MỘT ƯỚC MƠ

 

 

Cuộc đời sáng cắp ô đi, tối cắp về của Thầy bắt đầu sau khi Thầy tốt nghiệp Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang và được bổ nhiệm làm thư ký cho một địa hạt. Trong khi các thầy truyền đạo cùng năm tốt nghiệp được bổ đi đến hội thánh địa phương, Thầy lại được bổ đến văn phòng Địa Hạt. Cùng hầu việc Chúa như nhau nhưng mỗi người ở một vị trí khác nhau và Thầy hiểu rằng đây là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời.

Còn nhớ năm Thầy nhận công việc thư ký của Địa Hạt, Thầy vừa tròn hai mươi lăm tuổi, chẳng phải trẻ và cũng chẳng phải già, cũng giống như con người của Thầy, chẳng phải đẹp trai và cũng chẳng phải xấu trai, tốt nghiệp Thánh Kinh Thần Học Viện với số điểm chẳng cao mà cũng chẳng thấp. Cuộc đời của Thầy êm đềm, lặng sóng như những dòng sông êm đềm, tha thiết, ngọt ngào của miền nam, nước Việt.

Thầy rất vui với hoàn cảnh hiện tại, được phục vụ Đức Chúa Trời trong công việc thích hợp với khả năng. Sau khi cảm nhận rõ ràng lời kêu gọi của Đức Chúa Trời, Thầy quyết định bước vào Thánh Kinh Thần Học Viện. Thầy muốn đáp lời kêu gọi của Chúa trong việc “Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con và Đức Chúa Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ và dạy họ giữ hết mọi điều Ta đã truyền cho các con”; và muốn dạy dỗ muôn dân và dạy họ giữ mọi điều Chúa truyền, Thầy biết rằng trước hết, Thầy phải nắm vững lời dạy của Chúa.

Trong khi một số anh em bước vào Thánh Kinh Thần Học Viện bị mang tiếng là có động cơ thúc đẩy không chân chính, nói thẳng ra họ bị mang tiếng trốn quân dịch, Thầy không bị lâm vào trường hợp  này. Gia đình thầy rất đông anh em trai, tất cả các anh của thầy đều gia nhập quân đội, và vì là con út trong gia đình có cha mẹ già, Thầy không phải nhập ngũ. Và Thầy dâng cuộc đời mình cho Chúa để rao truyền Phúc Âm cho muôn dân.

Lòng Thầy yêu Chúa đã được bày tỏ qua hành động bước vào Thánh Kinh Thần Học Viện. Lòng Thầy yêu cha mẹ được bày tỏ bằng sự cố gắng không xin tiền cha mẹ. Với bao con trai bước vào quân đội và người con trai út bước vào Thánh Kinh Thần Học Viện, cha mẹ thầy dù đã lớn tuổi, phải tự lo lấy thân, Thầy không dám làm phiền cha mẹ với những nan đề cá nhân. Tiền lương thư ký Địa Hạt vừa đủ sống, mà nếu không đủ thì Thầy cũng phải thu xếp cho đủ. Căn phòng nho nhỏ trong căn nhà nhỏ của Địa Hạt là nơi ở của Thầy, căn phòng đủ chỗ cho một chiếc giường cho người độc thân, một chiếc tủ nhỏ đựng quần áo và không có bàn ghế gì trong phòng cả. Bàn và ghế nằm trong phòng khách của căn nhà, nơi Thầy ngồi làm việc và là chỗ tiếp khách của Mục Sư Chủ Nhiệm Địa Hạt.

