Trong chuyện ngắn “Người ta sống bằng gì” do Léon Tolstoi viết, tác giả đã nhận định : Con người có tình yêu; con người không nhận thức và hiểu biết được những nhu cầu cho thân xác mình, và người ta không sống vì những nhu cầu của thân xác mà sống vì tình yêu.

Biết thế, chúng ta mới cảm thương dân mình bội phần. Dân tộc mình sau tháng 4 năm 1975, đa số những người ở trong nước gia đình tôi quen biết, vì nhu cầu của thân xác dưới áp lực của ý thức hệ, đã cạn kiệt tình yêu. Người nghi kỵ người, người lừa người, anh em cũng lừa nhau, vì vật chất, vì miếng cơm manh áo, thiếu lòng tin nhau, thiếu lòng thương xót nhau.

Những người chạy ra được nước ngoài, hay tìm đến nhau, mới đầu để nương tựa nhau, giúp đỡ lẫn nhau vì tình đồng bào. Một thời gian sau, những ngưòi có lòng với quê hương, thỉnh thoảng khi có dịp, cho người cùng quê hương nghe hay đọc lại những tội ác của chính quyền trong nước. Người muốn về thăm họ hàng ở quê nhà không muốn bị dính lứu tới các phong trào chính trị, né tránh. Người làm ăn với Việt Nam né tránh và im lặng hoặc nói ngược lại, gây cãi vã, nghi kỵ. Kết quả sau bao năm, người Việt ở hải ngoại không còn khắng khít với nhau, cũng chẳng thương xót gì nhau thật sự. Tình thương yêu “người cùng nước” hầu như chì còn trong ký ức, trừ những cộng đồng tôn giáo nhỏ bé.

Một người Úc gốc Đại Hàn đã có lần tâm tình với tôi, dân Đại Hàn và dân Bắc Triều Tiên vào thập niên “50”, nhất là vào năm 1953, sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, cũng có một tình trạng với dân Việt Nam sau năm 1975, bị phân hóa, nghi kỵ nhau, không lòng thương xót nhau. Ông kể cho tôi nghe những đau đớn của ông trong thời gian tuổi 15. Thời gian này đạo Chúa bắt đầu đi xâu vào quần chúng Đại Hàn.

 Trong lúc ông hoàn toàn tuyệt vọng vì không biết ngày mai đời ông sẽ đi về đâu, thoạt tiên ông tìm đến họ hàng thân thuộc, Nhưng gia đình nào cũng chỉ lặng lẽ, lắc đầu không giúp gì được, vì cuộc sống của họ cũng lao đao. Ông xin thuê một chỗ chỉ đề ngủ, để có thể đi làm gần hơn và đỡ mệt nhọc, họ hàng cũng lắc đầu vì nhà chật hẹp. Cuối cùng, ông quyết định tìm đến những nơi thuộc thế giới tâm linh, nơi có vị thiêng liêng hoặc tín đồ tốt nào đó đầy lòng bác ái, để mong xin được sự thương xót và sự giúp đỡ hầu “cầm hơi mà sống tiếp”. Nào cửa nhà Phật từ bi, nào nhà thờ Chúa chí nhân đề được no nê trong tình yêu.

Thoạt tiên cậu thiếu niên tìm đến vài ngôi chùa và gặp được ngay những vị “đại diện” cho Phật. Sau một vài lần được gặp và thố lộ tâm can với các vị, cậu thiếu niên không thấy những vị này để lộ một sự quan tâm đặc biệt nào ngoài ít lời an ủi. Ở những ngày sau đó, với tâm tình phải kiên nhẫn tìm kiếm tình thương, cậu thiếu niên vẫn viếng thăm chùa này, chùa nọ. Nhưng vô tình, cậu còn phải chứng kiến thấy quý vị này cũng chấp ngã, sân si, không giữ được giới luật, không lục hòa. Trong những con người như vậy, làm sao mà có lòng từ bi chân thật đây? Và cậu thiếu niên nghĩ nếu tiếp tực đến những nơi đó, chắc cậu chỉ nhìn thấy ngón tay của những vị này chỉ lên tượng Phật trên bàn thờ và nói “hãy cầu khấn đi”. Thế là xong.

Cậu thiếu niên bèn tìm đến các vị đại diện cho Chúa người Đại Hàn. Nhưng cậu cũng nhận ra ngay những vị này cũng còn nặng nợ trần gian, cậu nhìn thấy và được nghe quý vị kể chuyện “khổ” trên đường phục vụ Chúa và tha nhân, trong thời gian chiến tranh vừa qua. Các con cái Chúa cũng cùng một hoàn cảnh như họ hàng cậu. Hy vọng nhận được sự giúp đỡ nào đó trong tình yêu thương chỉ là ảo ảnh.

