Chúng ta hãy lắng nghe lời cầu xin của vua Đa-vít : “Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống” (Thi-thiên 42:1-2), và ước mong không còn một ranh giới nào giữa con cái Chúa chúng ta với linh giới vì linh hồn chúng ta đã bước vào môi trường của nó.

Đứng trên bình diện văn học nghệ thuật, thần thoại là hình thức phôi thai biểu lộ khả năng sáng tác của con người thời xa xưa.

Đứng trên bình diện tâm lý, thần thoại là hình thức phô diễn những ước muốn nồng nhiệt cùng tính chất với những ước muốn đã được thể hiện trong những giấc chiêm bao hay trong cơn mê hoảng của người xa xưa.

Đứng trên bình diện tôn giáo, thần thoại là hình thức khởi đầu về tín ngưỡng của con người xa xưa.

Các nhà nhân chủng học cho rằng con người thời nguyên thủy sống giữa thiên nhiên  với tâm hồn sơ khai, mộc mạc, chưa có tư tưởng về tôn giáo. Song nhìn những hiện tượng tự nhiên hay đặc biệt trong thiên nhiên như cây cối, chim muông đến sấm sét, bão tố. Họ cố gắng tìm hiểu, cắt nghĩa những hiện tượng trong thiên nhiên. Họ sợ hãi, cảm thấy dường như có một năng lực huyền bí nào đó chi phối. Với trí óc thô thiển, với ảo giác, họ hình dung ra những vị thần khổng lồ với hình dạng cổ quái thật khác người. Con người khiếp sợ các vị thần đó. Họ cũng tưởng tượng ra những vị thần đầy quyền năng nhưng lại hiền lành, chất phác, vô tư, luôn tìm cách giúp đỡ con người yếu đuối trong một vũ trụ quá rộng lớn. Con người tỏ cảm tình, thân thiện, và để lòng nhờ cậy các vị thần đó.

Tính chất thần thoại là hoang đường. Thần thoại đã được biến chế thành truyền thuyết đi vào lịch sử. Những nhân vật trong thần thoại được nhân cách hóa. Rồi đến những nhân vật trong lịch sử được tạo truyền thuyết để thần thánh hóa.

Nước Việt Nam ta đã có diễn tiến luẩn quẩn. Đem thần thoại vào lịch sử thành truyền thuyết, gọi truyền thuyết trong lịch sử là thần thoại dật sử hay lịch sử hoang đường để phân biệt với lịch sử thật sự. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta, chúng ta có thần thoại dật sử về tổ tiên dòng giống Việt là Lạc Long Quân với Âu Cơ.

Tục truyền rằng Lạc Long Quân là cháu mấy đời của Thần Nông ở phía bắc núi Ngũ Lĩnh, con của Kinh Dương Vương, vua nước Xích Quỉ. Mẹ của Kinh Dương Vương là con gái thần núi Ngũ Lĩnh, tức là bà Vụ Tiên. Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Hồ Động Đình, là Long Nữ thuộc dòng Rồng. Rồi cuộc phối ngẫu giữa con trai Thần Núi với con gái Thần Nước sinh ra Lạc Long Quân. Con trai mang nhiều tính chất mẹ nên cũng thuộc về giống Rồng nên mới được đặt tên là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sống ở Thủy Phủ.

Đế Lai trị ở phương Bắc, cũng thuộc dòng dõi Thần Nông, có con gái là Âu Cơ. Một ngày kia Lạc Long Quân gặp Âu Cơ, thấy Âu Cơ đẹp bèn đem lòng yêu. Lạc Long Quân bèn biến thành một chàng trai đẹp đẽ hát tỏ tình. Âu Cơ nghe mê mệt đi theo. Lạc Long Quân ăn ở với Âu Cơ, Âu Cơ sinh được một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Âu Cơ sống trong cung điện trên đất. Lạc Long Quân sống trong cung điện duới nước. Hai bên ít khi gặp nhau. Một ngày kia, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ : Ta thuộc giống Rồng, nàng thuộc giống Tiên. Người ưa ở cạn, người thích ở nước, tính tình đôi bên khác nhau, không ở chung với nhau được. Năm mươi con theo tôi xuống biển. Năm mươi con theo mẹ lên núi. Người ta tôn con trưởng theo mẹ lên núi làm vua tức là vua Hùng Vương, Thủy Tổ của dân Việt Nam.

Những nhân vật lịch sử thật sự được pha lẫn truyền thuyết để trở thành thần thánh như trường hợp Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Tục truyền rằng về đời nhà Trần, ở đất Nam Định, có An Sinh Vương phu nhân, chồng là anh vua Trần Nhân Tôn. Một đêm nằm mơ thấy thiên thần tên là Thanh Tiên Đồng Tử được lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế xuống xin đầu thai. Sau đó bà thụ thai. Lúc sinh một trai thì nhà đầy hào quang và có mùi thơm ngào ngạt, và cậu con trai được đặt tên là Trần Quốc Tuấn. Sau này là Hưng Đạo Vương có đền thờ Ngài ở Vạn Kiếp.

Không còn ranh giới rõ rệt giữa thần thoại và truyền thuyết, giữa truyền thuyết với nhân vật lịch sử, giữa nhân vật lịch sử với thần linh.

Chúng ta không thể cắt nghĩa được cái diễn tiến luẩn quẩn này. Nhưng nó đã chứng tỏ sự hiện hữu của linh hồn trong con người. Đó là phần khả năng hướng thượng về linh giới như một bản năng sinh động đòi hỏi nhu cầu cần thiết để thỏa mãn. Đó cũng chứng tỏ mãnh liệt chúng ta có liên hệ tới linh giới. Người trần thế biết mình thuộc về một Đấng Tối Cao trong linh giới. Mặc dầu không biết Đấng đó ra sao, nhưng đã nhân cách hóa, gọi nôm na là Ông Trời. Trời sinh, Trời dưỡng, Trời cho, Trời hành, và đến khi nhắm mắt tắt hơi thì gọi là “về chầu Trời”.

Hầu hết chúng ta bị cuốn theo, mải mê với đời sống vật chất nên đã quên đi phần tâm linh. Rồi có lúc chúng ta bỗng cảm thấy sự trống rỗng trong tâm hồn mà thiết tưởng không có một giá trị vật chất nào có thể làm cho khuây khỏa, vơi bớt sự trống rỗng cô quạnh. Tôi tin rằng đây là những giây phút rất quý báu để chúng ta lượng giá đời sống vật chất quá ngắn ngủi nơi trần gian. Hãy yên lặng, lắng nghe tiếng nấc của linh hồn. Và có lẽ chúng ta cũng thốt lên như nhà thơ Huy Cận :

Tôi đã khóc những đêm gần đến chết   

Thủa trần gian, xin Thượng Đế thương tôi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy lắng nghe lời cầu xin của vua Đa-vít : “Đức Chúa Trời ôi! linh hồn tôi mơ ước Chúa, Như con nai cái thèm khát khe nước. Linh hồn tôi khát khao Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Trời hằng sống” (Thi-thiên 42:1-2), và ước mong không còn một ranh giới nào giữa con cái Chúa chúng ta với linh giới vì linh hồn chúng ta đã bước vào môi trường của nó.