Khi sinh ra đời, tên thì có, nhưng chưa biết. Được bố mẹ gọi nhiều lần, thì biết âm đó là tên của mình, cái danh xưng của mình. Chưa có danh xưng chưa phải là con người trọn vẹn, vì chưa được đặt tên thì không có tờ giấy khai sinh.

Sau ba tiếng khóc chào đời, mọi người đều có một tên, do cha mẹ đặt hay gia tộc đặt cho, thường với niềm ước vọng thành đạt trong tương lai. Tùy theo văn hóa từng miền của quê hương ta, phần lớn cái tên phải có ý nghĩa, mặc dầu đôi khi không phải vậy. Ở những vùng có trình độ văn hóa cao, trai thì tên phải cho hào hùng, bầy tỏ được chí khí tang bồng. Gái có tên mỹ miều phô ra được công, dung, ngôn, hạnh. Để rồi lớn lên, đôi khi “tên vậy nhưng không phải vậy”, anh Phạm Tiến Sĩ làm lơ xe đò. Ông Nguyễn Phú Cường vừa nghèo vừa bệnh, lại có chị Lê Bạch Tuyết với làn da nhuộm mầu sương gió ruộng đồng. Một nông gia miền Bắc đặt tên con trai đầu lòng là Lúa, với hi vọng lúa sẽ đầy đồng, như vậy giầu sang mấy hồi. Không biết sau đó lúa có đầy đồng không, nhưng bước đường học vấn của cậu Lúa lúc di cư vào Nam hơi vất vả, thi đâu hỏng đó. Bè bạn an ủi, chẳng những học tài thi phận, nhưng có lẽ cũng tại cái tên nó ám vào người. Tiếng thời đại của miền Nam “lúa” có nghĩa là hỏng. Cậu liền xin phép cha mẹ lên tòa thị sảnh đổi tên. Ở các vùng nông thôn lại còn những tên lạ tai như Tý, Tèo, Mẹo, Mực, Meng, De, Đực, Rạng. Tôi cảm thấy là lạ với những tên như vậy.

Từ ngày người Việt tảm mác trong các nước Âu Mỹ, cái tên cũng đem lại nhiều rắc rối. Lúc gọi họ, lúc gọi tên. Lúc tên trước họ sau hay ngược lại. Đôi khi có chữ lót, đôi khi không. Người bản xứ phát âm tiếng Việt vất vả lắm, uốn lưỡi, mím môi, cố lên giọng cao, xuống dọng thấp, rồi cười ruồi chịu thua. Người Việt mình tìm cách đã từng lựa âm gần nhất để giúp người anh em dễ gọi. Cựu đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge được gọi là Ca-bốt-lốt-Giơ hay Cao-bóc-Lột, Shelton được gọi là Seo-Tôn hay Sơn-Tùng; nhưng Mangham gọi là Măng-Gam hay Mai-Gầm, tên một loại rắn độc e không ổn. Người Việt mình cũng gặp vài cái không ổn. Tên Kính thì được gọi là King, tên Quyên thì được gọi là Queen, tạm hài lòng! Nhưng Dũng cái tên oai vệ, Dung cái tên đẹp đẽ, vậy mà khi phát âm lại biến thành cái khó ngửi. Thôi thì chọn một tên của bản xứ na ná như tên mình để “hội nhập” với dân ở đây. Toàn thành Tom, Bích thành Becky. Lý thành Lee. Tên nào không “thành” được thì “thêm”. Nguyễn văn Xoài Xavier. Có cặp vợ chồng trẻ con cái Chúa, chàng chọn thêm tên Joseph, vợ chọn thêm tên Rachel. Nhưng oái oăm thay, theo điển tích Kinh Thánh thì Rachel là mẹ Joseph. Trường hợp anh chàng Lê Chiến ở Pháp, khi chưa kịp đổi tên, người Pháp cứ gọi anh là “le chien” – có nghĩa là “con chó”. Ngay cả anh Hoàng Giáo Đức cứ ngỡ là khi qua Mỹ, mình được gọi là Đức Giáo Hoàng, cái tên được cả thế giới để ý, trọng vọng, nhưng cũng chỉ được người bản xứ gọi với cái tên lạ tai là Duke Ghai Ao HôAng.