Cậu thiếu niên tiếp tục sống trong cảnh khổ, ngày ngày làm nghề rửa chén đĩa từ buổi trưa cho đến khuya cho một nhà hàng khá lớn, cậu muốn đi học cũng không có giờ và tiền. Và một đêm trong lúc quá mệt mỏi và tuyệt vọng, cậu thiếu niên buột miệng cầu xin “ Xin Trời thương xót con” trong nước mắt. Mấy hôm sau, một buổi sáng, cậu vừa ra khỏi nhà trọ nghèo nàn, cậu bị một chiếc xe máy đụng. Cậu bị thương, máu me đầy mặt. Theo câu chuyện ông Đại Hàn, tôi tin rằng từ thời điểm đó, lời cầu xin của cậu đã được Chúa trả lời. Cậu đã được một vị mục sư người Hoa Kỳ giúp đỡ, đem đến bệnh viện, chi phí ông trả cho cậu, và sau khi thương tích đã lành, vị mục sư này kiếm cho cậu một công việc, cần ít giờ nhưng đủ tiền sống để đi học thêm, trong một câu lạc bộ của sỹ quan quân đội Hoa Kỳ. Sau nửa năm vừa đi học chữ vừa học hỏi và tìm hiểu Kinh Thánh, cậu thiếu niên tin nhận Chúa.

Sáu mươi năm sau, tại đất Úc cậu thiếu niên ngày nào đã trở thành một ông già hồi hưu, với bằng tiến sĩ kinh tế, nhà cửa khiêm tốn và một số tiền hưu liễm khá lớn. Tôi cũng được biết ông đã vá đang thữc thi những gì Đức Thánh Linh dạy, đó là : “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).  Hàng năm ông gửi tặng những nơi nuôi trẻ em mồ côi, tàn tật tại các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam. Đời sống vật chất của hai vợ chồng ông rất khiêm tốn. Cám ơn Chúa, Ngài đã lại một lần nữa cho tôi gặp được một con cái Chúa đầy lòng yêu thương và nhân từ. Ông đã và đang đem tình thương yêu của Ngài đến các em bé tàn tật thiếu may mắn, cũng như ông hay nói : “Tôi đã nhận tất cả từ Chúa, và bây giờ trong tình yêu thương của Ngài, tôi tặng lại từ từ số tiền đó cho những em thiếu nhi, thiếu niên kém may mắn”. Ông đã tìm được niềm tin qua tình yêu thương của Chúa từ vị mục sư người Hoa Kỳ, ông đã trở nên một con cái Chúa có niềm tin đích thực và hành đông theo đức tin.

Trong những ngày tháng theo Chúa, tôi cũng đã gặp một vài vị cao niên, trình độ học vấn cao, nhận biết rất nhanh những điểm không “Thánh” của những đại diện tôn giáo, tình cờ xuất hiện trên báo chí, truyền thông, mặc dầu các vị muốn tìm một niềm tin trong lúc về già. Vì thế mặc dầu các vị này đọc đủ loại kinh sách, nhưng họ cũng chẳng sao tìm được  niềm tin. Tôi không biết họ có thể hiểu tường tận hay không, nhưng thay vì đi tìm Đấng để tin trong việc đọc sách cũng như tiếp xúc với bè bạn có tôn giáo để có được những cảm nhận thuộc linh, thì hầu như những vị này để ý tới những gì không cần thiết, và thường có luận lý ngược lại những gì đã đọc. Thỉnh thoảng trong những buổi họp mặt với các vị này, tôi được nghe một vài câu nói không đem họ tới đích của niềm tin như :  “Đọc kinh sách chỉ thấy điều là lạ ( không đúng như những gì các vị suy nghĩ, muốn), trong đời lại phải coi các vị  có tôn giáo, nhất là giới lãnh đạo tôn giáo như người thường trong xã hội, Có người tốt có người xấu. Các ông đó đều là người cả, đấy cứ đọc báo, xem TV thì biết, các ông đó làm những chuyện như người thường, phạm tội như người thường”.

