Điều chủ yếu của chân lý là trong quá khứ có thể ấn chứng, hiện tại có thể tin cậy và vị lai có thể ngưỡng vọng. Vì vậy, dưới hình thức nào đi nữa, chân lý và tín ngưỡng (đạo) là nhất trí. Chân lý mà có thể tín ngưỡng thì tín ngưỡng ấy là chân lý. Lời Chúa Jêsus phán : “Ta là đường đi (Đạo), lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6). Chúa Jêsus là “đường đi”, là “chân lý” và “sự sống”. Lời phán trên đã cho chúng ta tin rằng chúng ta đang sống và đang có một tín ngưỡng đích thực.

Khoa học ngày nay đã và đang chiếm được một địa vị ưu thế trong cuộc sống của con người. Và hình như đạo giáo, đạo đức cùng luân lý đang bị khoa học chi phối, lấn áp.

Nghĩ cho cùng, chúng ta đều nhận thức được rằng khoa học và đạo giáo là hai lãnh vực riêng biệt. Khoa học chỉ nhằm tìm hiểu vũ trụ, không hướng tới một khái niệm về con người. Những ai thành tâm nghĩ đến xã hội loài người đều khắc khoải, ưu tư, nền văn minh máy móc ngày nay đã và đang dẫn nhân loại quên lãng khái niệm xâu xa về con người, không quan tâm tới đạo đức, luân lý, chối bỏ thần linh. Đó là mối đe dọa khủng khiếp về sự sống còn của nhân loại. Năm tháng cứ thế lặng lẽ trôi đi, vấn đề phục hồi tâm linh cho nhân loại ngày một cấp bách. Đạo giáo nhận trách nhiệm này.

Đạo giáo chú tâm đến con người, chú tâm đến sự cao cả của con người. Mỗi đạo giáo nhìn con người ở một cách thể riêng biệt để tạo nên một lực lượng tinh thần, đạp đổ mọi dị biệt để gần gũi với nhau, đối đãi nhau trong khoan dung, từ bi và bác ái v.v.

Nhưng trên thực tế, đạo giáo lại là mầm mống chia rẽ, đố kỵ và có khi còn đi đến bạo động nữa. André Malraux, một triết gia Pháp, đã nghi ngờ thiện chí của đạo giáo : “Thử hỏi đạo giáo thực sự  đã tạo ra những điều kiện làm cho con người hiểu biết và khoan dung đối với người khác không ?”. Phải chăng đúng như Jonathan Swift, một nhà luận văn người Ái Nhĩ Lan gốc Anh, đã mỉa mai : “Họ chỉ mới đủ đạo để ghét nhau, chứ chưa đủ đạo để yêu nhau”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta có thể ngạc nhiên vì nội dung lời mỉa mai của Jonathan Swift. Nhưng Kinh Thánh đã cho biết “Các đường lối (lòng tin tưởng) của loài người đều chánh đáng theo mắt họ” (Châm-ngôn 21:2), và con người trong mỗi đạo giáo chỉ nhìn thấy cái lý tưởng cao cả, đẹp đẽ của đạo giáo họ tin tưởng. Giáo chủ của họ khám phá những điều gọi là chân lý. Giáo chủ là chủ nhân của chân lý, họ đem chân lý đồng hóa với chính mình. Trong đạo giáo, với niềm tin chân lý là tuyệt đối, thì làm sao có thể hiểu nổi - việc có nhiều chân lý, nhiều tuyệt đối được đây. Vì thế nếu người đời đang theo một tôn giáo nào đó, thường bỏ qua đi việc tìm hiểu các tôn giáo khác, hoặc với niềm tin vào chân lý tuyệt đối mình đang nắm giữ, thì mọi chân lý khác đều không thể chấp nhận được, họ sẽ phải lên án các chân lý khác là ngụy là tà. Và chỉ cần một số nhỏ trong thành phần lãnh đạo và tín đồ tự nhận có bổn phận, có trách nhiệm bảo vệ chân lý, mặc dầu đó chỉ là cái áo khoác ngoài của những tham vọng vật chất và tinh thần, thì họ phải tìm hết cách diệt cái tà, cái ngụy lý khác. Để cho chân lý của họ được toàn thắng vẻ vang, họ không ngại diệt luôn kẻ không có chân lý như họ. Đó là những cuộc “thánh chiến” trong lịch sử đạo giáo của nhân loại. Thời nay, chúng ta vẫn phải nghe đến thánh chiến của các nhóm Hồi giáo tại vùng Trung Đông.

