ĐÔI TA

Driving intructor

 

 

 

Theo làn sóng của người Việt Nam tỵ nạn, thầy đến Sydney vào đầu thập niên 80, có nghĩa là thầy đến Sydney khá sớm, khi thầy mới được 25 tuổi. Tuổi còn trẻ, sinh lực còn đầy, thầy đã phải đối diện với những nhu cầu căn bản nhất của một thanh niên độc thân, không gia đình đang sống trên đất khách quê người. Phải tự tìm chỗ ở, tìm bất cứ việc gì làm để có tiền cho việc thuê nhà, ăn uống, di chuyển... Vậy mà chỉ bốn năm sau, thầy đã tìm được một nghề gọi là vững chải để có thể tạm dừng chân trong việc tìm phương kế mưu sinh.

Khi còn nhỏ, bạn bè của ba mẹ đến nhà chơi thường vỗ đầu thầy và hỏi yêu cậu bé trai rất thông minh, sáng sủa rằng “Lớn lên con muốn làm gì?” và cậu luôn thẹn thùng trả lời rằng “Con muốn làm thầy giáo.” Thầy có ngờ đâu vào năm gần 30 tuổi, thầy đã đạt được ước nguyện của tuổi thơ, đã được bao người gọi là thầy, tuy không phải là thầy dạy chữ nhưng là thầy dạy lái xe.

Nhờ còn trẻ lại rất thông minh, biết bươn chải, phấn đấu, chịu đựng, sớm hội nhập với cuộc sống mới, biết Anh ngữ nên chẳng bao lâu sau, thầy đã hội đủ điều kiện để lấy bằng “Driving Instructor.” Một chân trời mới trên vùng đất mới.

Thầy phải hiểu rõ luật giao thông của Úc, phải hiểu rõ qui luật của các cuộc thi, từ thi khẩu vấn về luật lái xe đến việc quan trọng nhất là thi lái. Thầy phải hiểu những điều tối kỵ của cơ quan RTA, những trung tâm thi dễ và những trung tâm rất khó đậu, những giám khảo Úc dễ chịu và những giám khảo nghiêm khắc. Dần dần, theo với thời gian làm việc, thầy quen biết rất nhiều giám khảo chấm thi, một số người quen thân đến độ gọi nhau bằng tên rất thân mật.

Điểm quan trọng của nghề nghiệp này là học trò. Muốn có tiền, thầy phải có nhiều học trò. Muốn có nhiều học trò, thầy phải quen biết nhiều và phải có uy tín. Muốn có uy tín, số học trò thầy dạy phải đậu cho đông để miệng truyền miệng, người nói với người và thầy càng lúc càng có đông học trò.

Còn nhớ những năm bé thơ sống tại Sài Gòn, trên đường xe gắn máy thì nhiều, xe hơi rất ít và trong số những tài xế lái xe hơi ấy, tìm được một nữ tài xế cũng giống như cố tìm răng gà. NHƯNG. Bây giờ khác rồi vì đây là đất tây phương, hoàn cảnh sống đã tạo nên những nữ anh hùng phải lái xe đi làm kiếm tiền như nam giới. Họ phải vất vả ngày đêm với công việc, lại còn phải chợ búa, cơm nước, lại còn phải nuôi con, lại còn phải hầu chồng.  Nên trong danh sách những học viên của thầy, tuy nam nhiều nhưng nữ không phải ít. Và tuy họ số ít nhưng họ đem lại cho thầy những nan đề đặc biệt mà đôi khi nhớ đến, thầy phải ngậm ngùi, tự an ủi mình rằng trên đời này nghề nào cũng có những cái khó của nó.

