NHÀ THỜ NHỎ   church

 

 

1.Trong tâm khảm người tín đồ, nhà thờ đó được gọi là nhà thờ nhỏ. Gọi là nhà thờ nhỏ vì nhà thờ nhỏ lắm. Phòng nhóm của nhà thờ là một căn phòng hình chữ nhật chiều dài ước chừng năm sáu thước, được sửa lại từ phòng khách của một căn nhà song lập nằm ở ngã ba tỉnh lộ.

Trước nhà thờ là con hương lộ dẫn vào thị xã. Bên kia đường là đám ruộng nhỏ nối liền vào chân núi. Vào những chiều hè nắng nhạt, đứng trước cửa nhà thờ nhìn nắng vàng trải dài trên mặt ruộng, mơn man những cành phượng đỏ ven đường, lòng người tín đồ luôn luôn phơi phới niềm vui.

Cạnh nhà thờ là một rẻo đất rẫy ước chừng hai công, ngăn cách với cửa hông nhà thờ bằng một vài cây ăn trái. Một cây mít tố nữ, một cây khế và một cây ổi sẻ mà theo lời kể lại của những người tín đồ già trong Hội Thánh là loại ổi lộn kiếp, mọc lên từ một hạt ổi mà chim đã ăn và thải ra, vì trong nhà thờ không có ai trồng. Dù vậy, cây ổi đã là niềm vui, làm chỗ leo trèo, tụ họp của nhiều thanh thiếu niên trong những lúc chờ giờ nhóm họp.

2. Dạo này Hội Thánh rất náo nức vì địa hạt sắp cử thầy cô T. về làm chủ tọa Hội Thánh thay thế thầy cô truyền đạo cũ vì lý do riêng không còn hầu việc Chúa ở Hội Thánh đã khá lâu. Sau năm một chín bảy lăm, việc cử tôi tớ Chúa về Hội Thánh không phải là chuyện dễ. Vấn đề hộ khẩu, vấn đề chính sách của nhà nước đối với tôn giáo kể cả việc không nhìn nhận thẩm quyền của Giáo Hội, việc đóng cửa Thần Học Viện và chính sách kinh tế mới làm cho việc cử người về các hội thánh gần như không thể thực hiện được.Vậy mà Chúa mở đường. Thầy T. đã đi hầu việc Chúa gần hết cuộc đời thanh niên trong đoàn truyền giáo lưu động, cũng gọi là xe bán sách Tin Lành của Mục Sư Th. Thầy cũng từng hầu việc Chúa với các giáo sĩ qua chương trình giảng đạo cho các thương bệnh binh. Dù chưa bao giờ đi Thần Học Viện, thầy đã học qua nhiều khóa huấn luyện chứng đạo, đã học nhiều lớp Thánh Kinh Tiểu Học Đường.

Sau năm một chín bảy lăm, các giáo sĩ về nước, xe bán sách lưu hành cũng không còn hoạt động, thầy cô về làm rẫy sinh sống ở một địa điểm chỉ cách xa nhà thờ vài mươi cây số, tức là cùng một tỉnh và một huyện với nhà thờ. Bây giờ thay vì làm rẫy ở xã A, thầy làm rẫy ở xã B, tức là nơi nhà thờ tọa lạc. Chỉ có cái khác biệt là ngoài việc trồng khoai, trồng sắn, trồng rau muống hột, thầy cô phải lo vun trồng công việc nhà Chúa.

Từ ngày thầy cô về Hội Thánh, Hội Thánh đông đúc hẳn lên. Trước hết là vì thầy mang về Hội Thánh thêm bảy tín đồ, tức là thầy cô, ba đứa con và ông bà gia của thầy. Sau nữa là thầy rất năng nổ đạp xe đi thăm viếng các con cái Chúa khắp nơi. Có những con cái Chúa ở cách nhà thờ  hằng ba mươi cây số, thầy cũng đạp xe đến thăm họ. Thường là thầy đi vào buổi sáng sớm sau khi tưới hết các giồng lang và các liếp rau muống hột, đến nơi thì đã trưa. Ăn qua loa hai chén cơm độn với miếng khô, thầy ra rẫy làm phụ với gia đình tín đồ. Đối với chính quyền địa phương thầy là một người bạn rẫy, đến giúp công cho chủ nhà. Chiều tối thầy về nhà “chủ” ăn chiều rồi đạp xe về.

Trong buổi cơm chiều thầy nói chuyện về Chúa, nói lời thăm nom an ủi và cầu nguyện với họ. Con cái Chúa gói cho thầy một miếng khô sặc, vài ba củ khoai, trái bắp mang về cho cô và các con. Con cái và tôi tớ Chúa yêu thương và đùm bọc, nâng đở lẫn nhau mà hầu việc Chúa trong những ngày tháng xã hội khó khăn.

Ngoài ra thầy cô còn chỉnh đốn lại ban thanh niên. Thầy tập hát, dạy Kinh Thánh cho các em vào mỗi tối thứ bảy. Ban thanh niên vì vậy mạnh hẳn lên. Các thanh niên ở xa nhóm lại tối thứ bảy rồi ở lại nhà thờ nhóm sáng Chúa Nhật, chiều mới chia tay nhau trở về nhà.

