Description: images.jpg   HAI ANH EM 

 

 

 

 

Được sinh ra trong một gia đình giàu có, danh giá, hai anh em chỉ cách nhau hai năm, nhưng càng lớn lên, sự cách biệt về tính tình và thái độ sống đưa hai người đến hai nẽo đường khác nhau và hai định mệnh rất khác nhau. Những buổi ăn sang trọng trong gia đình và những người giúp việc mặc đồng phục khiến hai anh em hiểu rằng mình thuộc một giai cấp khác, bên trên những người bình dân đại chúng.

 

Khi đến tuổi trưởng thành, người anh bị bắt buộc phải vào trường của quân đội, vì khi gia đình cho anh học tại một trường âm nhạc cao cấp của Đức Quốc, anh đã cắt tất cả những dây đàn của tất cả các lọai nhạc cụ có dây, gây một cơn sóng gió lớn trong trường và dĩ nhiên anh phải rời trường. Và khi cả hai anh em đều đã vào tuổi trưởng thành, người mẹ nhìn trưởng nam của mình và tuyên bố một lời với đại gia đình và lời ấy đã trở thành lời tiên tri chính xác: “Đứa con này của tôi hoặc sẽ là một đại nhân, hoặc sẽ là một đại ác nhân.” Người em vẫn tiếp tục học trường công của chính phủ như hàng ngàn thanh niên khác.

 

Trong  Thế Giới đại chiến thứ I, người anh là một phi công anh hùng với những chiến thắng lẫy lừng và cuộc hôn nhân sau đó cùng một con gái của một nhà quý tộc càng đưa anh lên đỉnh cao danh vọng. Năm 1922 anh tham gia phong trào Nazi của Hitler không phải vì có tham vọng cách mạng nhưng chỉ vì anh ghét cộng sản. Và năm 1932 khi Nazi trở thành đảng cầm quyền tại Quốc Hội, anh là người đứng thứ ba trong đảng, nhưng đến năm 1941 anh trở thành người quyền thế thứ nhì, chỉ sau Hitler mà thôi.

 

Là người có nhiều sáng kiến, anh là sáng lập viên của Gestapo, cơ quan cảnh sát chìm của Đức Quốc Xả và cũng là sáng lập viên của các trại tập trung và cho rằng các trại tập trung này cũng chỉ như các trại giam giữ tù binh như nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Nhóm lãnh đạo Đức Quốc Xả bắt đầu chương trình hủy diệt người Do Thái đang sống tại các quốc gia Âu Châu bằng chương trình vừa lộ liễu vừa khéo léo. Người Do Thái bị chỉ điểm, phải mang dấu hiệu ngôi sao vàng trên cánh tay áo, bị đuổi ra khỏi nhà, vào những nơi tập trung tạm được gọi là ghetto trong khi chờ đợi được chuyển đi trại tập trung, được gọi là đi kinh tế mới, nhưng thực ra các trại tập trung là những nơi giết người tập thể bằng hơi ngạt.

 

Những cảnh nhục nhã, đau đớn của tuyển dân của Đức Chúa Trời, những người  chính Ngài gọi là “con trai của ta” bắt đầu diễn ra trên các đường phố tại các nước Âu Châu đang dưới sự kiểm soát của Đức. Người Do thái phải quỳ để chùi gạch trên đường phố, nhất là phụ nữ. Mỗi lần cảnh này diễn ra thì thu hút được hàng trăm quan sát viên, đứng chung quanh, cười cợt, nhạo báng người đang chịu nhục.

 

Và chuyện không tưởng được lại xảy ra. Một người đàn ông Đức ăn mặc thật sang trọng, dừng xe lại, đến quỳ bên cạnh những người Do Thái ấy, tay cầm một miếng giẻ và bắt đầu lau chùi gạch trên đường. Đám đông im lặng trong kinh ngạc còn những người cảnh sát Đức giận điên, đến xốch nách anh, kéo đứng lên. Vì anh là người Đức nên trước khi đập anh một trận trước mắt công chúng để làm gương cho những ai dám xen vào việc của cảnh sát, họ hỏi tên anh. Anh thản nhiên nói tên mình “Albert Goering” và thêm: “Quý vị biết anh tôi mà.” Đám đông xanh mặt trong kinh hoàng vì không người Đức nào lại không biết đến tên nhân vật thứ nhì sau Hitler, Hermann Goering, tổng tư lệnh quân đội, kể cả không quân. Cảnh sát càng run sợ chừng nào, anh càng thích thú chừng nấy. Động cơ thúc đẩy anh trong những hành động này không phải vì thích trò chơi trêu ghẹo nhưng vì anh thù ghét sự ngu dại bạo tàn của kẻ cầm quyền muốn hà hiếp, gây nhục người thất thế.

 

Khi Đức chiếm đóng Austria, người anh mừng chiến thắng oanh liệt bằng cách hứa cho mỗi người trong gia đình mình một điều ước, bất cứ điều gì. Người em đã xin anh mình tha cho Quận Công Josef Ferdinand đang bị giam giữ tại Dachau. Khi một người cùng làm việc chung với anh bị bắt giữ vì những cuốn phim tài liệu anh đã thực hiện không có lợi cho Đức, người em đã dùng thế lực của gia đình, hỏi khắp mọi nơi để tìm xem người này đã bị giam giữ tại đâu và can thiệp cho được trả tự do ngay lập tức.

