VÂN 

 

 

Nếu có bao giờ chúng ta gặp nhau và nếu con hỏi mẹ rằng có đặt tên Việt Nam cho con không, mẹ xin trả lời rằng có, mẹ có đặt tên Việt Nam cho con và tên con là Vân.

Con có hiểu Vân là gì không? Vân là mây. Mẹ không chọn một tên lót cho con dù có rất nhiều chữ lót đi đôi với chữ Vân như Mỹ Vân, Hồng Vân, Bích Vân, Ngọc Vân, Thanh Vân… Mẹ chỉ gọi con là Vân mà thôi, vì con là một đám mây trong đời mẹ.

Mẹ không biết đoạn cuối của đời mình đâu con nhưng đã thầm so sánh những trang đầu của cuộc đời  hai mẹ con mình và phải kết luận rằng trang đầu của chúng ta rất khác.

Mẹ được sinh ra trong một gia đình sung túc. Ông ngoại là người Hoa, từ bỏ quê cha đất tổ vì Cộng Sản Trung Hoa, trốn sang Việt Nam để sanh sống. Với hai bàn tay trắng, ông ngoại đã lập nên sự nghiệp. Mẹ được sinh ra trong cảnh đầy đủ của một mái ấm gia đình. Vào tuổi hai mươi, mẹ cũng có những ước mơ như những người con gái khác, học hành cho thành đạt, còn nếu không, theo gót chân ông ngoại trong nghề mua bán, nhất nghệ tinh nhất thân vinh, con ạ. Mẹ cũng mơ ước có gia đình, tìm được một người đàn ông siêng năng, cần cù, chân thật, hiền lành để trong yêu thương nhau được gọi hai tiếng vợ chồng. Mẹ vẫn nghĩ rằng tiêu chuẩn tìm kiếm của mình không quá đáng, một ngày kia mẹ sẽ gặp được người lý tưởng ấy. Trong khi chờ đợi ngày vui của người con gái, mẹ vẫn tiếp tục đi học và phụ giúp ông ngoại.

Rồi đến biến cố năm 1975.

Một lần nữa trong đời, ông ngoại phải chịu cảnh trắng tay. Nhà cửa, tài sản bị tịch thu, ông ngoại phải đi kinh tế mới. Trong phút chốc, mẹ mất mái ấm gia đình. Ngày sống qua ngày trong thiếu thốn, lo sợ phập phòng, căng thẳng tinh thần đi đôi với mệt mỏi thể xác. Là người đã từng hiểu Cộng Sản, ông ngoại chôn giấu vàng ở nhiều nơi khác nhau và những cuộc vượt biên sau đó đã nuốt cả một tài sản của ông ngoại. Nhưng thất bại vẫn hoàn thất bại. Cho đến khi phong trào bài Hoa nổi lên, Cộng Sản Việt Nam đuổi người Hoa khỏi nước, sau khi đã vơ vét tiền bạc của họ. Chương trình cho đi vượt biên bán chính thức xuất hiện. Mỗi người nộp tám lượng vàng. Đến năm này, ông ngoại đã quá mệt mỏi, tài sản mất sạch, chỉ còn một ít vàng còn chôn dấu. Nên ông ngoại quyết định chỉ cho một người trong gia đình đi bán chính thức mà thôi, người đó là mẹ, trưởng nữ của ông ngoại.

Ngày từ giã gia đình để ra đi, mẹ tưởng mình đã khóc hết nước mắt. Năm ấy, mẹ không còn là một thiếu niên nữa nhưng đã là một thiếu nữ trưởng thành sau những năm phải cùng ông ngoại chịu đựng kết quả trực tiếp của cuộc sống trong tay Cộng Sản. Khi bước lên tàu rồi, một cảnh tượng mới hiện ra. Tàu chỉ đủ sức chứa nhiều nhất là 100 người, nhưng Cộng Sản thu tiền và chất lên 288 người. Tàu ra được đến hải phận quốc tế là một việc lạ.

