Tại Úc Châu, các nhà bệnh lý học gần đây cảnh báo cho chính phủ biết khoảng 65% bệnh nhân mắc bệnh tâm trí, vì bất an và lo âu. Nhưng giáo sư bác sĩ y khoa và cũng là bác sĩ tâm thần người Pháp George Dumas, chuyên về bệnh lý tâm thần cân não còn cho biết đa số người trần thế không hoàn toàn quân bình về cân não. Nghĩa là đa số ai cũng bị cái khổ não đeo đuổi trong tâm trí, do sự bất an, không ít thì nhiều, gây ra.

Làm sao người trần thế không cảm thấy bất an, quá một bước bị khổ trí được đây?

Nếu nghĩ đời là bể khổ cũng không phải nghĩ quá. Trên trần thế, đời người, trẻ khổ đàng trẻ, già khổ đằng già.

Lúc trẻ có những cái lo âu hay dẫn đến khổ trí.

Đầu tiên là cuộc sống vợ chồng trẻ đổ vỡ trong thời đại này xẩy đến quá thường, đó quả là một nỗi buồn, một sự bất an, nó kéo đến lúc nào không hay. Chuyện giáo dục con cái, chuyện học hành từ tiểu học đến hết đại học của con cái, công ăn việc làm của con cái tùy thuộc vào sự hòa thuận của bố mẹ, nên cái áp lực này trên các cặp vợ chồng trẻ càng nặng nề thêm. Liên hệ họ hàng lỏng lẻo. Bè bạn hôm nay có, ngày mai có thể chẳng còn nữa, vì hoàn cảnh thay đổi. Trong trạng huống như vậy, chuyện có được một mái ấm gia đình, vợ chồng thương yêu nhau, bố mẹ con cái khỏe mạnh, quả là khó.

Kế đến là công việc làm (job). Đa số những giới trẻ ngày nay bất an vì không có sự bảo đảm cho công ăn việc làm đang có, chứ đùng nói đến tăng chức, tăng lương. Khi mất việc, cái khổ trí đầu tiên là tìm công việc mới. Một ông bạn già của tôi tại Hoa Kỳ viết như sau trong một điện thư gửi cho tôi : “…Tụi trẻ ngày nay ở Mỹ cũng mệt lắm, mất việc là mất xe, mất nhà, mất vợ, mất con, mất sức khỏe thể xác và tinh thần….”. Và có lẽ ở Úc, tinh trạng này có khá hơn chút đỉnh.

Người già thì khổ sở, mệt trí theo kiểu già. Đời già là những ngày tháng dài lê thê, với những lo âu khi nhìn về phía trước, những dịp gặp bè bạn, họ hàng thưa dần, buồn phiền, hiu quạnh, tẻ nhạt và nhất là bệnh tật từ từ kéo đến. Lúc được tin một ông bạn già, một người trong họ ra đi, sự khổ trí càng nặng nề hơn.

Trong đời, nhiều khi tâm trí con người khốn khổ khi thân xác con người được hưởng đủ tiện nghi mà vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Cũng có khi thân xác bị đầy đọa mà tâm trí lại thảnh thơi. Có một hí họa làm tôi nhớ hoài. Họa sĩ vẽ một cặp vợ chồng phương phi, phì nộn ngồi trên một chiếc xe hơi lộng lẫy. Bà vợ mặt mày nhăn nhó nói với chồng :

-Đi cái xe lỗi thời, khổ ơi là khổ, mất mặt với bạn bè, bà con. Khổ ơi là khổ!

Đằng sau chiếc xe hơi có hai vợ chồng nghèo với chiếc xe bò. Người chồng gò lưng kéo, người vợ gập người đẩy, miệng mỉm cười nói với chồng :

-Xe anh mới châm dầu, đẩy nhẹ hều. Sướng ghê!

Người giầu thường khổ trí để giữ tài sản được nguyên vẹn hay gia tăng.