 

Sau năm 1934 khi Hermann Goering không còn đứng đầu Gestapo nữa, việc can thiệp để cứu giúp em mình khỏi bàn tay của cảnh sát bí mật vì xen vào việc của cảnh sát trở nên khó khăn hơn, người em vẫn không chút sợ hãi, vẫn liều mình để cứu người Do Thái dựa vào tên tuổi của anh mình. Hành động đầy yêu thương và can đảm của người em bày tỏ được rằng chương trình nhồi sọ của Đức Quốc Xã không thành công trên mỗi một cá nhân người Đức, vì hành động cứu giúp anh hùng này theo tiếng của lương tâm, theo tiếng gọi của chính cá nhân mình trong việc phân biệt được điều sai và đúng. Anh đã bày tỏ được ý chí và nỗ lực lớn lao để không theo phong trào của đại chúng, để suy nghĩ và hành động một cách độc lập, để làm điều đúng dù hiểu giá mình phải trả.

 

Đến năm 1944, khi chương trình giết người Do Thái bằng hơi ngạt tại các trại tập trung lên đến cao độ nhất, anh bạo gan lái xe vận tải  đến trại tập trung người Do Thái và yêu cầu trại giao cho anh một số người để làm việc cho công xưởng của anh. Anh luôn luôn thách thức họ điện thoại cho anh mình để xác nhận quyền đòi hỏi của anh. Sau khi nhận được một số tù nhân rồi, anh lái xe vào rừng, bảo họ phải tìm cách trốn để cứu mạng. Những hành động quá khêu khích này đều đến tai của Gestapo và họ ra lệnh bắt anh. Người anh phải đích thân cầu cứu đến sự can thiệp của Himmler và bảo em mình rằng đây là lần cuối anh có thể bảo vệ được em.

 

Khi Hitler tự sát ngày 30.4.1945 tại Berlin, đó cũng là ngày tận chung của Đức Quốc Xã. Mọi thành phần quan trọng trong quân đội và chánh quyền đều tìm cách trốn thoát, một số ít tự sát và vài người tự sát chung với gia đình. Người em bị quân đội đồng minh bắt giữ để điều tra, còn người anh ra đầu thú với quân đội Hoa Kỳ ngày 07.5.1945 với toàn bộ gia đình và những tùy tùng, tổng cộng 75 người. Hai anh em bị giam giữ riêng hai nơi, và vì họ “Goering”, những người thẩm vấn không tin rằng người em không nhúng tay vào chương trình giết hàng triệu người của Đức Quốc Xã. Một năm sau, hai anh em gặp nhau lần cuối trong tù, họ ôm nhau lần cuối và người anh nói rằng: “Em sẽ được trả tự do. Xin em nhận vợ con anh và bảo trợ họ. Vĩnh biệt em.”

 

Dù “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại” nhưng người em bị giam giữ hai năm vì những tội không có. Trong tù, anh đã cố gắng ghi lại tên của 34 người quyền thế, chức sắc anh đã liều mạng để cứu họ, tin rằng đây sẽ là những người ra trước tòa án làm chứng cho anh. Nhưng cũng như bao người khác trên thế giới, anh phải học bài học thế thái nhân tình, không một người nào trong nhóm này cứu giúp anh. Anh được trả tự do nhờ vào lời chứng của vài người công dân rất tầm thường, không  địa vị, không danh vọng, là những người đã kể lại một cách trung thực điều phi thường anh làm để cứu mạng họ.

 

Trong khi chờ đợi để ra trước tòa án Nuremberg, nơi xử những người đã nhúng tay vào những vụ tàn sát quân nhân, thường dân cũng như chương trình tiêu diệt người Do Thái, người anh tâm sự với một bác sĩ tâm thần người Mỹ rằng hai anh em rất khác nhau, khác từ tính tình và thái độ sống; “Em tôi ít nói, người sống nội tâm, còn tôi thích đám đông và thích nhiều người theo mình. Em tôi nhiều tình cảm và bi quan, còn tôi lại rất lạc quan. Nói chung, em tôi không phải là một người xấu.”

 

Trước tòa án, Hermann Goering bày tỏ sự thông minh, sắc bén với hình dạng đáng được chú ý vì anh cao gần 1.8m và nặng 136kg. Trong phần kết luận, tòa Nuremberg kết anh vào bốn tội: mưu đồ gây chiến tranh, tội ác phạm đến nền hòa bình của thế giới, tội ác trong chiến tranh và tội ác đối với đồng loại. Anh phải chịu trách nhiệm về sự thủ tiêu những tội nhân chính trị và những người chống đối  Đức Quốc Xã, hành động tra tấn và đối xử tàn bạo với những tù nhân chiến tranh. Tội nhẹ hơn như tội cướp của không được đề cập đến dù anh là người ra lệnh và tổ chức lấy cắp những tài liệu nghệ thuật giá trị nhất trên thế giới và đây phải là tội ác của thế kỷ. Tài sản của những người Do Thái giàu có bị tịch thu, chủ nhân được đưa vào lò hơi ngạt và kho báu của Đức Quốc Xã và của chính anh càng lúc càng nhiều đến nỗi anh phải dùng những đoàn xe lửa với 1.414.000 toa để chở những tài sản lấy cướp này.  

 

Đến cuối cùng, mọi người biết rằng anh sẽ bị kết tội và sẽ bị kết án tử hình. Nhưng cũng đến cuối cùng, anh không cho quân thù cơ hội hình phạt anh như một tử tội tầm thường như những tử tội khác của Đức Quốc Xã. Một người lính Mỹ canh ngục đã tìm được cách trao cho anh viên thuốc độc cyanide và anh đã tự sát ngày 15.10.1946.

 

 

Đoàn Thu Cúc