Tôi chỉ biết, trong đức tin, làm chứng lại những gì khác với nhận thức của các vị đó. Tôi tin rằng điều tôi phải làm, không phải là tìm những điểm không “Thánh”  của một số các vị lãnh đạo tôn giáo và tín đồ, đọc kinh sách lấy mà không hiểu hoặc hiểu sai, để đi vào ngõ cụt. Nhưng tôi phải đi tìm niềm tin qua tín đồ có lối sống phản ảnh đức tin của họ, sau đó đọc kinh sách với sự hướng dẫn nào đó của các vị am hiểu, để tìm được Đấng Thiêng Liêng có lòng yêu thương, chỉ cho tôi con đường sống bình an (điều ai cũng mong ước), dầu trong nghịch cảnh hay trước giờ phút cuối của đời người (giờ phút ai cũng phải trải qua), niềm hy vọng vào sự vĩnh cửu sau khi qua đời. Rồi tiếp tục qua kinh sách, tôi cố gắng tìm hiểu thêm. Và tôi đã gặp.

Trước khi trở về nhà Chúa, tôi cũng đọc sách nhà Phật và đặt ra rất nhiều câu hỏi với  bè bạn theo Phật-giáo, theo tôi là những người khá uyên thâm kinh sách Phật Giáo. Qua kinh sách, bè bạn theo Phật Giáo, đi chùa cùng với họ, nghe giảng, tôi tìm được gì nơi các Đức Phật. Có lẽ tôi chỉ tìm được tư tưởng, triết lý cao siêu nơi Phật-giáo. Từ bi, bác ái, thương chúng sinh trong Phật-giáo có thể tóm lại trong chữ “thí”. Bố thí, pháp thí là lỏng thương người của kẻ “đồng hội, đồng thuyền”, của người hiểu biết đối với người không hiểu biết, của người có đối với kẻ không có, của người thoát khổ đối với người chưa thoát khổ, của kẻ đi con đường giải thoát với người chưa biết con đường giải thoát. Để đi được vào con đường giải thoát, tôi phải học biết chân lý đạo Phật, với sư giúp đở của một người bạn, giảng giải cho tôi hiểu. Và tôi đả hiểu được một tín lý quan trọng sau.

Đức Phật Thích Ca đã tìm được Tứ Thánh Đế hay Tứ Diệu Đế. Đó là : Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế, mà Ngài gọi là chân lý.

1.    Khổ Đế. Trong đời sống con người, sinh-lão-bệnh-tử là khổ, mọi sự không như ý là khổ, ước vọng không thành là khổ, và hàng trăm thứ khổ khác tạo thành bể khổ mà con người ngụp lặn trong đó. Đức Phật đã than :”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”.

2.    Tập Đế. Đó là kết hợp, nguồn gốc của khổ, phát xuất từ “ái dục” trong con người. Ái dục làm cho ta ham sống, sợ chết, phải lẩn quẩn trong kiếp luân hồi. Tập Đế gồm thập nhị nhân duyên : 1) Vô-minh (mê muội),  2) Hành (làm), 3) Thức (biết), 4) Danh Sắc ( tên và sắc thái của mọi vật), 5) Lục xứ hay Lục nhập (6 giác quan tiếp xúc với ngoại vật là tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý), 6) Xúc (tiếp xúc với âm thanh, hình sắc ngoại vật), 7) Thụ (chịu ảnh hưởng ngoại vật), 8) Ái (yêu), 9) Thủ (nắm giữ), 10) Hữu (có), 11) Sinh (sinh ra), 12) Lão Tử (già rồi chết). Mười hai nhân duyên này trói buộc chúng ta bào bể khổ, Tập Đế.

3.    Diệt Đế. Là dứt bỏ, đoạn tuyệt. Phải diệt bỏ cái Ái Dục. Phải gỡ nút tất cả mười hai nhân duyên ra khỏi cuộc đời.

4.    Đạo Đế. Là con đường phải theo để gỡ nút mười hai nhân duyên, Đạo Đế gồm có Bát Chính Đạo : 1) Chánh kiến (nhận định đúng), 2) Chánh tư duy(suy nghĩ đúng), 3) Chánh ngữ (lời nói đúng), 4) Chánh nghiệp (làm đúng), 5) Chánh mệnh (sống đúng), 6) Chánh tinh tấn (cố gắng đúng), 7) Chánh niệm (ý niệm đúng), 8) Chánh Định (Thiền định đúng). Nhưng Đức Phật không dạy thế nào là “đúng” trong cả Bát Chính Đạo.

Bất cứ ai nhận biết được Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế rõ ràng, và theo đúng được Bát Chính Đạo của Đạo Đế, tức là qua được Tứ Thánh Đế, sẽ tới Niết Bàn, là trạng thái sắc sắc không không trong tâm thức. Và đó là con đường giải thoát, đường tu trọn vẹn.

