Trong trần thế, người chê người đâu cũng có, người nước này chê người nước kia, người cùng nước khác vùng cũng có chuyện chê nhau, người cùng vùng cũng có chuyện chê nhau, họ hàng cũng có chuyện chê nhau, và ngay cả trong đại gia đình cũng có chuyện chê nhau. Gẫm lại mới thấy, người bị đời cho là ngu thế nào đi nữa, cũng một lần được người ngu hơn mình khen, một người tài giỏi khôn ngoan đến đâu vẫn bị người khôn, kẻ ngu, người tài, kẻ dở chê. Hễ không giống người, không hòa hợp hình sắc với người, không đồng tư tưởng, thế lợi với người là bị người chê rồi. Người bị chê thoạt tiên thường có tâm tình :

        Ở sao cho vừa lòng người

       Ở rộng người cười, ở hẹp người chê

       Cao chê ngỏng, thấp chê lùn

       Béo chê béo trục béo tròn

       Gầy chê xương sống xuơng sườn phơi ra                                      

Rồi sau đó thường cảm thấy khó chịu, tức tối hoặc nổi giận. Chúng ta đã tự ái mà quên tự hào. Nếu chúng ta năng động, bị chê một vài lần, thì chúng ta có thể tự hào rằng công việc chúng ta hoàn tất hầu hết tốt hoặc phần lớn đáng khen. Nếu thấy bị chê đúng điểm nào, chúng ta phải có sự sáng suốt để sửa chữa. Bỏ qua lời chê “đúng” của người đời, đôi khi chúng ta sẽ phải trực diện với lời chê nặng nề, không còn thể diện gì nữa. Cụ cử Nhu làm sơ khảo trường Nam, bị nhiều thí sinh chê là kém tài. Mặc cho những lời chê bai, cụ vẫn tự hào với cái tít “cụ cử” của mình, đánh rớt nhiều thí sinh có tài, trong đó có Tú Xương. Kết quả cụ cử Nhu đã bị Tú Xương chê độc địa qua một bài thơ có hai câu sau:

       Sơ khảo trường Nam bác cử Nhu,

      Thực là vừa dốt lại vừa ngu,

Có những loại chê để “bôi bác” người khác mình, chê cho “sướng miệng”. Lão Tử, nhà đại triết học đởi Chu bị học giả Lâm Ngữ Đường chê trong cuốn sách Importance De La Vie : Lao Tsen est un sacré idiot – Lão Tử là một kẻ ngu dốt. Lâm Ngữ Đường chê Lão Tử ngu vì không biết thụ hưởng cuộc đời. Không biết có sách nào chê Lâm Ngữ Đường ngu khi chê Lão Từ ngu không, nhưng nếu có chắc chẳng ai ngạc nhiên. Lâm Ngữ Đường chê cho “sướng miệng”.

Chúa Jesus đã được Đức Chúa Trời khen rằng : “Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Thế mà Ngài vẫn bị người Pha-ra-si chê. Chúa Jesus cũng nghe, sau đó Ngài phán : “Vì Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống, bạn bè với người thâu thuế cùng kẻ xấu nết” (Ma-thi-ơ 11:18-19). Người Pha-ra-si đã cố ý “bôi bác” hình ảnh, việc làm của Chúa Jêsus, họ chẳng hề muốn tìm hiểu gì về Chúa Jesus và mục đích công việc của Ngài tại thế.

Khen chê là chuyện thường tình trong thiên hạ. Đừng chấp nhận lời khen, cũng như khước từ lời chê một cách vội vã. Phải hiểu mình và phải dày công luyện tập để đáp ứng với lời khen chê.

Ai khen ta đúng là thầy ta, là bạn ta. Chỉ những lời khen đúng mới có giá trị làm cho ta phấn khởi, vui mừng. Ai khen ta sai thì coi chừng là người “phỉnh nịnh, tâng bốc” ta, hoặc người khen là người đang muốn điều gì đó không ngay thẳng từ ta.

Ai chê ta đúng cũng là thầy ta, là bạn ta. Chỉ có tiếng chê đúng mới làm ta thức tỉnh tìm đường tu chính. Ai chê ta sai, vô căn cứ, thì lời chê của người đó không thề có một vị trí nào trong suy tư, trong tâm hồn và trong cảm xúc của ta.

Một hôm có người nói với nhà soạn kịch nổi tiếng của Pháp, Tristan Bernard “Hôm rồi tôi đi xem vở kịch của ông. Dở quá”. Bernard mỉm cười trả lời “Tôi có thể đồng ý với ông là vở kịch ấy tệ lắm. Nhưng chỉ có ý kiến của ông và ý kiến của tôi chê vở kịch ấy thì làm sao chống lại ý kiến của hàng ngàn khán giả khác khen ngợi”.

Tiếp nhận lời chê như Bernard quả thật cao cường. Chẳng cần vặn hỏi, chẳng cần tự biện, chẳng cần nói một lời chê người chê mình.

Phần lớn lời chê phát xuất từ lòng ganh ghét, đố kỵ hoặc làm khôn. Nên lời chê phải ác độc, phải cay đắng mới hạ nhục, mới làm giảm giá trị đối tượng được. Đối với những lời chê ấy, chúng ta nên có thái độ như “phủi những vết bụi vô tình có trên áo quần và quên đi, không bận tâm tới nữa”.

