Nếu bảo có tự do mà không có hành động tự do thì tự do đó chẳng có ý nghĩa gì. Phải hành động tự do, tức là phải xử dụng quyền tự do để hành động.

Con đường tự do hành động có hai chiều, chiều hướng thượng và chiều hướng hạ.

Đa số người trần thế hiện nay đi theo chiều hướng hạ. Đối với những người này, hành động tự do là dứt bỏ những luật lệ, luân lý, đạo đức cổ hủ, cùng những khuôn sáo ràng buộc của xã hội. Họ cảm thấy con người thật đang sống trong một thế giới vô nghĩa, không định luật, thiếu mục đích, mà chính họ cũng chẳng biết ý nghĩa, định luật và mục đích họ mong muốn là gì. Họ tự do hành động để hướng đời họ vào bất cứ đường lối nào tùy ý, tùy thích, tùy thời. Họ không cần quan tâm đến điều tốt xấu, điều thiện ác, không hối hận gì trong quá khứ, không mong chờ gì trong tương lai. Họ sống không cần ý chí, không mục đích để khỏi phải lo âu, không cần tự trách. Đầu óc họ cứ múa may quay cuồng để nhận ra mình là thực tại, là hiện hữu trong cái khối bao la không thời gian của vũ trụ, đôi khi ngớ ngẩn kêu lên như lời thơ của Chế Lan Viên : “Ai bảo giùm : Ta có, có ta không ?”.

Trên chiều hướng tự do như thế, lắm người có hành động can đảm đến độ khôi hài, hoặc buông thả một cách kỳ quái ngu xuẩn trong vô nghĩa, vô vọng.

Đối với những người đi theo chiều hướng thượng, hành động tự do là vứt bỏ muôn ngàn dục vọng thấp kém, để đời sống thanh thoát, tách xa khỏi lối sống hướng hạ tầm thường, thả tâm hồn theo nhịp sống hợp với lẽ thiên nhiên trong trời đất. Những người này thường quyết tâm đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời, đi tìm tính cao thượng hợp với thiên luân hầu cho tâm luôn an bình, ngước mặt lên không thẹn với núi sông. Trên đường hướng thượng này, gian nan cũng không phải ít.

Trong văn học Việt Nam, thi hào Nguyễn Công Trứ đã có một đời sống thật ý nghĩa. Trong ý chí kiên cường, trong hành động tự do, ông đã vươn lên, mong sao đi cho chót con đường hướng thượng để có tất cả tự do định đoạt số phận và định mệnh con người, mong đạt được cứu cánh tối hậu cho nhân sinh và cho bản thân. Trên con đường đó đã gặp những tình huống mà ông phải ngán ngẩm “nghĩ sự đời mà cảm nỗi phù du”, và phải thốt lên những lời oán trách ông Tạo ( hóa ) :

Gẫm cho kỹ bất nhân là tạo vật            Khả quái lão Thiên đa ác thái

Trẻ chẳng thương mà già cũng chẳng tha Tức mình muốn hỏi cho ra!