Nhưng đường tu trọn vẹn của Đức Phật chỉ giúp chúng sanh qua đó nhận ra đường tu của mình, không có công nghiệp gì với đường tu của chúng sanh. Ai riêng phần nấy. Công ngiệp của Đức Phật cũng chỉ giúp ích cho Ngài. Mặc dầu nghĩ tới chúng sanh, Ngài cũng không giúp được cho đường tu của chúng sanh, đối với chúng sanh, theo đúng được Bát Chính Đạo, hầu như bất khả. Với cuộc sống hiện tại, tôi cảm nhận được rằng tôi không có hy vọng gì vào Niết Bàn sau khi “qua đời”, và rồi phải chăng tôi sẽ đi hết kiếp trầm luân này qua kiếp trầm luân khác, nếu tôi theo tín lý này.

Nhưng một sự tình cờ nghe đài truyền thanh SBS tiếng Việt, tôi được biết có Hội Thánh Chúa Kingsgrove. Và tôi đã ( lại ) tìm được niềm tin Cơ Đốc trong lúc gần buông xuôi vì bệnh mất ngủ hành hạ khá lâu. Khi được Ông Bà Mục Sư Phụ Tá Quản Nhiệm thăm viếng, tôi được nghe những lới cầu nguyện tha thiết, đầy tình yêu thương, tôi để nguyên cho những giọt nước mắt chạy dài trên má. Tình yêu thương này đã là một làn gió mát đưa tôi về với bình an trong nước mắt dầu bệnh vẫn còn đó. Và tôi bắt đầu tiếp tục đi vào con đường tưởng chừng đã mất. Ông Bà nhắc nhở tôi một điều mà tôi nhớ mãi “ Bản thể của Đức Chúa Trời là “yêu thương” (I Giăng 4:8)”. Sau này tỉm hiểu thêm, tôi cảm nhận được rằng với bản thể đó, “Đức Giê-hô-va có phán : Ta yêu các ngươi” (Ma-la-chi 1:2). Đôi lúc chúng ta nghi ngờ lới phán của Ngài. Thật Đức Chúa Trời yêu chúng ta chăng ? Nếu Ngài yêu, sao đời chúng ta khổ thế này ? Sao đời chúng ta lắm cay đắng thế kia ? Đức Chúa Trời biết tư tưởng đó. Nên “Đức Giê-hô-va có phán: Ta yêu các ngươi; và các ngươi nói rằng: Chúa yêu chúng tôi ở đâu?” (Ma-la-chi 1:2). Kinh Thánh trả lời “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16), “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.” (Giăng 1:14). Và Chúa cũng ban ân tứ Thánh Linh thương xót cho tôi tớ Chúa và một số con cái Chúa, đề an ủi, giúp đỡ anh chị em trong Chúa và mọi người, đó là câu trả lời kế tiếp.

Với tình yêu của Chúa dành cho con cái Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được sự bình an ngay cả những lúc cay đắng, khổ sở, và một hy vọng trong cuộc sống đời đời với Chúa.

Tôi xin chia sẻ tiếp về niềm tin này. Sau buổi gặp gỡ với Ông Bà Mục Sư Phó Quản Nhiệm, đến nhà thờ của Hội Thánh Kingsgrove, vợ chồng chúng tôi được mời tham dự nhóm nhỏ tại nhà một anh chị con cái Chúa để tìm hiểu và học Lời Chúa. Mẹ, các con,  anh chị và hai vợ chồng con cái Chúa của Hội Thánh Kingsgrove cùng nhau vui vẻ học hỏi Lời Chúa trong không khí yêu thương. Nhờ có sự hướng dẫn của một con cái Chúa, vói sự hiểu biết của một người đả theo học Thần Học, tôi bắt đầu thích đọc thêm sách liên quan tới Kinh Thánh, nghe thêm bài giảng từ các Website Tin Lành.

Cảm ơn Chúa, tôi đã tìm được một niềm tin đích thực, lòng tôi thật bình an. Đó cũng là động lực chính khiến vợ tôi thấy có sự khác biệt rõ ràng giữa con người có niềm tin và con người không có niềm tin nơi Chúa. Và bây giờ cả hai chúng tôi đều là con cái Ngài.

Thưa quý vị đang đi tìm niềm tin,

Với những lời chứng chân thành trên đây, tôi mong đã cung cấp được một số điều với ước mong quý vị tham khảo, và tìm được cho mình niềm tin trong cuộc sống.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Những lời chứng chân thành trên đây chỉ là một phần rất nhỏ bé trong việc làm chứng của Hội Thánh Chúa chúng ta. Tôi cảm ơn Chúa đã thương yêu tôi. Cho phép tôi cảm tạ quý anh chị có ân tứ thương xót giúp đỡ, đả đem tôi về với Chúa, để tôi thấy cuộc sống mình có mục đích.