Công việc của Thầy có tính cách văn phòng, đánh máy thư cho Mục Sư Chủ Nhiệm, đánh máy tất cả các biên bản buổi họp của Ban Trị Sự Địa Hạt, bản sao gởi cho từng Mục Sư, Truyền Đạo trong Địa Hạt và cho từng Hội Thánh nằm trong Địa Hạt, một bản sao cho Ban Trị Sự Tổng Liên Hội và lưu giữ hồ sơ. Mọi thư từ liên quan đến công việc Địa Hạt đều qua tay Thầy, rồi sau đó thầy trình cho Mục Sư Chủ Nhiệm. Qua công việc, Thầy biết những vấn đề khó khăn, tế nhị của từng nhà thờ, một số nan đề của các Mục sư, Truyền đạo. Thầy được đi theo sát Mục Sư Chủ nhiệm khi ông đi thăm và giảng cho các hội thánh. Đức Chúa Trời cho Thầy thấy nhiều khía cạnh của công việc đang khi Thầy được ở giữa lòng cộng đồng con dân Chúa, và càng biết các nhà thờ chừng nào, Thầy càng yêu mến công việc của nhà thờ chừng nấy. Chúa đã thăng thiên về trời, hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời toàn năng là Cha. Các công việc trên đất về giảng dạy cho muôn dân và trông nôm đàn chiên của Ngài đã được giao phó cho con dân Ngài và cho những người muốn theo dấu chân Ngài để chăm sóc công việc của Hội Thánh trên đất. Thầy thật vui và thật vô cùng danh dự được góp phần trong công tác cao trọng Chúa ban.

Rất nhiều lần Thầy suy nghĩ đến việc lập gia đình, nhưng sao cứ chần chừ. Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang không thiếu những thiếu nữ sẵn sàng dấn thân trong công tác cao trọng. Chọn người để cùng đồng công cộng tác không phải quá khó, nhưng sao Thầy vẫn chần chừ, biết rằng đây là quyết định quan trọng, cần phải cầu nguyện, suy nghĩ nhiều và phải cân nhắc, đắn đo. Đang lúc còn độc thân, dù có những lúc rất buồn, thiếu người giúp đỡ và tâm sự, nhưng Thầy thấy yên tâm, được những giờ tự do để đọc sách, không bị vướng bận gia đình như những bạn đồng nghiệp.

Cuộc đời tưởng cứ  nhẹ trôi như những nhánh lục bình, cứ theo dòng nước êm đềm, đi từ nơi êm đềm này đến một nơi êm đềm khác. Cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái khiến lời Chúa cảnh cáo rằng các con sẽ có hoạn nạn trong thế gian, sẽ vì Danh ta bị bắt bớ, bị chìm sâu trong quên lãng.

Cơn sóng phủ phàng đập đến trong đời trong lúc quá bất ngờ, cũng như hàng triệu người khác, Thầy chẳng biết phải phản ứng ra sao. Dù trước khi biến cố tháng tư năm 1975 xảy đến đã có những biến cố khác đi trước, như nhiều tỉnh miền Trung bị tấn công khủng khiếp, nhưng mấy ai trong miền Nam hiểu đúng ý nghĩa của các biến cố này.