Phải chăng đạo giáo là đường lối hướng dẫn con người sao cho có lòng khoan dung, là nhìn nhận giá trị đích thực nơi người khác, là đối thoại, sao cho có lòng từ bi để phát triển được mầm mống thiện trong con người, sao cho có bác ái trong hành động. Phải chăng khoan dung, từ bi, bác ái như tiếng kêu của con người, một nỗ lực sáng tạo của con người, dính liền với bản chất của con người, do con người mà có, do con người mà xuất phát, như mời gọi con người vượt thoát khỏi con người ở trần thế. Phải chăng nếu có dính dáng đến Thần Linh thì cũng chỉ lập luận như các hiền triết phái Khắc-kỷ (Stoicism) xưa cho rằng Thần Linh cũng chỉ như những bó đuốc được con người thắp lên hầu có thể kéo mình ra khỏi thân phận con vật. Vậy phải chăng huyền nhiệm lớn lao trong vũ trụ là ở trong mỗi cử chỉ hi sinh bé nhỏ, trong mọi hành động từ bi, can trường và yêu thương.

Khi đàm đạo với bạn hữu về đề tài “Tuổi già và đạo giáo”, rất nhiều thắc mắc đã được nêu lên. Điều mà hầu hết các đạo giáo không giải nghĩa được là tại sao con người lại không chấp nhận, vui thỏa trong thân phận con người hiện hữu, hiện tại như muôn loài vạn vật trong vũ trụ, tại sao thiện chí con người có đó mà năng lực đem thiện trí đến hành động lại thiếu, tại sao con người như một tác phẩm tuyệt vời mà vẫn cần phải được liên tục tu bổ, mà dường như có một năng lực huyền bí nào đó chỉ làm băng hoại cái vật tối linh trong vũ trụ. Bao nhiêu giả thuyết đã được đặt ra như một chân lý. Và hầu hết các đạo giáo đều cảm thấy sự bất lực của con người trong nỗ lực cố gắng vươn lên, nên cầu cứu Thần Linh trợ giúp, nghĩa là tìm một năng lực ở ngoài con người. Và rồi mọi người đi đến kết luận “Như vậy phải có một Thượng Đế, một Đức Chúa Trời, hay một Đấng Tối Cao”. Thế rồi mỗi đạo giáo lại có một hoặc nhiều Đấng Tối Cao do sự hiểu biết hay sự khám phá của con người. Rồi lễ nghi, rồi giáo điều được con người nay thêm mai bớt cho hợp thời, cho dễ ru ngủ và chiều lòng người. Hầu hết các Đạo chỉ lo Giáo - dạy con người ta phải thế này thế nọ để bước vào một hành trình mà mục đích tối thượng lại là được thỏa lòng mọi ước muốn (dục vọng) theo cách thế tục hoặc bước vào một trạng thái sắc sắc không không trong tâm thức.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Bàn đến đạo giáo, chúng ta trực diện một vấn đề thật tế nhị và rất phức tạp. Chắc mỗi chúng ta chấp nhận một lòng khoan dung, là tôn trọng giá trị nơi người khác, là chấp nhận đối thoại. Người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị đã hơn một lần khẳng định cùng bè bạn, người quen, họ hàng khác đạo giáo rằng tôi tôn trọng niềm tin của mọi người, muốn học hỏi hầu có thể thấu triệt được điều mà họ cho là chân lý. Chắc chúng ta không thể theo thế thường mà hiềm khích với những những vị khác đạo giáo vì bất đồng trong niềm tin. Vì con người có thể, có quyền lầm lạc khi chưa tìm ra chân lý đích thực.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã học Lời Chúa trong Kinh Thánh, hoặc qua các bài giảng luận của quý mục sư về chân lý. Chúng ta biết chắc điều chủ yếu của chân lý là trong quá khứ có thể ấn chứng, hiện tại có thể tin cậy và vị lai có thể ngưỡng vọng. Vì vậy, dưới hình thức nào đi nữa, chân lý và tín ngưỡng (đạo) là nhất trí. Chân lý mà có thể tín ngưỡng thì tín ngưỡng ấy là chân lý. Lời Chúa Jêsus phán : “Ta là đường đi (Đạo), lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6). Chúa Jêsus là “đường đi”, là “chân lý” và “sự sống”. Lời phán trên đã cho chúng ta tin rằng chúng ta đang sống và đang có một tín ngưỡng đích thực. Người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị cảm nhận rằng chúng ta sống trong chân lý đích thực, và ước mong chúng ta học và hành Lời Chúa để có một niềm tin đích thực, một đức tin sống.