Nhớ lại thủa xa xưa, ngày mới đặt chân đến Úc Đại Lợi, tôi đến thăm ông Fred Mikalo, người Úc gốc Nga giúp tôi việc nộp đơn di dân từ Nhật Bản qua xứ này. Nhìn tấm thảm chùi giầy dép đặt ngay cửa vào, tôi thấy có hàng chữ Welcome, và hàng dưới là tên ông, tên vợ và tên con chó nhỏ. Tôi có cảm giác là lạ và e dè lúc chùi giầy, cố tránh tên ông bà.

Thủa học sinh, tôi chứng kiến nhiều vụ đập lộn chí tử. Chỉ vì muốn hạ nhục nhau, anh nọ viết tên cha con anh kia xuống đất rồi vừa chửi bậy vừa dùng chân di lên.

Có một tên, quí lắm. Tên biểu hiệu con người đáng phải viết hoa. Lắm khi thích chí, ngồi viết tên mình hay ký tên mình hết trang này đến trang khác. Trên thân cây ở công viên Hyde Park, trên những tảng đá xù xì chồng chất ở bãi biển Port MacQuarie, đầy dẫy những tên được khắc bằng dao, hoặc viết bằng sơn. Mặt mũi chẳng ai hay, nhưng tên lắm người đọc.

Người đời gọi tên ta, ta hiện hữu. Người đời nhắc tên ta, ta tồn tại. Đã mong trường tồn thân xác không được, thì “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, con người có ý thức lập danh, muốn tên mình trường tồn.

Lập danh có nhiều cách. Trước hết cái tên gọi lên, nói đến sao cho du dương, hùng tráng, gợi cảm, ý nghĩa. Hễ chót mang tên thị Mẹo, thị Toét do cha mẹ đặt cho, khi lên sống ở thành thị, phải đổi ngay thành Ngọc Minh, Bích Thu cho ra văn vẻ. Lỡ có tên văn Cối, văn Chày thì vội đổi ra hoài Ân, hoài Nghĩa để tỏ lòng nhớ tới cha mẹ.

Quý vị trong giới nhà văn còn có lối chơi tên, đặt thêm cho mình cái tự. Cụ Đào Trinh Nhât dịch cuốn Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh có tự là Quán Chi. Người học chữ nho biết ngay cụ tên Nhứt, vì sách có câu “Nhất dĩ quán chi” (Một cái bao trùm tất cả). Người lấy tự Hiệp-Phố hay Hoàn-Phố có tên Châu, vì có câu “Hiệp phố hoàn châu”. Có người không đặt tự lại đặt hiệu. Nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu, hiệu là Tản Đà. Ông lấy địa danh núi Tản sông Đà để tỏ cho mọi người biết quê quán ông ở Sơn Tây. Nhà cách mạng Phan Bội Châu có hiệu là Phan Sào Nam, đã dùng câu “Hồ mã tê bắc phong, Việt điểu sào nam chi” (Ngựa hồ hí gió bắc, chim Việt đậu cảnh nam) để nói lên nỗi nhớ quê trong những ngày mưu đồ đại sự. Còn nhà văn Nguyễn Thứ Lễ, nói lái Thứ Lễ ra Thế Lữ để làm hiệu. Có người bảo chàng ca sĩ sau khi nhận được giấy hoãn dịch của nha động viên đã lấy hiệu là Chế Linh, có nghĩa là lính chê. Loại hiệu này không cần điển tích.

Qua thơ văn, ta tìm thấy thi hào Nguyễn Công Trứ đã quyết tâm lập danh :

Nhập thế cục bất khả vô công nghiệp Xuất mẫu hoài tiên thi hữu quân thân.       

Mà chữ “danh” liền với chữ thân      Thân đã có ắt danh âu phải có.

Khi chưa lập được danh thì uất ức :

Thợ Trời sao khéo đa đoan       Cái danh cũng ghét cái nhàn cũng ghen

Danh giả tạo vật chi sở kỵ       Ghét chứng chi ghét mãi ghét hoài.

Khi đã lập được danh thì :

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt

Và khi bực mình, nghĩ lại :

Chẳng lợi danh thì lại hóa hay          Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy

Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp Trong thú yên hà mặc tỉnh say.

Lập được danh rồi, còn gì ao ước hay là :

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trí             Cái công danh là cái nợ nần.

Nhưng nghĩ lại cho cùng, chẳng gì ngao ngán hơn, sao bao năm lập danh, bỗng thấy có gì chăng hay chỉ còn lại “một tiếng đồn” :

Cuộc công danh không không có có   Có rằng không, không có cũng ừ.

Nào ai hay trời đất những bao giờ     Mà đã chắc non sông là mấy tuổi ?

Hồn hồn nhất đại khối                      Điểu điểu như nghĩ quần.

Lọt lòng ra ai cũng có quân thân       Mang lấy nợ lẽ lần thân không trả

Cuộc kim cổ bày thời lại xóa             Cái râu mày nào biết dại khôn

Trăm năm còn lại tiếng đồn ?            Vô Danh Thị

Lập danh đã khó, thành danh rồi chưa chắc đã được gì. Con người ta đã không giúp ta đạt được nguyện vọng, thì danh ta chắc không làm ta thỏa lòng. Vậy mà con người vẫn muốn lập danh để đời bằng bất cứ giá nào. Trong xã hội Việt Nam ta xưa cũng như nay, có những vị đã dùng tiền, vàng bạc để mua chức tước, bằng cấp để lập danh.

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Chúng tôi những Cơ Đốc nhân, con cái Chúa, là những người đã “nhận Danh Ngài (Chúa Jêsus), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài” (Giăng 1:12). Vì bởi Danh Ngài, chúng tôi được cứu, bởi Danh Ngài chúng tôi hưởng được sự sống đời đời. Bởi đó chúng tôi không lo lập danh cho chính mình. Nhân sinh quan của Cơ Đốc nhân là : “Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều” (Cô-lô-se 3:17). Cơ Đốc nhân không còn lo đánh bóng tên mình, quảng bá tên mình, nhưng lo “đem danh ta (Danh Chúa Jêsus) đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên” (Công-vụ các Sứ-đồ 9:15), với ước vọng “hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.” (Phi-líp 2:10-11).

Chúng tôi hãnh diện có thêm tên Cơ-đốc nhân. Cơ-đốc nhân không phải là tự, không phải là hiệu, mà là tên, một danh xưng. Chỉ cần tin nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa của mình, được tái sinh trong quyền năng Thánh Linh, được nhận vào gia đình Đức Chúa Trời mới là Cơ-đốc nhân. Tôi là Cơ-đốc nhân biểu hiệu tôi sống trong Chúa và Chúa sống trong tôi như lời Ngài phán dạy : “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trên bước đường theo Chúa, chắc hẳn chúng ta không còn muốn lập danh để đời như mục đích của cuộc sống, chúng ta hãy nguyện lập danh trong Danh Cứu Chúa Jêsus Christ.