Dù không chứng kiến tận mắt cảnh chiến xa của Cộng Sản Bắc Việt tiến vào dinh Độc Lập, nhưng Thầy đủ trưởng thành để hiểu một màn tối tăm ghê rợn đang phủ trùm miền nam nước Việt. Toàn dân bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó dĩ nhiên có hội thánh của Ngài. Trong hoàn cảnh mới, trước sự tấn công của nhà cầm quyền mới đối với Giáo Hội, các văn phòng Địa Hạt dần dần không hoạt động được vì không được nhìn nhận. Nhà cầm quyền mới đã tuyên bố rằng trong tổ chức chính quyền của nhà nước, trên là Bác và Đảng, dưới là nhân dân, không có cấp ở giữa. Các Mục Sư Chủ Nhiệm Địa Hạt rút về những hội thánh đang cần người chăn. Các hội thánh địa phương gặp khó khăn về nhiều phương diện, trong đó có vấn đề kinh tế, vì khi giáo hữu nghèo đói xác xơ, tiền đâu dâng cho nhà thờ để nuôi vị quản nhiệm. Nhiều bà vợ mục sư phải tìm kế sinh nhai, người bán bánh, người bán nước mía, người đi mua đồ cũ để bán lấy lời, miễn có chút gì để sinh sống qua ngày. Cơ sở địa hạt nơi thầy làm việc cũng nằm trong những xáo trộn kinh hoàng đó. Mục Sư Chủ Nhiệm Địa Hạt đã rời văn phòng để đến một hội thánh trong địa hạt. Thầy cũng vừa được bổ nhiệm đến một hội thánh nhỏ bé trong vùng quê để chăn đàn chiên của Chúa. Tương lai sẽ ra sao, Thầy không biết. Đến hội thánh nhỏ trong vùng quê ấy thì lấy gì ăn, Thầy không biết. Thầy chỉ vui là không phải trở về gia đình, làm khổ thêm cha mẹ già với bốn người con trai, trước đây cả bốn con đi vào quân đội, bây giờ cả bốn con đi tù cải tạo, không biết ngày nào mới được gặp lại nhau. Người mẹ già của thầy vẫn còn phải lặn lội đi thăm nuôi bốn con trong bốn trại tù cải tạo khác nhau. Thầy đã tự nhủ với lòng cho dù đói như thế nào, sẽ không trở về nhà lấy gạo của ba mẹ.

Thầy chuẩn bị để lên đường nhận nhiệm sở mới.

Và ngay lúc ấy, thầy được lệnh phải đến văn phòng Tỉnh Ủy vào ngày mai.

Đêm ấy, Thầy lăn lộn trên chiếc giường bé nhỏ trong căn phòng bé nhỏ của địa hạt. Thầy không ngủ được vì không biết người ta mời thầy lên gặp người của tỉnh ủy để làm gì. Thầy không suy nghĩ ra được một lý do nào. Kể từ ngày miền nam có thể chế chính trị mới, Mục Sư Chủ Nhiệm của thầy như một chiếc lá vàng đang tả tơi trước gió. Hội thánh không còn tiền để dâng cho địa hạt, gia đình mục sư đông con, và những áp lực tinh thần từ nơi nhà cầm quyền thì chỉ có Chúa ban cho sức để chịu đựng. Thầy được nghe kể rằng Mục Sư Hội Trưởng không được kính trọng trong cách đối xử, có người đã gọi ông bằng “thằng”. Trong guồng máy tổ chức của giáo hội, vai trò làm thư ký cho Mục Sư Chủ Nhiệm thì chẳng là gì cả, như một con tép mà thôi. Người ta chỉ nuốt con tôm, ai thèm con tép, nên thời gian qua Thầy vẫn chưa bị một cơn khủng hoảng nào, ngoài cảnh thiếu gạo ăn và phải chứng kiến cảnh điêu tàn về thực chất và tinh thần của miền nam nước Việt. Những nỗi đau lòng trong câm nín không dám tỏ cùng ai, vì còn biết tin ai nữa.

Ủy ban gồm có bốn người. Họ ngồi trên bốn cái ghế, sau một chiếc bàn lớn trong một văn phòng rất lớn. Đèn điện sáng choang trong phòng. Thầy đứng đối diện bốn người. Không ghế. Người có vẻ là trưởng ban lên tiếng, anh nói rất nhiều, rất dài, rất văn hoa, rất trôi chải, lúc lên giọng, lúc xuống giọng, lúc trầm, lúc bổng, lúc như khuyên lơn, lúc như hăm dọa. Thầy đã từng dự những buổi thờ phượng mà người giảng quá buồn ngủ, thầy như nửa tỉnh, nửa mê, nửa nhớ, nửa quên bài giảng. Hôm nay, mắt hoa, tai lùng bùng, Thầy như nửa tỉnh, nửa mê, không biết điều mình đang nghe có thật không, hay mình đang nằm mộng. Anh trưởng ban đến cuối cùng đã kết luận rằng Cách Mạng luôn khoan hồng cho những người vâng theo sự chỉ đạo của Cách Mạng, nhưng thẳng tay đối với những kẻ ngoan cố, không vâng lời. Thầy hiểu rõ sự khoan hồng của Cách Mạng khi nhìn những trại tù cải tạo. Đó là những người vâng lời Cách Mạng, đi nộp mình, được Cách Mạng hứa rằng chỉ đi học tập cải tạo bảy ngày, nhưng họ đã chết dần mòn trong cảnh thân tàn ma dại. Nhìn thân phận người được Cách Mạng khoan hồng thì không dám nghĩ đến thân phận của những người bị Cách Mạng gọi là ngoan cố.

