TIẾNG KHÓC

 

 

 

 

 

Cũng như hàng ngàn đôi vợ chồng trẻ trên thế giới, anh chị gặp nhau, yêu nhau và quyết định lập gia đình với nhau vào một ngày hoa lòng nở rộ và nắng tràn ngập khắp mọi nơi bên ngoài cũng như bên trong căn nhà nho nhỏ của đôi vợ chồng son. Những ngày vui trong hạnh phúc gia đình tưởng chừng như bất tận, nỗi mong chờ được bế con thơ trên tay đếm từng ngày. Và rồi ngày vui ấy đã đến. Anh chị nhận được tin vui mình sắp trở thành cha mẹ vào một ngày mùa xuân trên  đất Úc.

Đây sẽ là em bé đầu tiên của anh chị. Đôi vợ chồng hân hoan mua sắm quần áo cho con, lựa chọn những màu mà bé gái hay trai cũng đều dùng được. Và chị bắt đầu mặc những chiếc áo rộng với bông hoa và màu sắc sặc sỡ của mùa xuân, mùa xuân của đất trời và của đôi tâm hồn.  Đêm đêm nằm bàn chuyện tương lai, đôi vợ chồng son cùng nhau chọn tên cho em bé, con trai sẽ đặt tên gì và con gái thì tên gì.  Năm ấy, chị vừa đúng 27 tuổi.

Nhưng rồi chị lại bắt đầu cảm thấy bất an. Những cảm giác rất lạ trong cơ thể và bào thai nằm thật thấp so với những phụ nữ khác khiến chị lo lắng đêm ngày. Sau cùng, chị xin bác sĩ cho chị được siêu âm. Bác sĩ từ chối ngay với lý do rằng những người mẹ còn trẻ như chị không sợ nguy hiểm sinh con tàn tật. Và chị phải chịu những nỗi băn khoăn, thắc mắc, lo sợ mỗi ngày và nhất là mỗi đêm.

Khi bào thai được 8 tháng, chị bỗng xuất huyết. Người ta lập tức đưa chị vào bệnh viện, chuẩn bị để giúp chị sanh. Trong lúc chuẩn bị, người ta siêu âm bào thai và xác nhận với đôi vợ chồng trẻ này rằng em bé trong lòng mẹ bị tàn tật rất nặng nề, chắc chắn sẽ không sống được. Hôm ấy, trong căn phòng sạch sẽ, khang trang với đèn điện chói sáng của bệnh viện, sau khi nhận được tin, hai vợ chồng cùng cất tiếng lên khóc.

Đến giờ sinh nở. Vị bác sĩ hộ sinh khám mãi mà không sờ thấy đầu em bé. Hốt hoảng, ông cho chị đi chụp quang tuyến X ngay lập tức. Vẫn không thấy đầu của em bé, người ta ngỡ rằng máy quang tuyến bị hư nên gọi chuyên viên đến xem máy. Khi chuyên viên xác nhận rằng máy không hư, bác sĩ báo cho đôi vợ chồng này rằng ngoài những tàn tật khác, em bé của họ không có não, không có phần xương sọ. Hai vợ chồng khóc từ giã nhau trước khi bác sĩ gây mê người mẹ để giải phẩu đem em bé ra.

Khi người mẹ còn nằm mê mang trong phòng chờ hồi tỉnh, anh được bác sĩ đưa đi thăm con. Bác sĩ vòng tay ngang lưng để đỡ anh khỏi ngã quỵ trong khi anh gục đầu vào cửa khóc nức nở.

Em bé gái nằm trong nôi vì không có não nên đầu của em trông giống như khuôn mặt người bị cưa ngang khoảng trên mí mắt. Đôi mắt em thụt sâu vào và mí mắt bị dính lại. Hai lỗ tai của em không lớn bằng nhau và lại nằm quá thấp so với lỗ tai của người khác. Em lại bị sứt môi rất nặng nên không uống sữa bằng chai như những bé khác, người ta phải đút cho em từng muỗng sữa. Em không có đủ mười ngón tay và những ngón tay có được thì bị dính lại với nhau. Một cánh tay em bị tê liệt hoàn toàn, không thể sử dụng được. Hai bàn chân và những ngón chân của em cũng bị tàn tật. Xương quai xanh và xương hông cũng bị tàn tật. Nói chung, trên cả cơ thể của em chỉ có hai ngón tay cái là không bị tật nguyền gì cả.

Các bác sĩ trong bệnh viện nhiều lần nhấn mạnh với đôi vợ chồng son này là em bé của họ sẽ không sống được. Những em bé tàn tật nặng nề như vậy không đủ điều kiện để sống còn.

Người mẹ được xuất viện. Trong khi những người mẹ khác bồng bế con thơ, tay xách, nách mang, người mẹ này chỉ xách một vali nhỏ trong tay, không cần mang theo y phục cho em bé. Người mẹ được ra về với lời căn dặn chờ điện thoại của bệnh viện. Khi bé qua đời, bệnh viện sẽ báo tin cho biết.

