Trong đời sống hàng ngày, người trần thế ganh ghét nhau là chuyện xẩy ra như cơm bữa. Hậu quả của lòng ganh ghét thường đem tư cách của người đó xuống hàng thấp kém, dẫn đến một kết cuộc tai hại. Đôi khi người ganh ghét nhận ra được mình đang suy nghĩ và hành động sai đường vì một nguyên nhân nào đó, rồi sửa sai, thì quả là một phước hạnh lớn cho người đó.

Trong thời Đông Chu Liệt Quốc, Lạn Tương Như và Liêm Pha đều là quan nước Triệu. Lạn Tương Như sau khi đi sứ hai lần thành công được vua Triệu phong làm thượng tướng. Liêm Pha một tay vũ dũng, điều binh khiển tướng như thần, làm cho các chư hầu đều sợ. Vua Triệu phong cho làm tướng quốc.

Liêm Pha coi thường Lạn Tương Như, kẻ chỉ nhờ ba tấc lưỡi mà nên danh phận, lại được thứ vị cao hơn. Liêm Pha ghét lắm và hăm he gặp Lạn Tương Như đâu là giết ngay.

Lạn Tương Như nghe như vậy bèn tránh vào chầu vua để khỏi giáp mặt Liêm Pha. Một hôm Lạn Tương Như ra đường, gặp đoàn tiền đạo của Liêm Pha, Lạn Tương Như bảo xa nhân đánh xe vào ngõ hẻm chờ Liêm Pha qua khỏi mới đi. Bọn xa nhân thấy vậy tức giận thưa với Lạn Tương Như :

- Chúng tôi theo Ngái vì coi Ngài là bậc trượng phu, thế mà Liêm Pha mới dọa một câu mà Ngài không dám vào triều, mà lại còn tránh mặt cả ngoài đường. Chúng tôi xấu hổ thay cho Ngài và không muốn theo hầu Ngài nữa.

Lạn Tương Như buồn rầu đáp :

- Ta tránh Liêm Pha là có duyên cớ. Các ngươi xem Liêm Pha có uy lực bằng vua Tần không ?

- Không bằng.

- Uy lực của vua Tần không ai dám chống, thế mà ta dám mắng vua Tần. Ta đâu hèn hay sợ Liêm Pha. Nhưng ta nghĩ : nuớc Tần sợ nước Triệu không dám đánh, vì nước Triệu có ta và Liêm Pha. Nếu ta cùng Liêm Pha xung đột, ghét nhau, hại nhau, thì chắc Tần sẽ đánh Triệu. Ta xem việc nước là trọng.

Liêm Pha nghe được lời trên vội đến Lạn Tương Như quỳ gối cúi đầu tạ tội :

- Bỉ nhân hẹp hòi, không hiểu được lượng khoan hồng của Thượng tướng. Bỉ nhân dầu chết cũng chưa đáng tội.

Lạn Tương Như đỡ Liêm Pha dậy và nói :

- Hai ta cùng phò chung xã tắc. Tướng quân hiểu lòng nhau như thế là một ân huệ đối với tôi rồi.

Sau đó Lạn Tương Như và Liêm Pha kết nguyền sanh tử có nhau.

Liêm Pha ganh ghét Lạn Tương Như vì nghĩ hai người cùng làm chung một việc phò xã tắc, mà thấy Lạn Tương Như được vua Triệu tiến cử hơn mình. Lạn Tương Như không ghét Liêm Pha, chỉ vì chỉ vì nghĩ hai người theo đuổi cùng một mục đích, phò xã tắc. Xưa nay vẫn thế, hai người làm chung một việc thường ganh ghét, nhưng hai người theo đuổi cùng một mục đích thường yêu thương hỗ trợ nhau. Ganh nẩy sinh ra ghét.