Thầy lão đão ra về. Trời nắng gắt nhưng thầy thấy lạnh bên trong.

Công tác họ bảo Thầy làm chỉ là một chuyện đơn giản. Hai ngày nữa, Thầy sẽ rời trụ sở địa hạt để đến Hội Thánh của thầy. Lúc ấy, Thầy phải giao chìa khoá trụ sở cho họ và  nộp cho họ một bản sao tất cả giấy tờ, văn thư nằm trong văn phòng Địa Hạt. Nghe rất dễ hiểu và rất đơn giản. Không có gì rắc rối cả. Một bản sao cho tất cả mọi giấy tờ, văn kiện. Một bản sao trước khi ra đi.

Thầy còn hai đêm để quyết định. Thầy còn hai đêm không ngủ để quyết định. Nộp chìa khóa trụ sở thì đương nhiên rồi, nhưng còn việc một bản sao cho mọi văn thư trong văn phòng? Lăn lộn trên chiếc giường nhỏ, Thầy suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu tại sao. Chìa khóa trụ sở nắm trong tay, cứ vào mà lấy, bàn ghế, hồ sơ, giấy tờ, biên bản... muốn gỡ từng viên gạch cũng được, tại sao phải bảo Thầy nộp bản sao? Cách Mạng đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không lấy gì của đồng bào, dù một cây kim, sợi chỉ cũng không lấy, sao lại muốn bản sao những chuyện của giáo hội?

Trong đêm không ngủ đầu tiên, Thầy phấn đấu với việc đã bị sai bảo. Một đêm dài không ngủ giúp thầy nhận định được chỗ đứng của mình, vai trò của mình và công việc chính yếu của mình. Thầy đã tự xin việc, xin làm đầy tớ của Đấng Chí Cao. Những năm học ngắn ngủi ở Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang và những năm hầu việc Chúa tại Địa Hạt đã  giúp Thầy hiểu rằng bổn phận trước tiên của một đầy tớ là phải chung thủy với chủ. Điều Chủ của thầy đòi hỏi nơi một đầy tớ là lòng chung thủy. Một đầy tớ giỏi hay dỡ là việc phụ thuộc, không phải là điều kiện tối quan trọng. Việc đầu tiên Chủ đòi hỏi nơi đầy tớ là lòng chung thủy với Chủ. Và Thầy hiểu điều mình phải làm.

Trong đêm không ngủ thứ nhì, Thầy suy nghĩ đến hậu quả của quyết định của mình.

Buổi sáng hôm ấy, cũng như những buổi sáng khác, là một buổi sáng nóng nực. Nhưng trên đường đến gặp bốn người trong văn phòng tỉnh ủy, Thầy cảm thấy lạnh, cả hai tay và hai chân run nhẹ. Thầy sợ hãi. Nỗi đau khổ và sợ hãi này chỉ có Chủ của thầy hiểu mà thôi. Thầy đang trên đường đến gặp họ để nộp chìa khóa trụ sở địa hạt và việc gì sẽ xảy ra sau đó hoàn toàn không nằm trong sự kiểm soát của Thầy. Thầy sẽ được rời văn phòng của họ để đạp xe về nơi hội thánh nhà quê của Thầy hay không, ai sẽ biết được?