Mùa xuân đã qua lâu rồi và không biết có bao giờ trở lại. Đôi vợ chồng son mỗi ngày vẫn chờ điện thoại của bệnh viện, mỗi lần nghe tiếng điện thoại reo là mỗi lần quặn thắt con tim. Nếu ban ngày nỗi hồi hộp đã đầy thì ban đêm mang thêm nỗi buồn sâu thẳm với hàng trăm câu hỏi trong trí “Tại sao? Tại sao?”, “Có phải lỗi của ba mẹ không?” và “Con ơi, chừng nào con sẽ ra đi? Con có muốn sống thêm với ba mẹ không? Con có thể nào sống thêm được không? Con có nên sống thêm không trong tình trạng này? Ba mẹ có thể làm gì được cho con?” Có những đêm, anh chị thao thức chờ sáng, muốn nghe tiếng điện thoại của bệnh viện nhưng không muốn biết họ nói gì.

Thứ hai rồi lại đến thứ ba, tuần thứ nhất trôi qua rồi đến tuần thứ nhì, rồi nhiều tuần liên tiếp trôi qua. Một tháng đã trôi qua nhưng điện thoại ấy vẫn không đến. Một xúc cảm mới đến với anh chị mà chính họ cũng không ngờ. Hai vợ chồng cảm thấy nhớ con. Hai vợ chồng cảm thấy nhớ em bé tật nguyền trầm trọng ấy. Họ quyết định cùng nhau vào thăm con.

Họ quyết định thăm con mỗi ngày một lần, vào giờ thuận tiện cho cả hai vợ chồng sau giờ làm việc. Bệnh viện Úc sang trọng, lớn, sạch sẽ, ngăn nắp, khang trang, không mùi hôi, đầy tình thương, đầy sự giúp đỡ, đầy nhân từ mỗi ngày vẫn đón hai vợ chồng vào thăm con. Mỗi ngày, hai vợ chồng bước vào phòng chăm sóc đặc biệt, một cô y tá mang em bé bọc thật kỹ trong khăn, chỉ chừa một phần thật nhỏ của khuôn mặt, đặt bé vào trong tay anh chị. Hai vợ chồng chỉ ôm con trong giây phút, ru bé nhè nhẹ, miệng muốn hát cho con nghe nhưng lời tắt ở trên môi. Nhìn em bé được bọc bằng khăn, anh chị không biết mình nên cười hay nên khóc. Rồi anh chị trân trọng, nhẹ nhàng giao em bé lại cho cô y tá và ra về. Thế mà tối ngủ an tâm hơn, những khoắc khoải, đớn đau, lo lắng dường như giảm đi nhiều và nỗi hồi họp chờ đợi điện thoại của bệnh viện như đã biến đi theo những ngày thăm viếng.

Một ngày kia, như thường lệ, anh chị vào thăm con. Nhưng hôm nay lại có một sự khác biệt. Phòng chăm sóc đặc biệt thật vắng người, không cô y tá nào có mặt cả. Anh chị đứng tần ngần, băn khoăn không biết phải làm gì vì đã quá quen việc cô y tá trao em bé tận tay mình. Thình lình, anh chị nghe một tiếng khóc cất lên. Trong lúc bất ngờ, anh chị không biết phải nghĩ sao. Phòng chăm sóc đặc biệt không có ai ngoại trừ đứa con tàn tật của chính mình. Đứa trẻ tàn tật này biết khóc sao? Làm sao nó khóc được ? Trong bối rối, anh chị lần bước đến chiếc nôi nơi bé đang nằm. Tiếng khóc vẳng lên từ dưới mền. Không cầm được lòng, chị lòn tay vào dưới mền, vụng về nâng em bé lên. Rồi chị ôm em bé vào lòng, lần này với cảm xúc đặc biệt hơn những lần khác. Đây là lần đầu tiên chị cảm nhận em bé tật nguyền này là của mình, thuộc về mình, mang một phần sự sống của chị. Em bé đang nằm trong vòng tay chị vẫn khóc, tiếng khóc nhẹ, yếu ớt. Chị nhẹ nhàng nâng con lên, nhìn vào gương mặt tật nguyền của con, rồi chị khóc, nước mắt rơi đầm đìa trên chiếc mền, gần gương mặt bé. Hai mẹ con cùng khóc. Và trong lúc không ngờ, chị nghe tiếng khóc thứ ba. Chồng chị choàng tay qua vai vợ, như ôm cả hai mẹ con vào lòng, và anh khóc. Tiếng khóc của gia đình anh chị khiến phòng chăm sóc đặc biệt hôm nay trở nên thật đặc biệt.

Khi cơn xúc động lắng dịu được phần nào, chị quay sang nói với chồng: “Anh à! Bé nằm ở bệnh viện lâu quá rồi. Mình xin mang con về đi anh.”

 

Đoàn Thu Cúc