QUÀ GIÁNG SINH

                                              CHO

                 NHỮNG ANH HÙNG

                                    VÔ DANH

 

 

 

Trân trọng mặc vào người chiếc áo dài màu hồng nhạt xinh xắn, dịu dàng, trang nhã, chuẩn bị cho lễ mừng Chúa vào đời tối nay, em ngạc nhiên thấy chiếc áo sao quá rộng. Mới từ tháng 4 năm 75 đến tháng 12 mà em xuống ký nhanh không ngờ. Niềm vui của em đêm nay rất khó tả, cũng lạ như ánh sao soi đường các nhà thông thái đi tìm Hài Nhi Giê-xu thuở xưa. Cùng với niềm vui này là một nỗi sợ hãi, một nỗi sợ rất dễ hiểu và rất dễ diễn tả. Mấy cán bộ đang ngồi trước cửa nhà em, vừa thấy em xuất hiện trước cửa, đã vội nói ngay:

- Đi đâu? Làm gì mà mặc aó dài diện quá vậy?

- Tôi đi nhà thờ. Tối nay lễ Giáng Sinh. Tối nay nhà thờ tôi có lễ lớn lắm.

- Đi bao lâu mới về?

- Dạ chừng nào xong lễ tôi về.

Em mau bước ra khỏi nhà, biết rằng những anh cán bộ này sẽ ngồi đây chờ đến lúc em về. Nhà em cách nhà thờ khoảng 3 cây số. Con đường nho nhỏ, đầy bụi, quen thuộc em đã được mẹ đưa đi nhà thờ từ lúc bé đêm nay trở thành con đường đầy ý nghĩa. Mỗi một bước chân đi đưa em đến gần nhà của Chúa, đưa em đến gần nơi em có thể nương dựa được trong mọi cảnh đời. Và Giáng Sinh năm nay, em cần Đấng ấy hơn bao giờ hết.

Nhà thờ nho nhỏ của em nằm trên một khu đất nho nhỏ, cách không xa thành phố lắm. Vùng đất này là nơi em được sinh ra đời, được vinh dự gọi là quê hương, một “quê hương em nghèo lắm ai ơi! Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn,” với biển mặn vây quanh và dãy Trường Sơn sừng sững ở chân trời. Em yêu mến ngôi nhà thờ này cũng như em yêu mến quê hương, và dù hoàn cảnh có thay đổi, vì vật có thể đổi, sao có thể dời, nhưng lòng em đối với ngôi nhà thờ này và với quê hương em sẽ không thay đổi. Đến trước cửa nhà thờ, em thận trọng bước vào. Thật ra, đêm nay sẽ khác với những lần đi nhà thờ trước đây, không phải vì đêm nay là Lễ Giáng Sinh đâu, mà là vì một lý do khác.

Sau biến cố tháng 4 năm 1975, gia đình em chứng kiến những đổi thay không ngờ. Nhiều người hàng xóm trước đây bây giờ lộ diện là người nằm vùng, trước gặp nhau rất bình thường, bây giờ phải đầy thận trọng, ái ngại. Không phải chỉ hàng xóm thôi, một số bà con của gia đình em cũng xuất đầu lộ diện. Em không còn biết phải tin ai nữa.

Cũng như Giáng Sinh mọi năm, trước cửa nhà thờ em có treo một chiếc đèn ngôi sao khá to, màu sắc rực rỡ. Nhờ chiếc đèn này, bầu không khí bên ngoài khác hẳn. Lòng em rộn vui khi thấy nhà thờ. Cũng như mọi năm, bên trong nhà thờ em có cây thông xanh với những ánh đèn màu chớp tắt, một chuồng chiên máng cỏ nằm gần bên tòa giảng của Mục Sư. Chuồng chiên máng cỏ được trang hoàng thật khéo léo, với mái tranh đơn sơ, với Hài Nhi Giê-xu là một búp-bê be bé, trinh nữ Mari và chàng thanh niên Giô-sép là hai hình vẽ trên giấy cứng được cắt ra. Chung quanh máng cỏ có hình vài con chiên, con gà, con dê… và một số người chăn chiên đang đứng chứng kiến. Chuồng chiên máng cỏ này luôn luôn là nơi thu hút người lớn đến chụp hình và trẻ con đến vui đùa với “búp-bê” Giê-xu và vài con gà, con chiên trong máng. Chắc chuồng chiên máng cỏ của nhà thờ em khác nhiều với máng cỏ thật. Máng cỏ thật của Chúa phải có mùi hôi của chuồng súc vật, nền đất phải dơ và ẩm ướt, phải có tiếng ồn ào của các con vật không ngủ được vì sự hiện diện của phái đoàn Mari-Giô-sép và em bé mới được sinh ra. Chuồng này phải là nơi không ai muốn đến ngủ tạm qua đêm, đừng nói chi đến đây để sanh em bé. Hài Nhi Giê-xu ơi! Sao Ngài lại chọn nơi này? Em sung sướng và hãnh diện vì trên thế gian này không thể tìm được ai khiêm nhường hơn Chúa của em.