3. Hội Thánh nhỏ, tiền bạc không có, lòng tín đồ đơn sơ nên mọi việc rất là giản dị. Vấn đề cung lương cho thầy cô chủ tọa rất là dễ dàng. Mỗi sáng Chúa Nhật sau khi lấy tiền dâng, ông Tư Hóa Hội Thánh đếm tiền ghi vào một quyển vở học trò gọi là sổ tài chính Hội Thánh. Sau giờ nhóm ông đưa hết cho thầy cô chủ tọa. Tiền dâng hàng tuần thường chỉ đủ mua hai lít gạo cho hai ngày ăn độn, năm ngày còn lại trong tuần thầy cô tự lo. Thầy truyền đạo làm rẫy, trồng khoai lang khoai mì, trồng rau muống hột, đi tát cá, đi soi ếch như những người chung quanh. Bữa đói, bữa no tiếp tục hầu việc Chúa. Có những buổi chiều vui, trời mưa, thầy soi được một số ếch. Thầy sai đứa con trai lớn đạp xe mời các tín đồ ở gần đến nhà thờ. Tín đồ đến mang theo nửa lon sữa bò gạo. Những bửa cháo thông công bên ngọn đèn dầu leo lét trên bộ phản phía sau phòng nhóm là những kỷ niệm không thể quên được trong lòng người tín đồ. Nhưng những ngày vui thưa dần. Những năm bảy chín tám mươi, chữ đói là một danh từ quen thuộc trên môi miệng của mọi người. Dường như ếch nhái, cá tôm không sinh sản kịp với nhu cầu của con người. Thầy cô truyền đạo cũng đói như những tín đồ.

Thầy Truyền Đạo bàn với Ban Trị Sự Hội Thánh để thầy lập một chỗ sửa xe ở đầu cầu hương lộ gần trường trung học thị xã. Thầy có nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật sửa xe đạp nhờ chiếc xe đạp cũ của thầy. Ông Thư Ký đề nghị thầy làm nghề hớt tóc vì sợ nghề sửa xe đạp làm mất uy tín tôi tớ Chúa. Ông Tư Hóa ngồi khóc trong bữa họp, rồi mọi người ra về mà không biểu quyết gì được vì thầy truyền đạo chưa bao giờ hớt tóc cho ai, dẫu thầy có nghề, Hội Thánh cũng không cách nào tìm ra bộ tông đơ và bộ đồ hớt tóc. Cuối cùng anh trưởng ban thanh niên nảy ra sáng kiến,  biến hai công rẫy bên cạnh nhà thờ thành ruộng. Nếu mỗi năm làm hai mùa và Chúa cho trúng mùa, thầy cô chủ tọa và gia đình có đủ gạo ăn trong sáu tháng. Mọi người đồng ý việc biến rẫy thành ruộng.

Đất rẫy thì cao, ruộng thì thấp. Lại phải đắp bờ, lại phải làm đường nước. Chuyện không phải dễ làm. Nhưng cả Hội Thánh đồng một lòng hiệp ý, kẻ cuốc người xẻng rồi Hội Thánh cũng có miếng ruộng nhỏ. Và thầy cô truyền đạo bắt đầu học cấy học cầy để tiếp tục hầu việc Chúa.

4. Hôm nay Ban Trị Sự họp lại bàn việc tổ chức lễ Giáng Sinh vì đã là tháng bảy. Việc quan trọng nhất không phải là chương trình lễ vì việc này đã giao trọn quyền cho thầy truyền đạo và ban thanh niên. Ban Trị Sự có hai điều lo lắng lớn là bữa ăn thông công sau lễ và làm sao át bớt tiếng ồn của hai chiếc loa thông tin của Ban Văn Hóa Thông Tin xã đặt cạnh nhà thờ. Mỗi lần nhà thờ có lễ lạc là loa phát thanh chương trình văn nghệ làm con cái Chúa khó mà nghe trọn bài giảng. Giải pháp duy nhất là đóng hết cửa nhà thờ lại, cửa sổ lẫn cửa cái, dù rằng phải chịu nóng nực và không treo được ngôi sao Giáng Sinh ở cửa nhà thờ.

Việc đối phó với hai chiếc loa là chuyện dễ mà buổi ăn thông công là chuyện khó. Khó là vì thức ăn thời buổi này không dễ tìm. Cuối cùng Ban Trị Sự quyết định là sẽ có hai món ăn chính: cháo gà và bún cá. Hai gia đình ở xã phía bắc nhà thờ sẽ nuôi chung một con gà, ba gia đình kinh tế mới sẽ nuôi thêm một con nữa là Hội Thánh có hai con gà ăn Giáng Sinh. Phải có cháo vì ông bà gia của thầy truyền đạo và các cụ già trong Hội Thánh đã cao tuổi, không còn nhai được thức ăn cứng một cách dễ dàng. Món bún thì mỗi gia đình sẽ hùn một hai lon sữa bò gạo để đổi với lò bún gần nhà thờ. Bà chủ lò bún là một người tốt bụng, tuy không có đạo nhưng lúc nào cũng sẵn lòng giúp nhà thờ. Còn phần cá thì ông Thư Ký và Tư Hóa sẽ lo cùng với các thanh niên, nghĩa là đi tát đìa. Nấu món canh cá nửa chua nửa ngọt, bỏ thêm chút rau ngò om chan vào tô bún, là tuyệt vời. Mới nghe đã phát thèm.

5. Người tín đồ là một người tị nạn. Trước năm bảy mươi lăm, anh ta nhóm ở một nhà thờ lớn vùng thủ đô. Nhà thờ có trường tiểu học, có viện trợ của Hội Hoàn Cầu Khải Tượng, có các bậc nhân sĩ Hội Thánh. Sau ngày sang Mỹ, anh ta cũng có dịp đi nhóm ở những nhà thờ tương đối lớn, có phương tiện truyền thông, có hội đồng ngân sách, có những tín đồ thành công trong đời sống.

Nhưng cũng có những lần trong đời, có những buổi chiều nắng nhạt, người tín đồ mơ một chút tình yêu thương, anh nhớ lại Hội Thánh Nhỏ ngày xưa.

 

Thanh Bình