Trong đời đi học tại Nhật Bản, tôi gặp nhiều vị kiến thức cao, lại có tài giảng dạy, nhưng khi được mời chỉ dẫn cho các sinh viên mới đến trong những môn học căn bản thì các vị này khéo léo trả lời rằng mình đâu có đủ tài để dạy học như một số người khác, “tài sơ đức bạc”. Phải chăng các vị này khiêm nhường ? Tôi tin rằng không phải. Các vị này muốn “né” chuyện mất thì giờ, và cũng chẳng muốn giúp đỡ ai, vì chẳng lợi lộc gì.

Đức khiêm nhường có thể được coi là viên kim cương sáng chói trong mọi đức tính thiện của con người. Đó là đức tính của người có tài có đức thật sự, có lối sống “tự hạ mình xuống” (Phi-líp 2:8), lắng nghe, tìm hiểu tha nhân mình đang chuyện trò, đang làm việc chung, và trong tinh thần “coi người như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3), nếu tha nhân cần một sự giúp đỡ nào đó, người khiêm nhường sẵn sàng giúp đỡ hay dùng lời lẽ nhẹ nhàng để khích lệ tha nhân tiến lên trong sự hiểu biết cao hơn, tiến lên trong cách làm việc để đem đến thành quả tốt hơn cho một mục đích.

Thời xa xưa, đức tính khiêm nhường này được mọi giới trong thiên hạ cố tâm thực hành.

Khi còn đi học, dầu học cao cũng chỉ dám xưng mình là “tiểu sinh”, một anh học trò nhỏ, chớ đâu dám xếp mình vào hạng cử nhân, cao học, phó tiến sĩ, tiến sĩ, bác sĩ.

Làm ăn khá, tậu được ngôi nhà khang trang, đến đâu cũng chỉ dám giới thiệu “tệ xá”, một cái nhà tồi, chứ không dám gắn bảng “Biệt thự” thêm bảng “chó dữ”, như tôi đã thấy ở Hà nôi trước năm 1954, Sài gòn trước năm 1975.

Làm vua thiên hạ cũng xưng là “quả nhân”, là người cô độc cần thần dân giúp đỡ để làm tròn sứ mạng Trời trao. Đến thời Tần Thủy Hoàng mới xưng “Trẫm”, là Ta thay Trời trị thiên hạ.

Ngay các bậc tu hành, đạo sĩ cũng cảm thấy mình chỉ là “bần tăng, bần đạo” chớ đâu phải là “thầy”. Các người hầu việc Chúa tự nhận mình là “đầy tớ” “Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.” (II Cô-rinh-tô 4:5) chớ đâu phải là cha (tôi không hiểu lý do nào khiến các linh mục Kitô giáo (có nghĩa là người dẫn dắt tâm linh) được gọi là Cha).

Thời nay là thời của quảng cáo, thời của phô trương, thời của đề cao, thời của cạnh tranh để sinh tồn, người trần thế không chút ngần ngại gói ghém đức khiêm nhường đặt nó vào một góc kẹt “thật khiêm nhường” trong cuộc sống, để rồi theo thời gian ngày càng mai một.

Nhưng trong buổi con người dần dần quên đức khiêm nhường, Chúa đã đánh thức tôi qua một vị mục sư trẻ tuổi. Mục sư trẻ tuổi Bennedict từ Hoa Kỳ sang Việt Nam để truyền giáo. Khi ông đến nhà tôi, ông ăn mặc khiêm tốn, tay cầm quyển Kinh Thánh tiếng Anh. Sau khi anh tôi giới thiệu với mọi người trong gia đình, Mục sư là giáo sư Anh Ngữ của Hội Việt Mỹ, tốt nghiệp cử nhân khoa học tại Boston University. Chúng tôi hơi ngạc nhiên.Trong câu chuyện sau đó, mục sư Bennedict chỉ chú tâm vào việc nói về Chúa, không hề nhắc tới mình có kiến thức cao về khoa học, mặc dầu anh em tôi hay hỏi ông về các môn học ông đã học, mà chúng tôi tin rằng rất khó. Khoảng 10 phút trước khi từ giã chúng tôi, ông mới ôn tồn tâm tình “Các bạn trẻ ơi, nếu các bạn có một sự bình an trong tâm, và biết mục đích việc học của mình là phục vụ tha nhân, tôi tin rằng các bạn sẽ đạt được kết quả hơn tôi không khó.” Tôi thầm nghĩ : "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến chữ "khiêm nhường” như vị mục sư trẻ này”, một mình ông khiêm nhường thì có thấm vào đâu, chẳng có gì đổi thay! Chẳng thà sống bình thường ở Hoa Kỳ có hơn không, lương bổng cao, nhà cửa như dinh thự. Qua đây nào là phải đề phòng nguy hiểm của khủng bố, đồ ăn, nhà ở chật hẹp. Nhưng sau khi theo Chúa, tôi mới nhận ra rằng đức khiêm nhường cùng làm công việc nhà Chúa nhiệt tình (“nơi nào có sự khổ đau, nơi nào có sự nghèo khó, nơi đó có người của Chúa đến”) của vị MS trẻ tuổi này đã thay đổi niềm suy tư của rất nhiều thanh niên sống trong một thế giới đầy kiêu ngạo, trong đó có người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị.