Sau khi đã thấy ngôi sao trước cửa nhà thờ, thấy chuồng chiên máng cỏ và cây thông bên trong nhà thờ, em liếc mắt tìm. Em như kẻ trộm, liếc tìm điều mình không muốn thấy. Trên đường đi đến nhà thờ trong đêm nay, em đã cầu nguyện xin Chúa cho em đừng thấy. Chúa ơi! Xin Chúa cho con đừng thấy. Gần Lễ Giáng Sinh, em có nghe những tiếng xầm xì trong nhà thờ, giữa vòng các con của Chúa rằng Mục Sư bị áp lực phải treo hình Hồ Chủ Tịch trong nhà thờ. Em kinh hoàng, muốn khóc, dù biết áp lực này trên Mục Sư, không phải trên những con chiên của Chúa. Không biết họ làm gì ông Mục Sư và áp lực kiểu nào, ông trả lời ra sao, điều đó đối với em vẫn là bí mật. Nhưng đêm nay, em liếc mắt tìm mãi mà không thấy. Em cố gắng nhìn kỹ, nhìn bên phải, nhìn bên trái, nhìn bên trên, nhìn bên dưới, nhìn trước, nhìn sau, nhìn lên cả nóc nhà thờ, vẫn không thấy hình ai, em chỉ biết rưng rưng nước mắt.

Chương trình lễ bắt đầu. Sao nhà thờ em đêm nay vắng quá. Mọi năm, cứ Lễ Giáng Sinh, người ngồi chật cả nhà thờ và ai đến trể phải đứng bên ngoài. Đêm nay, ghế còn trống nhiều và không ai phải đứng bên ngoài cả. Ban hát cũng thật ít người, các cô cũng mặc áo dài trắng, thắt nơ đỏ như năm nào, nhưng cô nào cũng gầy như em, nhìn biết là những người thiếu ăn trầm trọng. Vậy mà họ tôn vinh Chúa những bản thánh ca Giáng Sinh truyền thống, thật cảm động, đầy tâm tình hát cho Chúa trong sinh nhật của Ngài.

Rồi đến giờ giảng luận. Mục Sư bước lên tòa giảng. Không biết bầu không khí căng thẳng, không thoải mái trong đêm nay bắt đầu từ đâu, từ sự hiện diện của vài người cán bộ ngồi trong nhà thờ, hay vì những người ngồi trong nhà thờ dị ứng với sự hiện diện của vài cán bộ? Mọi mắt đều đổ dồn vào Mục Sư. Ông vẫn mặc bộ đồ vết như năm nào, nhưng năm nay, nhìn con chiên đầu đàn này, người ta biết ông thiếu ăn. Bộ vết rộng thùng thình khiến ông giống như bơi trong bộ đồ ấy. Em còn nhớ khi bà trưởng phụ nữ trong xóm em đến nhà bảo mẹ làm tờ khai lý lịch, đến phần tôn giáo, mẹ nói “Tin Lành”, bà cán bộ nói “Chừ có đạo, bỏ cũng được mà”, nhưng mẹ em hoàn toàn yên lặng và vì sự yên lặng đó, gia đình em không được cấp phiếu mua gạo chánh thức. Mẹ phải mua gạo chợ đen và những ngày thiếu ăn của gia đình bắt đầu. Em không biết trong tờ khai lý lịch, Mục Sư của em khai tôn giáo là gì, nhưng nhìn ông thì biết chắc rằng ông không được cấp phiếu mua gạo.

Mục Sư bắt đầu ban sứ điệp Giáng Sinh bằng giọng nói trầm ấm, truyền cảm với chữ dùng giản dị, dễ hiểu, chân thành. Em nhận ra được sự khác biệt nơi Mục Sư của em. Ông có vẻ dè dặt hơn, ít thoải mái hơn, lời nói thận trọng hơn, gương mặt ít tươi vui hơn. Cũng dễ hiểu thôi. Dù đã đi nhà thờ nhiều năm, từ lúc còn bé, em quen Mục Sư của em, nhưng trong đêm nay, em nhìn thấy một khía cạnh khác, một hình ảnh khác em chưa thấy trước đây. Gương mặt ông là của người mang nhiều câm nín, có nhiều nỗi khổ không chia xẻ được cùng ai. Em nghĩ đến cây trượng và cây gậy vô hình Chúa đặt trong tay ông với mục đích duy nhất để chăm sóc và bảo vệ đàn chiên của Ngài, trong hoàn cảnh mới này, ông phải xử dụng cây trượng và cây gậy đến mức tối đa, trong sự cẩn thận tối đa. Ông có đổ mồ hôi không? Ông có khóc trong âm thầm không? Ông đã mất ngủ bao đêm rồi? Ông bị mời lên “làm việc” bao lần rồi? Khi ngồi trước bữa cơm đạm bạc, ông có nhớ ngày xưa huy hoàng không? Khi đi thăm con dân Chúa và thấy tình cảnh của họ, ông có rúng động không?  Ông sẽ làm được gì cho con dân của Chúa?