Vẫn cảnh cũ người xưa. Vẫn bốn người ngồi đàng sau một chiếc bàn lớn. Thầy vẫn đứng vị trí cũ, không ghế. Thầy đặt chiếc chìa khóa cơ sở địa hạt trên bàn và bắt đầu. Đã hai đêm qua, Thầy tự dặn lòng phải nói ít, càng ít càng tốt. Nhưng ngay trong giờ phút này, Thầy đã quên gần hết những điều mình đã chuẩn bị để nói.

-       Thưa các anh, đây là chìa khóa cơ sở địa hạt của chúng tôi. Tôi sẽ không bước vào cơ sở này nữa. Cơ sở bây giờ trong tay các anh. Tất cả các hồ sơ, văn kiện, giấy tờ của địa hạt đều nằm trong văn phòng; trong đó có những bản chính. Vì những bản chính nằm tại văn phòng Địa Hạt và chìa khóa nằm trong tay các anh, nên tôi không có bản sao nào cho các anh cả.

Bỗng nhiên thầy đổi giọng. Thầy vẫn nói, tiếng nói vẫn là của Thầy nhưng Thầy không nhận ra được tiếng của chính mình:

-       Thưa các anh, đời tôi có một ước mơ. Kể từ ngày dâng mình hầu việc Chủ của tôi đến nay, tôi không biết mình là một đầy tớ như thế nào? Vô dụng? Vô tích sự? Lười biếng? Tắc trách? Hay là người tuy không giỏi nhưng trung thành? Từ ngày thành lập trời đất đến nay, Chủ tôi đã có hàng triệu đầy tớ và tôi là người như thế nào so sánh với các đầy tớ khác, tôi không biết, nhưng Chủ tôi biết. Nên tôi mơ ước rằng dù tôi không giỏi như những đầy tớ khác, tôi tha thiết muốn Chủ hiểu lòng tôi, rằng tôi yêu Chủ tôi và bằng lòng trải mạng sống này ra trên đất để Chủ hiểu rằng tôi chung thủy với Chủ tôi. Tôi mơ ước được là một người vì Chủ tôi mà tử đạo.

Bầu không khí trong phòng đột nhiên như ngộp thở. Bốn người ấy nhìn Thầy rồi nhìn nhau trong vẻ ngạc nhiên lẫn khó hiểu. Cái gì tử đạo? Tử đạo cái gì? Họ ngơ ngác nhìn nhau rồi nhìn Thầy, không hiểu người đàn ông hai mươi sáu tuổi đang đứng trước mặt mình là một người điên hay một người ngu. Rồi như bất thình lình, họ bỗng hiểu. Người trưởng ban nghiêm giọng nói với Thầy:

-       Anh về đi. Cách Mạng sẽ xử trí với anh sau.

Bên ngoài, trời vẫn nóng, cái nóng đốt người của miền Nam trong ngày nắng hạ. Thầy leo lên chiếc xe đạp cũ kỹ của mình, và trong cái nóng đốt người của miền Nam, Thầy lại thấy sung sướng. Hai mươi sáu năm sống trên đất, đã nhiều lần trong đời Thầy cảm thấy lâng lâng sung sướng. Nhưng cảm giác sung sướng hôm nay rất khác. Một niềm vui tràn ngập tâm hồn, sự sung sướng lan ra từng tế bào trong cơ thể. Trời nóng nhưng lòng Thầy man mác trong an vui. Ngày hôm nay là ngày gì mà Thầy có cơ hội nói lên được ước mơ thật của lòng, trước mặt người và trước mặt Chủ? Nhưng ước mơ này có thành sự thật hay không, chỉ có Chủ của thầy biết. Còn trong lúc này, vừa đạp chiếc xe cũ kỹ Thầy vừa nhớ đến rất nhiều bài thánh ca và đang suy nghĩ phải chọn một bài thích hợp nhất để hát cho Chủ. Con đường đất nhỏ, gồ ghề trước mặt đưa Thầy đến một địa điểm mới, Thầy vừa đạp xe vừa hát thánh ca trong niềm vui không diễn tả được.

 

Đoàn Thu Cúc