Thầy dạy theo giá “bao” nghĩa là học cho đến chừng thi đậu, tiền thi khẩu vấn và lệ phí thi lái xe, người học trò phải trả. Giá “bao” thay đổi theo thời gian và tăng giá theo thị trường bên ngoài, nhưng các thầy dạy lái xe phải chậm trong việc lên giá học phí vì sợ mất học trò. Dạy theo giá “bao” cũng là dao hai lưỡi. Với những học trò thông minh, học nhanh học giỏi, dạy đâu biết đó, tiền học phí vào túi thầy rất nhanh, vì có những học sinh chỉ học mười tiếng đồng hồ đã biết lái và thi đậu ngay trong lần đầu tiên. Còn những học sinh không giỏi thì sao?

Vào những đêm trăng sáng, gió thổi nhè nhẹ trên cây, con đường thênh thang vắng vẻ, chung quanh rất ít người, hai thầy trò trên xe, người đang học lái, người đang mở mắt trừng trừng nhìn về phía trước, không dám xao lãng, dù một giây. Cảnh trăng thanh gió mát chẳng làm xao xuyến lòng, vì tất cả tâm trí đang dồn vào việc ngăn chận tử thần đến trong đêm nay qua tay lái của người học trò này. Có những người học trò mà hết giờ, khi đưa họ về nhà, thầy như trút được gánh nặng để có thể ngồi bình tỉnh, hoàn hồn. Nghề dạy lái xe đã tập cho thầy tánh nhẫn nại, chịu đựng.

Vậy mà những lần từ giã nhau cũng phải xảy ra. Sau khi đã suy nghĩ kỹ càng, lựa lời cẩn thận, thầy cũng đành phải giã từ, vì nếu tiếp tục kéo dài sẽ chẳng có lợi cho bên nào. Thầy phải chọn một ngày để gọi là ngày cuối và phải vào đề thật cẩn thận.

-       Em à! Em cũng hiểu rằng anh dạy bao. Thường anh dạy người ta mười tiếng đồng hồ thì họ đi thi được rồi. Còn em, anh đã dạy em  ba mươi tiếng đồng hồ rồi mà em vẫn chưa lái được. Thôi bây giờ anh nói như vầy: mười tiếng đồng hồ là giờ học chính thức của em, hai mươi tiếng đồng hồ còn lại là quà tặng của anh. Coi như anh tặng em hai mươi tiếng đồng hồ để làm kỷ niệm. Em tìm thầy khác học đi em.

-       Anh không giúp em nữa à?

-       Anh không giúp em được nữa.

Và một điều lạ đã xảy ra. Cô học trò này trong khi học lái thì không chú tâm và ít hiểu, cũng không có lòng cố gắng làm cho xong công tác, nhưng sao trong giây phút này, cô lại để lộ một sự nhất quyết thầy không thấy trước đây:

-       Không! Em không đi đâu hết. Em nhất định học với anh.

Thế là trong những ngày kế tiếp, thầy phải nghĩ đến cách khác để giã từ.

Ai nói thầy dạy lái xe không dạy chữ ? Những khóa Anh ngữ cấp tốc xảy ra rất nhiều vì một số học sinh của thầy chỉ biết yes-no mà thôi, cho nên đang khi dạy họ lái xe, thầy phải dạy vài chữ căn bản và thực tập với họ đang khi lái. Cũng không cần nhiều chữ lắm đâu, chỉ cần: go - stop - turn right - turn left - park here, là những chữ căn bản giám khảo dùng cho những thí sinh không biết Anh ngữ. Biết những chữ này là đủ xài, đủ để sống sót trong một cuộc thi lái. Đương nhiên, bao giờ ta cũng có trường hợp ngoại lệ.