Có cặp vợ chồng tị nạn sanh con đầu lòng, bè bạn tới thăm hỏi nó tên gì, Việt hay Mỹ, hay cả Việt lẫn Mỹ ? Anh chồng đáp thẳng thừng : Môi là môi, gáo là gáo. Người Việt thì chỉ có tên Việt, không lộn xộn được. Nhưng khi cậu con đi trường được một năm, cặp vợ chồng này đành thêm tên bản xứ, để bè bạn dễ gọi tên cậu. Thật ra tên (first name) Việt hay Anh, Pháp, Mỹ v.v. không phải là điều quan trọng lắm khi đã định cư ở một quốc gia khác có văn hóa khác. Nếu muốn giữ bản sắc dân tộc, không đổi tên cũng đáng quý.

Trong Kinh Thánh, sách Đa-ni-ên, có mấy chàng trai trẻ xứ Do Thái xa xưa, vì thất thế, sa cơ bị bắt làm phu tù tại Đế Quốc Ba-bi-lôn. Nhờ có học vấn cao, kiến thức rộng nên các chàng được cất nhắc, cho vào làm việc trong triều đình. Bước vào cộng đồng mới, những chàng trai xứ Do Thái đã bị chính quyền bắt đổi tên đổi họ, chối bỏ nguồn gốc Do Thái, tuyển dân của Đức Chúa Trời. Chính quyền đặt cho họ một tên mới. “cho Đa-ni-ên tên Bên-tơ-xát-sa; cho Ha-na-nia tên Sa-đơ-rắc; cho Mi-sa-ên tên Mê-sác; và cho A-xa-ria tên A-bết-Nê-gô” (Đa-ni-ên 1:7).

Có một tên mới. Thôi, thân phận phu tù được gói kín từ đây ném vào quá khứ. Có một tên mới, được hòa đồng vào cộng đồng của kẻ thắng thế. Nói theo mồm mép chính trị thì một trang giấy đã được lật qua, bắt đầu một trang mới. Nhưng đế quốc bạo tàn Ba-by-lôn đã lầm. Đổi tên, đổi địa vị, nhưng không thể đổi con người trung tín của Đức Chúa Trời. Trước đám đông đang quỳ lậy tượng thần Chiến Thắng của vua Ba-by-lôn, mấy “thằng Hê-bơ-rơ” vẫn đứng thẳng như những cây cổ thụ, trơ trơ, bất chấp bão tố của đám triều thần (Đa-ni-ên 3), và phút chót, vua Ba-by-lôn phải nhận diện ra họ, những con người của của Đức Chúa Trời Chí Cao : “Vua Nê-bu-cát-nết-sa lại cất tiếng nói rằng: Đáng ngợi khen Đức Chúa Trời của Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô! Ngài đã sai thiên sứ Ngài và giải cứu các tôi tớ Ngài nhờ cậy Ngài, họ đã trái mạng vua, và liều bỏ thân thể mình, hầu để không hầu việc và không thờ phượng thần nào khác ngoài Đức Chúa Trời mình.” (Đa-ni-ên 3:28).

Đức Chúa Trời đã đổi tên Áp-ram ra Áp-ra-ham, vợ người là Sa-rai được đổi là Sa-ra, để tạo lập một dòng dõi mới trong ý muốn của Đức Chúa Trời. Bởi đức tin, Áp-ram và Sa-rai vui mừng chấp nhận tên mới. Chúa Jêsus đã đổi tên Si-môn là Phi-e-rơ. Vui nào hơn có tên biểu hiệu cho ý chỉ Đức Chúa Trời trên mình.