Lời chê phát xuất từ lòng yêu thương chân thật là “thuốc đắng giã tật”. Chúng ta cố gắng chấp nhận một cách trung thực và sửa chữa những sai lầm. Nhân vô thập toàn. Dầu là bậc thánh nhân vẫn có chỗ đáng chê trách cần phải sửa chữa. Các môn đệ đầu tiên của Chúa Jêsus đã bị Chúa chê. Chúa chê Giăng và Gia-cơ hách sì sằng : “Gia-cơ và Giăng là môn đồ Ngài, thấy vậy, nói rằng: Thưa Chúa, Chúa có muốn chúng tôi khiến lửa từ trên trời xuống thiêu họ chăng?” (Lu-ca 9:54), Chúa chê Phi-e-rơ ít đức tin : “Tức thì Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người, mà nói rằng: Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” (Ma-thi-ơ 14:31). Phi-e-rơ cũng bị Chúa chê là người làm gương xấu “Nhưng Ngài xây mặt lại mà phán cùng Phi-e-rơ rằng: Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.” (Ma-thi-ơ 16:23). Chúa chê Thô-ma đa nghi “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến ta; vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi” (Giăng 20:17). Sứ đồ Phao-lô cũng chê sứ đồ Phi-e-rơ không minh bạch “Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa?” (Ga-la-ti 2:11-140).

Chê để giúp người cần sự hiểu người trong một tấm lòng rộng mở và yêu thương. Đó là một nghệ thuật làm sao cho người bị chê chỉ bị tổn thương nhẹ và vui lòng sửa chữa lầm lỗi mình.

Một vị bác sĩ hỏi bệnh nhân về kết quả cũa những điều ông đã dặn để giúp cho việc chữa bệnh. Sau khi nghe xong ông từ tốn nói : “Ông đã cồ gắng và còn có sáng kiến. Nhưng ông cố gắng ở những điều đơn giản dễ làm và có sáng kiến để né những gì khó mà ông không thích làm,  rất cần cho việc cải thiện sức khỏe. Và điều tôi nhìn thấy là ông rất muốn chữa bệnh của mình ”. Bệnh nhân buồn bã đứng dạy, chào bác sĩ và hứa sẽ làm theo lời bác sĩ dặn.

Án Tử chê vua Cảnh Công mới khéo làm sao. Vua Cảnh Công có một con ngựa quý giao cho một người chăn nuôi. Một hôm con ngựa lăn ra chết. Vua giận lắm truyền giết người nuôi ngựa. Án Tử tâu rằng :

Tên phạm này chưa biết rõ tội mà đã chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Thần xin vì Bệ Hạ mà kể rõ tội nó.

Vua Cảnh Công gật đầu ưng thuận. Án Tử bèn kề tội :

Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa quý của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ nghe biết, ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua. Ngươi lám chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết. Ngươi đã biết chưa?.

Vua Cảnh Công nghe nói, ngậm ngùi than rằng :

Thôi tha cho nó kẻo ta mang tiếng bất nhân.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Để lời chê có hiệu quả tốt và đem lại lợi ích cho người, tôi tin rằng chúng ta, con cái Chúa, nên áp dụng một vài nguyên tắc đã được Kinh Thánh nêu ra :

-Chúng ta phải có tấm lòng rộng mở yêu thương thành thật, và  “lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1).

-Làm sao để “Lời nói phải thì” (Châm-ngôn 25:11), có nghĩa là “khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29).

-Rồi “khuyên lơn, yên ủi, và nài xin anh em ăn ở một cách xứng đáng với Đức Chúa Trời, là Đấng gọi anh em đến nước Ngài và sự vinh hiển Ngài” (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:22).

-Với ước vọng, hầu cho “anh em nên thánh trọn vẹn, và nguyền xin tâm thần, linh hồn, và thân thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta đến” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23).

Người càng hiểu biết càng ít chê người. Nhìn một con chim bay thấp, làm sao chê nó bay thấp khi thấy rõ nó chỉ là con chim sẻ, không phải một con diều hâu. Nhìn con chim diều hâu đậu mà không bay, làm sao chê nó được. Tội nghiệp nó, người ta buộc giây vào chân nó, bắt nó đứng làm cảnh.

Người càng hiểu biết thường tự kiểm thảo, nhận ra khuyết điểm của mình, chê mình, và tìm đến gần “chân, thiện, mỹ” hơn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nếu chê một người nào đó, hãy nói với một tấm lòng rộng mở và yêu thương, đề cho người bị chê chỉ bị tổn thương nhẹ và vui lòng sửa chữa lầm lỗi mình.

Lời Thánh Kinh khác nào cái gương cho ta thấy lỗi lầm mình “Vì, nếu có kẻ nghe lời mà không làm theo thì khác nào người soi mặt mình trong gương (để người đó thấy được những sai trái)” (Gia-cơ 1:23) . Phải, “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16).

Củng nhau, chúng ta “đọc, học, suy gẫm” Lời Chúa trong Kinh Thánh để thấy cái sai của mình (bị Kinh Thánh chê), cũng như thấy con đường đi đến gần Chúa, Đấng Chân Thiện Mỹ.

Đinh Quốc Tuấn