Thập niên 80 rồi cũng qua, thập niên 90 đến, rồi năm 2000 đến và thầy nhận được một số học sinh lớn tuổi đến Úc theo diện đoàn tụ gia đình, những học sinh thầy phải gọi là dì, là cô. Mỗi lớp tuổi có những nan đề khác nhau. Họ cũng phải đối diện với vấn đề cơm áo, sinh hoạt hàng ngày như giới trẻ và họ hiểu nhu cầu cần biết lái xe trên xứ Úc. Và họ phải dấn thân. Nhưng vì lớn tuổi, họ chậm, họ sợ đường xá đầy xe và họ không biết Anh ngữ. Thêm vào đó, họ quen nhìn thấy Việt Nam lái xe theo bên phải, còn Úc lái xe theo bên trái. Đang khi hướng dẫn họ lái xe, thầy phải luôn nhắc rằng : “Giữ bên trái, đây không phải Việt Nam” nhưng một lúc sau, họ cũng dần dần đưa xe qua bên phải. Giờ dạy dành cho họ rất dài và khi đưa họ đi thi, thầy không dám chắc rằng họ sẽ đậu. Thầy còn nhớ trường hợp của dì kia, khi đưa đi thi, thấy dì quá sợ hãi, thầy phải trấn an rằng: “Dì ơi, không đậu lần này thì lần sau, đừng sợ quá như vậy.” Và trước khi dì ra đi với giám khảo Úc, thầy còn nói vói theo rằng: “Dì ơi, nhớ đừng để “nó” lái xe chở dì về nhen.” Nhưng rồi việc gì đến phải đến. Chưa đến nửa giờ sau, chiếc xe trở về với giám khảo ngồi nơi tay lái và dì sợ xanh mặt, không nói được nên lời. Sau khi đã bình tĩnh lại, dì phân trần cùng thầy dạy lái xe.

“Thầy dạy tôi chữ go – stop - turn left - turn right - park here, tôi nhớ thuộc lòng mấy chữ đó. Thì đang lái giữa đường, tự nhiên ổng nói chữ gì không nằm trong mấy chữ này, tôi đâu có hiểu. Ổng nhắc đi nhắc lại chữ tôi không hiểu, rồi ổng la lên. Tôi sợ quá, tôi ngừng ngay giữa đường. Ổng kêu trời rồi ông qua cầm lái đem xe về.”

Thí sinh nào đi thi cũng muốn biết mình đậu hay rớt. Thí sinh đi thi chữ thì dễ biết, vì làm bài không được thì còn mong ước chi. Nhưng thí sinh đi thi lái xe phải chờ đến khi xe trở về trung tâm thi mới biết. Vậy mà có những nữ thí sinh, xe chưa chạy ra khỏi trung tâm thi đã bị đánh rớt. Và có những phản ứng của giám khảo giúp thí sinh biết ngay mình đậu hay rớt. Thầy phải căn dặn các cô học trò rằng : “Em phải cố gắng nghe chưa. Hễ em thấy “nó” cầm lấy tay lái của em mà bẻ, hoặc “nó” đạp thắng, thì em biết mình rớt.” Nam thí sinh rớt thì họ cũng buồn nhưng phản ứng cách khác. Nữ thí sinh rớt thì xụ mặt, rên than giám khảo “khó với em,” đôi mắt họ mang một nỗi sầu u ẩn trong chiều nắng nhạt khiến thầy cảm thấy “uncomfortable,” không biết cô này có âm thầm đổ lỗi cho thầy dạy lái hay không.