Nhà tỷ phú Ruper Murdoch, người Mỹ gốc Úc phải khổ trí làm việc mỗi ngày 16 giờ, hầu cho tài sản của ông ngày một lớn. Ông nổi danh là một người tài năng, chăm chỉ và biết quản lý tài sản của mình. Hầu như người Úc thường nghĩ một người như vậy thì làm sao có thể bị cái khổ đến gần được. Tiền có, tài có, danh có. “Có tiền mua tiên cũng được” thì vợ đẹp con khôn là chuyện dễ.

Nhưng danh của ông đã bị hoen ố vì một cơ quan truyền thông dưới sự tổng quản lý của ông. Cơ quan này đã nghe lén điện thoại của những nhân vật trong giới nghệ sĩ, điện ảnh, trong hoàng tộc Anh, những nhân vật cao cấp trong chính giới Anh, và nhất là nghe lén điện thoại của một người phụ nữ đáng thương trước khi bà qua đời. Ông bị cảnh sát Anh và Ủy Ban điều tra Nghị Viện Anh thẩm vấn nhiều lần. Ông cũng bị cơ quan FBI thẩm vấn đôi lần. Trong các chương trình TV, người ta đều nhận ra ông lúng túng trong lúc trả lời. Dưới những sức ép quá nặng nề, ông phải từ chức khỏi vị trí giám đốc cơ quan News International, một chuyện làm ông khổ trí không ít.

Ông kết hôn ba lần, và ly dị cũng ba lần. Lần đầu với bà Patricia Booker, có một con trai tên Prudence. Lần thứ nhì với bà Anna Maria Tõrv, một tín đồ Thiên Chúa Giáo ( Kitô Giáo ), có một con gái, hai con trai, Elisabeth, Lachlan, và James. Trong thời gian chung sống với bà Anna Maria, ông đã nhận được giải thưởng cao quý, Knight of the Order of Saint Gregory the Great (KSG) do Đức Giáo Hoàng Pope John Paul II trao tặng, và tạo được một tài sản khổng lồ trên 3 tỷ Úc Kim. Danh có, tiền có. Nhưng sau khi gặp người phụ nữ Trung Quốc Wendi Deng, năm 1999, ông ly dị với bà Anna Maria. Ông đã buộc phải chia tài sản 1.2 tỷ Mỹ Kim cho bà Anna Maria. Chỉ 17 ngày sau khi ly dị bà vợ thứ hai, ông kết hôn với bà Wendi Deng, có thêm hai cô con gái, Grace và Chloe. Nhưng rồi ông lại ly dị với bà Wendi Deng vào năm 2013, và phải chia 1.5 tỷ Mỹ Kim cho bà Wendi. Chuyện vợ con cũng đã làm ông buồn, bất an, khổ trí không ít. Tài sản bị mất quá nửa, ông trở lại với trạng thái độc thân cô đơn.

Tiền tài, danh vọng chắc không phải là yếu tố chính đem con người đến chỗ bình an lâu bền. Người giầu sống với bất an cũng không ít.

Biết bao người giầu có, khổ trí đến nỗi phải tự tử. Chủ hãng phim Kodak, ông vua làm diêm tại Thụy Sĩ, nhà văn nổi tiếng Hoa Kỳ, ông Hemingway, và biết bao chủ ngân hàng, chủ xí nghiệp đã phải tự kết liễu đời mình. Họ là những người khổ trí như Jean Baptiste Henri Lacordaire, một nhà truyền giảng và cũng là một ký giả người Pháp, đã nói : “Họ khốn khổ vì không còn cảm thấy thiếu thốn gì ở đời này”.

Còn một loại khổ trí nữa gây ra bởi sự tư cao tự đại trong con người. Tính tự cao tự đại thúc đẩy ta phải làm thế nào để người đời phải khâm phục hoặc kính trọng. Nên con người khổ trí tìm cách nói huênh hoang để cho ra người thông thái, tập lấy điệu bộ, lời nói cho ra vẻ con nhà sang, để mong thiên hạ hiểu lầm theo ý ta mà trọng vọng ta. Ta cứ khổ trí tưởng mình đang là rốn vũ trụ, thiên hạ đang chú vào ta để quan sát cái hay nơi ta, ta khổ trí vì mầu mè, vì né tránh sự chê bai.