Đối với tôi, vì quen biết với một vài bạn đồng nghiệp gốc Do Thái, mỗi lần nhắc đến tên Gia-cốp (Jacob) là nhắc đến một người đầy mưu mẹo, keo cú, lập thân nơi xứ lạ, biết cò kè bớt một thêm hai, biết thay trắng đổi đen. Nhưng thôi, hãy nghĩ đến tên Y-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời đã đặt thay cho tên Gia-cốp. Chàng được thay tên và thay cả con người. Và cũng từ đó, tên chàng là tên của đoàn dân thánh thuộc về Đức Chúa Trời là dân Y-sơ-ra-ên.

Những tín đồ đầu tiên ở thế kỷ thứ nhất đã chứng nghiệm lời hứa quý báu của Chúa Jêsus: “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28:20). Họ đã tuân theo lời Ngài dạy : “Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi” (Giăng 15:4). Chúa Jêsus đã thực sự sống trong người tin nhận Ngài. Thân thể không sao che kín Ngài, quần áo không sao bao phủ Ngài. Ngài hiện ra rõ ràng, Ngài hiển hiện trong lời nói ân hậu. Ánh mắt họ sao rực rỡ, nụ cười họ chân thành, tươi thắm đầy niềm tin. Công việc họ bầy tỏ lòng nhân ái, vi tha. Người vô tín không biết gọi họ là gì, kêu họ là chi cho xứng hiệp là những môn đồ của Chúa Jêsus. Thôi đặt cho họ một tên : Người Christ (Christian) hay Cơ-đốc nhân. Tên Cơ-đốc nhân không phải do người tin Chúa tự xưng, mà là do người vô tín đặt cho.

Buồn thay, lắm người luôn xưng là Cơ-đốc nhân, lại là Cơ-đốc nhân thâm niên, nhưng lối sống và hành đông của họ làm người vô tín nghi ngờ : Người đó là Cơ-đốc nhân sao? Và sự nghi ngờ đó dẫn đến một hậu quả tệ hại hơn với nghi vấn: Hay là Cơ-đốc nhân thời nay như vậy ? Và tôi tin rằng Chúa cũng buồn lắm.

Trong Hội Thánh đầu tiên, có người tên là Giô-sép. Qua hành động phát xuất từ tấm lòng yêu tha nhân, ông Giô-sép được các sứ đồ đổi tên là : “Ba-na-ba, nghĩa là con trai của sự yên ủi” (Công-vụ các Sứ-đồ 4:36). Ba-na-ba, cái tên biểu cho một con người sẵn sàng an ủi tha nhân, phát xuất từ tấm lòng thương xót tha nhân.

Trước thực trạng của toàn thể Hội Thánh Chúa trên thế giới, ngày một nhỏ lại, phân tán, đôi lúc người đang chia sẻ niềm tin với quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa, muốn nói với lòng mình : Thưa ông Ba-na-ba, trần gian hơi hiếm những người như ông. Trần thế đau khổ quá nhiều, vết thương lòng ngày một nhức nhối hơn. Ông Ba-na-ba, ông là hình ảnh của người Sa-ma-ri nhân lành. Ông đã đến bên người đau khổ, “lấy dầu và rượu xức chỗ bị thương, rồi rịt lại” (Lu-ca 10:34). Thưa ông, ngày nay người ta chỉ muốn coi “xức dầu” và “rịt lại” là an ủi, còn “rượu xức chỗ bị thương” để sát trùng chỉ làm đau đớn thêm, dầu là sự đau đớn cần thiết, và người ta né không làm. Thưa ông Ba-na-ba, phần nhiều sự an ủi thời nay là “mị” với tâm thần của Phi-e-rơ nói với Chúa Jêsus : “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy” (Ma-thi-ơ 16:22). Hội Thánh ngày nay cần nhiều người như ông.