã đặt sự vĩnh cửu trong lòng chúng con, sẽ mang chúng con về thế giới  tốt đẹp vĩnh cửu của Ngài, nơi không còn nước mắt và đau khổ nữa. Sẽ không có mộ Úc cũng không có bất cứ ngôi mộ nào, vì trong vương quốc tình yêu của Đức Chúa Trời, sự chết sẽ không có mặt, tử thần phải khăn gói ra đi. Trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng con sẽ sống mãi mãi cùng Ngài trong hạnh phúc như thuở ban đầu.     

 

Đoàn Thu Cúc