Cái buồn chán, lo lắng và tẻ nhạt của con người là không biết tương lai mình ra thể nào. Nhưng cái tương lai mù mịt ấy lại làm con người có hy vọng để sống.

Người ta sẽ không thiết sống khi không còn một hy vọng nào trong tương lai. Người ta chịu chấp nhận mọi thiệt thòi, khổ nhục, đau đớn trong hiện tại một cách dễ dàng hơn khi có hy vọng mãnh liệt về tương lai rực rỡ, thậm chí có người dám chết với cả cái hy vọng đó.

Hy vọng là cái phao cho con người bám lấy giữa dòng đời đen tối đầy khổ ải. Hy vọng thêm năng lực cho con người tiến tới, quyết tâm khắc phục mọi trở ngại hiện ra trước mặt.

Mọi người tùy theo nhu cầu, tri thức, mục đích mà đặt hy vọng vào tương lai. Hình dung hay tưởng tượng về hy vọng bao giờ cũng tốt hơn, sáng sủa hơn hoặc có tương lai hơn.

Có tương lai hơn, có thể hàm ý là có địa vị tốt hơn, có một việc làm khá, có một cuộc sống sung túc. Nhưng quan niệm hy vọng có tương lai hơn là đồng nghĩa có hạnh phúc hơn thì quả không đúng. Ôi, giữa những ngày tháng khô khan, tẻ nhạt, lạnh lẽo của dòng đời không bờ bến mà tiền của, địa vị cùng mọi thứ có giá trị vật chất đã không đốt lên được ngọn lửa hạnh phúc ấm áp, êm đềm thì tất cả là những vật vô tri, những phụ tùng trơ trẽn bao quanh cuộc sống vô vị.

Nếu hiện tại tẻ nhạt, cuộc sống chẳng đến nỗi nào, thì một trăm năm của đời người cũng chỉ thoảng đi như giấc bao : “Đời người như giấc chiêm bao, Nghìn xưa đã mấy ai nào trăm năm” (Thơ Tản Đà), nên hy vọng chi cho nhiều, cho mệt. Và nhất là “Khi nắp quan tài đậy lại, dù giầu sang, hay nghèo hèn, Tấm thân tứ đại hoàn không. Sau ba thước đất lấp rồi, dẫu vương tướng, công hầu, cái nghĩa ba sinh chẳng khác.” (Khánh Vân), vậy thì chi bằng tiêu diêu ngày tháng “Trời cho” trong các “trò chơi” như thi sĩ Tản Đà : “Tớ muốn chơi cho thật mãn đời, Đời chưa thật mãn tớ chưa thôi, Chẳng hay đời tớ lâu hay chóng, Dầu chóng hay lâu tớ cũng chơi.”.

Với một nhân sinh quan bất cần đời như vậy, thi sĩ Tản Đà không thể tự chối mình. Có chăng là tự quên mình đi trong chốc lát qua men rượu nồng : “Rượu thơ mình lại với mình, Khi say quên cả cái hình phù du.”.

Khi tỉnh lại thì “mình lại với mình”, với cái hiện hữu, với nuối tiếc, với chán chường, với cái hy vọng hão huyền ở một kiếp khác : “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm con chim nhạn tung trời mà bay.”.

Bác sĩ chuyên khoa ngành thần kinh người Đức Sigmund Freud đã nói một câu chí lý về niềm hy vọng của con người : “Death is the door to a better life, the oldest, strongest and most insistend wish of mankind – Cái chết là cửa ngõ đi vào một cuộc đời tốt đẹp hơn, đó là ước vọng xưa cũ tha thiết và cấp bách nhất của nhân loại”.

Hy vọng ngày mai tốt đẹp hơn, nhiều khi chỉ là mộng ảo, huống chi hy vọng vào một đời sau tốt đẹp hơn. Ấy thế mà người ta vẫn hy vọng. Thà hy vọng để chấp nhận hiện tại còn hơn là tuyệt vọng để không còn hướng đi trong cuộc sống.

Tín ngưỡng làm cho con người tin cậy và ngưỡng vọng. Tôn giáo nào cũng tạo cho người tin có niềm hy vọng lớn lao về đời sau. Với cái hy vọng đó, ít ra người tin mong được phiêu diêu miền cực lạc, lên tiên cảnh hay ở một thiên đàng nào đó. Buồn một nỗi, nhiều người khi phải đứng ngay ngưỡng cửa sự chết vẫn không có một chút hy vọng nào về cái mục đích tối hậu mà cả cuộc đời dốc lòng tin cậy. Điều này tôi đã được chứng kiến lúc còn là học sinh trung học ở Sài Gòn, khi nhìn nét mặt tuyệt vọng bất an xen lẫn hoảng sợ của những cụ già đã có một tôn giáo sắp qua đời.

Người chết tuyệt vọng ! Nhưng nhiều tôn giáo đã kéo người sống nối tiếp hy vọng của người thân yêu đã chết trong tuyệt vọng. Người sống lo lễ lạc, các vị lãnh đạo tôn giáo lo cầu siêu, cầu hồn người thân yêu sớm được phiêu diêu miền tiên cảnh.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đó có phải là niềm tin cậy và ngưỡng vọng của chúng ta ? Lẽ nào chúng ta đành phải thất vọng trong hi vọng ? Chẳng lẽ chúng ta cứ hát mãi bài ca “Biết Ra Sao Ngày Sau”, rồi lại hát tiếp “Biết Ra Sao Ngày Sau” ?

Không, chúng ta phải có một hy vọng chắc chắn cả trong đời này, luôn cả đời sau. Tôi xin được chia sẻ niềm tin của mình về hy vọng chắc chắn của con cái Chúa chúng ta trong bài 112 tới.