Đề tài bài giảng của Mục Sư trong đêm nay là “Hoàng Tử Hòa Bình.” Kinh Thánh dạy em biết rằng Hài Nhi Giê-xu có rất nhiều danh hiệu ngay trước khi Ngài ra đời. Một Con Trẻ được sinh ra cho chúng ta, một Con Trai được ban cho loài người để cầm quyền tể trị. Ngài sẽ được xưng là Đấng Diệu Kỳ, Đại Mưu Sĩ, Đức Chúa Trời Toàn Năng, Cha Đời Đời và là Hoàng Tử Hòa Bình, hay có người dùng một danh từ khác là Chúa Bình An hay Chúa Hòa Bình. Trong nhiều danh xưng của Chúa, đêm nay, Mục Sư giảng về danh xưng “Hoàng Tử Hòa Bình.” Trong hoàn cảnh mới, ông biết rằng con dân Chúa cũng như chính ông cần Hoàng Tử Hòa Bình hơn bất cứ lúc nào. Bài giảng của Mục Sư rót vào tâm em như ly trà đá trong một ngày nắng chói chan, em uống trọn cho sự tươi mát của tâm hồn người đang sống trong khô hạn. Phải! Em đang sống trong miền khô hạn, còn Mục Sư là ngọn cỏ trước gió, tuy chịu phong ba nhưng không là ngọn cỏ gió đùa, không bị cuốn theo chiều gió, nhất là không gió chiều nào, Mục Sư theo chiều đó. Bài giảng của Mục Sư đáp ứng được lòng em đang khao khát, em đoán rằng ông giảng bài này cho con dân Chúa và cũng là cho chính ông.

Buổi lễ tại nhà thờ bé nhỏ của em lúc nào cũng kéo dài hai tiếng ̣đồng hồ. Dù bầu không khí có căng thẳng, ngột ngạt, toàn thể con dân Chúa đều thờ phượng Ngài trong dịp đặc biệt này hai tiếng đồng hồ như thường lệ. Sau giờ lễ, mọi người kéo lên trên trầm trồ chuồng chiên, máng cỏ. Riêng em định lấy hết can đảm đến nói với Mục Sư lời cám ơn về sứ điệp bình an đêm nay, tai nghe lời giảng và mắt được nhìn thấy Hoàng Tử Hoà Bình trong đôi mắt của Mục Sư, trong thái độ, trong cung cách của một người chăn, là một món quà tuyệt đẹp trong đêm kỷ niệm Chúa vào đời. Nhưng rồi em lại không đủ can đảm để nói lên một lời nào.

Em nhớ hàng năm, vào dịp đặc biệt này và dịp Tết Nguyên Đán, mẹ luôn tặng quà cho gia đình Mục Sư. Nhưng năm nay, em không thấy mẹ chuẩn bị món quà nào. Gia đình em đã đi đến mực thê thảm, nồi cơm không phải là nồi cơm nữa nhưng chỉ toàn là khoai độn, khoai sượng, khoai sùng. Em không biết mẹ phải nói gì với Mục Sư trong đêm nay và phải giải thích làm sao lại không có quà, nhưng em đoán rằng khi người chăn và con chiên đối diện nhau, khi cả hai cùng thiếu ăn thì không ai cần phải giải thích. Đứng ở cuối nhà thờ nhìn lên bên trên, gần tòa giảng, gần chuồng chiên máng cỏ, em thấy nhiều con dân Chúa đến chào hỏi Mục Sư vui vẻ, cười nói trong vui mừng, những câu chuyện dường như không dứt. Bất thình lình, cũng đột ngột như thiên thần hiện ra cho những người chăn chiên đang thức canh ngoài đồng để báo tin Cứu Chúa vừa được sinh ra đời, em nhận ra được món quà của chính em và của Mục Sư trong đêm nay. Giáng Sinh đêm nay và ngày mai 25.12.1975 em không bị đi lao động, dù tất cả thanh niên thiếu nữ trong xóm đều phải đi. Những người phản đối “Tại sao cô này không đi mà tôi phải đi?” đều được trả lời rằng: “Cô này khai tôn giáo là Tin Lành nên ngày lễ tôn giáo cô được nghỉ, ai khai không tôn giáo thì đi lao động.” Món quà của Mục Sư trong đêm nay cao quý hơn nhiều. Trong hoàn cảnh mới, Mục Sư đã đứng vững. Ai cũng biết rằng muốn diệt một đoàn quân, phải diệt người chỉ huy của họ trước. Kinh Thánh đã nói rằng nếu người chăn bầy bị đánh, đàn chiên sẽ bị tản lạc. Đêm nay, các con chiên của Chúa đến thờ phượng Ngài, không tản lạc, vì người chăn của họ chịu được phong ba. Mục Sư của em đã chu toàn trách nhiệm, là một đầy tớ trung tín. Món quà của em trong đêm Giáng Sinh này là được một Mục Sư hy sinh vì đàn chiên của Chúa, còn món quà của Mục Sư là đàn chiên Chúa cùng đến đây để thờ lạy Chân Chúa trong ngôi nhà thờ này và chỉ thờ lạy Chúa mà thôi.

 

Đoàn Thu Cúc