Kinh Thánh có ghi lại chuyện vua Sau-lơ ganh với Đa-vít như sau. Vua Sau-lơ đối diện với tướng khổng lồ Gô-li-át trong hàng ngũ quân thù Phi-li-tin, cúi đầu, hổ nhục nghe lời thách thức cao ngạo của Gô-li-át. Đa-vít, chàng trai trẻ anh dũng thề quyết diệt Gô-li-át, rửa nhục cho một dân tộc đã được Đức Chúa Trời chọn làm tuyển dân của Ngài, và nhất là lảm sáng danh Chúa. Vua Sau-lơ chắc thở phào mừng rỡ  “Sau-lơ lấy áo chiến mình mặc cho Đa-vít, đội cái mão đồng lên đầu người, và mặc áo giáp cho người. Đa-vít đeo gươm của Sau-lơ ở trên áo chiến”  (I Sa-mu-ên 17:38-39). Vua Sau-lơ yêu thương Đa-vít, võ trang cho Đa-vít với chính khí giới của mình. Thương nhau, giúp nhau, bổ khuyết cho nhau chỉ vì cùng có chung một mục đích, đó là “chiến thắng Gô-li-át, chiến thắng quân Phi-li-tin, giải cứu dân tộc”.

Đa-vít đã thắng Gô-li-át, không bằng võ khí của vua Sau-lơ, song bằng Thần-quyền của Đức Chúa Trời cùng với sở trường của chàng. Chàng : “trở về cùng đạo binh, thì những người nữ của các thành Y-sơ-ra-ên đi ra đón Sau-lơ, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng. Những người múa đối đáp nhau rằng: Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn! Sau-lơ lấy làm giận lắm, và các lời nầy không đẹp lòng người. Người nói: Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi! Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận” (I Sa-mu-ên 18:6-9).

Sau khi đã chiến thắng quân Phi-li-tin, vua Sau-lơ bắt đầu nghĩ đến bảo vệ ngôi vua của mình, và lòng ganh ghét bộc phát, sự tức giận ăn vào tâm của vua Sau-lơ, và vua Sau-lơ đã quên đi ngay cả ý chỉ của Đức Chúa Trời.

Trong trần thế, ở rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả nước Việt Nam ta, khi quân dân đã nhất trí vùng lên đánh đưổi ngoại xâm, lật đổ chế độ hà khắc xong, thì ngay sau đó là chỉnh lý, thanh lọc hàng ngũ dưới danh nghĩa “để đoàn kết, thống nhất ý chí”. Mục đích đã đạt, “nghề của người lãnh đạo trong các phe phái” giở ra. Nghề yêu nước, nghề lãnh tụ. Với những người cùng nghề thì ganh ghét phải bộc phát.

Đời đã vậy, đạo nhiều lúc cũng chẳng hơn gì, người theo Chúa cũng đôi khi vấp phạm. Trong thời Chúa Jêsus,càc sứ đồ được Chúa : “sai đi rao giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh” (Lu-ca 9:2). Trong khi các sứ đồ thi hành sứ mạng Chúa trao, họ đã gặp người làm cùng một việc, nhưng không cùng nhóm các sứ đồ theo Chúa nên thưa với Chúa “Giăng cất tiếng nói rằng: Thưa thầy, chúng tôi từng thấy có kẻ nhân danh thầy mà trừ quỉ; chúng tôi đã cấm họ, vì không cùng chúng tôi theo thầy.” (Lu-ca 4:49), “Nhưng Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đừng cấm họ, vì ai không nghịch cùng các ngươi, là thuận với các ngươi.” (Lu-ca 4:50).

Trong thời các sứ đồ cũng vậy, : “Thật có một đôi người vì lòng ganh tị và cãi lẫy mà rao truyền Đấng Christ, nhưng cũng có kẻ lấy ý tốt mà rao truyền. Những người nầy làm bởi lòng yêu mến,……. Còn những người kia, vì ý phe đãng xui giục, có lòng rao truyền Đấng Christ cách không ngay thật, tưởng thêm khổ não cho sự xiềng xích tôi. Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đang mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa.” (Phi-líp 1:15-18).