Ta khổ trí vì cứ vọng tưởng làm như ta mới tài, ăn ở như ta mới quý, rồi lại cố bắt chước người này, học lóm người kia chút đỉnh, để rồi có một lúc ta cảm thấy mình chẳng giống ai, ta càng thêm khổ trí. Lão Tử nói : “Chẳng ai kéo cẳng vịt cho dài, chẳng ai thúc cẳng hạc cho ngắn. Tại sao mình không phải là mình”.

Ta khổ trí vì ta không phân biệt được cái gì ta làm chủ, cái gì thuộc về ta và cái gì người ta đem đến cho ta.

Người trần thế trong đó có chúng ta đôi lúc chợt nghĩ đến sinh tử. Có người khổ trí vì không biết làm sao kéo dài thêm đời sống. Ngày xưa, Tần Thủy Hoàng không nề hà làm điều ác độc để mong luyện được thuốc trường sinh bất tử, nhưng rồi cũng không thành và về với cát bụi trong tức tưởi. Một số vị tướng và vài trăm lính cũng bị trôn sống theo vị vua này, để canh lăng tẩm của nhà vua đã chết.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta biết sinh tử không thuộc về ta, nhưng thuộc quyền Đấng Tạo Hóa, thì tội gì khổ trí lo sống sợ chết. Sống chết là lẽ đương nhiên phải chấp nhận, trong đó tâm trí con cái Chúa chúng ta thanh thản cảm nhận : “sống chết trong Chúa đều tốt cả, đều lợi cả” như lời Thánh Phao Lô trong Kinh Thánh : “Vì Đấng Christ là sự sống của tôi, và sự chết là điều ích lợi cho tôi vậy.” (Phi-líp 1:21).

Giầu nghèo không thuộc về ta vĩnh cửu. Vào đời tay trắng, ra đời trắng tay thì tội gì mà khổ trí làm giầu, tránh nghèo. Làm sao khi nghèo mà có được tâm tình như người tiều phu ở Quế Sơn, coi thường cái giàu của thế gian, trong lòng có Chúa, thì quả là phước hạnh.

Một căn nhà lá vách thưa thưa,           Chúa ở cùng tôi thế cũng vừa,

Chớ tưởng cái nghèo đeo cái khổ,       Hỏi ai giầu có sướng chi chưa.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta muốn khỏi khổ trí, hãy cố tập như Thánh Phao-lô : “tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được.” (Phi-líp 4:11-12). Chúng ta phải có tấm lòng nhờ cậy Đấng Tạo Hóa mới mong thoát khỏi khổ trí. “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21).

Vinh nhục cũng chẳng thuộc về ta, mà do người khác tặng cho chúng ta, ném vào chúng ta. Vậy thì tội gì phải khổ trí. Trên bước đường theo Chúa, chúng ta đi theo ánh sáng của Lời Chúa trong Kinh Thánh, chúng ta hãy học lối suy nghĩ của Thánh Phao-lô “Dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu dầu được tiếng tốt” (II Cô-rinh-tô 6:8) chúng ta không quan tâm, vì chúng ta biết “Đức Chúa Trời biết chúng tôi” (II Cô-rinh-tô 5:11). Chúa biết là vui thỏa rồi, còn đâu mà khổ trí nữa.

Ta đôi lúc khổ trí vì ta không thể tin nơi mình nữa. Tâm trí ta bị ám ảnh đủ thứ, bị rối loạn đủ điều. Những ước mơ của tâm hồn tan rã cả. Hình ảnh tương lai tốt đẹp mà ta vẫn ấp ủ trong lòng giờ đây như những bong bóng sà phòng rực rỡ trong khoảng khắc rồi vỡ tan trong không trung. Thôi quay về với mình, với con mắt tự vấn, nhìn những ý tưởng lạc lõng, đào xâu trong tâm tư mà không tìm thấy chỗ nào an bình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Người đang chia xẻ niềm tin với quý anh chị đã ở trong trạng huống này cách đây gần 11 năm. Tại thời điểm đó, tôi đã “nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jêsus” (Giăng 13:25), với lòng tin như lời Kinh Thánh : “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26:3). Từ khổ trí đến ngã bệnh, nhưng sau khi đã tìm về nhà Cha Thiên Thượng, lòng tôi bình an vì “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7).