Khi con lớn lên, chắc chắn con sẽ được nghe và thấy những phim tài liệu về những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam và những đoạn đường của thuyền nhân trên biển cả. Mẹ của con là một trong những nạn nhân điển hình của đoạn đường đi tìm tự do để thoát tay Cộng Sản. Tàu của mẹ gặp hải tặc Thái Lan. Sau khi đã vơ vét, lục soát khắp cả tàu, lột sạch đám thuyền nhân đang run rẩy trong sợ hãi, họ bắt đầu chia nhóm người trên tàu ra làm hai, nam riêng và nữ riêng. Hiểu ý định của hải tặc, mọi người bắt đầu la khóc. Vân ơi! Dù mấy mươi năm qua rồi, có những lúc mẹ phải cố gắng hết sức để xua đuổi tiếng khóc ấy ra khỏi tâm trí. Con có bao giờ nghe tiếng khóc của 288 người cùng một lúc không?  Tiếng chồng khóc vợ, con khóc mẹ, anh em khóc cho nhau và tiếng của những người tự khóc cho mình.

Một thời gian ngắn sau khi cặp bến Thái Lan, mẹ biết mình mang thai. Và mẹ không phải là người duy nhất mang thai trong hoàn cảnh này đâu con. Những nạn nhân này được hai sự lựa chọn: hoặc tiếp tục với bào thai trong khi chờ ngày được một quốc gia tự do và nhân đạo nhận, hoặc được Cao Ủy giúp cho lên thành phố để giải quyết. Có một vài người đã chọn giải pháp thứ ba, là giải pháp không ai đưa ra cả. Trại tỵ nạn của thuyền nhân gần bên bờ biển, những cơn thủy triều của biển có sức mạnh người không chống nổi với sức của thiên nhiên. Chỉ cần đứng xa bờ một chút, lúc thủy triều rút, ta giải quyết được vấn đề mà ta nghĩ rằng không giải quyết được.

Được phái đoàn Úc nhận nhân đạo rất nhanh vì hoàn cảnh đặc biệt, lại không có thân nhân, một mình mẹ đến Sydney vào một ngày mùa hè nắng đẹp. Sau nhiều năm sống dưới chế độ Cộng Sản và những giờ phút sống với hải tặc, mẹ nhận được tình thương và sự giúp đỡ của người Úc để nhận được bài học căn bản rằng không phải ai cũng xấu và cũng không phải ai cũng tốt. Chính phủ Úc lo cho mẹ một chỗ trọ, cung cấp tiền bạc cho mẹ sống và bắt đầu cung cấp dịch vụ y tế. Qua những dịch vụ này và đặc biệt là qua dịch vụ của một nhân viên xã hội, mẹ đi đến một quyết định.

Chưa bao giờ được tiếp xúc với thế giới Tây Phương, mẹ không biết rằng có rất nhiều đôi vợ chồng Úc không con, tha thiết tìm con nuôi trong các cô nhi viện. Và có những cặp vợ chồng muốn nhận con nuôi từ ngay lúc em bé mới sinh. Mẹ đã chọn trường hợp này. Trong giấy khai sinh của con, tên cha là người Úc, tên mẹ cũng là tên của một người đàn bà Úc. Mẹ không được tìm biết tên của họ và cũng không được tìm xem họ ở đâu, mẹ chỉ được cho biết rằng đôi vợ chồng này ở một tiểu bang khác. Mẹ đã được hướng dẫn rõ ràng về việc sẽ xảy ra và những điều mẹ sẽ mất, trong đó  điều rõ ràng nhất là mẹ sẽ mất quyền làm mẹ. Mẹ không được phép đi tìm con trong tương lai, nếu mẹ đổi ý. Mẹ đã ký mọi giấy tờ, thủ tục pháp lý cần thiết. Người ta đã hỏi mẹ rằng ngay sau khi con sinh ra đời, mẹ có muốn bế con, nhìn con, hôn con lần đầu và cũng là lần cuối không. Mẹ đã trả lời là không.