Thánh Phao-lô đã làm gương cho quý mục sư và con cái Chúa chúng ta, rằng ông không làm “nghề mục sư”, không làm “nghề linh mục”, không làm “nghề thừa sai”, không làm “nghề giảng đạo”, nên không ganh ghét, nên Thánh Phao-lô có ý tưởng : “Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đang mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa.”.

Trong trần thế, hễ không cùng một hệ phái thì tốt mười mươi cũng cho là xấu. hễ không cùng một lập trường thì cố tình đả phá, gièm chê. Con gà ghét nhau tiếng gáy. Người trần thế đành phải chấp nhận cái thường tình “hơn người, người ghét, kém người, người khinh”, nên nhiều người thà chịu ghét hơn bị khinh. Cứ nhìn vào lối hành xử của các vị lãnh đạo tại những quốc gia có chế độ độc tài, tại những quốc kém mở mang, khi nắm quyền lực trong tay là tức khắc triệt hạ ngay đối thủ, để diệt trừ hậu hoạn, để không còn có chuyện “bị ganh ghét” nữa.

Khi nhìn thấy hai người trong Chúa ganh ghét nhau dưới hình thức “bất đồng ý kiến” trong lúc hầu việc Chúa, lòng tôi không khỏi băn khoăn, thắc mắc. Còn buồn hơn nữa là khi thấy nội dung bài giảng luận về một đề tài đề tài nào đó như “Ân tứ nói tiếng lạ” hay “Ân tứ chữa bệnh” của vị mục sư Hội Thánh bạn có nội dung không đúng như Thánh Kinh muốn dạy chúng ta. Khi tôi nêu vấn đề này với một con cái Chúa của Hội Thánh bạn, thì anh chỉ mỉm cười và trả lời : “Chắc ông không ưa mục sư của Hội Thánh tôi rồi”. Tôi cảm thấy một nỗi khắc khoải, vì tin rằng không có chuyện ưa hay ganh ghét vì con cái Chúa đang theo đuổi cùng một mục đích. Tôi chỉ biết cầu nguyện để quý vị trưởng lão của Hội Thánh bạn có dịp kiểm điểm lại nội dung bài giảng của Hội Thánh mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Vì chúng ta cùng có chung một mục đích như Chúa chúng ta : “tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:10), nên tôi tin rằng chúng ta không ganh ghét nhau theo kiểu người trần thế, lòng chúng ta luôn luôn “mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa.”, vì chúng ta có mục đích chung, đó là Lời “Đấng Christ cũng được rao truyền”.

 

Chúng ta đang làm việc trong và bởi một mục đích, nên chúng ta phải có sự kết hợp, yêu thương, hỗ trợ thực sự. Bóng dáng ganh ghét chắc chắn không có trong tâm chúng ta. Tinh thần Cơ-đốc trong cộng đồng con cái Chúa là tinh thần liên kết, hỗ trợ, tương đồng mật thiết trong một cơ thể. Mỗi con cái Chúa là một phần của cơ thể mầu nhiệm của Chúa. Kinh Thánh dạy rằng : “trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác cùng vui mừng. Vả, anh em là thân của Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 12:25-27).  Tinh thần Cơ-đốc là giúp kẻ kém mình và vui với người hơn mình. Tinh thần Cơ-đốc là tinh thần thách thức con cái Chúa chúng ta hành xử đúng theo lời Chúa dạy, ngược với suy nghĩ của trần thế.  Nhiều lúc chúng ta bị lôi kéo vào “thế sự thường tình”, ganh ghét nhau. Xin chúng ta hãy nhớ lời Kinh Thánh khuyên dạy : “Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng” (Ê-phê-sô 4:31). Làm sao bỏ được ? Xin thưa, chỉ cần bật ngọn đèn tinh thần Cơ-đốc là đủ hiệu năng xua đuổi bóng đêm cay đắng. Và chắc chắn không còn bóng dáng ganh ghét lẩn quẩn gần chúng ta.