 Trong những năm đầu tiên của nghề dạy học, dần dần  cả thầy và trò biết đến trường hợp thứ ba thầy đã không căn dặn trước, có lẽ vì chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Thầy vẫn nhớ mãi cô học trò này. Cô rất nhát nhưng cương quyết lấy bằng lái xe trên đất Úc. Khi học lái với thầy, dù không giỏi nhưng cô cũng không phải là dở. Nhưng cô tối kỵ ngồi bên cạnh một giám khảo người Úc. Cô đã tuyên bố rằng “Em thấy ổng bước lên xe thì em hết biết.” Và cô hết biết thật. Lần đầu đưa cô đi thi, lúc xe trở về lại thấy cô ngồi bên cạnh giám khảo đang cầm lái. Khi xe dừng rồi, giám khảo chỉ nói “Oh my God, oh my God” vì ông thuộc dạng ít tiếng, ít lời. Sao lạ quá! Có những thí sinh càng thi càng kinh nghiệm và có vài thí sinh càng thi càng không kinh nghiệm. Cô đi thi rất nhiều lần, lần đầu cuộc thi kéo dài nửa giờ, nhưng những lần sau, chỉ mười lăm phút, xe đã trở về, và mỗi lần như vậy, khi xe trở về, vẫn là giám khảo cầm lái với thí sinh ngồi bên cạnh. Cho đến hôm khi xe trở về, giám khảo bước xuống đỏ mặt la lên trước mặt thầy “Thank God I am still alive,” thầy hiểu rằng giờ đã điểm, thầy cần khuyên cô học trò nên suy nghĩ lại về giấc mơ có bằng lái xe trên đất Úc. Việc các nữ học sinh bị khám giảo lái xe chở về cũng đã xảy ra nhiều, nhưng người đạt kỷ lục phải là một cô bé nhỏ, dịu dàng, thầy vẫn nhớ rõ, cả mười lần đi thi, mười lần cô được giám khảo chở về. Trung tâm thi quen mặt cô đến độ, sau năm lần thi, họ gặp cô thì nói: “Oh, you again” và mỗi lần như thế, cô chỉ cười dịu dàng “Yes, me again. You OK?”

Thầy dạy lái xe chỉ quen thân với vài vị giám khảo Úc mà thôi, nhưng tình thân ấy đủ để giúp một vài nữ thí sinh của thầy, dù lái xe khá, nhưng lại không biết đậu xe lùi, gọi là “reverse parking.” Lại có những nữ thí sinh chỉ biết chạy tới, không chạy lui được nên một lần kia, quá buồn cười, thầy đã nói rằng: “Em ơi, nếu em là quân nhân chắc em đánh đâu thắng đó, vì em chỉ biết tới, em không biết lui.” Vậy mà những thí sinh này cũng thi đậu, đúng như ai đó đã nói rằng “Nothing is impossbible.”

Bất cứ thành quả nào trên đời cũng tạo nên một kỷ lục. Chúng ta có kỷ lục thế vận hội, kỷ lục về bơi lội, kỷ lục chạy đường dài, kỷ lục về uống bia, kỷ lục ăn nhiều hamburger trong năm phút... Kỷ lục thi lái xe nhiều lần nhất, may mắn thay, lại nằm trong tay một cô không phải học trò của thầy. Cô đã thi tổng cộng là 22 lần mới cầm được bằng lái trong tay. Thầy chưa biết có người nào đã phá được kỷ lục này chưa.

Phải cẩn thận và tôn trọng giám khảo là điều cần thiết mà vài thí sinh lái xe giỏi đã phải trả giá đắt. Một cô học trò của thầy là một đại gia từ Việt Nam sang đây lập nghiệp. Gia đình cô giàu có đến độ có tài xế riêng. Nhưng tại Úc Châu này, muốn mướn tài xế riêng cho gia đình không phải là việc dễ. Nên dù đã biết lái xe ở Việt Nam, sang đây cô phải đi thi bằng lái xe trên đất Úc. Ngày đi thi, cô ăn mặc lộng lẫy, bước vào xe ngồi cạnh giám khảo một cách chễm chệ, lái xe chỉ một tay, còn tay kia gát lên trên cửa sổ xe, để cho người Úc biết rằng Việt Nam có rất nhiều tầng lớp khác nhau, không phải chỉ toàn là những người nghèo, run sợ trước giám khảo như ông ta thường gặp. Dù cô lái xe giỏi và vững, nhưng dĩ nhiên cô rớt, vì giám khảo lái xe nào chấp nhận thí sinh lái xe chỉ một tay.