Vì thế cho nên, ngày chuyển bụng, mẹ vào bệnh viện với tâm trạng con không hiểu được đâu, cũng như không có người mẹ nào hoàn cảnh bình thường có thể hiểu được. Trong nỗi đau đớn vô cùng của thể xác lúc con ra đời, mẹ phải chấp nhận một nỗi đau khác. Mẹ không nhìn mặt con. Dù chỉ sống ở Sydney mấy tháng, Anh ngữ dốt đặc, nhưng mẹ cũng nghe được lời kêu của cô y tá đỡ con khi con ra đời: Oh! A beautiful girl. Họ bế con ra khỏi phòng ngay. Phải! Mẹ chưa hề nhìn thấy mặt con.

Được đưa sang một khu đặc biệt để không nằm chung với các sản phụ tại khu hậu sản, mẹ chỉ ở lại bệnh viện đôi ngày rồi về ngay. Bệnh viện mời mẹ trở lại mười ngày sau để ký giấy tờ lần cuối. Họ không cho mẹ biết xem con còn ở bệnh viện hay đã rời. Mẹ không có quyền để hỏi. Sau khi đã nhắc lại thật kỹ những điều mẹ phải vâng theo luật pháp quốc gia khi ký giấy cho con, mẹ được phép ra về. Trước khi mẹ đứng lên, cô xã hội hỏi mẹ có muốn đặt tên Việt Nam cho con không. Mẹ trả lời rằng muốn, và tên Việt Nam của con là Vân. Cô xã hội nói rằng sẽ cho cha mẹ con biết tên Việt Nam của con, nhưng họ có cho con biết hay không là tùy quyền họ.

Mẹ vẫn không biết con đang sống ở tiểu bang nào trên đất Úc và tên con là gì, nhưng mẹ biết chắc rằng khi đến tuổi thiếu niên, con sẽ hiểu rằng người cha Úc và người mẹ Úc con đang chung sống không phải là cha mẹ ruột của con. Con là một em bé gái Á Châu sống với cha mẹ Úc. Chắc chắn rằng khi đến tuổi trưởng thành, con sẽ thắc mắc về nguồn gốc của mình, cha mẹ mình là ai, tại sao lại mang con đi cho người khác?  Cha mẹ nuôi của con sẽ giải thích như thế nào, bao nhiêu, tùy quyền của họ. Mẹ đã ký giấy ưng thuận lời yêu cầu của cha mẹ nuôi con rằng mẹ sẽ không bao giờ đi tìm con. Tuy nhiên, theo luật pháp quốc gia, khi lớn lên, con có quyền đi tìm mẹ. Vân ơi! Mẹ không biết con sẽ đi tìm mẹ hay không, và mẹ không dám nghĩ đến giây phút ấy. Đến tuổi trưởng thành, con nghĩ gì về người mẹ này, hèn nhát hay can đảm? Duy có một điều là dù con có muốn tìm cha, con sẽ không bao giờ biết cha con là ai, vì trong số những người ấy, chính mẹ cũng không biết ai là tác giả của bào thai này.

Sao hôm nay mẹ tha thiết nhớ đến con, người con gái mẹ không biết mặt? Hôm nay là sinh nhật thứ 21 của con. Đúng 8 giờ 30 phút tối hai mươi mốt năm về trước, con ra đời, và chúng ta từ giã nhau ngay lập tức. Vân ơi! Mẹ nhắc lại để làm gì? Con là một em bé gái, rồi con sẽ có gia đình, sẽ có con cái và con sẽ hiểu rằng dù mẹ không nuôi con, không người mẹ nào quên được giây phút sinh con mình ra đời.

Hôm nay, sinh nhật 21 tuổi của con, mẹ chúc con ngàn hạnh phúc trên đời, ngàn nỗi vui, nhiều ước mơ được thành sự thật. Bước đường của con sẽ trải nhiều hoa, con sẽ bước đi trên ngàn hoa trong tình thương đầy đủ của cha mẹ nuôi người Úc. Con không cần phải nhìn lại quá khứ, cứ hướng về tương lai rực rỡ, rạng ngời mà mẹ tin rằng con sẽ có.

Và nếu có bao giờ chúng ta gặp nhau, và nếu con hỏi mẹ rằng có đặt tên Việt Nam cho con không, mẹ xin trả lời rằng có, mẹ có đặt tên Việt Nam cho con, và tên con là Vân.

 

Đoàn Thu Cúc