Người trần thế thường nghĩ phải khôn ngoan “gặp thời thế, thế thời phải thế”. Nếu trong tâm còn chút khiêm nhường nào, họ chỉ chờ một sự việc xẩy ra cho thấy đó là tự ti, là hèn yếu, ngay tức khắc họ sẽ loại bỏ đức khiêm nhường, để kiêu ngạo sống trong tâm. Nhưng người xưa đã nói : “Khuất kỳ giả năng xử chúng, hiếu thắng tất ngộ địch”, có nghỉa là

          Nhún mình dễ xử với người

          Hiếu thắng gặp kẻ đối nghịch       Cảnh Hàng Lục

Càng sống kiêu ngạo, chúng ta càng phải đối đầu với nhiều người chống đối. Làm sao chúng ta có được mục đích tốt lành khi kiêu ngạo, chứ đừng nghĩ tới đạt được mục đích đó hay không lúc có nhiều kẻ địch.

Hiệu năng tốt đẹp của đức khiêm nhường ngàn đời không đổi. Đức khiêm nhường không cho phép chúng ta khoe khoang, phô trương để thiên hạ “nể”, nhưng cho phép chúng ta chứng tỏ khả năng trong khiêm tốn, để chúng ta được chấp nhận làm việc giúp người. Người khiêm nhường hầu hết là người tài ba, đạo đức thật sự, nhưng lúc nào cũng cảm nhận mình chỉ là một người, một người ở giữa mọi người cùng tình đồng loại, và đức khiêm nhường là cái gì tự nhiên, tiềm ẩn trong tâm. Người khiêm nhường hầu hết là người có tấm lòng yêu thương, là người biết hạ mình xuống bằng người đối diện để thông cảm với họ, hiểu thấu họ, làm việc với họ, khích lệ họ để họ lên bằng mình. Biết bao nhà truyền giáo đã chấp nhận có một đời sống như “người bán khai, người mọi” để đem ánh sáng văn minh, ánh sáng của “Tin Lành Cứu Rỗi” đến những dân tộc ở tận những nơi hẻo lánh xa xôi, rừng sâu nước độc ở Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ La Tin.

Chúng ta khiêm nhường để được gì nhỉ ? Rất có thể bị thiên hạ coi thường lúc đầu, nhưng về lâu về dài tôi tin rằng sự coi thường sẽ biến đi, thay vào đó là sự kính trọng. Người hiểu biết kính phục, người đạo đức vui mừng khi nhỉn thấy đức khiêm nhường trong chúng ta, và chắc chắn là “ Đức Chúa Trời …. ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gia-cơ 4:6).

Chúng ta khiêm nhường là chúng ta đang đi theo đường lối của Đức Chúa Jêsus, “ Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:6-8).

Chúng ta khiêm nhường là chúng ta đã theo được một chân lý mà Kinh Thánh đã dạy “….sự khiêm nhượng đi trước sự tôn trọng.” (Châm-ngôn 15:33). Chân lý này đã được chính Chúa Jêsus xác nhận “ kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.” (Ma-thi-ơ 23:12).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Vì Đức Chúa Trời ban phước cho người khiêm nhường, người chung quanh kính nể, nên chúng ta hãy học tập đức khiêm nhường, và dùng khiêm nhường trong việc giúp tha nhân. Càng tập càng thuần thục, đức khiêm nhường chân thật, tự nhiên sẽ tiềm ẩn trong tâm. Hãy cố nhận định khiêm nhường thật và đừng để rơi vào tình trạng “giả đò khiêm nhượng” (Cô-lô-se 2:18). Mỗi lần gặp một trường hợp khó khiêm nhường, tôi hay nhớ lại Lời Chúa nhắc nhở tôi hãy học đức khiêm nhường từ Ngài “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta” (Ma-thi-ơ 11:29), và với ước mong tìm được một phần nhỏ “tâm tình như Đấng Christ đã có” (Phi-líp 2:5) trong con người mình, tôi đã thoát được cảnh “khó khiêm nhường”.

Khi con cái Chúa chúng ta nhận việc từ Hội Thánh, hãy “hầu việc Chúa cách khiêm nhường” (Công-vụ các sứ-đồ 20:19).

Con cái Chúa chúng ta cùng nhau học sự khiêm nhường nơi Đức Chúa Jêsus, cho tới khi đức khiêm nhường trở nên bản tánh, bản năng của chúng ta, và tự nhiên chúng ta phát lộ ra “nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục,…. nhường nhịn... tha thứ … yêu thương…..” (Cô-lô-se 3:12-14) như những bông hoa  đẹp cho trần thế.