Thánh Phao-lô không oán trách ai trên đường hướng thượng, nhưng ông ấm ức : “Tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét….tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn…. khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.” (Rô-ma 7:15-21).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chắc chúng ta đã có lần tự hỏi, tại sao có tình trạng “lực bất tòng tâm” trên đường hướng thượng ? Và câu trả lời, trong niềm tin của tôi, như sau. Hãy nhớ lại lời Chúa Jêsus phán : “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi” (Giăng 8:34). Nên dầu chúng ta có tâm hồn hướng thượng, vẫn không thể hành động tự do hướng thượng tron vẹn, chỉ vì chúng ta đôi lúc vẫn còn bị tội lỗi sai khiến, cho đến khi nào chúng ta tìm đến Chúa Jêsus là “Ta là đường đi, lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6). Lúc đó, chúng ta đi vào một phương hướng theo lời Chúa dạy : “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.” (Giăng 8:32). Chúng ta sẽ nhận lời phán này của Chúa Jêsus : “Con (Chúa Jêsus) buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do  (Giăng 8:36). Thế là chúng ta thoát khỏi địa vị làm nô lệ cho tội lỗi và ma quỷ và “Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta có căn bản tự do thật trong Cứu Chúa Jêsus. Chúng ta đang đi trên linh trình hướng về Thiên Quốc, chúng ta đang hành động tự do theo chiều hướng thượng. Điều này không có nghĩa là chúng ta để tâm hồn lạc vào cái lý mơ hồ của trời đất, nhưng hành động tự do trong Chúa  của chúng ta có Chúa Thánh Linh hướng dẫn, và chúng ta tự do “bước đi theo Thánh Linh” (Ga-la-ti 5:16). Chúa Jêsus thêm sức cho chúng ta vì mang ách chung với Ngài : “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.” (Ma-thi-ơ 11:29-30). Những ai chưa được tái sinh, chưa có sự tự do thật, không thể hiểu được điểm này.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong đời sống tâm linh, chúng ta được tự do thờ phượng Đứ Chúa Trời nên : “chớ bỏ sự nhóm lại” (Hê-bơ-rơ 10:25), chúng ta phải tâm niệm rằng : “Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi rằng: Ta hãy đi đến nhà Đức Giê-hô-va.” (Thi-thiên 122:1). Chúng ta được tự do đến với Đức Chúa Trời là Cha chúng ta bất cứ lúc nào để trò chuyện với Ngài qua lời cầu nguyện. Lời Kinh Thánh dạy rằng : “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:6-7). Chúng ta được tự do nhận lời Đức Chúa Trời, được tự do tìm kiếm ý Ngài bằng cách đọc và suy gẫm Lời Chúa trong Kinh Thánh. Việc này đôi khi khó khăn, nhưng chúng ta có thể hỏi quý vị Mục Sư quản nhiệm Hội Thánh. Chúng ta cũng nên tự nhủ mỗi ngày : “Tôi sẽ suy gẫm về giềng mối Chúa, Chăm xem đường lối của Chúa. Tôi ưa thích luật lệ Chúa, Sẽ chẳng quên lời của Chúa.” (Thi-thiên 119:15-16). Chúng ta được tự do hầu việc Đức Chúa Trời, “được thông công trong sự tấn tới của đạo Tin Lành” (Phi-líp 1:5), nên Thánh Phao-lô khuyên : “Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.” (I Cô-rinh-tô 15:58), “vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài” (Hê-bơ-rơ 12:28). Đối với anh chị em trong đại gia đình của Chúa, chúng ta được tự do giúp đỡ lẫn nhau, hay “Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau” (Ga-la-ti 6:2). Chúng ta còn nhiều tự do khác nữa.

Thua quý anh chị con cái Chúa,

Hãy xử dụng quyền tự do bằng hành động tự do trong Chúa. Tiếc rằng trong Hội Thánh Chúa còn nhiều người Cơ-đốc có tự do mà không xử dụng quyền tự do. Họ như La-xa-rơ được Chúa kêu sống lại, bước ra khỏi mộ, “chân tay buộc bằng vải liệm và mặt thì phủ khăn” (Giăng 11:44). Họ lúng túng trên linh trình bởi những điều vương vấn với đòi hỏi vật chất về cái ăn, cái mặc, tiện nghi nơi mình cư ngụ, cái thú vui vật chất lẫn tinh thần, với những thói hư tật xấu như nói dối,căm giận, trộm cắp, lời dữ, mắng nhiếc, gian dâm, ô uế, tham lam, lời tục tỉu, diễu cợt, giả ngộ tầm phào, thờ hình tượng v.v. (Ê-phê-sô 4:25-31; 5:3-5; Cô-lô-se 3:5-8)  mà chúng như sợi dây (vải liệm) buộc chân tay họ, mắt họ bị kim tiền như cái khăn che kín, nên họ thiếu tự do hành động. Chúa Jêsus phán : “Hãy mở cho người, và để người  quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (Hê-bơ-rơ 12:1).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta chỉ có thể tự do hành động thực sự khi chúng ta bằng lòng dứt bỏ mọi “tội lỗi dễ vấn vương”. Đừng quá chú ý đến những ham muốn vật chất, vương vấn với những thói hư tật xấu mà luật pháp thế gian không cấm hay luật pháp thế gian cấm mà có kẽ hở, nhưng chắc chắn chúng là tội lỗi tâm linh. Là con cái Chúa, tiếc gì những thứ trên, mà chúng như “mớ vải liệm” có mùi tử khí trên người chúng ta. Hãy vứt bỏ chúng để có tự do hành động hướng thượng trong Chúa.