Thầy nhớ trường hợp một nam thí sinh trẻ và giỏi lái xe, giỏi Anh ngữ đến độ ngày đưa đi thi, thầy đã tin chắc rằng anh sẽ cầm bằng lái hôm ấy. Đang khi anh lái xe thi với giám khảo, hai người nói chuyện vui vẻ, thân mật như đôi bạn. Bỗng đến một ngã ba kia, đường bị chặn vì công tác đang làm đường. Hai con đường nằm trước mặt họ, một là đường một chiều, còn đường kia muốn quẹo vào cũng không được, vì đã bị chặn lối vào. Trong trường hợp bình thường, tài xế phải U turn ngay chính trên con đường mình đang lái để trở về. Nhưng thí sinh này thấy rằng giải pháp tạm quẹo vào đường một chiều rồi quẹo ngay vào đường mình đang lái để trở về thì nhanh hơn, nên anh lịch sự hỏi ý kiến giám khảo, xem anh có thể quẹo tạm vào đường một chiều để giải quyết nhanh việc này không. Vị giám khảo trả lời: “It’s up to you.” Dựa vào câu trả lời này, anh quẹo trái chiều vào con đường một chiều, và khi bị đánh rớt, anh đổ lỗi cho giám khảo đã trả lời “It’s up to you.” Vị giám khảo phải giải thích với anh rằng: “You are the driver. While you are on the road, you are fully responsible for whatever you do on the road. You need to make the right decision. That is why I said: “It’s up to you.” Tình hữu nghị Úc Việt sau biến cố này bị xứt mẻ đôi chút.

Thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ. Mới đây mà đã mấy mươi năm rồi. Thầy vẫn sống với nghề dạy lái xe, vì tuy có nhiều khó khăn, nhưng thầy yêu nghề. Mỗi ngày dạy 12 tiếng đồng hồ, nghĩa là nửa cuộc đời của thầy diễn ra trên chiếc xe đặc biệt ấy. Những đêm trăng sáng hay những đêm không trăng không còn quan trọng nữa. Bốn mùa xuân hạ thu đông không còn quan trọng nữa vì mỗi mùa trôi qua mang theo những trường hợp đặc biệt, những tình cảm đặc biệt. Mỗi mùa trôi qua thầy vẫn đón người đến, tiễn người đi, có nam có nữ, có trẻ có già, có giỏi có không giỏi, danh sách ấy, những gương mặt ấy vẫn nằm trong ký ức. Điều quan trọng đối với thầy ngay hôm nay là tận tâm giúp học sinh đạt được bằng lái xe trên đất Úc, điều căn bản họ rất cần để có thể sinh hoạt thoải mái tại xứ người. Mỗi lần một học sinh thi đậu, không biết họ có hiểu nỗi vui của thầy vì đã giúp được một người Việt Nam trên đất Úc. Trong khi dạy, thầy vẫn cố để vào lòng học sinh lòng tôn trọng luật giao thông của Úc, không phải vì sợ cảnh sát phạt, nhưng phải cẩn thận khi cầm lái, phải nghĩ đến sinh mạng mình và sinh mạng của người khác. Tôn trọng nước Úc, tôn trọng luật giao thông Úc là một trong những cách bày tỏ lòng biết ơn quốc gia đã nhận giúp đỡ người Việt Nam trong giờ hoạn nạn.

Những ngày trời quang mây tạnh hay những đêm lạnh cóng người, thầy dạy lái xe và học trò vẫn cùng nhau chung lái trên những con đường dài lê thê trên đất Úc, mỗi người một suy nghĩ khác nhau, nhưng cùng chung một mục tiêu rất đẹp: làm sao để lấy được bằng lái xe trên đất Úc. Lấy được bằng lái xe trên đất Úc là mục tiêu chung của đôi ta, mục tiêu ấy đưa đôi ta đến gần nhau, trong tình thầy trò, trong tình đồng hương, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Những khoảng thời gian ngắn này mang đầy thi vị cho cuộc đời. Trong những ngày tha hương trên đất Úc, trong bầu không khí tự do, thoải mái nơi đây, nhờ nghề dạy lái xe, thầy tìm được thêm một ý nghĩa cho đời.

 

Đoàn Thu Cúc